Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 219 – Liahona tháng 7, 2022 – Một Công Cụ Trong Tay của Chúa – Ciro Schmeil
Bài của Anh Cả Ciro Schmeil thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Việc trở thành một công cụ trong tay Chúa thực sự khá dễ dàng. Chúng ta chỉ cần sẵn lòng để cho Thánh Linh hướng dẫn và có can đảm để tuân theo những thúc giục của Ngài. Đó là trường hợp mà cha mẹ vợ tôi gia nhập Giáo Hội vào năm 1968. Một người truyền giáo trẻ tuổi muốn trở thành một công cụ trong tay Chúa đã giúp mang gia đình họ đến với Giáo Hội.
Cha mẹ vợ của tôi đã gặp những người truyền giáo một lần, nhưng sau đó, cha vợ của tôi không muốn tiếp tục. Sau đó, một người truyền giáo mới, Anh Cả Fetzer, được chuyển đến khu vực này, và người truyền giáo trẻ tuổi này cùng người bạn đồng hành của anh ấy đã cảm thấy được thúc giục phải đến thăm và phục sự gia đình này. Anh Cả Fetzer đã có thể làm cảm động lòng của những người trong gia đình theo cách mà những người truyền giáo khác đã không làm được.
Trong sáu tháng tiếp theo, những người truyền giáo đã phục sự các nhu cầu của gia đình này. Cuối cùng, cha mẹ vợ của tôi đã được Thánh Linh làm cảm động và gia nhập Giáo Hội. Họ đã nhận được những phước lành khi chúng tôi lập và tuân giữ các giao ước. Qua họ, thêm nhiều gia đình nữa đã gia nhập Giáo Hội và nhận được các phước lành của phúc âm.
Điều này xảy ra một phần là nhờ vào một thanh niên đến từ Utah đã sẵn lòng “để cho Thượng Đế ngự trị” trong cuộc sống của mình. Anh ấy đã có can đảm để bỏ lại tiện nghi của mái ấm gia đình, học một ngôn ngữ mới và phục vụ Chúa ở Brazil.
Một Cuộc Trò Chuyện BìnhThường
Cách đây khoảng một năm, vợ tôi, Alessandra, nhận được một tin nhắn trên điện thoại từ một chị phụ nữ trong tiểu giáo khu nhà của chúng tôi ở Brazil. Đã hơn hai năm kể từ khi họ gặp nhau lần cuối. Chị này viết: “Vào một trong những ngày tồi tệ nhất trong đời, tôi không biết là làm thế nào mình đã đến nhà thờ. Khi tôi đến, chị đã nhìn thấy tôi. Chị đã nắm cánh tay tôi và bảo tôi đến ngồi bên chị. Tôi đã nói chuyện với chị. Chị đã lắng nghe và khuyên bảo tôi.”
Đây dường như là một cuộc trò chuyện bình thường vào lúc ấy. Nhưng hóa ra đó lại là cơ hội để vợ tôi trở thành một công cụ trong tay Chúa. Vợ tôi đã phục sự chị phụ nữ đáng mến mà đang trải qua một thời gian thử thách. Alessandra không thực sự nghĩ về điều đó. Vợ tôi chỉ cảm thấy được thúc giục để lắng nghe và đưa ra lời an ủi cùng hành động theo sự thúc giục. Bây giờ, hơn hai năm sau, vợ tôi nhận được tin nhắn bày tỏ lòng biết ơn này từ chị phụ nữ đó.
Chúng ta không cần một sự kêu gọi để trở thành công cụ trong tay Chúa. Chúng ta chỉ cần có ước muốn.
Qua những sự kiện này, tôi đã biết được rằng chúng ta không cần một sự kêu gọi để trở thành công cụ trong tay Chúa. Chúng ta chỉ cần có ước muốn. “Vậy, nếu các ngươi mong muốn phục vụ Thượng Đế thì các ngươi được kêu gọi để làm công việc của Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 4:3).
“Vì Cớ Cơ Hội Hiện Lúc Này”
Trong Kinh Cựu Ước, chúng ta đọc về một người khác mà đã phục vụ như là một công cụ trong tay của Thượng Đế. Ê Xơ Tê là một thiếu nữ mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Bà được người anh họ Mạc Đô Chê nuôi dưỡng.
Sau khi ly hôn với hoàng hậu Vả Thi, vua A Suê Ru đã chọn Ê Xơ Tê làm hoàng hậu mới. “Vua thương mến Ê Xơ Tê nhiều hơn các cung nữ khác, và nàng được ơn trước mặt vua hơn những người nữ đồng trinh” (Ê Xơ Tê 2:17). Ê Xơ Tê là người Giu Đa nhưng nhà vua không biết điều đó.
Ha Man, một trong số các cận thần của nhà vua, đã được thăng chức được đặt ngôi người trên các quan trưởng ở cung vua (xin xem Ê Xơ Tê 3:1). Và ông ta đã âm mưu “trừ diệt, giết chết và làm cho hư mất hết thảy dân Giu Đa trong một ngày đó, vô luận người già kẻ trẻ, con nhỏ” (Ê Xơ Tê 3:13).
Khi Ê Xơ Tê biết được âm mưu của Ha Man, thì Mạc Đô Chê đã thúc giục Ê Xơ Tê đến nói chuyện với nhà vua. Việc làm như vậy gây ra rủi ro lớn cho cá nhân bà nhưng bà đã thu hết can đảm từ những lời của Mạc Đô Chê. Ông ta nói: ″Song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao?” (Ê Xơ Tê 4:14).
Bà nói: “Nếu tôi phải chết thì tôi chết,” (Ê Xơ Tê 4:16) và đi đến gặp nhà vua mà không được triệu đến. Đây là một tội đáng chết. Nhờ lòng dũng cảm của mình, Ê Xơ Tê đã có thể gây ảnh hưởng đến nhà vua. Vì vậy, nhà vua đã ban hành một chiếu chỉ tha mạng cho dân Giu Đa. Trong chiếu chỉ này, nhà vua “ban phép cho dân Giu Đa ở trong các tỉnh các thành của nước A Suê Ru hiệp lại đặng binh vực sanh mạng mình” (Ê Xơ Tê 8:11).
Mọi Vai Trò Đều Quan Trọng
Ê Xơ Tê sẵn lòng trở thành một công cụ trong tay Chúa. Cuộc sống luôn vâng lời và tận tụy của bà đã chuẩn bị cho bà. Khi nghĩ về việc bà đi vào cung vua mà không được vua triệu đến, tôi kinh ngạc trước lòng can đảm của bà. Điều này nhắc tôi nhớ đến lời mời của Chủ Tịch Russell M. Nelson cho tất cả chúng ta hãy để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của chúng ta.1 Ê Xơ Tê đã sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị.
Mạc Đô Chê, người anh họ của Ê Xơ Tê, cũng là một công cụ trong tay Chúa. Ông ta đã nuôi dạy Ê Xơ Tê nên người. Ông ta đã cho bà sự ủng hộ, lòng can đảm và nguồn cảm ứng. Chúng ta đều có một vai trò và mỗi vai trò đều quan trọng và then chốt như nhau.
Cũng giống như Ngài đã làm với Ê Xơ Tê, Chúa đặt chúng ta vào nơi chúng ta có thể giúp đạt được các mục đích của Ngài. Chúng ta cần phải sẵn sàng và xứng đáng trước những cơ hội mà Ngài ban cho.
Chúa đặt Ê Xơ Tê vào cung vua với một mục đích—để cứu dân Giu Đa. Cũng giống như Ngài đã làm với Ê Xơ Tê, Chúa đặt chúng ta vào nơi chúng ta có thể giúp đạt được các mục đích của Ngài. Vì lý do này, chúng ta cần phải sẵn sàng và xứng đáng khi đứng trước những cơ hội mà Ngài ban cho.
Các Cơ Hội Ở Xung Quanh
Các cơ hội để trở thành một công cụ trong tay Chúa đều ở xung quanh chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là phải sẵn sàng hành động. Thường thì chúng ta không biết những cơ hội đó sẽ tự xuất hiện vào lúc nào hoặc bằng cách nào. Chúng ta cần phải sống xứng đáng với sự đồng hành của Đức Thánh Linh và có tấm lòng thành. Rồi Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta làm những gì Ngài cần chúng ta làm.
Trong Giáo Lý và Giao Ước 35:3, Chúa phán cùng Sidney Rigdon: “Ta đã xem xét ngươi và các việc làm của ngươi. Ta đã nghe lời cầu nguyện của ngươi, và đã chuẩn bị ngươi cho một công việc lớn lao hơn.”
Chúa biết chúng ta và có một công việc cho mỗi chúng ta để làm. Đôi khi đó là một công việc mà chỉ chúng ta mới có thể làm được. Công việc này có thể được làm trong nhà khi cha mẹ giúp đỡ một người con trai hoặc con gái đang gặp khó khăn. Hoặc công việc này có thể nằm trong các trách nhiệm của Giáo Hội chúng ta. Thật ra, công việc này có thể có vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu và với bất kỳ người nào.
Chúa biết chúng ta và có một công việc cho mỗi chúng ta để làm. Đôi khi đó là một công việc mà chỉ chúng ta mới có thể làm được.
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi còn là Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói: “Chúa đã giao cho anh chị em các trách nhiệm vì một lý do. Có lẽ có những người và những tấm lòng mà chỉ có anh chị em mới có thể tác động được một cách tốt lành mà thôi. Có lẽ không một ai khác có thể làm điều đó theo cách tương tự.”2
Chủ Tịch Uchtdorf cũng nói: “Khi chúng ta noi theo tấm gương hoàn hảo [của Đấng Cứu Rỗi], bàn tay chúng ta có thể trở thành bàn tay của Ngài; đôi mắt của chúng ta trở thành đôi mắt của Ngài; tấm lòng của chúng ta trở thành tấm lòng của Ngài.”3
Giống như Ê Xơ Tê, Mạc Đô Chê, Anh Cả Fetzer, vợ tôi và nhiều người khác, chúng ta đều có thể là công cụ trong tay của Chúa.
The post Podcast số 219 – Liahona tháng 7, 2022 – Một Công Cụ Trong Tay của Chúa – Ciro Schmeil appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.