Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 193 – Liahona tháng 7, 2013 – Thế Giới Cần Những Người Tiền Phong Thời Nay – Thomas S. Monson (1927 – 2018)
Đối với nhiều người, cuộc hành trình của người tiền phong đã không bắt đầu vào năm 1847 ở Nauvoo, Kirtland, Far West, hay New York, mà đúng hơn là từ nước Anh, Scotland, Scandinavia, và nước Đức xa xôi. Trẻ nhỏ có thể không thấu hiểu đức tin mãnh liệt mà đã thúc đẩy cha mẹ chúng bỏ lại đằng sau gia đình, bạn bè, tiện nghi và an toàn.
Một đứa bé có thể hỏi: “Mẹ ơi, tại sao chúng ta phải bỏ nhà ra đi? Chúng ta đi đâu vậy?”
“Con hãy đi theo, hỡi con yêu quý; chúng ta đi tới Si Ôn, thành phố của Thượng Đế chúng ta.”
Giữa sự an toàn của mái gia đình và lời hứa về Si Ôn là đại dương nổi sóng và đầy nguy hiểm của Đại Tây Dương hùng vĩ. Ai có thể thuật lại nỗi sợ hãi túm chặt trái tim con người trong những lúc vượt biển đầy nguy hiểm đó? Được thúc giục bởi những lời mách bảo âm thầm của Thánh Linh, được hỗ trợ bởi một đức tin giản dị nhưng lâu dài, Các Thánh Hữu tiền phong đó đã tin cậy nơi Thượng Đế của họ và đã hành trình bằng tàu.
Cuối cùng họ đến Nauvoo chỉ để đối mặt với những khó khăn trên đường mòn một lần nữa. Các tấm bia mộ làm bằng cây ngải đắng và đá đánh dấu các huyệt mộ trên khắp tuyến đường từ Nauvoo đến Salt Lake City. Đó là cái giá mà một số người tiền phong đã trả. Thể xác của họ được yên nghỉ trong lòng đất nhưng tên tuổi của họ sống đời đời.
Các con bò uể oải kéo xe, các bánh xe kéo kêu cót két, những người dũng cảm làm việc vất vả, tiếng trống thúc quân vang dậy, và chó sói tru lên. Nhưng những người tiền phong có đức tin đầy soi dẫn và gặp nhiều thử thách gay go vẫn tiến bước. Họ thường hát:
Cùng lại nhau đây, không việc chi phải kinh hãi.
Với niềm vui ta cùng đi.
Hành trình ta có dù cực nhọc gian lao khổ,
Ân lành kia ta được hưởng. …
Tất cả tốt! Mọi điều đẹp!1
Những người tiền phong này nhớ lời của Chúa: “Dân của ta phải được thử thách trong mọi việc, để họ có thể được chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận vinh quang mà ta dành sẵn cho họ, đó là vinh quang của Si Ôn.”2
Thời gian trôi qua làm lu mờ ký ức của chúng ta và làm giảm bớt lòng biết ơn của chúng ta đối với những người bước đi trên con đường đau đớn, bỏ lại sau lưng con đường mòn đánh dấu bằng nước mắt với những nấm mộ vô danh. Nhưng những thử thách của ngày nay thì sao? Không có những con đường lởm chởm đá phải đi, không có núi non hiểm trở phải trèo, không có vực thẳm phải vượt qua, không có con đường mòn phải bước theo, không có sông phải lội chăng? Hoặc hiện đang có một nhu cầu về tinh thần tiền phong đó để hướng dẫn chúng ta tránh xa những mối nguy hiểm đang đe dọa nhấn chìm chúng ta và để dẫn dắt chúng ta đến một Si Ôn an toàn không?
Trong những thập niên kể từ khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, các tiêu chuẩn đạo đức đã nhiều lần bị hạ thấp. Tội ác càng ngày càng gia tăng; tính đúng đắn đoan trang càng ngày càng xuống dốc. Nhiều người sống một cuộc sống thăng trầm, tìm kiếm những cảm giác mạnh nhất thời trong khi hy sinh niềm vui vĩnh cửu. Do đó chúng ta đánh mất cảm giác bình an.
Chúng ta quên rằng những người Hy Lạp và La Mã đã chiếm ưu thế một cách kỳ diệu như thế nào trong một thế giới dã man và cuộc chiến thắng đó đã kết thúc như thế nào—làm thế nào tính chểnh mảng và sự yếu đuối cuối cùng đã đánh bại họ và đưa đến việc họ bị suy đồi. Cuối cùng, họ muốn nhiều hơn là tự do, họ muốn có an ninh và một cuộc sống thoải mái; và họ đã đánh mất tất cả—cuộc sống thoải mái, an ninh và tự do.
Đừng đầu hàng sự dụ dỗ của Sa Tan; thay vì thế, hãy đứng lên bênh vực cho lẽ thật. Những nỗi khao khát không được thỏa mãn của tâm hồn sẽ không được đáp ứng bằng một sự tìm kiếm niềm vui bất tận ở giữa những cảm giác mạnh mẽ và tội lỗi. Tội lỗi không bao giờ dẫn đến đức hạnh. Lòng oán ghét không bao giờ đưa đến tình yêu thương. Tính hèn nhát không bao giờ mang đến lòng can đảm. Nỗi nghi ngờ không bao giờ đưa đến đức tin.
Một số người cảm thấy khó có thể chịu đựng được những lời nhận xét đầy nhạo báng và sỉ nhục của những người rồ dại chế giễu sự trinh khiết, tính chân thật, và việc tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế. Nhưng thế gian đã từng coi thường việc tuân thủ nguyên tắc. Khi Nô Ê được chỉ thị phải đóng một chiếc tàu, dân chúng rồ dại đã nhìn lên bầu trời không mây rồi chế giễu và nhạo báng—cho đến khi mưa xuống.
Chúng ta có cần phải học đi học lại những bài học quý giá như vậy không? Thời gian thay đổi, nhưng lẽ thật vẫn tồn tại. Khi không chịu học hỏi từ những kinh nghiệm của quá khứ, thì chúng ta phải cam chịu một lần nữa trải qua các kinh nghiệm này với tất cả nỗi đau lòng, khổ sở, và thống khổ. Chúng ta đã không khôn ngoan để vâng lời Ngài là Đấng biết sự cuối cùng từ lúc ban đầu—Chúa của chúng ta, là Đấng đã thiết lập kế hoạch cứu rỗi—chứ không phải là con rắn đó, nó đã coi thường vẻ tuyệt mỹ của kế hoạch đó chăng?
Tự điển định nghĩa người tiền phong là “một người đi trước để chuẩn bị hoặc mở đường cho những người khác đi theo.”3 Bằng cách nào đó, chúng ta có thể thu hết can đảm và lòng bền bỉ để thực hiện mục đích mà chính là đặc tính của những người tiền phong trong thế hệ trước không? Trong thực tế, các anh chị em và tôi có thể là những người tiền phong không?
Tôi biết là chúng ta có thể làm được như vậy. Ôi, thế gian cần những người tiền phong thời nay biết bao!
The post Podcast số 193 – Liahona tháng 7, 2013 – Thế Giới Cần Những Người Tiền Phong Thời Nay – Thomas S. Monson (1927 – 2018) appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.