Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 154 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Hãy Trung Tín Tuân Giữ Các Giao Ước – Barbara Thompson
Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ vào năm 2011 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Khi có đức tin nơi Đấng Ky Tô và trung tín tuân giữ các giao ước của mình, chúng ta sẽ nhận được niềm vui được nói đến trong thánh thư và đã được hứa bởi các vị tiên tri ngày sau của chúng ta.
“Hãy nức lòng và vui mừng, và hãy trung tín tuân giữ những giao ước ngươi đã lập.”1 Tôi luôn luôn cảm thấy niềm vui khi đọc câu thánh thư này. Lòng tôi hân hoan khi nghĩ đến các lời hứa và nhiều phước lành mà đã là một phần cuộc sống của tôi khi tôi tìm cách trung tín tuân giữ các giao ước tôi đã lập với Cha Thiên Thượng.
Vì cha mẹ tôi đều đã qua đời, nên năm nay chúng tôi cần phải dọn dẹp nhà của họ để chuẩn bị đăng bán. Mấy tháng qua, trong khi các anh chị tôi và tôi dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc trong nhà của cha mẹ tôi, chúng tôi tìm thấy những quyển lịch sử gia đình và nhiều giấy tờ cùng tài liệu quan trọng. Thật là hấp dẫn khi đọc các quyển tiểu sử cá nhân và phước lành tộc trưởng của cha mẹ và ông bà tôi. Tôi được nhắc nhở về những giao ước mà họ đã lập và tuân giữ.
Bà ngoại của tôi tên là Ellen Hanks Rymer. Vào năm 1912, khi là một người mẹ trẻ, bà đã nhận được phước lành tộc trưởng. Khi tôi đọc bản phước lành của bà, những dòng chữ này nổi bật trước mắt tôi và còn đọng lại trong tâm trí tôi: “Chị đã được chọn trước khi thế gian được tạo dựng, và là một linh hồn đã được chọn để đến đây trong thời kỳ này … Chứng ngôn của chị sẽ được tăng trưởng và chị sẽ có thể làm chứng … Kẻ hủy diệt đã tìm cách hủy diệt chị, nhưng nếu chị trung tín cùng Thượng Đế của mình, thì nó [kẻ hủy diệt] sẽ không có quyền năng để làm hại chị. Qua lòng trung tín của mình, chị sẽ có quyền năng lớn lao và kẻ hủy diệt sẽ chạy trốn chị bởi vì sự ngay chính của chị. … Khi giờ sợ hãi và thử thách đến, nếu chị chịu lui vào nơi chỗ kín mật để cầu nguyện thì lòng chị sẽ được an ủi và những trở ngại sẽ được cất bỏ.”2
Bà ngoại của tôi được hứa rằng nếu bà chịu tuân giữ các giao ước của mình và ở gần Thượng Đế, thì Sa Tan không thể nào có quyền năng gì đối với bà cả. Bà sẽ được an ủi và giúp đỡ trong những thử thách của mình. Những lời hứa này đã được làm tròn trong cuộc sống của bà.
Hôm nay, tôi muốn nói về (1) tầm quan trọng của việc trung tín tuân giữ các giao ước và (2) niềm vui cùng sự bảo vệ có được từ việc tuân giữ các giao ước của chúng ta.
Một vài tấm gương tôi sẽ dùng đến là từ quyển Daughters in My Kingdom: The History and Work of Relief Society. Quyển sách này đầy dẫy những tấm gương của các phụ nữ đã tìm thấy niềm vui trong việc tuân giữ các giao ước.
Tầm Quan Trọng của Việc Trung Tín Tuân Giữ Các Giao Ước
Sách Hướng Dẫn Thánh Thư cho chúng ta biết rằng giao ước là sự thỏa thuận giữa Thượng Đế và loài người. “Thượng Đế, thể theo lòng nhân từ của Ngài muốn quy định những điều kiện mà loài người chấp nhận. … Phúc âm được sắp đặt sao cho các nguyên tắc và các giáo lễ được tiếp nhận qua giao ước mà đặt người nhận dưới bổn phận và trách nhiệm nặng nề để tôn trọng sự cam kết.”3 Trong cụm từ “trung tín tuân giữ những giao ước,” từ trung tín tuân giữ có nghĩa là “tôn trọng triệt để” một điều nào đó.4
Trong thánh thư, chúng ta học về những người nam và người nữ đã lập giao ước với Thượng Đế. Thượng Đế đã ban cho những chỉ dẫn về điều gì phải làm để tôn trọng các giao ước đó, và rồi khi các giao ước đó được tuân giữ thì các phước lành đã được hứa sẽ tiếp theo sau.
Ví dụ, qua giáo lễ báp têm, chúng ta lập một giao ước với Cha Thiên Thượng. Chúng ta tự chuẩn bị mình cho phép báp têm bằng cách có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải tội lỗi của mình, và tình nguyện mang danh của Đấng Ky Tô. Chúng ta cam kết tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta giao ước “sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ nhàng.” Chúng ta cho biết rằng chúng ta sẵn sàng than khóc với những ai than khóc và an ủi những ai cần được an ủi.5
Trong các đền thờ thánh, các giáo lễ thiêng liêng khác được tiếp nhận và các giao ước khác được lập. Trong những thời kỳ ban đầu của Sự Phục Hồi, Tiên Tri Joseph Smith khát khao cho Các Thánh Hữu có được các phước lành đền thờ đã được hứa. Chúa phán: “Hãy xây cất ngôi nhà này cho danh ta, để ta có thể mặc khải những giáo lễ của ta ở trong đó cho dân ta biết.”6
“Một trong các mục đích của Chúa trong việc tổ chức Hội Phụ Nữ là chuẩn bị các con gái của Ngài cho các phước lành lớn lao hơn của chức tư tế nằm trong các giáo lễ và giao ước của đền thờ. Các … chị em phụ nữ ở Nauvoo mong đợi đền thờ được hoàn thành với niềm phấn khởi lớn lao, vì họ biết, như Tiên Tri Joseph Smith đã hứa với Mercy Fielding Thompson, rằng lễ thiên ân sẽ mang họ ‘ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng.’”7
“Có hơn 5.000 Thánh Hữu quy tụ lại ở Đền Thờ Nauvoo sau lễ cung hiến của đền thờ đó để họ có thể nhận được lễ thiên ân và giáo lễ gắn bó trước khi bắt đầu cuộc hành trình” đến thung lũng Salt Lake Valley.8 Chủ Tịch Brigham Young cùng nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội và những người làm việc trong đền thờ dành ra thời giờ của họ, cả ngày lẫn đêm, phục vụ trong đền thờ để công việc quan trọng này có thể được thực hiện cho Các Thánh Hữu.
Các giao ước của chúng ta hỗ trợ chúng ta cho dù trong những lúc tốt đẹp hay trong những lúc khó khăn. Chủ Tịch Boyd K. Packer nhắc chúng ta nhớ rằng “chúng ta là dân giao ước. Chúng ta giao ước sẽ dâng hiến nguồn lực của mình bằng thời giờ, tiền bạc và tài năng—tất cả con người của mình và tất cả những gì chúng ta có—vì lợi ích của vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Nói một cách giản dị, chúng ta giao ước để làm điều tốt. Chúng ta là dân giao ước, và đền thờ là trọng tâm của các giao ước chúng ta. Đó là nguồn giao ước.”9
Thánh thư nhắc nhở chúng ta: “Và đây sẽ là giao ước của chúng ta—rằng chúng ta sẽ sống theo tất cả giáo lễ của Chúa.”10
Chúng ta nhận được các phước lành lớn lao khi trung tín tuân giữ các giao ước của mình.
Niềm Vui và Sự Bảo Vệ Đến từ Việc Tuân Giữ Các Giao Ước của Chúng Ta
Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc bài giảng của Vua Bên Gia Min. Ông dạy dân chúng về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài sẽ đến thế gian và chịu tất cả mọi hoạn nạn. Ông dạy dân chúng rằng Đấng Ky Tô sẽ chuộc tội lỗi của tất cả nhân loại và rằng danh của Ngài là danh duy nhất mà qua đó con người có thể đạt được sự cứu rỗi.11
Sau khi lắng nghe những lời giảng dạy tuyệt vời này, dân chúng hạ mình và hết lòng mong muốn được sạch tội và được thanh tẩy. Họ hối cải và tuyên xưng đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Họ lập giao ước với Thượng Đế rằng họ sẽ tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.12
“Thánh Linh của Chúa giáng xuống trên họ, và họ tràn đầy hân hoan, vì đã nhận được sự xá miễn tội lỗi của mình và có được sự yên ổn trong lương tâm, nhờ họ có đức tin mãnh liệt nơi Chúa Giê Su Ky Tô.”13
Một ví dụ khác đã được Am Môn cho thấy là về niềm vui có được qua lòng trung tín trong việc tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và chia sẻ phúc âm của Ngài với những người khác. Am Môn và các anh em của ông là công cụ trong việc giúp hằng ngàn người đến cùng Đấng Ky Tô. Đây là một số câu nói Am Môn đã dùng để mô tả cảm nghĩ của ông khi có rất nhiều người chịu phép báp têm và lập giao ước với Thượng Đế:
“Chúng ta không có lý do để hoan hỷ hay sao?”14
“Này, sự vui mừng của tôi thật tràn trề, phải, tim tôi tràn trề niềm vui sướng, và tôi sẽ hoan hỷ trong Thượng Đế của tôi.”15
“Tôi không thể nói được một phần ít nhất những cảm giác của tôi.”16
“Chưa có người nào có lý do mạnh mẽ để hoan hỷ như chúng ta cả.”17
Việc lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng làm cho chúng ta có thể có được Đức Thánh Linh ở cùng với mình. Đây là Thánh Linh mà “sẽ làm cho tâm hồn ngươi tràn đầy niềm vui.”18
Đệ Nhị Thế Chiến đã gây ra nhiều đau khổ cho nhiều người trên khắp thế giới. Các Thánh Hữu ở Đức đã chịu đựng nhiều thử thách. Chủ tịch Hội Phụ Nữ ở Stuttgart, Đức, là Chị Maria Speidel. Khi nói về những thử thách của họ, chị nói: “Sự tin cậy của chúng tôi nơi Chúa và chứng ngôn về Giáo Hội của Ngài là nguồn sức mạnh của chúng tôi. … Chúng tôi hân hoan hát các bài ca của Si Ôn và đặt sự tin cậy của mình nơi Chúa. Ngài làm cho mọi việc được tốt đẹp.”19
Một lần nữa, khi các tín hữu tuân giữ các giao ước của họ, thì họ cảm thấy vui mừng cho dù đang đối phó với những thử thách gay go.
Sarah Rich là một phụ nữ ngay chính sống ở Nauvoo được kêu gọi phục vụ trong đền thờ trước khi Các Thánh Hữu bị đuổi ra khỏi thành phố đó. Đây là những lời của bà về các phước lành của các giao ước đền thờ: “Chúng tôi đã nhận được nhiều phước lành trong nhà của Chúa, là điều đã làm cho chúng tôi hân hoan và được an ủi ở giữa tất cả những điều phiền muộn và làm cho chúng tôi có thể có được đức tin nơi Thượng Đế, vì biết rằng Ngài sẽ hướng dẫn và hỗ trợ chúng tôi trong cuộc hành trình xa lạ sắp tới.”20
Trước đó, Các Thánh Hữu đã hoàn thành Đền Thờ Kirtland, và nhiều người đã tham dự lễ cung hiến. Sau lễ cung hiến, đền thờ được Chúa chấp nhận. Chúa phán bảo họ phải “hết sức hân hoan vì những phước lành sẽ được trút xuống, … đầu dân [Ngài].”21
Trong khi càng ngày càng có nhiều đền thờ thánh được xây cất trên khắp thế giới, tôi đã thấy các phước lành đến với cuộc sống của các tín hữu. Vào năm 2008, tôi đã chứng kiến niềm vui trên gương mặt của một cặp vợ chồng ở Ukraine khi họ nói cho tôi biết là họ sắp đi Freiberg, Đức, để nhận các giáo lễ đền thờ của họ. Để đi đến đền thờ, hai tín hữu đầy tận tụy này phải ngồi trên xe khách liên tỉnh trong 27 giờ cho mỗi chiều đi và chiều về, và họ đã không thể đi đền thờ thường xuyên được. Họ vui mừng thấy Đền Thờ Kyiv Ukraine sắp hoàn thành và họ sẽ có thể đi tham dự đền thờ thường xuyên hơn. Ngôi đền thờ đó hiện nay đã mở cửa và hằng ngàn người vui hưởng các phước lành ở đó.
Khi đọc tiểu sử cá nhân của bà ngoại tôi, tôi biết được về niềm vui lớn lao của bà trong các giao ước của bà. Bà thích đi đền thờ và thực hiện các giáo lễ cho hằng ngàn người đã qua đời. Đó là sứ mệnh trong cuộc sống của bà. Bà phục vụ với tư cách là người làm việc trong đền thờ trong hơn 20 năm ở Đền Thờ Manti Utah. Bà viết rằng bà đã kinh nghiệm được nhiều phép chữa lành kỳ diệu để có thể dưỡng dục con cái bà và phục vụ những người khác bằng cách làm công việc đền thờ cho họ. Là các cháu ngoại của bà, nếu chúng tôi biết được bất cứ điều gì về Bà Ngoại Rymer, thì đó chính là bà là một phụ nữ ngay chính đã tuân giữ các giao ước của mình và muốn chúng tôi làm như vậy. Khi người ta lục soạn của cải của mình sau khi chúng ta qua đời, thì họ sẽ thấy bằng chứng rằng chúng ta có tuân giữ các giao ước của mình không?
Vị tiên tri yêu quý của chúng ta là Chủ Tịch Thomas S. Monson nói với chúng ta trong đại hội trung ương lần trước: “Khi các anh chị em và tôi đi đến ngôi nhà thánh của Thượng Đế, nếu ghi nhớ các giao ước chúng ta lập ở bên trong đền thờ, thì chúng ta sẽ có thể dễ dàng chịu đựng mọi thử thách và khắc phục mọi cám dỗ. Trong nơi tôn nghiêm thiêng liêng này, chúng ta sẽ tìm được bình an; chúng ta sẽ được đổi mới và củng cố.”22
Một lần nữa: “Hãy nức lòng và vui mừng, và hãy trung tín tuân giữ những giao ước ngươi đã lập.”23 Việc tuân giữ các giao ước là niềm vui và hạnh phúc đích thực. Đây là sự an ủi và bình an. Đây là sự bảo vệ khỏi những điều xấu xa của thế gian. Việc tuân giữ các giao ước của chúng ta sẽ giúp chúng ta trong những lúc thử thách.
Tôi làm chứng rằng khi chúng ta có đức tin nơi Đấng Ky Tô và trung tín tuân giữ những giao ước của mình, chúng ta sẽ nhận được niềm vui được nói đến trong thánh thư và đã được hứa bởi các vị tiên tri ngày sau của chúng ta.
Các chị em thân mến, tôi yêu mến các chị em và hy vọng rằng các chị em sẽ kinh nghiệm được niềm vui lớn lao này trong cuộc sống của mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
The post Podcast số 154 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Hãy Trung Tín Tuân Giữ Các Giao Ước – Barbara Thompson appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.