Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 255 – Liahona tháng 9, 2015 – Gia Đình và Sự Cầu Nguyện – Henry B. Eyring

May 09, 2023

Bài của Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô



Có một lần, khi tôi ngồi cạnh giường của cha tôi trong suốt một đêm, ông đã kể chuyện về tuổi thơ của ông. Ông nói về tình yêu thương của cha mẹ ông trong những thời điểm khó khăn và về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi. Tôi đã biết rằng ông đang chết vì căn bệnh ung thư, vì thế câu chuyện của ông đã không làm tôi ngạc nhiên khi có những lúc ông lẫn lộn cảm xúc của mình giữa Cha Thiên Thượng với tình yêu thương và nhân từ của người cha trần thế của ông. Cha tôi đã thường nói rằng khi ông cầu nguyện, ông nghĩ ông có thể trông thấy được trong tâm trí của mình nụ cười của Cha Thiên Thượng.



Cha mẹ ông đã dạy ông cầu nguyện bằng tấm gương thể như ông nói chuyện với Thượng Đế và Ngài sẽ trả lời cho ông trong tình yêu thương. Ông đã cần tấm gương đó cho đến lúc cuối cùng. Khi cơn đau trở nên dữ dội, chúng tôi thấy ông vào buổi sáng đang quỳ bên cạnh giường. Ông đã trở nên quá yếu để lên giường nằm lại. Ông nói với chúng tôi rằng ông đang cầu nguyện để hỏi Cha Thiên Thượng tại sao ông lại phải chịu đựng quá nhiều như vậy khi mà ông đã luôn cố gắng là người tốt. Ông nói rằng đã có một câu trả lời nhân từ đến với ông: “Thượng Đế cần những người con dũng cảm.”



Và vì thế ông đã kiên cường đến giờ phút cuối cùng, và tin tưởng rằng Thượng Đế yêu thương ông, lắng nghe ông, và sẽ nâng ông lên cao. Ông đã được ban phước để biết được từ lúc ban đầu và không bao giờ quên được rằng một Thượng Đế nhân từ cũng gần gũi như một lời cầu nguyện vậy.



Đó là lý do tại sao Chúa dạy các bậc cha mẹ rằng “Và họ cũng phải dạy con cái mình biết cầu nguyện, và bước đi ngay thẳng trước mặt Chúa” (GLGƯ 68:28).



Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi—với Sách Mặc Môn và tất cả các chìa khóa của chức tư tế có thể ràng buộc các gia đình—nhờ cậu thiếu niên Joseph Smith đã cầu nguyện trong đức tin. Ông đã có được đức tin đó trong một gia đình yêu thương và trung tín.



Cách đây 20 năm, Chúa đã ban cho các gia đình lời khuyên dạy này trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn Cùng Thế Giới” từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ rằng “Các cuộc hôn nhân và các gia đình thành công được thiết lập và duy trì trên các nguyên tắc của đức tin, cầu nguyện, hối cải, tha thứ, kính trọng, yêu thương, thương xót, việc làm và những sinh hoạt giải trí lành mạnh.”1



Chúng ta mang một món nợ lớn về lòng biết ơn đối với gia đình của Vị Tiên Tri Joseph Smith về sự dạy dỗ ông. Gia đình ông đã không chỉ đã nêu gương về đức tin và sự cầu nguyện mà còn về sự hối cải, tha thứ, kính trọng, yêu thương, lòng trắc ẩn, việc làm và những sinh hoạt giải trí lành mạnh.



Những thế hệ sau của các anh chị em có thể được ban phước qua tấm gương cầu nguyện trong gia đình mình. Các anh chị em có thể không nuôi dưỡng được một tôi tớ tuyệt vời của Thượng Đế, nhưng các anh chị em có thể giúp Chúa Giê Su Ky Tô nuôi nấng những môn đồ tốt và yêu thương Ngài qua những lời cầu nguyện và tấm gương trung tín.



Trong tất cả mọi điều mà các anh chị em có thể lựa chọn để giúp đỡ Chúa, thì sự cầu nguyện sẽ là điều cốt lõi. Sẽ có những người nhìn trông bình thường, nhưng khi họ cầu nguyện, thì lại soi dẫn mở mắt cho những người khác để thấy được đó là ai. Các anh chị em có thể trở thành một người như vậy.



Hãy suy nghĩ về điều gì có ý nghĩa cho những ai cùng quỳ gối cầu nguyện với các anh chị em trong gia đình. Khi họ cảm thấy rằng các anh chị em ngỏ lời với Thượng Đế bằng đức tin, thì đức tin của họ sẽ gia tăng để cũng sẵn sàng ngỏ lời với Thượng Đế. Khi các anh chị em cầu nguyện để cảm ơn Thượng Đế về những phước lành mà họ biết đã xảy đến, thì đức tin của họ sẽ gia tăng rằng Thượng Đế yêu thương họ và Ngài sẽ trả lời những lời cầu nguyện của các anh chị em và cũng sẽ trả lời những lời cầu nguyện của họ. Điều đó chỉ có thể xảy ra trong sự cầu nguyện của gia đình khi các anh chị em có được kinh nghiệm như vậy qua những lời cầu nguyện riêng tư, hết lần này đến lần khác.



Tôi vẫn đang được ban phước bởi một người cha và người mẹ là những người đã ngỏ lời với Thượng Đế. Tấm gương của họ về quyền năng của lời cầu nguyện trong gia đình vẫn còn đang ban phước cho những thế hệ đến sau họ.



Những đứa con và những đứa cháu của tôi được ban phước mỗi ngày nhờ vào tấm gương của cha mẹ tôi. Đức tin rằng một Thượng Đế yêu thương sẽ lắng nghe và trả lời cho những lời cầu nguyện đã đến với chúng. Các anh chị em có thể tạo ra được một di sản giống như vậy trong gia đình của mình. Tôi cầu nguyện rằng các anh chị em sẽ được như vậy.






The post Podcast số 255 – Liahona tháng 9, 2015 – Gia Đình và Sự Cầu Nguyện – Henry B. Eyring appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.