Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 241 – Liahona tháng 10, 2013 – Trách Nhiệm của Chúng Ta để Giải Cứu – Thomas S. Monson (1927-2018)
Bài của cựu Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927-2018) của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau, nhu cầu để giải cứu các anh chị em chúng ta là những người không còn tích cực trong Giáo Hội nữa vì lý do này hoặc lý do khác, đều có ý nghĩa vĩnh cửu. Chúng ta có biết những người như vậy đã từng chấp nhận phúc âm không? Nếu có thì trách nhiệm của chúng ta để giải cứu họ là gì?
Hãy suy nghĩ về những người bị lạc lối trong số những người già cả, góa bụa, và bệnh hoạn. Thường thường họ được tìm thấy trong vùng hoang dã khô nẻ và tiêu điều của cảnh vắng vẻ được gọi là nỗi cô đơn. Khi tuổi trẻ ra đi, khi sức khỏe suy giảm, khi sinh lực suy yếu, khi ánh sáng của tia hy vọng trở nên lu mờ, thì những người này có thể được các bàn tay giúp đỡ và tấm lòng biết trắc ẩn hỗ trợ.
Dĩ nhiên, có những người khác cũng cần được giải cứu. Một số người vật lộn với tội lỗi trong khi những người khác lang thang trong nỗi sợ hãi hay bị thờ ơ hoặc không được ai biết đến. Vì bất cứ lý do nào, thì họ đã tự cô lập khỏi sinh hoạt tích cực trong Giáo Hội. Và họ gần như chắc chắn sẽ vẫn còn bị lạc lối trừ khi chúng ta—các tín hữu tích cực của Giáo Hội— được đánh thức bởi một ước muốn để đi giải cứu.
Một Người Nào Đó để Chỉ Lối
Cách đây đã lâu, tôi nhận được bức thư của một người đã lầm đường lạc lối khỏi Giáo Hội. Điều này cũng tiêu biểu cho rất nhiều tín hữu của chúng ta. Sau khi mô tả làm thế nào mình đã trở nên kém tích cực, anh ta viết:
“Tôi đã có quá nhiều và giờ đây chỉ còn lại rất ít. Tôi rất khổ sở và cảm thấy như tôi đang thất bại trong mọi việc. Phúc âm không bao giờ rời khỏi tâm hồn tôi, mặc dù đã rời khỏi cuộc sống của tôi. Tôi xin chủ tịch cầu nguyện cho tôi.
“Xin đừng quên những người như chúng tôi đang ở bên ngoài đây—những Thánh Hữu Ngày Sau đang lạc lối. Tôi biết Giáo Hội ở đâu, nhưng đôi khi tôi nghĩ tôi cần một người nào đó chỉ lối cho tôi, khuyến khích tôi, trấn an tôi, và làm chứng cho tôi.”
Trong khi đọc bức thư này, tôi đã nhớ lại lần đi tham quan một trong những phòng triển lãm mỹ thuật lớn trên thế giới—Viện Bảo Tàng Victoria và Albert Ở London, Anh Quốc. Nơi đó có trưng bày một bức tranh kiệt tác do Joseph Mallord William Turner họa vào năm 1831. Bức tranh mô tả những đám mây đen vần vũ và biển dậy sóng, báo hiệu hiểm nguy và chết chóc. Một ánh đèn lóe lên từ con thuyền mắc cạn ở nơi xa. Cận cảnh là một chiếc tàu cấp cứu lớn đang bị tung lên cao bởi những ngọn sóng đầy bọt nước tràn đến. Những người đàn ông cố gắng chèo chống con tàu cứu đắm đang lao vào cơn bão biển. Một người vợ với hai đứa trẻ thơ đứng trên bờ biển, ướt đẫm nước mưa trong khi gió quật mạnh vào người. Họ lo âu nhìn về phía biển. Tên của bức tranh đó hiện ra trong ý nghĩ tôi. Đối với tôi, bức tranh đó có tên là Đến Cứu Giúp.1
Mối hiểm nguy ẩn núp giữa những cơn bão tố của cuộc đời. Con người, nam nữ, trai gái, đều thấy mình bị mắc cạn và đối diện với cảnh hủy diệt. Ai sẽ là người ở trên chiếc tàu cứu đắm, bỏ lại sau lưng những tiện nghi của mái ấm gia đình và đi giải cứu?
Nhiệm vụ của chúng ta không phải là không thể thực hiện được. Chúng ta làm công việc của Chúa; chúng ta có quyền được Ngài giúp đỡ.
Trong thời gian giáo vụ của Đấng Thầy, Ngài đã kêu gọi những người đánh cá ở Ga Li Lê bỏ lưới của họ để đi theo Ngài, Ngài phán: “Ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người.”2 Cầu xin cho chúng ta sẽ gia nhập hàng ngũ của những người đánh lưới người, để chúng ta có thể cung ứng bất cứ sự giúp đỡ nào mình có thể cung ứng được.
Bổn phận của chúng ta là tìm đến giải cứu những người đã rời bỏ nơi chốn an toàn của sự tích cực, để họ có thể được mang trở lại với Chúa và nuôi dưỡng lời nói của Ngài, để vui hưởng sự đồng hành của Thánh Linh Ngài, và “chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.”3
Nguyên Tắc của Tình Yêu
Tôi đã thấy rằng hai lý do cơ bản phần lớn giải thích cho việc trở lại hoạt động và thay đổi thái độ, thói quen và hành động. Trước hết, người ta trở lại vì có người nào đó đã cho họ thấy khả năng vĩnh cửu của họ và đã giúp họ quyết định để đạt được các khả năng này. Người kém tích cực không hài lòng lâu với điều tầm thường một khi họ nhận thấy rằng sự xuất sắc nằm trong tầm tay với của họ.
Thứ hai, những người khác trở lại vì những người thân yêu hoặc “người đồng quốc với các thánh đồ” đã tuân theo lời khuyên của Đấng Cứu Thế, đã yêu thương người lân cận như bản thân mình,4 và đã giúp những người khác mang ước mơ của họ thành sự thật và những khát vọng của họ thành hiện thực.
Động lực trong tiến trình này đã—và sẽ tiếp tục là—nguyên tắc của tình yêu thương.
Trong một ý nghĩa rất thực tế, những người bị mắc cạn vì bão biển sóng gió vùi dập trong bức tranh của Turner cũng giống như nhiều tín hữu kém tích cực của chúng ta đang chờ đợi những người lái tàu cứu đắm đến giải cứu. Lòng họ khao khát được giúp đỡ. Cha mẹ cầu nguyện cho các con trai và con gái của họ. Những người vợ cầu nguyện cho chồng của họ có thể được những người khác tìm đến giúp đỡ. Đôi khi con cái cầu nguyện cho cha mẹ.
Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể có được một ước muốn để giải cứu những người kém tích cực và mang họ trở lại với niềm vui của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, để họ có thể cùng với chúng ta dự phần vào tất cả những gì tình bằng hữu có thể đem lại.
Cầu xin cho chúng ta tìm đến giải cứu những người lạc lối ở xung quanh: người già cả, góa bụa, bệnh hoạn, những người tật nguyền, kém tích cực, và những người không tuân giữ các lệnh truyền. Cầu xin cho chúng ta đưa ra cho họ bàn tay giúp đỡ và tấm lòng biết trắc ẩn. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ mang niềm vui vào lòng họ, và chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng mãn nguyện khi chúng ta giúp người khác dọc trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.
The post Podcast số 241 – Liahona tháng 10, 2013 – Trách Nhiệm của Chúng Ta để Giải Cứu – Thomas S. Monson (1927-2018) appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.