Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 155 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Lo Liệu Theo Cách của Chúa – Dieter F. Uchtdorf

June 16, 2022

Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào năm 2011 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô





Các nguyên tắc an sinh của Giáo Hội không phải chỉ là những ý kiến hay mà là các lẽ thật đã được Thượng Đế mặc khải—các lẽ thật này là cách Ngài giúp đỡ người nghèo túng.



Cách đây sáu mươi lăm năm, ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, tôi đã có được kinh nghiệm trực tiếp về các phước lành của chương trình an sinh của Giáo Hội. Mặc dù còn rất bé, nhưng tôi vẫn nhớ hương vị ngọt ngào của các quả đào đóng hộp với cháo lúa mì và mùi thơm đặc biệt của quần áo được các tín hữu Giáo Hội có lòng quan tâm ở Hoa Kỳ gửi tặng Các Thánh Hữu Đức thời hậu chiến. Tôi sẽ mãi mãi trân quý những hành động yêu thương và nhân từ này đối với những người chúng tôi đang trong cảnh hoạn nạn túng thiếu.



Kinh nghiệm cá nhân này và dịp kỷ niệm 75 năm chương trình an sinh đầy soi dẫn này cho tôi lý do để suy ngẫm một lần nữa về các nguyên tắc cơ bản của việc chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu, trở nên tự túc, và phục vụ đồng bào mình.



Tại Gốc Rễ của Đức Tin Chúng Ta

Đôi khi chúng ta xem vấn đề an sinh chỉ là một đề tài phúc âm khác mà thôi—một trong số nhiều nhánh trên cây phúc âm. Nhưng tôi tin rằng trong kế hoạch của Chúa, sự cam kết của chúng ta với các nguyên tắc an sinh cần phải ở tại ngay gốc rễ của đức tin và ở lòng tận tụy của chúng ta đối với Ngài.



Kể từ lúc ban đầu, Cha Thiên Thượng của chúng ta đã phán rất rõ ràng về đề tài này: từ lời khẩn nài dịu dàng: “Nếu các ngươi yêu mến ta thì … các ngươi hãy nhớ đến những người nghèo, và hãy dâng hiến những tài sản của mình để cấp dưỡng cho họ”;1 đến lệnh truyền thẳng: “Trong mọi điều phải nhớ tới những kẻ nghèo khó và những kẻ túng thiếu, những người bệnh tật và những người đau buồn, vì kẻ nào không làm những điều này thì không phải là môn đồ của ta”;2 đến lời cảnh cáo mạnh mẽ: “Nếu có kẻ nào lấy quá nhiều những vật ta đã làm ra, mà không chia bớt phần của mình theo luật pháp của phúc âm ta cho người nghèo khổ và túng thiếu, thì kẻ đó sẽ phải cùng với kẻ tà ác đưa mắt nhìn lên trong ngục giới, trong khi đang bị đau đớn.”3



Những Điều Vật Chất và Thuộc Linh Ràng Buộc với Nhau

Hai giáo lệnh lớn—yêu mến Thượng Đế và người lân cận của chúng ta—là kết hợp của điều vật chất và thuộc linh. Thật quan trọng để thấy rằng hai giáo lệnh này được gọi là “lớn” vì mỗi một giáo lệnh khác đều dựa vào hai giáo lệnh này.4 Nói cách khác, những ưu tiên của cá nhân, gia đình, và Giáo Hội cần phải bắt đầu từ đây. Tất cả những mục tiêu và hành động khác cần phải từ hai giáo lệnh lớn này mà ra—từ tình yêu mến của chúng ta đối với Thượng Đế và người lân cận của mình.



Giống như hai mặt của đồng tiền, phần vật chất và thuộc linh không thể tách rời được.



Đấng Ban Cho mọi sự sống đã phán: “Đối với ta mọi sự việc đều thuộc phần linh cả; và ta chưa bao giờ ban cho các ngươi một luật pháp nào thuộc về thế tục.”5 Đối với tôi, điều này có nghĩa rằng “cuộc sống thuộc linh trước hết là một cuộc sống. Đó không phải là điều chỉ cần biết và học mà còn phải sống theo nữa.”6



Rủi thay, có những người bỏ qua điều vật chất vì họ cho rằng điều đó ít quan trọng hơn. Họ quý trọng điều thuộc linh trong khi đánh giá thấp điều vật chất. Mặc dù việc suy nghĩ về những điều thuộc linh là quan trọng, nhưng chúng ta thiếu sót điều cốt yếu của tôn giáo nếu đôi tay của chúng ta không hướng về đồng bào của mình để phục vụ.



Ví dụ, Hê Nóc xây dựng một xã hội Si Ôn qua tiến trình thuộc linh để lập lên một dân tộc có cùng một lòng và một ý  công việc vật chất để bảo đảm rằng sẽ “không có người nghèo khó ở giữa họ.”7



Như mọi khi, chúng ta có thể hướng đến Đấng gương mẫu hoàn hảo đối với chúng ta để noi theo, tức là Chúa Giê Su Ky Tô. Như Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr. đã dạy: “Khi Đấng Cứu Rỗi đến thế gian, Ngài đã có hai sứ mệnh lớn; một là làm tròn vai trò của Đấng Mê Si, chuộc tội cho sự sa ngã và làm tròn luật pháp; hai là công việc Ngài đã làm ở giữa các anh chị em của Ngài trên trần thế bằng cách làm giảm bớt những nỗi đau khổ của họ.”8



Trong một cách tương tự, sự tiến triển phần thuộc linh của chúng ta ràng buộc chặt chẽ với sự phục vụ vật chất cho những người khác.



Điều này bổ sung cho điều kia. Nếu có điều này mà không có điều kia thì kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế sẽ là giả tạo.



Cách Thức của Chúa

Có nhiều người và nhiều tổ chức tốt trên thế giới cố gắng đáp ứng những nhu cầu cấp bách của người nghèo khó và túng thiếu ở khắp mọi nơi. Chúng ta biết ơn về điều này, nhưng cách của Chúa để chăm sóc cho người túng thiếu thì khác với cách của thế gian. Chúa đã phán: “Việc đó cần phải được thực hiện theo cách thức riêng của ta.”9 Ngài không những quan tâm đến các nhu cầu cấp bách của chúng ta mà Ngài còn quan tâm đến sự tiến bộ vĩnh cửu của chúng ta nữa. Vì lý do này, cách của Chúa luôn luôn gồm có sự tự túc và phục vụ người lân cận của mình ngoài việc chăm sóc cho người nghèo khó.



Vào năm 1941, con Sông Gila tràn lên và làm ngập lụt Thung Lũng Duncan ở Arizona. Một vị chủ tịch giáo khu trẻ tuổi, Spencer W. Kimball, họp với các cố vấn của mình để đánh giá thiệt hại và gửi một bức điện tín đến Salt Lake City xin một số tiền lớn.



Thay vì gửi tiền, Chủ Tịch Heber J. Grant gửi đến ba người: Henry D. Moyle, Marion G. Romney, và Harold B. Lee. Họ đến gặp Chủ Tịch Kimball và dạy ông một bài học quan trọng. Họ nói: “Đây không phải là một chương trình ‘xin cho tôi.’” “Đây là chương trình ‘tự giúp mình.’”



Nhiều năm về sau, Chủ Tịch Kimball nói: “Tôi nghĩ thật là dễ dàng để Các Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương gửi [tiền] cho chúng tôi và sẽ không khó khăn gì để ngồi phân phát tiền trong văn phòng của tôi; nhưng có rất nhiều điều tốt lành đến với chúng tôi khi có hằng trăm [tín hữu] đi đến Duncan và dựng lên các hàng rào, xúc cỏ khô và san bằng mặt đất cùng làm tất cả những điều cần phải làm. Như thế là tự giúp mình.”10



Bằng cách tuân theo cách của Chúa, các tín hữu trong giáo khu của Chủ Tịch Kimball không những đáp ứng được cho nhu cầu cấp bách của mình mà họ còn phát triển khả năng tự túc, giảm bớt nỗi đau khổ, cùng tăng trưởng trong tình yêu thương và đoàn kết khi phục vụ lẫn nhau.



Tất Cả Chúng Ta Đều Tham Gia

Ngay trong giờ phút này đây, cũng có nhiều tín hữu của Giáo Hội đang đau khổ. Họ đang đói, vất vả với vấn đề tài chính, cũng như vật lộn với nỗi đau khổ về thể xác, tình cảm, và thuộc linh. Họ đang cầu nguyện với tất cả mãnh lực của lòng mình để được giúp đỡ và trợ giúp.



Thưa các anh em, xin đừng nghĩ rằng đây là trách nhiệm của một người nào đó. Đó là trách nhiệm của tôi và trách nhiệm của các anh em. Tất cả chúng ta đều tham gia. “Tất cả” có nghĩa là tất cả—mỗi người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc, người giàu và nghèo, trong mọi quốc gia. Trong kế hoạch của Chúa, mọi người đều có thể đóng góp một điều gì đó.11



Bài học chúng ta học được từ thế hệ này qua thế hệ khác là những người giàu và những người nghèo đều có bổn phận giúp đỡ người lân cận của mình. Bài học này sẽ mang tất cả chúng ta cùng làm việc chung với nhau để áp dụng một cách thành công các nguyên tắc an sinh và tự túc.



Chúng ta thường thấy nhu cầu xung quanh mình với hy vọng rằng sẽ có một người từ xa xuất hiện một cách nhiệm mầu để đáp ứng những nhu cầu đó. Có lẽ chúng ta chờ cho các chuyên viên hiểu biết về chuyên môn đến giải quyết các vấn đề cụ thể. Khi làm như vậy, chúng ta bỏ lỡ cơ hội phục vụ người lân cận của mình, và chúng ta cũng bỏ lỡ cơ hội phục vụ. Mặc dù việc các chuyên viên đến giúp không có gì là sai trái, nhưng hãy thực tế: sẽ không có đủ chuyên viên để giải quyết tất cả các vấn đề. Thay vì thế, Chúa đã ban cho chúng ta chức tư tế và tổ chức của chức tư tế ở khắp nơi trên thế giới nơi nào Giáo Hội đã được thành lập. Và Ngài cũng đã đặt Hội Phụ Nữ bên cạnh chức tư tế. Như chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế đều biết, không có nỗ lực an sinh nào thành công nếu không sử dụng các ân tứ và tài năng phi thường của các chị em phụ nữ trong Giáo Hội.



Cách của Chúa không phải là ngồi bên con suối và chờ cho dòng nước chảy qua trước khi chúng ta vượt qua con suối. Chúng ta phải cùng nhau đến, xắn tay áo lên, đi làm việc, và xây một cây cầu hay đóng một chiếc tàu để vượt qua dòng nước thử thách. Các anh em là những người đàn ông của Si Ôn, những người nắm giữ chức tư tế, là những người có thể dẫn đường và trợ giúp Các Thánh Hữu bằng cách áp dụng các nguyên tắc đầy cảm ứng của chương trình an sinh! Đó là sứ mệnh của các anh em để mở mắt ra, sử dụng chức tư tế của mình, và đi làm việc theo cách của Chúa.



Tổ Chức Vĩ Đại Nhất trên Thế Gian

Trong Thời Kỳ Kinh Tế Trì Trệ, Harold B. Lee, lúc bấy giờ đang phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu, đã được Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương yêu cầu tìm ra một giải pháp cho cảnh nghèo khó áp bức, buồn khổ, và đói khát đang lan rộng trên thế giới vào lúc đó. Ông vất vả tìm ra một giải pháp và mang vấn đề đó lên hỏi Chúa: “Chúng con sẽ có loại tổ chức nào … để làm điều này?”



Và “thể như Chúa đã phán [cùng ông]: ‘Này con. Con không cần bất cứ tổ chức nào khác. Ta đã ban cho con tổ chức vĩ đại nhất ở trên mặt đất. Không có tổ chức nào vĩ đại hơn tổ chức của chức tư tế. Điều con chỉ cần làm là sử dụng chức tư tế để làm việc. Chỉ thế thôi.’”12



Đó cũng là điểm bắt đầu trong thời kỳ của chúng ta. Chúng ta đã có tổ chức của Chúa tại chỗ rồi. Thử thách của chúng ta là quyết định cách sử dụng tổ chức đó.



Trước hết chúng ta phải làm quen với điều Chúa đã mặc khải. Chúng ta không nên cho rằng mình đã biết rồi. Chúng ta cần phải tiếp cận với vấn đề bằng cách khiêm tốn như một đứa trẻ. Mọi thế hệ cần phải học lại các giáo lý là nền tảng của cách Chúa chăm sóc người nghèo túng. Như nhiều vị tiên tri đã chỉ dạy cho chúng ta trong những năm qua, các nguyên tắc an sinh của Giáo Hội không phải chỉ là những ý kiến hay mà là các lẽ thật đã được Thượng Đế mặc khải—các lẽ thật này là cách Ngài giúp đỡ người nghèo túng.



Thưa các anh em, trước hết hãy nghiên cứu các nguyên tắc và giáo lý đã được mặc khải. Đọc các sách chỉ nam về chương trình an sinh của Giáo Hội;13 hãy tận dụng trang mạng Internet providentliving.org; đọc lại bài viết về kế hoạch an sinh của Giáo Hội đăng trong số báo Liahona tháng Sáu năm 2011. Tìm hiểu về cách Chúa lo liệu cho Các Thánh Hữu của Ngài. Tìm hiểu về các nguyên tắc chăm sóc cho người túng thiếu, phục vụ người lân cận, và sự tự túc bổ sung cho nhau như thế nào. Cách tự túc của Chúa có nhiều khía cạnh của cuộc sống, kể cả học vấn, y tế, việc làm, tài chính gia đình và sức mạnh thuộc linh được cân bằng. Hãy làm quen với chương trình an sinh hiện đại của Giáo Hội.14



Một khi các anh em đã nghiên cứu các giáo lý và nguyên tắc an sinh trong Giáo Hội rồi, thì hãy tìm cách áp dụng điều mình học được vào nhu cầu của những người các anh em có trách nhiệm để phục vụ. Điều này có nghĩa là nói chung, các anh em sẽ phải tự mình tìm hiểu. Mỗi gia đình, mỗi giáo đoàn, mỗi khu vực trên thế giới đều khác nhau. Không có lời giải đáp chung trong chương trình an sinh của Giáo Hội. Đây là một chương trình tự giúp đỡ mà những cá nhân có trách nhiệm phải tự túc. Các phương tiện của chúng ta gồm có lời cầu nguyện cá nhân, những khả năng và tài năng thiên phú của chúng ta, của cải có sẵn cho chúng ta nhờ vào gia đình và thân quyến, nhiều nguồn tài nguyên khác nhau của cộng đồng, và dĩ nhiên là sự hỗ trợ chăm lo của các nhóm túc số chức tư tế và Hội Phụ Nữ. Điều này sẽ dẫn chúng ta qua mẫu mực tự túc đã được soi dẫn.



Các anh em sẽ phải có một kế hoạch phù hợp với giáo lý của Chúa và thích hợp với hoàn cảnh của khu vực địa lý của mình. Để thực hiện các nguyên tắc an sinh của Chúa, các anh em không cần phải luôn luôn hướng tới Salt Lake City. Thay vì thế, các anh em cần nhìn vào trong sách chỉ dẫn, vào trong lòng mình, và nhìn lên thiên thượng. Hãy tin cậy sự soi dẫn của Chúa và tuân theo đường lối của Ngài.



Cuối cùng, trong lãnh vực của mình, các anh em phải làm điều các môn đồ của Đấng Ky Tô đã làm trong mọi gian kỳ: bàn thảo với nhau, sử dụng tất cả những phương tiện có sẵn, tìm kiếm sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, cầu vấn Chúa để xin Ngài xác nhận, rồi xắn tay áo lên và đi làm việc.



Tôi hứa với các anh em rằng: nếu các anh em chịu tuân theo khuôn mẫu này, thì các anh em sẽ nhận được sự hướng dẫn cụ thể về những chi tiết để lo liệu cho người nào, điều gì, khi nào, và ở nơi đâu theo cách của Chúa.



Các Phước Lành của Việc Lo Liệu theo Cách của Chúa

Các lời hứa và phước lành của vị tiên tri về chương trình an sinh của Giáo Hội, về việc lo liệu theo cách của Chúa, là một số lời hứa cũng như phước lành tuyệt diệu và cao quý nhất đã được Chúa ban cho con cái của Ngài. Ngài phán: “Nếu ngươi mở lòng cho kẻ đói, và làm no kẻ khốn khổ, thì sự sáng ngươi sẽ sáng ra trong tối tăm, và sự tối tăm ngươi sẽ như ban trưa. Đức Giê Hô Va sẽ cứ dắt đưa ngươi.”15



Dù giàu hay nghèo, dù sống ở đâu trên địa cầu này, thì chúng ta cũng đều cần nhau, vì chính trong việc hy sinh thời giờ, tài năng, và phương tiện của mình mà tinh thần của chúng ta trưởng thành và trở nên tinh luyện.



Công việc lo liệu theo cách của Chúa này hoàn toàn không phải là một mục khác trong bản liệt kê các chương trình của Giáo Hội. Công việc này không thể bỏ qua hay gạt sang một bên. Đó là trọng tâm của giáo lý chúng ta; đó là điều cốt yếu của tôn giáo chúng ta. Thưa các anh em, đây là đặc ân lớn lao và đặc biệt của chúng ta với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế sử dụng chức đó để làm việc. Chúng ta phải chú tâm đến việc trở nên tự túc hơn, chăm sóc nhiều hơn cho người túng thiếu và phục vụ với lòng trắc ẩn.



Điều vật chất gắn bó chặt chẽ với điều thuộc linh. Thượng Đế đã ban cho chúng ta kinh nghiệm hữu diệt này và những thử thách trần thế đi kèm theo kinh nghiệm này giống như một phòng thí nghiệm, ở đó chúng ta có thể tăng trưởng thành những người mà Cha Thiên Thượng muốn chúng ta trở thành. Cầu xin cho chúng ta hiểu được bổn phận cùng phước lành lớn lao đến từ việc tuân theo và lo liệu theo cách của Chúa là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.


The post Podcast số 155 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Lo Liệu Theo Cách của Chúa – Dieter F. Uchtdorf appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.