Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 238 – Liahona tháng 1, 2023 – Chuẩn Bị Đất Thuộc Linh của Anh Chị Em – Milton Camargo
Bài của Anh Milton Camargo
Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Trường Chủ Nhật của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Chuyện ngụ ngôn về người gieo giống có thể giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để học Kinh Tân Ước trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta năm nay.
Một trong những câu chuyện ngụ ngôn ưa thích của tôi trong Kinh Tân Ước là chuyện ngụ ngôn về người gieo giống trong Ma Thi Ơ 13:3–23 (xin xem thêm Mác 4:3–20; Lu Ca 8:5–15). Trong câu chuyện ngụ ngôn này, những cách người ta tiếp nhận phúc âm (hạt giống) được so sánh với các loại đất khác nhau. Chúng ta biết được rằng mỗi loại đất đều có một đặc tính quan trọng, dù tốt hay xấu.
Chúng ta thường đọc câu chuyện ngụ ngôn này và nghĩ rằng nó mô tả sự sẵn lòng của mọi người để chấp nhận và sống theo phúc âm. Mặc dù điều này đúng, nhưng tôi nghĩ câu chuyện ngụ ngôn này cũng có thể mô tả sự tiến triển cá nhân của chúng ta khi chúng ta phát triển trong đức tin và sự hiểu biết phúc âm. Nói cách khác, chúng ta không dừng lại ở mãi một kiểu hoặc mức độ nào đó của niềm tin. Với đức tin và nỗ lực, chúng ta có thể cải thiện đất thuộc linh của mình để nó sinh trái tốt hơn.
Tôi muốn cùng anh chị em xem xét ý tưởng này vì nó đã giúp tôi hiểu câu chuyện ngụ ngôn này một cách sâu sắc hơn. Tôi tin rằng khi chúng ta chuẩn bị cho việc học Kinh Tân Ước trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta cho năm mới này, việc ôn lại câu chuyện ngụ ngôn về người gieo giống có thể giúp chúng ta chuẩn bị tấm lòng mình để tiếp nhận lẽ thật phúc âm.
Tiếp Nhận Hạt Giống Phúc Âm
Trong câu chuyện ngụ ngôn, chúng ta biết được rằng khi một người đi gieo hạt giống:
- Một số hạt rơi dọc đường, và chim ăn chúng.
- Một số hạt rơi nhằm chỗ đất sỏi đá. Chúng nẩy mầm nhưng bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt.
- Một số rơi nhằm bụi gai, bụi gai làm chúng nghẹt ngòi.
- Một số rơi vào chỗ đất tốt và sinh trái.
Chúa giải thích:
“Khi người nào nghe đạo nước thiên đàng, mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng mình. Ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đàng.
“Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy;
“Song trong lòng không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp sự cực khổ, sự bắt bớ, thì liền vấp phạm.
“Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm và của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết quả.
“Song, kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu; người ấy được kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục” (Ma Thi Ơ 13:19–23; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Chúng ta hãy xem xét từng loại đất và xem có thể làm gì để cải thiện nó.
Đất Ven Đường
Chủ Tịch Dallin H. Oaks, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói: “Những hạt giống bị ‘rơi dọc đường’ (Mác 4:4) đã không rơi xuống được đất là nơi chúng có thể phát triển được. Chúng giống như những giáo lý rơi vào một tấm lòng chai đá hay không sẵn sàng.”1
Ngoài ra, đôi khi chúng ta không hiểu điều chúng ta nghe hoặc đọc trong thánh thư vì lòng chúng ta không sẵn sàng. Khi rơi vào trường hợp đó, chúng ta nên làm gì?
Chúng ta có thể tìm kiếm một lời giải thích từ những người thật sự hiểu. Chúng ta có thể hỏi những người truyền giáo, giảng viên Trường Chủ Nhật, người lãnh đạo chức tư tế hoặc tổ chức, giảng viên lớp giáo lý hoặc viện giáo lý của mình, những người phục sự chúng ta, hoặc các bậc cha mẹ và những người trung tín trong gia đình mình. Chúng ta có thể nghiên cứu các bài nói chuyện trong đại hội trung ương. Ứng dụng Thư Viện Phúc Âm cung cấp vô số tài liệu mà có thể giúp chúng ta tìm kiếm thêm sự hiểu biết.
Chúng ta cũng nên cầu nguyện và cầu xin Thượng Đế ban thêm sự sáng. Nếu tấm lòng của chúng ta chân thành, chủ ý của chúng ta là thật sự, và chúng ta có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì chúng ta sẽ nhận được sự hiểu biết về các lẽ thật của phúc âm (xin xem Mô Rô Ni 10:4–5). Chúa phán:
“Hãy cầu xin, rồi điều ấy sẽ được ban cho các ngươi; hãy tìm kiếm, rồi các ngươi sẽ gặp; hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở cho các ngươi.
“Vì bất cứ ai xin thì sẽ được; ai tìm thì sẽ gặp; và ai gõ cửa thì sẽ được mở cho” (3 Nê Phi 14:7–8).
Chỗ Đất Sỏi Đá
Một số người nghe phúc âm phục hồi qua những người truyền giáo, cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Ky Tô, tham dự và thích các buổi họp Giáo Hội. Tuy nhiên, theo thời gian, những khó khăn trong cuộc sống vẫn tiếp diễn. Họ thấy rằng cuộc sống chẳng được biến đổi thành dòng suối của các phước lành bất tận. Đức tin của họ giảm dần và họ rời xa Giáo Hội.
Một số người cũng thấy “chỗ đất sỏi đá” khi họ tham dự một buổi họp hoặc một đại hội và cảm thấy được soi dẫn để làm tất cả mọi điều ngay từ giây phút đó. Nhưng rồi vào ngày thứ Hai, họ phải quay về với trách nhiệm thường nhật của mình. Những thử thách trong công việc vẫn chồng chất. Những cám dỗ thì dường như quá đỗi hấp dẫn. Và rồi ước muốn để cải thiện phần thuộc linh của họ giảm dần hoặc tan biến.
Họ học hỏi theo cách gian truân, mà khi không có rễ thuộc linh bén sâu để giữ mình trong gió, cung cấp thức dinh dưỡng, hoặc làm cho tươi tỉnh khi ánh mặt trời thiêu đốt, thì chúng ta có thể bị diệt vong về phần thuộc linh.
Chúng ta có thể cải thiện đất sỏi đá như thế nào? Hãy loại bỏ sỏi đá và để rễ thuộc linh chúng ta bén sâu hơn.
Việc loại bỏ sỏi đá có thể là một thử thách. Điều đó có thể đòi hỏi phải tạo ra một môi trường nơi mà đức tin được khuyến khích. Nó có thể đòi hỏi phải tạo dựng tình bạn mới và tránh sự xuất hiện của điều xấu xa (xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:22).
Để có sức mạnh loại bỏ sỏi đá, chúng ta cần có sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi. Điều đó diễn ra khi chúng ta chấp nhận các giao ước mà Ngài ban cho. Việc này bắt đầu bằng cách chấp nhận lời mời để chịu phép báp têm. Việc này có nghĩa là được làm lễ xác nhận và nhận được ân tứ Đức Thánh Linh. Việc này có nghĩa là chấp nhận bất kỳ giao ước nào mà chúng ta còn thiếu, chẳng hạn như tiếp nhận chức tư tế hoặc đi đền thờ. Điều đó có nghĩa là tham dự nhà thờ và tái lập các giao ước bằng cách dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần.
Khi những thử thách và cám dỗ đến, chúng ta có thể bám chặt vào các giao ước mà chúng ta đã lập với Chúa. Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói: “Chúng ta được ràng buộc một cách an toàn với Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta trung tín ghi nhớ và cố gắng hết sức sống theo các bổn phận mà mình đã chấp nhận”. “Và mối liên kết đó với Ngài là nguồn sức mạnh thuộc linh trong mỗi thời kỳ của cuộc sống chúng ta.”2
Đất giữa Bụi Gai
Đất này cho phép cây cối phát triển, kể cả bụi gai. Gai góc là “sự lo lắng, giàu sang, và sung sướng đời nầy” mà có thể làm cho chúng ta “không sanh trái nào được chín” (Lu Ca 8:14).
Điều gì xảy ra khi chúng ta chấp nhận các giao ước nhưng không còn đi trên con đường giao ước nữa? Hoặc chúng ta dự phần Tiệc Thánh nhưng không cầu xin sự tha thứ, vì thậm chí chúng ta còn không nghĩ đến những lỗi lầm của mình nữa. Hoặc chúng ta có thể cầu xin sự tha thứ nhưng lại từ chối tha thứ cho người khác. Chúng ta chấp nhận các giao ước đền thờ nhưng không phục sự những người hoạn nạn. Chúng ta phớt lờ những cơ hội để chia sẻ phúc âm vì chúng ta sợ rằng phúc âm có thể dường như không phù hợp hoặc xấu hổ, hoặc vì chúng ta không còn biết phải nói gì nữa.
Giải pháp là hãy sống theo giao ước chúng ta đã lập khi chịu phép báp têm, “sẵn sàng than khóc với những ai than khóc; … [để] an ủi những ai cần được an ủi và đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà [chúng ta] hiện diện, cho đến khi chết” (Mô Si A 18:9).
Chúng ta loại bỏ cỏ lùng khi chúng ta hối cải mỗi ngày, thực hiện những điều chỉnh lớn nhỏ, và trở lại con đường giao ước thẳng và hẹp.
Chúng ta không để cỏ lùng trong cuộc sống bóp nghẹt chúng ta. Chúng ta hãy làm điều này bằng cách biến mái nhà của mình trở thành những nơi trú ẩn của đức tin. Chúng ta tìm kiếm bất cứ điều gì mời ảnh hưởng của Thánh Linh. Chúng ta loại bỏ những gì làm Thánh Linh rút lui. Và chúng ta phục vụ trong vương quốc của Thượng Đế—trong những sự kêu gọi của mình, trong đền thờ, trong công việc truyền giáo, trong gia đình chúng ta.
Đất Tốt
Có nhiều người nghe phúc âm, hiểu lời đó, và để cho lời ấy phát triển trong lòng họ. Chúa phán cùng họ: “Ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn” (Giăng 15:16). Với những người như vậy, câu trả lời là hãy tiến bước với đức tin và kiên trì trong những việc làm tốt lành.
Chủ Tịch Oaks đã hỏi: “Chúng ta làm gì với những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi trong khi chúng ta sống cuộc sống của mình?”3 Năm nay, khi chúng ta chuẩn bị học Kinh Tân Ước, cầu xin cho chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi và cải thiện đất thuộc linh của mình để chúng ta có thể tiếp nhận phúc âm. Sau đó, chúng ta có thể mang lại trái tốt mà Ngài đòi hỏi nơi chúng ta bằng cách chấp nhận và tái lập các giao ước ràng buộc chúng ta với Ngài, bằng cách phục vụ Thượng Đế và yêu thương người lân cận của mình, và bằng cách tiến triển theo con đường giao ước mà một ngày nào đó sẽ mang chúng ta trở về ngôi nhà thiên thượng của mình.
The post Podcast số 238 – Liahona tháng 1, 2023 – Chuẩn Bị Đất Thuộc Linh của Anh Chị Em – Milton Camargo appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.