Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 194 – Liahona tháng 5, 2005 – Đức Tính Tử Tế – Joseph B. Wirthlin (1917 – 2008)

October 04, 2022

Anh Cả Joseph B. Wirthlin (1917-2008) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ vào năm 2005 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô





Sự tử tế là thực chất của cuộc sống thượng thiên. Sự tử tế là cách thức mà một người giống như Đấng Ky Tô đối xử với những người xung quanh



Cách đây nhiều năm, khi được kêu gọi làm một giám trợ, tôi đã mong muốn giám trợ đoàn đi thăm viếng các tín hữu kém tích cực trong Giáo Hội và xem chúng tôi có thể làm gì để mang các phước lành của Phúc Âm đến với cuộc sống của họ.



Một ngày nọ, tôi gặp một người đàn ông trạc năm mươi là một người thợ máy đáng kính. Anh cho tôi biết rằng lần cuối cùng anh đi nhà thờ là khi anh còn là một thiếu niên. Có điều gì đó đã xảy ra vào ngày hôm đó. Anh đã phá phách trong lớp học và đã làm ồn ào hơn mức cho phép khi người giảng viên của anh trở nên giận dữ, đã lôi anh ra khỏi lớp học, và bảo anh đừng trở lại nữa.



Anh đã không bao giờ trở lại.



Điều này rõ ràng đối với tôi là một lời nói không tử tế được thốt ra cách đây hơn bốn thập niên đã có thể gây ảnh hưởng sâu xa đến thế. Nhưng nó đã xảy ra. Và, do đó, người này đã không bao giờ trở lại nhà thờ. Kể cả vợ hay con cái của anh.



Tôi đã xin lỗi anh ấy và bày tỏ nỗi buồn của tôi vì anh đã bị đối xử như thế. Tôi nói với anh rằng thật đáng tiếc là một lời nói được thốt ra một cách vội vàng, và cách đây rất lâu, lại có thể ảnh hưởng đến việc ngăn chặn không cho gia đình anh nhận được các phước lành mà có được từ các sinh hoạt của Giáo Hội.



Tôi nói với anh ấy: “Sau bốn mươi năm, đã đến lúc để Giáo Hội sửa chữa lỗi lầm này.”



Tôi cố gắng hết sức mình để làm như vậy. Tôi cam đoan với anh ấy rằng anh ấy sẽ được chào đón và cần đến. Tôi hân hoan khi người này và gia đình của anh cuối cùng đã trở lại nhà thờ và trở thành các tín hữu vững mạnh và trung tín. Đặc biệt là người anh em tốt bụng này đã trở thành một thầy giảng tại gia hữu hiệu bởi vì anh đã hiểu được cách thức mà một điều nhỏ nhặt như một lời nói không tử tế đã có thể mang lại hậu quả mà kéo dài suốt cả đời người và có lẽ còn lâu hơn nữa.



Sự tử tế là thực chất của sự cao thượng và là đặc tính cơ bản của những người nam và những người nữ cao quý nhất mà tôi biết. Sự tử tế là chìa khóa để mở những cánh cửa và để kết bạn. Nó làm mềm lòng và tạo nên những mối quan hệ mà có thể kéo dài suốt đời.



Những lời nói tử tế không chỉ nâng cao tinh thần của chúng ta trong lúc chúng được thốt ra, mà chúng còn có thể ở cùng với chúng ta trong nhiều năm. Một ngày nọ, khi tôi còn học đại học, một người đàn ông lớn hơn tôi bảy tuổi đã chúc mừng tôi về thành tích của tôi trong một trận đấu bóng bầu dục. Người ấy không những khen ngợi tôi đã chơi hay như thế nào trong trận đấu, mà còn nhận ra rằng tôi đã cho thấy tinh thần thể thao tốt. Mặc dù cuộc chuyện trò này đã xảy ra cách đây hơn 60 năm, và có lẽ người mà đã khen ngợi tôi chắc không còn nhớ gì về cuộc chuyện trò này, nhưng tôi vẫn còn nhớ những lời tử tế nói với tôi ngày đó bởi Gordon B. Hinckley, là người sau này trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội.



Những phẩm chất của sự ân cần và tử tế thì gắn liền với Chủ Tịch Hinckley. Khi cha tôi qua đời vào năm 1963, Chủ Tịch Hinckley là người đầu tiên đã đến nhà của chúng tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên được sự tử tế của ông. Ông đã ban cho mẹ tôi một phước lành và, trong số nhiều điều khác, đã hứa với bà rằng bà có nhiều điều để trông mong và rằng cuộc đời sẽ tuyệt vời đối với bà. Những lời này đã mang đến sự an ủi cho mẹ tôi và tôi, và tôi sẽ không bao giờ quên được sự tử tế của ông.



Sự tử tế là thực chất của cuộc sống thượng thiên. Sự tử tế là cách thức mà một người giống như Đấng Ky Tô đối xử với những người xung quanh. Sự tử tế cần phải ăn sâu vào trong tất cả những lời nói và hành động của chúng ta nơi công sở, tại trường học, tại nhà thờ, và đặc biệt là trong nhà của chúng ta.



Chúa Giê Su, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, là một tấm gương vĩ đại nhất về sự tử tế và lòng trắc ẩn. Ngài chữa lành người bệnh. Ngài dành phần lớn thời giờ của Ngài để phục sự cho một hay nhiều người. Ngài phán với lòng trắc ẩn cùng người phụ nữ Sa Ma Ri là người bị nhiều người khinh miệt. Ngài chỉ thị các môn đồ của Ngài hãy để các con trẻ đến cùng Ngài. Ngài tử tế với tất cả những ai đã phạm tội, chỉ lên án tội lỗi, chứ không lên án kẻ phạm tội. Ngài nhân từ cho phép hằng ngàn người dân Nê Phi bước đến và rờ vào vết đinh đóng trên tay và chân Ngài. Còn nữa, hành động tử tế cao quý nhất của Ngài được tìm thấy ở sự hy sinh chuộc tội của Ngài, do đó giải phóng tất cả mọi người khỏi hậu quả của cái chết, và tất cả mọi người khỏi hậu quả của tội lỗi, dựa trên điều kiện hối cải.



Tiên Tri Joseph đã minh họa sự tử tế trong cuộc đời của ông đối với tất cả mọi người, già lẫn trẻ. Một em nhỏ mà đã nhận được giúp đỡ từ sự tử tế của Vị Tiên Tri đã nhớ lại:



“Anh trai tôi và tôi đang đi học, gần tòa nhà mà được biết là cửa hàng gạch của Joseph. Trời đã mưa ngày hôm trước, làm cho mặt đất trở nên rất lầy lội, nhất là trên con đường đó. Chân của anh trai Wallace của tôi và tôi đều bị kẹt dưới đám bùn, và không thể lôi ra được, và dĩ nhiên, như trẻ con, chúng tôi bắt đầu khóc, vì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi phải ở lại đó. Nhưng khi nhìn lên, tôi thấy người bạn thân thương của trẻ em, Tiên Tri Joseph, đang đến bên chúng tôi. Ông nhanh chóng đem chúng tôi lên đất cao và khô ráo. Rồi ông khom xuống và chùi bùn từ các chiếc giày nhỏ bé đầy bùn của chúng tôi, lấy khăn tay từ túi áo ông, và lau gương mặt đầm đìa nước mắt của chúng tôi. Ông đã nói những lời tử tế và khích lệ với chúng tôi, và cho chúng tôi lên đường đi đến trường vui vẻ.”1



Không có gì thay thế được sự tử tế tại nhà. Bài học này tôi đã học được từ cha của tôi. Ông luôn luôn nghe theo lời khuyên của mẹ tôi. Và kết quả là, ông là một người đàn ông tốt hơn, khôn ngoan hơn và tử tế hơn.



Tôi đã cố gắng noi theo gương của cha tôi và lắng nghe ý kiến của vợ tôi. Tôi đã coi trọng ý kiến của vợ tôi. Chẳng hạn, khi vợ tôi bắt đầu nói một câu với những lời “Em nghĩ anh có lẽ đã…” thì tôi lập tức chú ý ngay và bắt đầu lục tìm trong trí óc mình xem có điều gì mà tôi có lẽ đã làm sai không. Luôn luôn trước khi vợ tôi kết thúc câu nói của bà, thì tôi đã dự định trong đầu một lời xin lỗi tuyệt diệu rồi.



Thực sự thì vợ tôi là một gương mẫu về sự tử tế, tính dịu dàng và lòng trắc ẩn. Và sự hiểu biết, lời khuyên, và sự ủng hộ của bà thì thật vô giá đối với tôi. Nhờ bà, mà tôi cũng là một người đàn ông khôn ngoan hơn và tử tế hơn.



Những điều các anh chị em nói, giọng nói của các anh chị em, sự giận dữ hay bình tĩnh trong những lời nói của các anh chị em—tất cả những điều này đều được con cái của các anh chị em và những người khác để ý tới. Họ thấy và học những điều tử tế lẫn những điều không tử tế mà chúng ta nói hoặc làm. Không có gì bộc lộ bản tính thực sự của chúng ta hơn là cách thức chúng ta đối xử với nhau tại nhà.



Tôi thường tự hỏi tại sao một số người cảm thấy rằng họ phải chỉ trích người khác. Nó trở thành thói quen của họ, tôi nghĩ thế, và nó trở nên tự nhiên đối với họ, đến nỗi họ thường không nghĩ tới điều đó. Dường như họ chỉ trích mọi người—cách thức Chị Jones điều khiển âm nhạc, cách thức Anh Smith dạy một bài học hay trồng trọt trong vườn nhà anh.



Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta không làm điều gì tai hại bởi những nhận xét chỉ trích của mình, thì cũng thường kéo theo những hậu quả. Tôi nhớ tới một cậu bé mà đã đưa cái phong bì tặng dữ cho vị giám trợ của cậu và nói với ông rằng cái đó là cho ông. Vị giám trợ, dùng việc này như là một thời gian để giảng dạy, đã giải thích cho cậu bé nghe rằng cậu nên đánh dấu vào phiếu tặng dữ là cho tiền thập phân, các của lễ nhịn ăn, hay cho điều gì khác. Cậu bé khăng khăng nói rằng số tiền tặng dữ là cho bản thân vị giám trợ. Khi vị giám trợ hỏi tại sao thì cậu bé đáp: “Bởi vì cha của cháu nói rằng giám trợ là một trong những vị giám trợ nghèo nhất mà chúng ta đã từng có.”



Giáo Hội không phải là nơi mà những người toàn hảo quy tụ lại để nói những điều toàn hảo, hay có những ý nghĩ toàn hảo, hay những cảm giác toàn hảo. Giáo Hội là nơi mà những người không toàn hảo quy tụ lại để mang lại niềm khích lệ, hỗ trợ, và phục vụ lẫn nhau khi chúng ta tiến bước trong cuộc hành trình của mình để trở về với Cha Thiên Thượng.



Mỗi người chúng ta sẽ đi một con đường khác nhau trong cuộc đời này. Mỗi người tiến triển ở một tốc độ khác nhau. Những cám dỗ mà ảnh hưởng đến bạn bè của các anh chị em có lẽ sẽ không gây khó khăn gì cho các anh chị em. Sức mạnh mà các anh chị em có thì có thể dường như không thể có được đối với người khác.



Đừng bao giờ khinh thường những người ít toàn hảo hơn các anh chị em. Đừng cảm thấy khó chịu bởi vì một người nào đó không may vá giỏi bằng các anh chị em, không ném giỏi bằng các anh chị em, không chèo thuyền hay cầy xới giỏi bằng các anh chị em.



Chúng ta đều là con cái của Cha Thiên Thượng của chúng ta. Và chúng ta ở nơi đây với cùng một mục đích: để học yêu thương Ngài bằng tất cả tấm lòng, tâm hồn, tâm trí, và sức mạnh, và để yêu thương người lân cận như chính mình.2



Một cách mà các anh chị em có thể đo lường giá trị của mình trong vương quốc của Thượng Đế là tự hỏi: “Tôi có làm tốt trong việc giúp đỡ những người khác đạt được tiềm năng của họ không? Tôi có hỗ trợ những người khác trong Giáo Hội không, hay tôi chỉ trích họ?“



Nếu các anh chị em đang chỉ trích những người khác, thì các anh chị em đang làm cho Giáo Hội suy yếu. Nếu các anh chị em đang xây dựng những người khác, thì các anh chị em đang xây dựng vương quốc của Thượng Đế. Như Thượng Đế luôn nhân từ, thì chúng ta cũng phải nhân từ, tử tế đối với những người khác.



Anh Cả James E. Talmage, một người mà được nhớ đến vì những điều giảng dạy giáo lý của ông, đã biểu lộ lòng tử tế lớn lao đối với một gia đình hàng xóm đang trong cảnh khốn cùng. Họ hoàn toàn xa lạ đối với ông. Trước khi ông là một Vị Sứ Đồ, là một người cha trẻ, ông đã ý thức được nỗi đau đớn lớn lao tại một nhà hàng xóm mà gia đình đông con của họ đã bị giáng họa bởi căn bệnh bạch hầu khủng khiếp. Ông đã không màng đến việc họ không phải là các tín hữu của Giáo Hội; sự tử tế và lòng bác ái của ông đã khiến ông hành động. Hội Phụ Nữ đã cố gắng tìm người giúp đỡ, nhưng không một ai dám giúp vì tính chất dễ lây của căn bệnh.



Khi đến nơi, ông thấy một đứa trẻ độ tuổi mới biết đi đã chết và hai đứa trẻ khác đang hấp hối bởi căn bệnh. Ông đã lập tức bắt tay vào việc, dọn sạch căn nhà dơ bẩn, chuẩn bị chôn cất đứa nhỏ, dọn dẹp và chăm lo cho những đứa trẻ bị bệnh khác, dành cả một ngày để làm như thế. Ông trở lại sáng hôm sau và biết được thêm một đứa trẻ nữa đã chết đêm hôm qua. Đứa trẻ thứ ba vẫn còn đau đớn dữ dội. Ông đã viết trong nhật ký của mình: “Đứa con gái nhỏ ôm lấy cổ tôi, thường xuyên ho [vi trùng] vào mặt và quần áo của tôi…nhưng tôi không thể đặt nó xuống. Trong vòng nửa tiếng ngay trước khi đứa bé chết, tôi đã đi tới lui trong nhà với đứa bé đáng thương trên tay. Đứa bé đã chết trong cơn đau đớn cực độ vào lúc 10 giờ sáng.” Cả ba đứa trẻ đều qua đời trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Sau đó ông đã giúp đỡ gia đình đó với việc chôn cất và đã nói chuyện tại tang lễ của chúng.3 Ông đã làm tất cả những điều này cho một gia đình không quen biết. Thật là một tấm gương vĩ đại về lòng nhân từ giống như Đấng Ky Tô!



Khi lòng chúng ta tràn đầy sự tử tế, thì chúng ta không phê phán. Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Đừng đoán xét ai, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì khác ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình.”4 Ngài cũng dạy rằng: “các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy.”5



Các anh chị em hỏi: “Nhưng mà, nếu người ta khiếm nhã thì sao?”



Hãy yêu thương họ.



“Nếu họ khó chịu thì sao?”



Hãy yêu thương họ.



“Nhưng nếu họ xúc phạm mình thì sao? Chắc tôi phải làm một điều gì đó chăng?”



Hãy yêu thương họ.



“Nếu họ bướng bỉnh thì sao?”



Câu trả lời vẫn như thế. Hãy tử tế. Hãy yêu thương họ.



Tại sao? Trong thánh thư Giu Đe đã dạy rằng: “Hãy trách phạt những kẻ này, là kẻ trù trừ.”6



Ai có thể cho biết chúng ta có thể có ảnh hưởng sâu rộng như thế nào nếu chúng ta chỉ tử tế thôi?



Thưa các anh chị em, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vượt quá sự hữu diệt. Công việc của chúng ta nơi đây chỉ là một hình bóng nhỏ của những điều lớn lao và phi thường hơn sắp xảy đến.



Các tầng trời đã mở ra cho Tiên Tri Joseph Smith. Ông đã thấy Thượng Đế hằng sống và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.



Trong thời của chúng ta, một vị tiên tri, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, đi khắp nơi trên thế gian để cung ứng những lời chỉ dẫn cho thời của chúng ta.



Như Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta, chúng ta cũng nên yêu thương các con cái của Ngài.



Cầu xin cho chúng ta là những tấm gương tử tế. Cầu xin cho chúng ta lúc nào cũng sống theo những lời của Đấng Cứu Rỗi: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”7 Tôi làm chứng về những lẽ thật này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.


The post Podcast số 194 – Liahona tháng 5, 2005 – Đức Tính Tử Tế – Joseph B. Wirthlin (1917 – 2008) appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.