Người Bạn Bác Sĩ

Người Bạn Bác Sĩ


NBBS Số 16 - Phỏng Vấn Chăm Sóc Răng Miệng cho Trẻ Em

September 10, 2023

NBBS: Xin hân hoan gửi lời chào đến quý khán giả của Người Bạn Bác Sĩ. Tôi hy vọng quý vị đã theo dõi chương trình vừa qua của chúng tôi. Tôi là BS Mai Anh Đoàn. Hôm nay, tôi rất lấy làm hân hạnh được chào đón bác sĩ nha khoa Henry Minh Phan đến để chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe răng miệng cho cả người lớn và trẻ em. BS Minh sinh ra tại Nha Trang và lớn lên tại Đà Lạt. Bác sĩ tới định cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ vào năm 1986. Bác sĩ tốt nghiệp cử nhân kỹ sư điện tại đại học George Washington tại Washington D.C., Hoa Kỳ vào năm 1991 và bằng bác sĩ nha khoa tại đại học New York University tại tiểu bang New York, Hoa Kỳ vào năm 1998. Bác sĩ có văn phòng nha khoa tại tiểu bang Arizona từ năm 1998. Bác sĩ lập gia đình và có ba người con, hai trai và một gái. Bác sĩ hay thích làm văn thơ, nghiên cứu gia phả, vườn tược, leo núi, và làm công việc thiện nguyện. Xin kính chào BS Minh và xin mời bác sĩ gửi lời chào đến quý khán giả của chúng ta. 

BS Minh Phan: Xin cảm ơn BS Mai Anh Đoàn đã tổ chức một cuộc họp mặt hôm nay để Henry có thể trình bày những gì mà khán giả muốn biết và xin cảm ơn các khán thính giả đã theo dõi chương trình Người Bạn Bác Sĩ. Henry không biết nhiều về chương trình này. Nhưng Henry biết BS Lewis Hassell và Hassell có nói với Henry về chương trình này. Nên, Henry đã đồng ý tham gia. Cảm ơn chị và xin kính chào quý khán giả. 

NBBS: Xin cảm ơn BS Minh rất nhiều. Tôi biết là BS Minh sau một ngày làm việc mệt nhọc mà còn bỏ thì giờ ra để đến nói chuyện với chúng ta. Nên tôi cũng muốn bắt đầu ngay vào cuộc phỏng vấn để bác sĩ có thì giờ để nghỉ ngơi. Thưa bác sĩ, trước tiên, có người cho rằng sức khỏe răng miệng thì phải bắt đầu từ thời thơ ấu. Vậy, bác sĩ có đồng ý với ý kiến này không? Và những điều gì quan trọng mà các bậc phụ huynh cần phải lưu ý để hướng dẫn con trẻ cách chăm sóc răng miệng tốt nhất? 

BS Minh Phan: Như chị nói, chăm sóc sức khỏe răng miệng nên bắt đầu từ thời thơ ấu thì rất là đúng. Bởi vì theo kinh nghiệm của Henry, thấy nhiều người không lo cho con trẻ lúc thời thơ ấu thì sâu răng rất sớm, 4-6 tuổi là đã sâu răng. Điều quan trọng là mình phải hướng dẫn cho con cái và cả cha mẹ về vấn đề chăm sóc răng miệng. Từ trước lúc khi răng mọc ra thì đã bắt đầu biết cách rồi. Điều này rất quan trọng. Cha mẹ nên biết về cách giáo dục chăm sóc sức khoẻ răng miệng ngay cả trước khi có con.  

NBBS: Như vậy là ngay cả khi lúc mang thai, người mẹ cũng phải chăm sóc răng miệng của mình? 

BS Minh Phan: Ít nhất là mình phải biết lúc nào con mình có răng để biết chăm sóc làm sao. Nếu quên thì giai đoạn sau sẽ rất là khó khăn. 

NBBS: Vậy thì khi nào cha mẹ nên bắt  đầu dạy cho con cái việc đánh răng, thưa bác sĩ? 

BS Minh Phan: Có nhiều giai đoạn. Lúc sinh ra và bắt đầu mọc răng khoảng 4-6 tháng tuổi, lúc đó cháu nó chưa biết gì, mình cũng phải tập cho cháu. Mình cầm bàn chải đánh răng thì khen cháu, “giỏi quá, giỏi quá.” Mặc dù, cháu chưa biết nói, nhưng điều đó sẽ vô tâm thức của trẻ. Nhưng đúng ra là dạy cho cháu biết đánh răng là lúc 2 tuổi. Từ 6 tháng đến 2 tuổi, cha mẹ đánh răng cho con. Từ 2 tuổi thì trẻ biết ý thức. 

NBBS: Vậy, khi nào cần phải dẫn em bé đi khám răng lần đầu tiên, thưa bác sĩ? Và nếu mà lúc đó, tất cả đều tốt, thì bao nhiêu lâu nên trở lại tái khám vậy bác sĩ? 

BS Minh Phan: Thường thường 1 tuổi là nên bắt đầu đi nha sĩ. Thứ nhất, cha mẹ phải đến nha sĩ để được hướng dẫn về cách chăm sóc răng cho con của mình. Lúc còn là răng sữa thì phải chăm sóc làm sao, đánh răng làm sao. Về dinh dưỡng, là ăn uống thứ gì? Ví dụ, cháu uống sữa mẹ hay là uống sữa bình. Những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến răng. Thành ra, việc đến nha sĩ lúc 5 tuổi là rất cần thiết để mình hiểu các hướng dẫn từ người nha sĩ cho con trẻ. 

NBBS: Về mặt phòng ngừa, việc giúp tránh sâu răng cho răng sữa có quan trọng hay không? Và làm thế nào có thể thực hiện điều này tốt nhất? Việc bọc răng sữa thì khi cân nhắc giữa chi phí và lợi ích thì có đáng không bác sĩ?