Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 200 – Liahona tháng 5, 2005 – Những Lẽ Thật Bất Biến Về Thời Gian Đổi Thay – Thomas S. Monson (1927 – 2018)

October 28, 2022

Cựu Chủ Tịch Thomas S. Monson của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô



Chúng ta, là tín hữu của Giáo Hội các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, phải mạnh dạn chống lại những nguy hiểm đang bao vây chúng ta và gia đình chúng ta.



Thưa các anh chị em thân mến của tôi, những người đang ở trước mặt tôi lẫn những người đang quy tụ trên khắp thế giới, tôi cầu xin có được lời cầu nguyện và đức tin của các anh chị em trong khi tôi đáp ứng sự chỉ định và đặc ân để ngỏ lời cùng các anh chị em.



Tôi bắt đầu bằng lời khen ngợi của tôi đối với tất cả các anh chị em. Trong một thế giới đầy thử thách, giới trẻ của Giáo Hội là những người trẻ tuổi tốt lành hơn bao giờ hết. Đức tin, sự phục vụ, và những hành động của các tín hữu của chúng ta thì thật đáng khen ngợi. Chúng ta là những người biết cầu nguyện và tràn đầy đức tin, luôn luôn cố gắng lịch sự và lương thiện. Chúng ta lo lắng cho nhau. Chúng ta cố gắng cho thấy tình yêu thương đối với những người lân cận của mình.



Tuy nhiên, để tránh việc chúng ta trở nên tự mãn, tôi xin trích dẫn từ 2 Nê Phi trong Sách Mặc Môn:



“Đến ngày ấy, [quỷ dữ]…ru ngủ họ trong một sự an toàn trần tục, khiến họ phải thốt ra rằng: Mọi việc đều tốt đẹp ở Si Ôn; phải Si Ôn thịnh vượng, và mọi việc đều tốt đẹp—và đó là luận điệu mà quỷ dữ đã dùng để lừa gạt tâm hồn họ.”1



Một người nào đó đã nói rằng cây tự mãn của chúng ta có nhiều nhánh, và mỗi mùa xuân thì đâm chồi nở hoa nhiều thêm.



Chúng ta không thể trở nên tự mãn được. Chúng ta sống trong những thời kỳ nguy hiểm; có các dấu hiệu ở khắp nơi chung quanh chúng ta. Chúng ta ý thức sâu xa về những ảnh hưởng xấu trong xã hội của chúng ta mà đang săn đuổi các gia đình truyền thống. Đôi khi truyền hình và phim ảnh miêu tả những người nam và người nữ anh hùng của thế gian và trái luân lý và cố gắng dựng lên vài diễn viên nam nữ như những người gương mẫu mà cuộc sống của họ hoàn toàn đối nghịch với việc làm gương. Tại sao chúng ta phải đi theo một người mù chỉ dẫn? Đài phát thanh ầm ĩ phát ra nhiều nhạc khúc hạ cấp với những lời nhạc khoác lác, những lời mời mọc nguy hiểm, và những sự mô tả về hầu hết mọi tội lỗi mà có thể tưởng tượng được.



Chúng ta, là tín hữu của Giáo Hội các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, phải mạnh dạn chống lại những nguy hiểm đang bao vây chúng ta và gia đình chúng ta. Để giúp chúng ta trong quyết tâm này, tôi xin đưa ra vài đề nghị, cũng như một số ví dụ từ cuộc đời của tôi.



Tôi bắt đầu với buổi họp tối gia đình. Chúng ta không thể xao lãng chương trình được thiên thượng soi dẫn này. Nó có thể đem sự phát triển thuộc linh đến mỗi người trong gia đình, giúp mỗi người ấy chống lại những cám dỗ đang ở khắp nơi. Các bài học mà học được trong nhà là những bài học tồn tại lâu nhất. Như Chủ Tịch Gordon B. Hinckley và những vị tiền nhiệm của ông đã nói: “Mái nhà là nền tảng của một cuộc sống ngay chính, và không có một phương tiện nào khác có thể thay thế chỗ của nó hay làm tròn chức năng trọng yếu của nó.”2



Bác sĩ Glenn J. Doman, một tác giả nổi tiếng và chuyên gia y khoa, đã viết: “Một đứa bé sơ sinh gần như giống hệt một cái máy điện toán trống rỗng, mặc dù cao cấp hơn máy điện toán ấy về mọi mặt….Những gì được đặt vào trong [trí óc] của đứa trẻ trong tám năm đầu của cuộc đời có lẽ sẽ lưu lại đó… Nếu ta bỏ thông tin sai lạc vào [tâm trí] nó trong [thời gian này], thì rất khó để xóa nó đi.” Ông nói thêm rằng lứa tuổi dễ tiếp thu nhất trong đời người là hai hoặc ba tuổi.”3



Tôi thích ý nghĩ này: “Trí óc của ta giống như một cái tủ búp phê đựng đồ, và ta tích trữ đồ lên trên kệ tủ.” Chúng ta hãy chắc chắn rằng kệ tủ búp phê của mình và của những người trong gia đình mình, được tích trữ với những thứ mà sẽ đem sự an toàn đến cho tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta có thể trở về cùng Cha Thiên Thượng. Những cái kệ như thế có thể được tích trữ với kiến thức uyên thâm về phúc âm, đức tin, sự cầu nguyện, tình thương, sự phục vụ, sự vâng lời, gương mẫu, và lòng nhân từ.



Kế đến, tôi nói đến vấn đề nợ nần. Thời nay là thời vay mượn, thời mà nhiều thẻ tín dụng được mời mọc và gửi đến hộp thơ của chúng ta hàng tuần. Chúng thường mời mọc với tiền lời rất thấp mà có thể được áp dụng cho một thời gian ngắn; nhưng người ta thường không ý thức được là hết thời hạn đó, thì tiền lời tăng lên một cách đột ngột. Tôi chia sẻ với các anh chị em một lời phát biểu của Chủ Tịch J. Reuben Clark, Jr., là người mà cách đây nhiều năm là thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Lẽ thật của nó thì vô tận. Ông nói:



“Quy luật về cuộc sống kinh tế và tài chính của chúng ta trên khắp thế giới là tiền lời phải được trả cho số tiền vay mượn…



“Tiền lời không bao giờ ngủ, hay bị bệnh hoặc chết đi; nó không bao giờ đi bệnh viện, nó làm việc vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ; nó không bao giờ đi nghỉ hè; nó không bao giờ đi thăm viếng hay đi du lịch; nó không lấy điều thích thú; nó không bao giờ bị mất việc làm hay bị đuổi khỏi nơi làm việc; nó không bao giờ làm việc ngắn giờ…Một khi mắc nợ, tiền lời là bạn đồng hành của ta từng phút một ban ngày lẫn ban đêm; ta không thể lờ nó đi hay trốn tránh nó được; ta không thể đuổi nó đi; nó không chấp nhận những lời cầu xin, lời đòi hỏi, hay mệnh lệnh; và bất cứ khi nào ta sa vào đường lối của nó hoặc chống đối nó hay không thỏa mãn những đòi hỏi của nó, thì nó sẽ hủy diệt ta.”4



Thưa các anh chị em, tôi thấy phát hoảng trước một số quảng cáo tôi thấy và nghe bênh vực những món nợ tiền còn lại của giá trị căn nhà sau khi số tiền thế chấp được trả. Nói đơn giản, chúng là những món nợ thế chấp thứ nhì của các căn nhà. Sự khuyến khích cho những món nợ vay mượn như thế là nhằm dụ dỗ chúng ta mượn thêm để có thêm. Điều mà không bao giờ được nói đến là việc mà nếu một người không thể trả số tiền nợ “thứ hai” này của căn nhà, thì người ấy có nguy cơ bị mất nhà.



Hãy tránh triết lý và sự bào chữa rằng những xa hoa ngày xưa đã trở thành nhu cầu cần thiết ngày nay. Chúng không phải là những thứ cần thiết ngoại trừ chúng ta tự mình làm chúng trở thành như thế. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay muốn bắt đầu với nhiều chiếc xe hơi và loại nhà mà Cha Mẹ họ đã làm cả đời để tạo nên. Vì vậy, họ mắc nợ lâu dài dựa trên cơ sở của hai đồng lương. Có lẽ đã quá trễ khi họ thấy rằng chắc chắn có những sự thay đổi, các phụ nữ có con, bệnh tật giáng xuống một số gia đình, mất việc làm, thiên tai và những tình huống khác xảy ra, và tiền trả nợ cầm cố, dựa trên hai đồng lương, không thể có để trả được.



Việc chúng ta sống theo khả năng của mình thì rất là quan trọng.



Kế đến, tôi đã cảm thấy có ấn tượng để nói với những người mẹ, những người cha, những người con trai và những người con gái.



Tôi xin nói với mỗi người mẹ, mỗi người cha—xin hãy là một người biết lắng nghe. Sự truyền đạt ngày nay rất quan trọng trong thế giới với nhịp sống vội vã. Hãy lấy thì giờ để lắng nghe. Và đối với các em là con cái, hãy nói chuyện với cha mẹ của các em. Có thể khó để nhận biết, nhưng cha mẹ các em đã trải qua nhiều thử thách giống như các em đang gặp ngày nay. Thường thường họ thấy được những ảnh hưởng của hành động rõ hơn các em có thể thấy. Họ cầu nguyện cho các em mỗi ngày và được quyền nhận lãnh sự soi dẫn từ Cha Thiên Thượng để cho các em lời chỉ bảo và khuyên răn.



Thưa những người mẹ, hãy chia sẻ các bổn phận trong gia đình. Thường thì dễ dàng để tự làm mọi điều hơn là thuyết phục con cái mình giúp đỡ, nhưng là điều rất quan trọng để chúng học hỏi về tầm quan trọng của việc làm phần vụ của chúng.



Thưa những người cha, tôi muốn khuyên các anh em hãy bày tỏ tình yêu thương và sự tử tế đối với vợ mình. Hãy kiên nhẫn với con cái của mình. Đừng nuông chiều chúng quá mức, vì chúng phải học hỏi để tìm lối đi riêng của chúng trong đời.



Tôi muốn khuyến khích các anh em hãy sẵn sàng khi con cái mình cần đến. Tôi có nghe nói rằng không có người đàn ông nào, khi cái chết gần kề, đã từng nói là mình ước muốn có thêm thời giờ làm việc tại văn phòng.



Tôi thích tấm gương sau đây, trích từ một bài báo có tựa đề “Một Ngày tại Bãi Biển” do Arthur Gordon viết. Ông nói:



“Khi tôi khoảng mười ba tuổi và em trai tôi mười tuổi, Cha đã hứa dẫn chúng tôi đi xem xiếc. Nhưng vào bữa trưa, thì có một cú điện thoại; một công việc khẩn cấp cần sự chú ý của ông ở khu buôn bán kinh doanh. Chúng tôi cảm thấy thất vọng. Nhưng rồi chúng tôi nghe ông nói: ‘Không, tôi sẽ không đi xuống đó. Nó phải đợi.’



“Khi ông quay lại bàn, Mẹ đã cười [và nói]: ‘Gánh xiếc sẽ tiếp tục trở lại anh biết không?’



Cha đã nói: “‘Anh biết, nhưng tuổi ấu thơ thì không.’”5



Thưa các anh chị em, thời gian với con cái mình đang lướt nhanh. Đừng bỏ qua cơ hội cùng với chúng bây giờ. Một người nào đó đã nói điều này một cách khác: Chỉ sống cho ngày mai, và ngày nay ta sẽ có một quá khứ trống rỗng.6



Thưa các bậc cha mẹ, hãy giúp con cái mình đặt ra các mục tiêu liên quan đến học hành và nghề nghiệp. Hãy giúp các con trai mình học cách xử sự và tôn trọng đối với phụ nữ và trẻ em.



Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Khi chúng ta đào tạo một thế hệ mới, thì thế giới sẽ tương tự như thế trong một vài năm. Nếu ta lo lắng cho tương lai, thì nên nhìn vào cách dạy dỗ con cái mình.”7



Lời của Sứ Đồ Phao Lô cùng Ti Mô Thê yêu dấu của ông cũng có thể áp dụng rất đúng: “Nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.”8



Thưa các bậc cha mẹ, hãy sống cuộc sống của các anh chị em trong một cách thức mà con cái mình sẽ thấy nơi các anh chị em tấm gương đáng noi theo.



Tôi khuyên nhủ tất cả các gia đình: hãy tìm kiếm di sản của mình. Là điều quan trọng để biết, càng xa về trước càng tốt, những ai đã sống trước chúng ta. Chúng ta khám phá ra điều gì đó về bản thân mình khi chúng ta học hỏi về tổ tiên của mình.



Tôi nhớ khi còn là một thiếu niên đã nghe về những kinh nghiệm của các tổ tiên dòng họ Miller của tôi. Vào mùa xuân năm 1848, ông bà tổ của tôi, Charles Stewart Miller và Mary McGowan Miller, đã gia nhập Giáo Hội trên quê hương Scotland của họ, rời nhà họ ở Rutherglen, Scotland, và hành trình ngang qua Đại Tây Dương. Họ đã đến cảng New Orleans và đi trên Sông Mississippi đến St. Louis, Missouri, cùng một nhóm Thánh Hữu, đến đó vào năm 1849. Một trong 11 người con của họ, Margaret, đã trở thành bà cố ngoại của tôi.



Khi gia đình đến St. Louis, trong khi dự định kiếm đủ tiền để trả chi phí đi đến Thung Lũng Salt Lake, một nạn dịch tả đã giáng xuống khu vực đó. Gia đình Miller đã bị ảnh hưởng nặng: trong thời gian hai tuần, người mẹ, người cha, và hai đứa con trai của họ đã qua đời. Khi ấy bà cố ngoại của tôi, Margaret Miller, được 13 tuổi.



Bởi vì mọi cái chết trong vùng, nên đã không có sẵn quan tài để dùng–với bất cứ giá nào. Những đứa con trai lớn còn sống sót đã tháo giỡ chuồng bò của gia đình để làm quan tài thô sơ cho những người trong gia đình đã chết.



Chín đứa con mồ côi còn lại của dòng họ Miller và một người chồng của một trong số những đứa con gái lớn đã rời St. Louis vào mùa xuân năm 1850 với 4 con bò và 1 cái xe bò, cuối cùng đã đến Thung Lũng Salt Lake vào cùng năm đó.



Tôi rất biết ơn họ và những tổ tiên cao quý khác là những người đã yêu mến phúc âm và Chúa sâu đậm đến nỗi họ sẵn lòng hy sinh tất cả mọi điều họ có, kể cả chính mạng sống của họ, cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết ơn biết bao cho các giáo lễ đền thờ mà ràng buộc chúng ta lại với nhau trong suốt thời vĩnh cửu.



Tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong công việc chúng ta làm trong các đền thờ của Chúa cho những họ hàng quá cố của chúng ta.



Chỉ cách đây đúng hai tháng tính đến ngày hôm nay, những người trong gia đình tôi đã tụ họp lại trong Đền Thờ Salt Lake để thực hiện lễ gắn bó cho một số tổ tiên quá cố của chúng tôi. Đây là một trong những kinh nghiệm thiêng liêng nhất mà gia đình chúng tôi đã có với nhau và đã làm gia tăng tình thương yêu mà chúng tôi có cho nhau và nghĩa vụ của chúng tôi là để sống xứng đáng với di sản của mình.



Cách đây nhiều năm khi con trai út của chúng tôi, Clark, đang theo học một lớp học tôn giáo tại Trường Brigham Young University, người giảng viên, trong khi giảng bài, đã hỏi con tôi: “Clark, tấm gương nào trong cuộc đời với cha em mà em nhớ rõ nhất?”



Người giảng viên sau này đã viết thơ cho tôi và kể cho tôi nghe câu trả lời mà Clark đã đưa ra trong lớp. Clark nói: “Khi tôi còn là một thầy trợ tế trong Chức Tư Tế A Rôn, cha tôi và tôi đã đi săn chim trĩ gần Malad, Idaho. Ngày ấy là ngày thứ Hai—ngày cuối cùng của mùa săn chim trĩ. Chúng tôi đã đi qua nhiều cánh đồng để tìm chim trĩ nhưng chỉ thấy vài con thôi, và chúng tôi đã không bắn trúng chúng. Rồi cha đã nói với tôi và nhìn vào đồng hồ của mình: ‘Clark, hãy tháo đạn ở súng ra, và chúng ta sẽ bỏ chúng vào cái hào này. Rồi chúng ta sẽ quỳ xuống cầu nguyện.’ Tôi nghĩ rằng cha sẽ cầu nguyện cho được thêm chim trĩ, nhưng tôi đã lầm. Cha đã giải thích với tôi rằng Anh Cả Richard L. Evans thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai đang bị bệnh nặng và vào lúc 12 giờ trưa ngày Thứ Hai đó các thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai–bất kỳ họ đang ở đâu–đều quỳ xuống và, trong một cách, đồng tâm cùng nhau trong một lời cầu nguyện nhiệt thành của đức tin cho Anh Cả Evans. Dở nón xuống, chúng tôi đã quỳ xuống cầu nguyện.”



Tôi còn nhớ rõ dịp đó, nhưng tôi đã không bao giờ nghĩ rằng một đứa con trai đã theo dõi, học hỏi, xây đắp chứng ngôn của riêng nó.



Cách đây vài năm, chúng tôi có một đứa trẻ đưa báo, mà đã không luôn luôn giao báo theo kiểu đã được trông mong. Thay vì bỏ báo trên hiên nhà, đôi khi nó tình cờ thảy lên trên các bụi cây hay ngay cả gần bên đường. Vài người trên tuyến đường bỏ báo của nó đã quyết định bắt đầu viết giấy than phiền. Một ngày nọ, một người đại diện đã đến nhà chúng tôi và yêu cầu vợ tôi, Frances, ký tên vào giấy than phiền. Vợ tôi đã từ chối nói rằng: “Sao, nó chỉ là một đứa trẻ, và tờ báo thì quá nặng đối với nó. Tôi sẽ không bao giờ chỉ trích nó, vì nó cố gắng hết sức mình.” Tuy nhiên, tờ giấy than phiền đã được ký bởi nhiều người khác trên tuyến đường bỏ báo và đã gởi tới những người giám thị của đứa trẻ.



Không bao lâu sau đó, tôi đi làm về và thấy Frances đang khóc. Khi vợ tôi đã có thể nói được, bà nói cho tôi biết bà vừa được biết rằng thi hài của đứa trẻ bỏ báo đó đã được tìm thấy trong nhà để xe của nó, nơi mà nó đã tự kết liễu cuộc đời. Hiển nhiên là lời chỉ trích đè nặng lên nó đã vượt quá sức chịu đựng của nó. Chúng tôi biết ơn biết bao đã không tham gia vào sự chỉ trích đó. Thật là một bài học luôn luôn sống động về tầm quan trọng của việc không nên phê phán và đối xử mọi người một cách tử tế.



Đấng Cứu Rỗi phải là tấm gương để chúng ta noi theo. Như đã được chép về Ngài, Ngài đã càng thêm “khôn ngoan, thân hình càng lớn mạnh, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.”9 Ngài “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài.”10



Hãy nhớ rằng thường thì sự thông sáng của Thượng Đế đuợc con người xem là dại dột, nhưng một bài học đơn giản và quan trọng nhất mà chúng ta có thể học trong cuộc sống trần thế là khi Thượng Đế phán và con người tuân theo, thì người đó sẽ luôn luôn làm đúng.



Cầu xin cho chúng ta luôn tuân theo Hoàng Tử Bình An, là Đấng thật sự chỉ đường cho chúng ta đi theo, vì làm như thế, chúng ta sẽ sống sót trong những thời kỳ hỗn loạn. Kế hoạch thiêng liêng của Ngài có thể cứu chúng ta khỏi những nguy hiểm đang bao vây chúng ta mọi phía. Tấm gương của Ngài chỉ đường đi. Khi gặp cám dỗ, Ngài đã tránh nó. Khi được dâng cho thế gian, Ngài đã khước từ không nhận. Khi được yêu cầu hy sinh mạng sống, Ngài hiến dâng nó.



Giờ đây đã đến lúc. Đây chính là địa điểm. Cầu xin cho chúng ta đi theo Ngài, tôi cầu nguyện, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.


The post Podcast số 200 – Liahona tháng 5, 2005 – Những Lẽ Thật Bất Biến Về Thời Gian Đổi Thay – Thomas S. Monson (1927 – 2018) appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.