Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 169 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Tầm Quan Trọng của Một Danh Xưng – M. Russell Ballard

July 19, 2022

Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô





Chúng ta hãy phát triển thói quen … làm sáng tỏ rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là danh xưng do chính Chúa hướng dẫn để cho chúng ta được mọi người biết đến.



Thưa Anh Cả Hales, thay mặt cho tất cả chúng tôi, chúng tôi bày tỏ tình yêu thương sâu đậm nhất và rất biết ơn anh đã có mặt vào buổi sáng này.



Kể từ đại hội trung ương tháng Tư vừa qua, tâm trí của tôi nhiều lần tập trung vào đề tài về tầm quan trọng của một cái tên. Trong vài tháng trước đây, mấy đứa chắt được sinh ra trong gia đình chúng tôi. Mặc dù dường như chúng được sinh ra nhanh hơn là tôi có thể nhớ kịp, nhưng mỗi đứa trẻ đều được chào đón với tư cách là phần tử mới trong gia đình chúng tôi. Mỗi đứa nhận được một cái tên đặc biệt do cha mẹ chúng đặt, một cái tên được biết đến trong suốt cuộc sống của chúng, phân biệt chúng với bất cứ ai khác. Điều này đúng như vậy trong mỗi gia đình, và cũng đúng trong số các tôn giáo trên thế giới.



Chúa Giê Su Ky Tô biết rằng việc đặt tên rõ ràng cho Giáo Hội của Ngài trong những ngày sau này là vô cùng quan trọng. Trong tiết 115 sách Giáo Lý và Giao Ước, chính Chúa đã đặt tên cho Giáo Hội: “Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy trong những ngày sau cùng, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô” (câu 4).



Và Vua Bên Gia Min đã dạy cho dân của ông trong thời Sách Mặc Môn rằng:



“Tôi mong rằng, các người hãy mang danh Đấng Ky Tô vào mình, tất cả các người đã lập giao ước với Thượng Đế, là các người sẽ vâng lời cho đến ngày cuối cùng của đời mình. …



“Và tôi mong các người cũng hãy ghi nhớ rằng, đây là tên mà tôi đã nói là tôi sẽ ban cho các người, là tên sẽ không bao giờ bị xóa bỏ, ngoại trừ trường hợp có sự phạm giới; vậy nên, các người hãy giữ mình đừng phạm tội, để cho danh xưng ấy không bị xóa bỏ khỏi tim mình” (Mô Si A 5:8, 11).



Chúng ta mang danh của Đấng Ky Tô trong nước báp têm. Mỗi tuần, chúng ta tái lập hiệu quả của phép báp têm đó khi dự phần Tiệc Thánh, có nghĩa là tình nguyện mang danh của Ngài và hứa luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài (xin xem GLGƯ 20:77, 79).



Chúng ta có ý thức được rằng mình đã được phước biết bao để mang danh của Con Trai Yêu Dấu và Độc Sinh của Thượng Đế không? Chúng ta có hiểu điều đó quan trọng như thế nào không? Danh xưng của Đấng Cứu Rỗi là danh xưng duy nhất để nhờ đó loài người có thể được cứu (xin xem 2 Nê Phi 31:21).



Như các anh chị em còn nhớ, Chủ Tịch Boyd K. Packer đã thảo luận về tầm quan trọng của danh xưng của Giáo Hội trong đại hội trung ương tháng Tư vừa qua. Ông đã giải thích rằng “vì tuân theo điều mặc khải nên chúng ta tự gọi là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô thay vì Giáo Hội Mặc Môn.” (“Được Thánh Linh Hướng Dẫn,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 30).



Vì tên đầy đủ của Giáo Hội quan trọng như vậy, nên tôi xin lặp lại những điều mặc khải từ thánh thư, những chỉ dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong các bức thư vào năm 1982 và 2001, cũng như những lời của Các Vị Sứ Đồ khác đã khuyến khích các tín hữu của Giáo Hội bênh vực và giảng dạy thế gian rằng Giáo Hội được biết đến với danh xưng của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa sẽ kêu gọi chúng ta bằng danh xưng đó vào ngày sau cùng. Giáo Hội của Ngài sẽ được phân biệt với tất cả các giáo hội khác bằng danh xưng đó.



Tôi đã nghĩ nhiều về lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi ban một danh xưng dài như vậy cho Giáo Hội phục hồi của Ngài. Danh xưng này có thể dường như là dài, nhưng nếu chúng ta nghĩ về danh xưng đó như là một điều mô tả về Giáo Hội, thì tự nhiên nó trở thành vắn tắt, đơn giản và thẳng thắng một cách kỳ diệu. Làm thế nào bất cứ điều mô tả nào lại có thể trực tiếp, minh bạch nhưng rõ ràng chỉ trong một vài từ như vậy?



Mỗi từ nhằm làm sáng tỏ và không thể thiếu được trong danh xưng của Giáo Hội. Mỗi từ cho thấy vị trí độc đáo của Giáo Hội phục hồi trong số các tôn giáo trên thế giới.



Cụm từ Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô cho biết rằng đây là Giáo Hội của Ngài. Trong Sách Mặc Môn, Chúa Giê Su dạy: “Làm sao mà giáo hội thuộc về ta nếu không được gọi bằng danh ta? Vì nếu một giáo hội có tên là Môi Se thì tức đó là giáo hội của Môi Se; hoặc nếu được gọi theo tên một người nào đó, thì giáo hội ấy sẽ thuộc về người đó; vậy nên, nếu giáo hội được gọi bằng danh ta thì đó là giáo hội của ta, nếu họ cũng được xây dựng trên phúc âm của ta.” (3 Nê Phi 27:8).



Cụm từ Các Thánh Hữu Ngày Sau giải thích rằng Giáo Hội này cũng giống như Giáo Hội mà Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập trong thời gian giáo vụ trần thế của Ngài nhưng được phục hồi trong những ngày sau này. Chúng ta biết là nếu đã có sự bỏ đạo, hay là sự bội giáo, thì cần phải có Sự Phục Hồi Giáo Hội chân chính và trọn vẹn của Ngài trong thời kỳ chúng ta.



Từ Các Thánh Hữu có nghĩa rằng các tín hữu của Giáo Hội noi theo Ngài và cố gắng làm theo ý Ngài, tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, và chuẩn bị sống nơi hiện diện của Ngài và của Cha Thiên Thượng một lần nữa. Từ Thánh Hữu ám chỉ những người tìm cách làm cho cuộc sống của họ được thánh thiện bằng giao ước noi theo Đấng Ky Tô.



Danh xưng do Đấng Cứu Rỗi ban cho Giáo Hội của Ngài cho chúng ta biết chính xác chúng ta là ai và chúng ta tin điều gì. Chúng ta tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại. Ngài chuộc tội cho tất cả những ai chịu hối cải tội lỗi của họ, cũng như Ngài đã cắt đứt những dây trói buộc của sự chết và ban cho sự phục sinh từ cõi chết. Chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Và như Vua Bên Gia Min đã nói với dân của ông, tôi cũng xin khẳng định lại như vậy một lần nữa với tất cả chúng ta ngày hôm nay: “Các người hãy ghi khắc tên [Ngài] vào tim mình luôn luôn” (Mô Si A 5:12).



Chúng ta được yêu cầu phải đứng lên làm nhân chứng cho Ngài “bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu” (Mô Si A 18:9). Điều này có nghĩa một phần là chúng ta cần phải sẵn sàng để cho những người khác biết mình noi theo ai và thuộc vào Giáo Hội của ai: Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta chắc chắn muốn làm điều này trong tinh thần yêu thương và với chứng ngôn. Chúng ta muốn noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách nói một cách giản dị và rõ ràng, nhưng khiêm nhường, rằng chúng ta là tín hữu của Giáo Hội của Ngài. Chúng ta noi theo Ngài bằng cách làm Các Thánh Hữu Ngày Sau—các môn đồ ngày sau.



Người ta và các tổ chức thường được những người khác tặng cho biệt danh. Biệt danh có thể là một hình thức rút ngắn của một danh xưng, hoặc có thể bắt nguồn từ một sự kiện hoặc một đặc điểm nào đó về vật chất hoặc đặc điểm khác. Trong khi biệt danh không có cùng tình trạng hay ý nghĩa tương tự như tên thật, nhưng chúng có thể được sử dụng một cách đúng đắn.



Giáo Hội của Chúa trong thời xưa lẫn thời nay đều có biệt danh. Các Thánh Hữu trong thời Tân Ước được gọi là Ky Tô hữu vì họ tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Danh xưng đó, lúc đầu bị những kẻ gièm pha sử dụng một cách miệt thị, giờ đây là một danh xưng được trọng vọng; và chúng ta vinh dự được gọi là Ky Tô giáo.



Các tín hữu của chúng ta được gọi là người Mặc Môn vì chúng ta tin vào Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Những người khác có thể cố gắng sử dụng từ Mặc Môn một cách rộng rãi hơn để bao gồm và ám chỉ những người đã rời bỏ Giáo Hội và thành lập nhiều nhóm ly khai khác nhau. Việc sử dụng như vậy chỉ đưa đến hoang mang mà thôi. Chúng ta biết ơn nỗ lực của giới truyền thông đã không sử dụng từ Mặc Môn theo cách mà có thể khiến cho công chúng ngộ nhận Giáo Hội với những người đa thê hay những nhóm người theo trào lưu chính thống khác. Tôi xin được nói rõ rằng không có một nhóm người đa thê nào, kể cả những người tự gọi mình là Những Người Mặc Môn theo trào lưu chính thống hay những nhóm biến thể khác của danh xưng chúng ta, có bất cứ điều gì liên quan đến Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.



Mặc dù Mặc Môn không phải là một danh xưng đầy đủ và chính xác của Giáo Hội, và ngay cả từ lúc đầu, danh xưng đó còn được những kẻ gièm pha đặt cho trong thời gian ban đầu khi chúng ta bị ngược đãi, nhưng nó đã trở thành một biệt danh có thể chấp nhận được khi áp dụng cho các tín hữu thay vì một thể chế. Chúng ta không cần phải ngừng sử dụng danh xưng Mặc Môn khi thích hợp, nhưng chúng ta cần phải tiếp tục nhấn mạnh đến danh xưng đầy đủ và chính xác của Giáo Hội. Nói một cách khác, chúng ta nên tránh và can ngăn sử dụng từ “Giáo Hội Mặc Môn.”



Trong nhiều năm, khi đi thi hành những chỉ định trên khắp thế giới, tôi đã nhiều lần được hỏi là có thuộc vào Giáo Hội Mặc Môn không. Câu trả lời của tôi là “Tôi là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Vì tôi tin vào Sách Mặc Môn, tức là quyển sách được đặt theo tên của một vị tiên tri là người lãnh đạo ở Châu Mỹ thời xưa và sách là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô, nên đôi khi chúng tôi được gọi là người Mặc Môn.” Trong mọi trường hợp, câu trả lời này đã được đón nhận tốt đẹp và trong thực tế đã mở ra nhiều cơ hội đối với tôi để giải thích về Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn trong những ngày sau này.



Thưa các anh chị em, hãy nghĩ xem mình có thể tạo nên ảnh hưởng như thế nào chỉ qua cách trả lời bằng việc sử dụng danh xưng đầy đủ của Giáo Hội như Chúa đã phán chúng ta nên làm. Và nếu ngay lập tức các anh chị em không thể sử dụng danh xưng đầy đủ, thì ít nhất cũng nói: “Tôi thuộc vào Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô” và rồi giải thích sau cụm từ “Các Thánh Hữu Ngày Sau.”



Một số người có thể hỏi, còn trang mạng như là Mormon.org cũng như nhiều chiến dịch truyền thông khác nhau do Giáo Hội khởi xướng thì sao? Như tôi đã nói, đôi khi là điều thích hợp để ám chỉ chung các tín hữu là những người Mặc Môn. Trên thực tế, những người không thuộc tín ngưỡng của chúng ta đến tìm kiếm chúng ta bằng cách tìm kiếm từ đó. Nhưng một khi các anh chị em vào trang mạng Mormon.org, thì danh xưng đúng của Giáo Hội được giải thích trên trang chủ, và nó xuất hiện trên mỗi trang bổ sung. Việc trông mong người ta phải gõ danh xưng đầy đủ của Giáo Hội khi tìm kiếm chúng ta hay khi đăng nhập vào trang web của chúng ta là điều không thực tế.



Mặc dù những đòi hỏi thiết thực này có thể tiếp tục, nhưng chúng không nên ngăn giữ các tín hữu sử dụng danh xưng đầy đủ của Giáo Hội bất cứ khi nào có thể được. Chúng ta hãy phát triển thói quen bên trong các sinh hoạt của gia đình và Giáo Hội mình cùng những mối giao tiếp hằng ngày của chúng ta để làm sáng tỏ rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là danh xưng do chính Chúa hướng dẫn để cho chúng ta được mọi người biết đến.



Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho biết rằng có quá nhiều người vẫn không hiểu một cách chính xác rằng Mặc Môn là ám chỉ các tín hữu của Giáo Hội chúng ta. Và hầu hết người ta vẫn không chắc rằng những người Mặc Môn chính là Ky Tô hữu. Ngay cả khi họ đọc tác phẩm Bàn Tay Giúp Đỡ của chúng ta trên khắp thế giới để đáp ứng các cơn bão, động đất, lũ lụt, và nạn đói, họ cũng không liên kết các nỗ lực nhân đạo của chúng ta với chúng ta là một tổ chức Ky Tô hữu. Chắc chắn là điều đó sẽ dễ dàng hơn đối với họ để hiểu rằng chúng ta tin tưởng và noi theo Đấng Cứu Rỗi nếu tự gọi mình là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Bằng cách này, những người nghe tên Mặc Môn sẽ dần dần liên kết từ đó với danh xưng đã được mặc khải của chúng ta và với những người noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.



Trong bức thư đề ngày 23 tháng Hai năm 2001, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã yêu cầu: “Cách sử dụng danh xưng đã được mặc khải, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô …, càng ngày càng quan trọng trong trách nhiệm của chúng ta để công bố danh xưng của Đấng Cứu Rỗi trên khắp thế giới. Vì thế, chúng tôi yêu cầu rằng nếu có thể được khi nào nói đến Giáo Hội, chúng ta sử dụng danh xưng đầy đủ của Giáo Hội.”



Trở lại đại hội trung ương tháng Mười năm 1948, Chủ Tịch George Albert Smith nói: “Thưa các anh chị em, khi ra về, các anh chị em có thể tiếp xúc với nhiều giáo phái khác nhau trên thế giới, nhưng hãy nhớ rằng chỉ có một Giáo Hội duy nhất trên khắp thế giới đang mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa chúng ta, qua lệnh truyền thiêng liêng” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1948, 167).



Thưa các anh chị em, cầu xin cho chúng ta cũng ghi nhớ lời dạy đó khi rời đại hội này ra về ngày hôm nay. Hãy để cho mọi người nghe được chứng ngôn của chúng ta về Ngài và tình yêu mến của chúng ta dành cho Ngài sẽ mãi mãi ở trong mình, tôi khiêm nhường cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.


The post Podcast số 169 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Tầm Quan Trọng của Một Danh Xưng – M. Russell Ballard appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.