Người Bạn Bác Sĩ
NBBS Số 6 - Phỏng Vấn Về HIV
NBBS: Chào mừng các bạn đến với Podcast NBBS. Tôi là Bác sĩ (BS) Ngọc Trần. Trong podcast ngày hôm nay, chúng ta sẽ gặp gỡ BS Lê Kim Khánh, BS chuyên khoa 2 Nội thần kinh. BS Khánh hiện là phó khoa Nội thần kinh tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Xin chào BS Khánh và rất hân hạnh được trò chuyện với BS về chủ đề tai biến mạch máu não ngày hôm nay. Và podcast NBBS cám ơn BS đã nhận lời tham gia chia sẻ về căn bệnh phổ biến thường gặp hiện nay tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới.
BS Khánh: Xin chào em và xin chào các thính giả
NBBS: Chúng ta có thể bắt đầu bằng câu hỏi mà nhiều thính giả có lẽ rất muốn biết. Đó là tai biến mạch máu não là gì?
BS Khánh: Tai biến mạch máu não (TBMMN) còn gọi là đột quỵ. Có nghĩa là có những biến cố về triệu chứng thần kinh xảy ra một cách đột ngột, giống như là bệnh nhân có thể nói đớ, méo miệng, yếu liệt tay chân. Nguyên nhân là do mạch máu não bị tắt nghẽn do cục máu đông, hoặc là mạch máu bị vỡ. Khi mạch máu bị tắt nghẽn do cục máu đông mình gọi là đột quỵ nhồi máu não, hay còn gọi là TBMMN do thiếu máu cục bộ. Còn khi mà mạch máu não bị vỡ còn gọi là đột quỵ xuất huyết, hay gọi là xuất huyết não.
NBBS: Cám ơn bác sĩ đã giải thích về hai loại tai biến mạch máu não. Bác sĩ có thể cho biết về tình trạng số ca tai biến mạch máu não ở Việt Nam hiện nay được không ạ?
BS Khánh: Tình hình TBMMN ở Việt Nam càng lúc càng có rất nhiều bệnh nhân nhập viện, mỗi năm số càng tăng. Có thể là do nhận thức về y tế của người dân ngày nay đã tốt, nên bệnh nhân tới bệnh viện nhiều hơn và sớm hơn. Theo thống kê ở Việt Nam năm 2019, mỗi năm có khoảng 200.000 ca mới mắc, có khoản 90% trong số đó chịu những di chứng từ nhẹ đến nặng nề, gây những gánh nặng cho xã hội cũng như là cho gia đình. Trong tổng số về TBMMN, có khoảng 85% bệnh nhân sẽ bị loại nhồi máu não, 15% là xuất huyết não.
NBBS: Như vậy là tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ là loại tai biến thường gặp hơn với tần suất gấp 4 lần số ca xuất huyết não. Bác sĩ có thể cho biết những người nào có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não? Và những yếu tố nguy cơ này có khác biệt giữa tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ và tai biến mạch máu não do xuất huyết não được không ạ?
BS Khánh: Đối với nhồi máu não là TBMMN do thiếu máu cục bộ thì các yếu tố nguy cơ rất là nhiều, mình tạm chia làm hai loại, đó là các yếu tố nguy cơ không thể tác động được hay còn gọi là cơ địa bệnh nhân, thì sẽ gặp ở bệnh nhân trên 45 tuổi, nam nhiều hơn nữ, chủng tộc, và có tính gia đình. Ví dụ như trong gia đình có cha, mẹ, hoặc ông bà mà bị đột quỵ tai biến thì nguy cơ người con sẽ cao hơn. Các yếu tố khác có thể tác động được, ví dụ như bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim. Bệnh tim thì có rung nhĩ, là một dạng tim đập không đều, hoặc là các bệnh van tim. Ngoài ra còn có rối loạn lipid máu, những bệnh nhân mà hút thuốc lá, béo phì, các bệnh lí gây tăng đông máu khác. Các yếu tố nguy cơ nhồi máu não rất là nhiều, và hầu như hoàn toàn khác với xuất huyết não. Ở xuất huyết não có một yếu tố nguy cơ chính, đó là cao huyết áp. Ngoài ra cao huyết áp có những cái khác ví dụ như bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não như là phình động mạch, hoặc dạng dị dạng khác là dị dạng động tĩnh mạch, hoặc là những bệnh mạch máu não thoái hóa dạng bột. Thì đây là những bệnh lý về mạch máu ở trong não gây xuất huyết não.
NBBS: Cám ơn bác sĩ đã chia sẻ một cách chi tiết về các yếu tố nguy cơ của cả hai loại tai biến mạch máu não. Trong đó xuất huyết não dường như liên quan đến các bệnh lý về cấu trúc mạch máu não, còn nhồi máu não hay tai biến do thiếu máu cục bộ thì liên quan bởi nhiều yếu tố về cơ địa, lối sống, và các bệnh về chuyển hoá, và các bệnh nền khác. Chúng ta có thể bàn luận thêm về bệnh phình mạch máu não là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết não mà bác sĩ vừa kể để thính giả có thể hiểu thêm về bệnh hiếm gặp này được không Bác sĩ?
BS Khánh: Phình mạch não là một dạng dị dạng mạch máu não.