Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 209 – Liahona tháng 10, 2019 – Bảo Vệ Trẻ Em – Marissa Widdison

November 29, 2022

Bài của chị Marissa Widdison đăng trong tạp chí Liahona của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tháng 10, năm 2019



Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ và giúp sức cho các trẻ em trong cuộc sống của mình?



Trong số tất cả các nhóm người mà Chúa Giê Su đã giảng dạy, chúng ta biết rằng Ngài đặc biệt yêu mến trẻ em. Ngài lưu ý đến trẻ em thậm chí khi không thuận tiện. Ngài mời gọi các trẻ em tiếp nhận phước lành riêng từ Ngài. Ngài lên án kẻ làm hại trẻ em. Và Ngài dạy rằng chúng ta cần phải trở nên giống như con trẻ để bước vào vương quốc thượng thiên.1



Ngài phán cùng dân chúng ở lục địa Châu Mỹ sau Sự Phục Sinh của Ngài: “Hãy nhìn xem các con trẻ của các ngươi.” Các tầng trời mở ra, và các thiên sứ bảo vệ đầy lòng yêu thương giáng xuống bao quanh chúng, chúng được bao vây giữa đám lửa. (Xin xem 3 Nê Phi 17:23–24.)



Với tất cả những mối hiểm nguy trên thế giới ngày nay, chúng ta có thể cầu mong con cái mình có thể luôn luôn được bao vây giữa đám lửa của thiên thượng. Ước tính trên toàn cầu, cứ khoảng bốn người thì có một người bị lạm dụng trong thời thơ ấu, và con số trung bình đó đang gia tăng khi anh chị em nhìn vào các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như những người khuyết tật .2 Tin mừng là có nhiều điều chúng ta có thể làm để chủ động bảo vệ trẻ em.



Chị Joy D. Jones, Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nhi, nói rằng “Hãy hình dung một đứa con mà quý vị yêu thương. Khi quý vị nói với đứa con này: ‘Cha/mẹ yêu thương con,’ thì điều đó có nghĩa là gì? … Chúng ta cung ứng sự bảo vệ để chúng ta có thể giúp đỡ những người mình yêu thương trở thành con người tốt nhất mà họ có thể trở thành và đối phó với những thử thách của cuộc sống.”3



Có lẽ việc xem xét kỹ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi sẽ nảy sinh những ý tưởng về cách chúng ta có thể bảo vệ các trẻ em trong cuộc sống của mình một cách tốt hơn.



Chúa Giê Su Dành Ra Thời Gian cho Chúng

Chúa Giê Su dành ra thời gian để lưu ý đến trẻ nhỏ và những người dễ tổn thương (xin xem Ma Thi Ơ 19:14). Chúng ta cũng có thể dành ra thời gian để lắng nghe con cái mình và cố gắng thấu hiểu những thử thách của chúng.



“Khi đứa trẻ càng cảm thấy được yêu thương hơn, thì càng dễ dàng hơn để nó thật lòng nói ra mọi sự việc,” Chị Jones nói. “… Chúng ta cần phải gợi chuyện trước và đừng chờ đến khi con cái tìm đến chúng ta.”4



Một người mẹ thấy rất hữu ích để hỏi con cái của mình mỗi tối: “Hôm nay con có nghe thấy từ nào mà con không hiểu không?”



Phản ứng đầu tiên của con cái chúng ta có lẽ là tìm kiếm câu trả lời trên mạng vì mạng Internet cung cấp sự giúp đỡ tức thì và không đoán xét, nhưng chúng ta cần phải thuyết phục chúng rằng chúng ta là nguồn thông tin đáng tin cậy hơn. Và điều đó không bao gồm phản ứng quá gay gắt khi con cái chúng ta nói cho chúng ta biết một điều gì đó không thoải mái. Ví dụ, nếu chúng ta nổi nóng khi con cái mình thú nhận là chúng đã tìm kiếm hình ảnh sách báo khiêu dâm, thì chúng có thể không tìm đến chúng ta để được giúp đỡ nữa. Nhưng nếu chúng ta phản ứng bằng tình yêu thương, thì chúng ta có cơ hội để gửi một thông điệp rõ ràng—rằng chúng ta muốn chúng nói cho chúng ta biết về mọi việc.



Chị Jones nhận xét: “Khi những rắc rối nhỏ được đề cập đến trong một cách thức đầy yêu thương, thì sẽ tạo ra một nền tảng đáp ứng bổ ích, để khi có những rắc rối to lớn hơn thì đứa trẻ vẫn sẵn sàng thật lòng nói ra.”5



Một trong những điều quan trọng nhất, các cuộc chuyện trò với mục đích bảo vệ mà cha mẹ có thể có với con cái là về cơ thể của chúng. Các cuộc chuyện trò này nên gồm có những từ chính xác nói về các cơ quan trong cơ thể, thông tin về việc vệ sinh thân thể, và những thay đổi sẽ xảy đến trong những năm sắp tới. Chúng ta cần nói chuyện về tình dục và làm thế nào mà sự gần gũi về thể chất và cảm xúc là một phần tuyệt vời trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta. Chúng ta cũng có thể nói về những đề tài như sự lạm dụng và hình ảnh sách báo khiêu dâm. Những cuộc chuyện trò này cần phải phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn bởi câu hỏi mà con cái chúng ta có. Lý tưởng nhất, chúng ta nên có nhiều cuộc chuyện trò theo thời gian, cung cấp thêm thông tin khi con cái chúng ta lớn hơn và hiểu biết nhiều hơn. (Xin xem phần cuối của bài này để có những nguồn tài liệu hữu ích.)



Chúa Giê Su Nêu Gương cho Họ

Chúa Giê Su nêu gương hoàn hảo cho tất cả mọi người (xin xem Giăng 8:12). Là người lớn, chúng ta cũng có cơ hội và trách nhiệm để nêu gương. Một trong những cách tốt nhất chúng ta có thể giúp đỡ con cái mình được an toàn là bằng cách nêu gương của chính mình bằng những lựa chọn an toàn. Trẻ em nhận thấy cách cha mẹ chúng đối xử với nhau và cho phép người khác đối xử với chúng. Nếu anh chị em đang phụ thuộc vào hoặc vật lộn với một thói nghiện mà đe dọa anh chị em hoặc gia đình mình, thì xin hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Hãy liên lạc với chính quyền dân sự và chuyên viên tư vấn, cũng như vị giám trợ hoặc chủ tịch Hội Phụ Nữ của anh chị em, là những người có thể giúp anh chị em liên lạc với những nguồn giúp đỡ thích hợp trong Giáo Hội và cộng đồng. Anh chị em đáng được an toàn và tôn trọng.



Chúng ta cũng nên nêu gương trong việc chăm lo cho sức mạnh thuộc linh của mình. Con cái của chúng ta có thấy chúng ta cầu nguyện không? Chúng có biết chúng ta đọc thánh thư không? Chúng đã nghe thấy chứng ngôn của chúng ta chưa? Chúng ta có mang lên mình “trọn áo giáp của Thượng Đế” cùng với gia đình vào buổi sáng trước khi bắt đầu một ngày mới không? (xin xem Ê Phê Sô 6:11–18Giáo Lý và Giao Ước 27:15–18).



Chúa Giê Su Biện Hộ cho Họ

Đấng Cứu Rỗi lên tiếng chống lại những người làm tổn thương trẻ em (xin xem Ma Thi Ơ 18:6). Chúng ta cũng có thể là người bênh vực cho trẻ em trong cuộc đời chúng ta.



Chủ Tịch Dallin H. Oaks, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn dạy: “Trẻ em cần những người khác biện hộ cho chúng và đưa ra quyết định với mục đích đặt sự an sinh của chúng lên trên những sở thích ích kỷ của người lớn.”6



Mặc dù chúng ta không cần quá đỗi sợ hãi hoặc nghi ngờ người khác, nhưng chúng ta nên nhận biết những nguy cơ đe dọa và đưa ra những quyết định sáng suốt. Những người lãnh đạo Hội Thiếu Nhi cần phải tuân theo những hướng dẫn ngăn ngừa sự lạm dụng7—đó là bảo vệ bằng cách có hai giảng viên trong mỗi lớp học và một người nào đó trong chủ tịch đoàn theo dõi tình hình trong các lớp học.



Các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo cần hội ý với nhau và quyết định liệu họ có cần thêm biện pháp phòng ngừa nào để giảm thiểu những mối đe dọa cụ thể không. Ví dụ, trong nhiều nhà hội của Giáo Hội, cửa của lớp học có ô cửa kính nhỏ. Nếu nhà hội của anh chị em không có, thì anh chị em có thể cân nhắc việc để cửa mở hé trong khi diễn ra lớp học và nói chuyện với người quản lý cơ sở vật chất của mình để xem liệu có thể gắn ô cửa kính vào cửa lớp học không. Bất kể chức vụ kêu gọi của họ là gì đi nữa, thì tất cả những người lớn đều cần phải để ý ở trong nhà thờ khi cần, chẳng hạn như chào đón khách đến thăm đang đi loanh quanh ngoài hành lang, hoặc khuyến khích một đứa trẻ đi lang thang trở lại lớp học.



Buồn thay, đôi khi trẻ em bị các trẻ em khác làm tổn thương. Nếu chúng ta nhận thấy bất cứ hình thức bắt nạt hoặc va chạm nào về thể chất ở nhà thờ hoặc bất cứ ở đâu, thì chúng ta cần phải can thiệp ngay lập tức. Nếu là một người lãnh đạo, chúng ta cần phải sẵn lòng nói chuyện với các gia đình liên quan—thậm chí nếu cuộc trò chuyện không được thoải mái lắm—để chắc chắn rằng tất cả trẻ em đều được an toàn. Hãy lên tiếng với lòng trắc ẩn và một cách rõ ràng nhằm giúp thiết lập một môi trường tử tế.



Nếu chúng ta cho rằng một đứa trẻ đang bị lạm dụng, thì chúng ta nên báo cáo điều mình lo ngại lên chính quyền dân sự ngay lập tức. Trong nhiều quốc gia, có các đường dây nóng cung cấp các dịch vụ can thiệp vào lúc khủng hoảng, thông tin và sự trợ giúp. Chúng ta cũng nên nói cho vị giám trợ biết về trường hợp nghi ngờ có sự lạm dụng, đặc biệt là liên quan tới bất cứ ai có thể tiếp cận với trẻ em qua Giáo Hội. Ngoài việc thi hành những biện pháp nhằm ngăn chặn sự tiếp cận trong tương lai của thủ phạm đối với trẻ em, vị giám trợ có thể đưa ra sự an ủi và hỗ trợ và giúp họ liên hệ với những nguồn giúp đỡ khác nữa từ Dịch Vụ Gia Đình.



Chúa Giê Su Ban Phước Cho Từng Đứa Trẻ Một

Chúa Giê Su biết và ban phước cho trẻ em, từng đứa trẻ một (xin xem 3 Nê Phi 17:21). Tương tự như vậy, chúng ta cần làm quen với mỗi đứa trẻ và đặc biệt cố gắng giúp đỡ em ấy.



Làm thế nào chúng ta có thể làm cho nhà thờ an toàn hơn cho trẻ em bị bệnh? Chúng ta có kế hoạch để giúp đỡ trẻ em khuyết tật trong Hội Thiếu Nhi không? Các bài học Hội Thiếu Nhi chúng ta giảng dạy có nhạy cảm đối với các hoàn cảnh gia đình khác nhau không? Chúng ta có thể làm gì nữa để được bao quát hơn?



Những lời bình luận phân biệt chủng tộc, những lời nhận xét thấp kém về các văn hóa khác, và thái độ chỉ trích đối với các thành viên thuộc các tín ngưỡng khác đều không có chỗ đứng trong các sứ điệp chúng ta chia sẻ. Trong một lớp học Hội Thiếu Nhi, một cậu bé không nói giỏi cùng một thứ tiếng với các trẻ em khác. Để giúp cậu bé ấy cảm thấy không lạc lõng, các giảng viên nên chắc chắn rằng các tờ giấy phát tay được in ra bằng hai ngôn ngữ. Những hành động đầy quan tâm giản dị cho các trẻ em thấy rằng chúng ta biết và lo lắng cho riêng mỗi em, và những hành động này có thể là tấm gương cho chúng noi theo.



Chúng ta có thể khám phá ra rằng một số trẻ em cần giúp đỡ khẩn cấp. Ví dụ, mặc dù tính khí thất thường là điều bình thường đối với độ tuổi phát triển, nhưng nếu một đứa trẻ tức giận, lãnh đạm, hoặc buồn chán trong nhiều tuần, thì có lẽ vấn đề nghiêm trọng hơn mới nảy sinh và cần phải có sự giúp đỡ chuyên môn. Mặc dù các thói quen ngay chính như cầu nguyện và học tập thánh thư là quan trọng, thông thường những người đang đối mặt với vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc nỗi buồn thầm kín cần sự hỗ trợ nhiều hơn. Việc làm ngơ tình trạng đó sẽ không làm cho sự việc tốt đẹp hơn. Trong nhiều khu vực, các vị giám trợ có thể cung cấp sự hỗ trợ về tài chính cho các cá nhân và gia đình, cho việc tư vấn qua Dịch Vụ Gia Đình hoặc các nhà cung cấp khác.



Chúa Giê Su Giúp Sức cho Chúng

Trong khi bảo vệ trẻ em, Chúa Giê Su cũng giúp sức cho chúng. Ngài chỉ vào trẻ em như là các tấm gương (xin xem Ma Thi Ơ 18:3). Sau khi Ngài viếng thăm lục địa Châu Mỹ, các trẻ em đã có thể dạy cho người lớn “những điều kỳ diệu” (3 Nê Phi 26:16).



Chúng ta có thể giúp sức cho các trẻ em mình biết bằng cách dạy chúng nhận ra cách Thánh Linh mách bảo cho chúng rồi sau đó tuân theo Thánh Linh khi đưa ra quyết định—giúp chúng phát triển một bộ lọc nội tâm để hướng dẫn hành động của chúng. Như Chị Jones đã dạy: “Là điều thiết yếu để giúp trẻ em có ước muốn tự ý [đưa ra những quyết định an toàn].”8 Đây là một số ý kiến mà đã giúp sức cho các gia đình khác:



  • Một người mẹ dạy con cái của mình chú ý đến “những cảm giác lo lắng” của chúng và cẩn thận với những người xung quanh có vẻ như “lừa gạt.” Điều này đã có hiệu quả khi một số người cố gắng thuyết phục con trai người ấy đi theo họ vào nhà vệ sinh, và nó đã lưu ý đến lời cảnh báo mà nó cảm thấy và từ chối.

  • Một số gia đình lập ra trước một kế hoạch trốn thoát khi họ bắt gặp điều gì đó gây tai hại. Ví dụ, kế hoạch trốn thoát của một gia đình được gọi là “ngừng và nói” gồm có việc tắt màn hình máy vi tính và nói cho cha mẹ biết ngay lập tức nếu có hiển thị hình ảnh xấu xa. Con cái họ chưa bao giờ thắc mắc về cách đối phó với phương tiện truyền thông xấu xa—chúng đã biết phải làm gì!

  • Một gia đình khác tạo ra một mật mã mà con cái của họ có thể nhắn tin cho cha mẹ mình hoặc nói qua điện thoại nếu chúng cần phải được đến đón ngay lập tức.

  • Anh chị em có thể giúp con cái mình tập nói “Không!” khi có một người nào đó cố gắng thuyết phục chúng làm điều gì đó khiến chúng cảm thấy không thoải mái. Mỗi đứa trẻ cần phải biết rằng chúng có thể kêu cầu được giúp đỡ, và chúng nên tiếp tục kêu cầu giúp đỡ cho đến khi chúng được an toàn.


Vai Trò của Chúng Ta với Tư Cách là Người Lớn

Hãy nhớ lại cảnh tượng trong 3 Nê Phi 17, khi Chúa Giê Su “bồng từng đứa trẻ một và ban phước cho chúng, rồi cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng. … Khiến chúng như được bao vây giữa đám lửa; và các thiên sứ này phục sự chúng” (các câu 21, 24). Có lẽ điểm cốt yếu của câu chuyện này không những để dạy cho chúng ta rằng trẻ em là quan trọng biết bao mà còn cho biết vai trò của chúng ta phải là gì với tư cách là người lớn. Chúng ta là những người chăm lo cho thế hệ mai sau. Chúng ta cần phải là các thiên sứ bao vây và phục sự cho chúng. Chúng ta hãy tiếp tục coi Chúa Giê Su là tấm gương hoàn hảo của chúng ta và rồi sau đó làm hết sức mình để bảo bọc con trẻ chúng ta trong tình yêu thương và sự bảo vệ.


The post Podcast số 209 – Liahona tháng 10, 2019 – Bảo Vệ Trẻ Em – Marissa Widdison appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.