Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 208 – Liahona tháng 5, 2005 – Tiền Thập Phân – Một Lệnh Truyền cho Ngay Cả Người Nghèo Túng – Lynn G. Robbins
Bài của Anh Cả Lynn G. Robbins thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Ngay từ lúc ban đầu sự hy sinh chân thật đã là đặc điểm của người trung tín.
Trong kinh điển bất hủ của Charles Dickens, Một Ca Khúc Giáng Sinh, Bob Cratchit đã hy vọng có được một ngày ăn mừng lễ Giáng Sinh với gia đình mình. Ông xin người chủ của mình, Ông Scrooge: “Nếu khá thuận tiện cho ông.”
Scrooge nói: “‘Không thuận tiện và không công bằng. Nếu tôi giữ lại nửa số tiền cho thời gian nghỉ đó, thì anh nghĩ rằng tôi đối xử xấu với anh’…
Scrooge nói: “‘Và còn nữa, anh không nghĩ rằng tôi bị đối xử xấu, khi tôi trả một ngày lương mà không làm việc.’
“Người thư ký cho rằng Giáng Sinh chỉ đến một năm một lần.
Scrooge nói: “‘Một sự bào chữa vụng về để ăn gian một người vào ngày hai mươi lăm tháng Mười Hai!’”1 Đối với Scrooge—cũng như đối với bất cứ “con người thiên nhiên” nào—thì sự hy sinh không bao giờ là thuận tiện cả.
Con người thiên nhiên có khuynh hướng chỉ nghĩ về bản thân mình—không những tự đặt mình lên trên hết, mà còn hiếm khi, nếu có, không đặt một người nào khác vào vị trí thứ nhì, kể cả Thượng Đế. Đối với con người thiên nhiên, sự hy sinh không đến một cách tự nhiên. Người này có lòng ham muốn vô độ. Những cái gọi là nhu cầu của người này dường như luôn luôn nhiều hơn lợi tức của người ấy đến nỗi mức “đủ dùng” không bao giờ có thể đạt được, cũng giống như đối với Scrooge, người keo kiệt.
Vì con người thiên nhiên có khuynh hướng thu tóm hoặc tiêu thụ mọi thứ, nên Chúa đã truyền lệnh một cách khôn ngoan cho dân Y Sơ ra Ên phải hy sinh, không phải là con vật cuối cùng và tồi tàn nhất trong đàn gia súc, mà là con vật đầu lòng trong đàn gia súc—không phải là những trái còn lại trên cánh đồng, mà là những trái đầu mùa (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 26:2; Mô Si A 2:3; Môi Se 5:5 ). Ngay từ lúc ban đầu sự hy sinh chân thật đã là đặc điểm của người trung tín.
Trong số những người không hy sinh thì có hai thái cực: một là hạng người giàu có tham lam mà sẽ không hy sinh, và hạng người kia là người nghèo khó cơ cực mà tin rằng mình không thể hy sinh. Nhưng, làm thế nào các anh chị em có thể yêu cầu một người nào đó đang thiếu ăn phải ăn ít hơn? Có một mức nghèo nàn nào đến nỗi sự hy sinh không nên được đòi hỏi, hay một gia đình nghèo túng đến nỗi việc đóng tiền thập phân không còn cần thiết nữa không?
Chúa thường giảng dạy bằng cách sử dụng những hoàn cảnh cực đoan để minh họa một nguyên tắc. Câu chuyện về người đàn bà góa ở thành Sa Rép Ta là một ví dụ về sự nghèo khó cùng cực được sử dụng để giảng dạy giáo lý mà sự thương xót có thể cướp đoạt công lý . Thật ra, sự đo lường đúng thật hơn về sự hy sinh không phải là điều mà một người ban phát để hy sinh, nhưng là điều mà người hy sinh để ban phát. (xin xem Mác 12:43) Đức tin không được trắc nghiệm nhiều khi có thức ăn dồi dào, như khi không có thức ăn. Trong những giây phút hiển nhiên này, cơn khủng hoảng không tạo ra một cá tính—mà phát hiện ra cá tính. Cơn khủng hoảng là sự thử nghiệm.
Người đàn bà góa ở thành Sa Rép Ta sống trong thời kỳ của tiên tri Ê Li, mà qua lời ông, Chúa đã giáng xuống nạn hạn hán lên trên xứ trong ba năm rưỡi. (xin xem Lu Ca 4 :25) Nạn đói lan tràn dữ dội đến nỗi nhiều người cuối cùng đã gần kề cái chết. Đây là hoàn cảnh mà trong đó chúng ta thấy người đàn bà góa.
Chúa phán cùng Ê Li: “Người đứng dậy đi đến Sa Rép Ta… Kìa, ta đã truyền cho một người góa bụa ở thành ấy lo nuôi ngươi.” (1 Các Vua 17:9). Điều thú vị là Ê Li đã không được phán bảo đi đến thành Sa Rép Ta cho đến khi người đàn bà góa và con trai của bà sắp chết. Chính trong hoàn cảnh cùng cực này—đối diện với sự chết đói—mà đức tin của người đàn bà ấy sẽ được thử thách.
Khi đi đến thành, ông thấy bà đang lượm củi.
“Bèn kêu mà nói rằng: Ta xin ngươi hãy đi múc một chút nước trong bình để cho ta uống.
“Nàng bèn đi múc nước. Nhưng người kêu lại và nói với nàng rằng: Cũng hãy đem trong tay ngươi cho ta một miếng bánh nữa.
“Nàng đáp: Tôi chỉ mạng sống của Giê Hô Va Đức Chúa Trời của ông mà thề, tôi không có bánh, chỉ có một nắm bột trong vò và một chút dầu trong bình; nầy tôi lượm hai khúc củi, đoạn về nấu dọn cho tôi và con trai tôi; khi ăn rồi, chúng tôi sẽ chết” (các câu 10–12).
Thật sự, một bữa ăn nhỏ sẽ là rất ít, có lẽ chỉ đủ cho một phần ăn, mà khiến cho câu trả lời của Ê Li làm kích thích sự tò mò. Chúng ta hãy nghe thêm: “Nhưng Ê Li tiếp rằng: Chớ sợ chi, hãy trở về, làm y như ngươi đã nói; song trước hết hãy dùng bột ấy làm cho ta một cái bánh nhỏ” (câu 13; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Vậy thì điều đó dường như là ích kỷ , không những hỏi cho miếng bánh đầu tiên, mà còn có thể là miếng bánh duy nhất không? Chẳng phải cha mẹ của chúng ta đã dạy chúng ta là phải nhường nhịn người khác, và nhất là một người đàn ông lịch sự phải nhường cho một người phụ nữ, huống hồ một người đàn bà góa đang đói khát sao? Sự chọn lựa của người ấy như thế nào—người ấy ăn, hoặc người ấy hy sinh bữa ăn cuối cùng của mình và tìm đến cái chết? Có lẽ người ấy sẽ hy sinh thức ăn của mình, nhưng người ấy có thể nào hy sinh thức ăn nhằm dành cho đứa con trai đang đói khát của mình không?
Ê Li hiểu giáo lý rằng các phước lành đến sau thử thách của đức tin chúng ta. (xin xem Ê The 12:6; GLGƯ 132:5). Ông không phải ích kỷ . Với tư cách là tôi tớ của Chúa, Ê Li hiện diện ở đó để ban phát, chứ không phải lấy đi. Để tiếp tục câu chuyện:
“Song trước hết hãy dùng bột ấy làm cho ta một cái bánh nhỏ [trái đầu mùa], rồi đem ra cho ta, kế sau ngươi sẽ làm cho ngươi và cho con trai ngươi.
“Vì Giê Hô Va Đức Chúa Trời của Y Sơ Ra Ên phán như vậy: Bột sẽ không hết trong vò, và dầu sẽ không thiếu trong bình, cho đến ngày Đức Giê Hô Va giáng mưa xuống đất.
“Vậy, nàng đi và làm theo điều Ê Li nói. Nàng và nhà nàng, luôn với Ê Li ăn trong lâu ngày.
“Bột chẳng hết trong vò, dầu không thiếu trong bình, y như lời Đức Giê Hô Va đã cậy miệng Ê Li mà phán ra” (các câu 13–16; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Một lý do mà Chúa minh họa các giáo lý với những hoàn cảnh cùng cực nhất là để loại bỏ những lời bào chữa. Nếu Chúa kỳ vọng rằng ngay cả người đàn bà góa nghèo nhất cũng phải đóng tiền của mình, thì làm sao tất cả những người khác có thể thấy rằng không tiện lợi hoặc không dễ dàng để hy sinh?
Không có một giám trợ, một người truyền giáo nào do dự hoặc thiếu đức tin để giảng dạy luật thập phân cho người nghèo khó. Cái tình cảm về việc “họ không có đủ khả năng đóng tiền thập phân” cần phải được thay thế bằng câu “họ không thể không đóng tiền thập phân.”
Một trong những điều đầu tiên mà một vị giám trợ phải làm để giúp người nghèo là yêu cầu họ đóng tiền thập phân. Giống như người đàn bà góa, nếu một gia đình túng thiếu quyết định phải đóng tiền thập phân hoặc ăn, thì họ phải đóng tiền thập phân. Vị giám trợ có thể giúp họ với thức ăn và những nhu cầu cơ bản khác cho đến khi họ trở nên tự túc.
Vào tháng Mười năm 1998, Trận Bão Mitch tàn phá nhiều vùng ở Trung Mỹ. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã rất quan tâm đến các nạn nhân của thiên tai này, nhiều người trong số họ mất tất cả—thức ăn, quần áo, và đồ đạc trong nhà. Ông đã đi thăm Các Thánh Hữu ở trong các thành phố San Pedro Sula và Tegucigalpa, Honduras; và Managua, Nicaragua. Và giống như Vị Tiên Tri Ê Li yêu dấu đã nói với người đàn bà góa đang đói, sứ điệp của vị tiên tri ngày nay trong mỗi thành phố cũng tương tự như thế—phải hy sinh và tuân theo luật thập phân.
Làm thế nào các anh chị em có thể yêu cầu một người nào đó đang túng cùng phải hy sinh? Chủ Tịch Hinckley biết rằng những kiện thức ăn và quần áo mà họ nhận được sẽ giúp họ sống qua cơn khủng hoảng, nhưng mối quan tâm và tình yêu thương của ông đối với họ còn vượt qua điều đó. Cũng như sự viện trợ nhân đạo là quan trọng, ông biết rằng sự trợ giúp quan trọng nhất đến từ Thượng Đế, chứ không phải từ con người. Vị tiên tri đã muốn giúp họ mở rộng những cửa sổ của thiên thượng như đã được Chúa hứa trong Sách Ma La Chi (xin xem Ma La Chi 3:10; Mô Si A 2:24).
Chủ Tịch Hinckley đã dạy họ rằng nếu họ chịu đóng tiền thập phân thì họ sẽ luôn luôn có được thức ăn để dùng, họ sẽ luôn luôn có quần áo để mặc, và họ sẽ luôn luôn có một mái nhà che mưa gió.
Khi dọn thức ăn, thì việc đặt thêm một đĩa thức ăn vào lúc bắt đầu bữa ăn thì dễ dàng hơn là tìm thức ăn cho một người đến trễ một khi bữa ăn đã xong và thức ăn đã được dọn ra. Tương tự như thế, không phải thật sự là dễ dàng khi dâng lên Chúa quả đầu tiên hay trái đầu mùa hơn là hy vọng rằng còn đủ ‘đồ còn lại’ cho Ngài sao? Không phải Ngài là vị thượng khách, vị đầu tiên để chúng ta dọn ăn sao?
Người mẹ yêu dấu của tôi, Evelyn Robbins, đã dạy tôi về luật thập phân khi tôi được bốn tuổi. Mẹ tôi đưa cho tôi một cái hộp không đựng băng cứu thương, một loại hộp thiếc có nắp đậy. Mẹ tôi dạy tôi giữ tiền xu thập phân của mình trong đó và rồi mang nó đến vị giám trợ. Tôi mãi mãi biết ơn mẹ tôi, về cái hộp đựng băng cứu thương đó, và về các phước lành đến từ việc đóng tiền thập phân.
Trong Một Ca Khúc Giáng Sinh, Ông Scrooge đã thay đổi đường lối của mình–ông không còn là người như trước nữa. Tương tự như thế, đây là phúc âm hối cải. Nếu Thánh Linh thúc giục chúng ta tuân theo một cách hoàn toàn hơn luật hy sinh trong cuộc sống của mình, thì cầu xin cho chúng ta bắt đầu sự thay đổi đó ngày hôm nay.
Tôi rất biết ơn Đấng Cứu Rỗi là Đấng đã nêu gương toàn hảo về sự vâng lời qua sự hy sinh—là Đấng đã “tự hiến thân mình làm vật hy sinh để chuộc tội,” và trở thành, theo lời của Lê Hi, “trái đầu mùa của Thượng Đế.” (2 Nê Phi 2:7, 9; sự nhấn mạnh được thêm vào). Tôi làm chứng về Ngài và về những điều này, các giáo lý của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
The post Podcast số 208 – Liahona tháng 5, 2005 – Tiền Thập Phân – Một Lệnh Truyền cho Ngay Cả Người Nghèo Túng – Lynn G. Robbins appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.