Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 176 – Liahona tháng 2, 2013 – Một Lời Khuyên Dành Cho Người Truyền Giáo Lưỡng Lự – Dieter F. Uchtdorf
Bài của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào năm 2013 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô luôn luôn có trách nhiệm mang phúc âm của Ngài đến với thế gian (xin xem Mác 16:15–16). Tuy nhiên, đôi khi là điều khó khăn để chúng ta mở miệng ra và nói về đức tin của mình với những người xung quanh. Trong khi một số tín hữu của Giáo Hội có năng khiếu nói chuyện với những người khác về tôn giáo, thì cũng có những người khác hơi lưỡng lự một chút hoặc cảm thấy lúng túng, ngượng nghịu, thậm chí còn sợ hãi để làm như vậy.
Vì lý do ấy, tôi xin đề nghị bốn điều mà bất cứ người nào cũng có thể làm để tuân theo lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi là phải thuyết giảng phúc âm “cho mọi người” (GLGƯ 58:64).
Hãy Là một Ánh Sáng
Một câu nói ưa thích của tôi thường là câu nói của St. Francis of Assisi: “Hãy luôn luôn thuyết giảng phúc âm và nếu cần, hãy sử dụng lời nói.”1 Tiềm ẩn trong câu nói này là sự hiểu biết rằng thường thường những bài thuyết giảng hùng hồn nhất lại là hiểu ngầm.
Khi chúng ta có tính liêm khiết và kiên định sống theo các tiêu chuẩn của mình, thì những người khác đều thấy. Khi chúng ta rạng rỡ niềm vui và hạnh phúc, thì họ còn thấy nhiều hơn nữa.
Mọi người đều muốn được hạnh phúc. Khi chúng ta, các tín hữu của Giáo Hội, rạng rỡ ánh sáng phúc âm, thì những người khác có thể thấy được niềm hạnh phúc của chúng ta và cảm thấy được tình yêu thương của Thượng Đế đầy dẫy và tuôn tràn trong cuộc sống của chúng ta. Họ muốn biết tại sao. Họ muốn hiểu bí quyết của chúng ta.
Điều đó dẫn họ đến việc đặt những câu hỏi như là “Tại sao bạn lại vui vẻ như vậy?” hoặc “Tại sao bạn luôn luôn có một thái độ lạc quan như vậy?” Dĩ nhiên các câu trả lời cho những câu hỏi này hoàn toàn dẫn đến một cuộc chuyện trò về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.
Hãy Thích Bắt Chuyện
Việc đưa ra đề tài về tôn giáo—đặc biệt cho những người bạn và những người thân của chúng ta—có thể dường như là làm nản chí và đầy khó khăn. Không cần phải như vậy đâu. Việc đề cập đến những kinh nghiệm thuộc linh hoặc nói về các sinh hoạt hay sự kiện trong Giáo Hội trong cuộc trò chuyện không trịnh trọng có thể dễ dàng và thú vị nếu chúng ta sử dụng một chút ít can đảm và lý trí.
Vợ tôi, Harriet, là một ví dụ tuyệt vời về điều này. Khi chúng tôi còn sống ở Đức, bà thường tìm cách gồm những đề tài liên quan đến Giáo Hội vào những cuộc trò chuyện của bà với bạn bè và những người quen biết. Ví dụ, khi một người nào đó hỏi bà về những ngày cuối tuần của bà thì bà thường nói: “Chủ Nhật này, chúng tôi đã có một kinh nghiệm mang lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong nhà thờ của chúng tôi! Một thiếu niên 16 tuổi đã đưa ra một bài nói chuyện tuyệt diệu trước 200 người trong giáo đoàn của chúng tôi về việc sống một cuộc sống trong sạch.” Hay là, “Tôi biết được có một phụ nữ 90 tuổi đã đan hơn 500 cái mền và tặng cho chương trình nhân đạo của Giáo Hội chúng tôi để gửi cho những người gặp hoạn nạn trên khắp thế giới.”
Thường thường những người nghe điều này đều muốn biết thêm. Họ đặt ra những câu hỏi. Và điều đó đưa đến những cơ hội để nói về phúc âm trong một cách thức tự nhiên, tự tin, thoải mái.
Với sự phát minh của Internet và phương tiện truyền thông xã hội, thì dễ dàng hơn ngày nay để nói về những điều này trong một cách nói chuyện bình thường hơn bao giờ hết. Điều chúng ta cần chỉ là lòng can đảm để làm như vậy.
Hãy Có Đầy Ân Điển
Rủi thay, rất dễ dàng để tranh cãi. Việc chúng ta tranh luận, chỉ trích và lên án xảy ra rất thường xuyên. Khi chúng ta trở nên tức giận, khiếm nhã, hay gây tổn thương người khác, thì họ đâu muốn học hỏi thêm về chúng ta. Không thể nào biết có bao nhiêu người đã rời bỏ Giáo Hội hoặc không bao giờ gia nhập vì một ngưòi nào đó nói một điều gì đó gây tổn thương hay làm phật lòng họ.
Có rất nhiều điều thô lỗ trên thế giới ngày nay. Vì tình trạng nặc danh của người sử dụng Internet, nên sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết để nói những điều độc hại hay khó chịu trực tuyến. Là các môn đồ đầy hy vọng của Đấng Ky Tô hiền dịu, chúng ta không thể có một tiêu chuẩn cao hơn, bác ái hơn sao? Thánh thư dạy: “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào” (Cô Lô Se 4:6).
Tôi thích ý nghĩ về những lời nói của chúng ta trong sáng như một bầu trời có nắng và đầy ân điển. Các anh chị em có thể tưởng tượng gia đình, tiểu giáo khu, quốc gia và ngay cả thế giới sẽ như thế nào nếu chúng ta có thể chấp nhận nguyên tắc giản dị này không?
Hãy Tràn Đầy Đức Tin
Đôi khi chúng ta tự cho mình quá nhiều công trạng hay trách cứ mình quá nhiều khi những người khác chấp nhận phúc âm. Điều quan trọng là hãy nhớ rằng Chúa không kỳ vọng chúng ta làm công việc cải đạo.
Sự cải đạo đến không phải qua những lời nói của chúng ta mà qua những cách giúp đỡ thiêng liêng của Đức Thánh Linh. Đôi khi chỉ cần một cách nói đơn giản về chứng ngôn chúng ta hoặc về một kinh nghiệm để bắt đầu làm mềm lòng một người hoặc mở cánh cửa mà có thể dẫn những người khác đến việc cảm nhận các lẽ thật cao quý qua những thúc giục của Thánh Linh.
Chủ Tịch Brigham Young (1801–77) nói ông biết rằng phúc âm là chân chính khi ông “nhìn thấy một người không có tài hùng biện, hay tài ăn nói trước công chúng, là người chỉ có thể nói: ‘Tôi biết, bằng quyền năng của Đức Thánh Linh, rằng Sách Mặc Môn là chân chính, rằng Joseph Smith là Vị Tiên Tri của Chúa.’” Chủ Tịch Young nói rằng khi ông nghe chứng ngôn khiêm nhường đó, thì “Đức Thánh Linh tác động từ người đó soi sáng sự hiểu biết của tôi, và ánh sáng, vinh quang và sự bất diệt hiện ra trước mắt tôi.”2
Thưa các anh chị em, hãy có đức tin. Chúa có thể làm vinh hiển những lời các anh chị em nói và làm cho những lời này được hùng hồn. Thượng Đế không đòi hỏi các anh chị em phải cải đạo mà thay vì thế phải mở miệng ra. Nhiệm vụ cải đạo không thuộc vào các anh chị em—nhiệm vụ đó thuộc vào người đang nghe và thuộc vào Đức Thánh Linh.
Mỗi Tín Hữu là một Người Truyền Giáo
Các bạn thân quý của tôi, ngày nay có thêm nhiều cách hơn bao giờ hết cho chúng ta để mở miệng ra và chia sẻ với những người khác tin vui về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Có một cách cho mọi người—ngay cả cho người truyền giáo lưỡng lự—để tham gia vào công việc vĩ đại này. Mỗi người chúng ta có thể tìm ra cách để sử dụng tài năng và sở thích riêng biệt của mình để hỗ trợ công việc vĩ đại này nhằm mục đích làm tràn đầy thế gian với ánh sáng và lẽ thật. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui đến với những người đủ trung tín và can đảm “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào” (Mô Si A 18:9).
The post Podcast số 176 – Liahona tháng 2, 2013 – Một Lời Khuyên Dành Cho Người Truyền Giáo Lưỡng Lự – Dieter F. Uchtdorf appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.