Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 139 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Sự Mặc Khải và Chứng Ngôn Cá Nhân – Barbara Thompson
Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ năm 2011 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Nếu chúng ta chuyên tâm tuân giữ các lệnh truyền và cầu vấn với đức tin, thì những sự đáp ứng sẽ đến theo cách thức riêng và kỳ định của Chúa.
Cách đây nhiều năm, khi còn là sinh viên đại học, tôi đã lắng nghe đại hội trung ương trên máy phát thanh vì chúng tôi không có máy truyền hình trong căn hộ nhỏ của mình. Những người nói chuyện trong đại hội đều thật tuyệt vời, và tôi nhận hưởng những cảm giác mạnh mẽ của Đức Thánh Linh.
Tôi nhớ rất rõ khi một Vị Thẩm Quyền Trung Ương nói về Đấng Cứu Rỗi và giáo vụ của Ngài rồi chia sẻ một chứng ngôn nhiệt thành. Đức Thánh Linh làm chứng với tâm hồn tôi rằng vị ấy đã nói sự thật. Vào giây phút đó, tôi đã không hề nghi ngờ rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Tôi cũng không hề nghi ngờ rằng mình đang kinh nghiệm sự mặc khải cá nhân mà đã được xác nhận với tôi “rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế.”1
Khi tám tuổi, tôi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận cùng tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Đó là một phước lành tuyệt vời lúc bấy giờ, nhưng khi tôi lớn lên điều đó càng ngày càng trở nên quan trọng và tôi cảm nhận được ân tứ Đức Thánh Linh theo nhiều cách kể từ lúc ấy.
Thường thường khi lớn lên từ thời thơ ấu đến tuổi vị thành niên và rồi đến tuổi trưởng thành, chúng ta có những thử thách và kinh nghiệm trong suốt cuộc sống làm cho chúng ta biết rằng mình cần sự giúp đỡ thiêng liêng từ Đức Thánh Linh. Khi khó khăn xảy đến, chúng ta có thể tự hỏi: “Giải đáp cho vấn đề của tôi là gì?” và “Bằng cách nào tôi có thể biết phải làm gì?”
Tôi thường nhớ đến câu chuyện trong Sách Mặc Môn về việc Lê Hi giảng dạy phúc âm cho gia đình ông. Ông đã chia sẻ với họ nhiều điều mặc khải và giảng dạy về những điều sẽ xảy ra trong những ngày sau. Nê Phi đã tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa để hiểu được trọn vẹn hơn những điều giảng dạy của cha ông. Ông được nâng lên, ban phước và cảm ứng để biết rằng những điều giảng dạy của cha ông là chân chính. Điều đó làm cho Nê Phi có thể tuân theo kỹ các lệnh truyền của Chúa và sống một cuộc sống ngay chính. Ông đã nhận được sự mặc khải cá nhân để hướng dẫn bản thân mình.
Mặt khác, hai người anh của ông tranh luận với nhau vì họ không hiểu được những điều giảng dạy của cha họ. Rồi Nê Phi đưa ra một câu hỏi rất quan trọng: “Vậy các anh đã cầu vấn Chúa chưa?”2
Câu trả lời của họ rất yếu ớt: “Các anh không có cầu vấn, vì Chúa không tiết lộ cho các anh biết những điều như vậy.”3
Nê Phi lấy cơ hội đó để dạy cho hai anh mình cách nhận được sự mặc khải cá nhân. Ông nói: “Các anh không nhớ những điều Chúa đã phán bảo hay sao?—Nếu ngươi không chai đá trong lòng, và biết cầu vấn ta với đức tin, và tin tưởng rằng ngươi sẽ nhận được, cũng như biết chuyên tâm tuân giữ các lệnh truyền của ta, thì chắc chắn những điều này sẽ được tiết lộ cho ngươi biết.”4
Cách thức để nhận được sự mặc khải cá nhân thì thật sự là khá rõ ràng. Chúng ta cần có ước muốn để nhận được sự mặc khải, chúng ta không nên chai đá trong lòng, và rồi cần phải cầu vấn với đức tin, thật sự tin rằng mình sẽ nhận được sự đáp ứng, và rồi chuyên tâm tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế.
Việc tuân theo mẫu mực này không có nghĩa rằng mỗi lần chúng ta cầu vấn Thượng Đế, thì câu trả lời sẽ lập tức đến với mọi chi tiết về điều phải làm. Tuy nhiên, điều này quả thật có nghĩa rằng nếu chúng ta chuyên tâm tuân giữ các lệnh truyền và cầu vấn với đức tin, thì những sự đáp ứng sẽ đến theo cách thức riêng và kỳ định của Chúa.
Khi còn bé, tôi đã nghĩ rằng sự mặc khải cá nhân hoặc sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện sẽ đến bằng một tiếng nói có thể nghe được. Quả thật, một điều mặc khải nào đó có đến bằng cách nghe được một tiếng nói thật sự. Tuy nhiên, tôi đã học biết được rằng Thánh Linh nói trong nhiều cách thức.
Sách Giáo Lý và Giao Ước, tiết 6, giải thích một số cách thức chúng ta có thể nhận được sự mặc khải:
“Ngươi đã cầu vấn ta, và này, đã bao lần ngươi cầu vấn, ngươi đều nhận được sự chỉ dẫn từ Thánh Linh của ta.”5
“Ta đã soi sáng tâm trí ngươi.”6
“Ta chẳng đã phán bình an cho tâm trí ngươi về vấn đề này rồi hay sao?”7
Chúng ta cũng học thêm trong các câu thánh thư khác về việc nhận được sự mặc khải:
“Ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của ngươi bởi Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ đến với ngươi và sẽ ngự trong tâm ngươi. Giờ đây, này, đây là tinh thần mặc khải.”8
“Ta sẽ làm cho tâm can ngươi hừng hực trong ngươi, như vậy ngươi sẽ cảm thấy rằng điều đó là đúng.”9
“Ta sẽ truyền cho ngươi Thánh Linh của ta, là Đấng sẽ soi sáng tâm trí ngươi, là Đấng sẽ làm cho tâm hồn ngươi tràn đầy niềm vui.”10
Sự mặc khải cá nhân thường sẽ đến khi chúng ta học tập thánh thư, lắng nghe và tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri cũng như các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội, cùng tìm cách sống một cuộc sống trung tín, ngay chính. Đôi khi, sự soi dẫn sẽ đến chỉ từ một câu thánh thư hoặc một dòng chữ từ một bài nói chuyện trong đại hội. Có lẽ sự đáp ứng của các anh chị em sẽ đến khi các em Hội Thiếu Nhi hát một bài ca tuyệt vời. Đây là tất cả những hình thức của sự mặc khải.
Trong những thời kỳ ban đầu của Sự Phục Hồi, nhiều tín hữu chuyên tâm tìm kiếm sự mặc khải cũng như được ban phước và soi dẫn để biết phải làm gì.
Chị Eliza R. Snow được tiên tri Brigham Young giao cho nhiệm vụ phải giúp nâng đỡ và giảng dạy các chị em phụ nữ trong Giáo Hội. Chị “đã dạy rằng mỗi phụ nữ đều có thể được cảm ứng để hướng dẫn mình trong cuộc sống cá nhân, gia đình, và các trách nhiệm trong Giáo Hội. Chị nói: ‘Hãy bảo các chị em phụ nữ làm tròn bổn phận của họ, trong sự khiêm nhường và trung tín, thì Thánh Linh của Thượng Đế sẽ ngự trên họ và họ sẽ được ban phước trong công việc của mình. Hãy để cho họ tìm kiếm điều khôn ngoan thay vì quyền năng, và họ sẽ có tất cả quyền năng để có điều khôn ngoan mà sử dụng.’”11
Chị Snow dạy các chị em phụ nữ phải tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh. “Chị nói rằng Đức Thánh Linh ‘thỏa mãn và đáp ứng mọi khát khao của tấm lòng con người, và lấp đầy mọi khoảng trống. Khi tôi được tràn đầy Thánh Linh đó … thì tâm hồn tôi được mãn nguyện.’”12
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf dạy rằng “sự mặc khải và chứng ngôn không phải lúc nào cũng đến với một sức mạnh áp đảo. Đối với nhiều người, một chứng ngôn đến từ từ—mỗi lần một chút.” Rồi ông nói thêm: “Chúng ta hãy sốt sắng tìm kiếm ánh sáng của sự soi dẫn cá nhân. Chúng ta hãy khẩn nài Chúa ban cho tâm trí mình bước khởi đầu của đức tin là điều sẽ làm cho chúng ta có thể tiếp nhận được và nhận ra sự phục sự thiêng liêng của Đức Thánh Linh.”13
Chứng ngôn của chúng ta củng cố và thêm sức cho chúng ta khi đối phó với những thử thách trong cuộc sống hằng ngày của mình. Một số người chống chọi với các vấn đề sức khỏe gay go; một số người khác trải qua những vấn đề tài chính; những người khác có những thử thách trong hôn nhân hoặc với con cái của mình; một số người chịu cảnh cô đơn hoặc những hy vọng và mơ ước không thành tựu. Chính là chứng ngôn của chúng ta, kết hợp với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hiểu biết về kế hoạch cứu rỗi, đã giúp cho chúng ta vượt qua được những lúc thử thách và khó khăn này.
Chúng ta đọc trong sách Daughters in My Kingdom (Các Con Gái trong Vương Quốc của Ta) về Chị Hedwig Biereichel, một phụ nữ ở Đức đã chịu nhiều buồn phiền và thiếu thốn trong Đệ Nhị Thế Chiến. Nhờ vào tình yêu thương và bản tính bác ái của chị, và ngay cả trong tình cảnh túng thiếu cùng cực của mình, chị cũng sẵn lòng chia sẻ thức ăn với các tù binh chiến tranh đang đói khát. Về sau, khi được hỏi làm thế nào chị đã có thể “giữ vững một chứng ngôn trong suốt những nỗi gian nan [đó],” chị đáp: “Thật ra, tôi không giữ vững chứng ngôn trong những thời kỳ đó—mà chứng ngôn đã giữ vững tôi.”14
Vì chúng ta có được một chứng ngôn mạnh mẽ, thì không có nghĩa là chứng ngôn đó sẽ vẫn luôn luôn như vậy. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng và củng cố chứng ngôn đó để nó sẽ có đủ quyền năng giữ vững chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta “thường nhóm họp”—để có thể dự phần Tiệc Thánh, tái lập các giao ước của mình, và được “nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế.” Chính là lời nói tốt lành của Thượng Đế đã giữ chúng ta “luôn luôn chú tâm cầu nguyện, và chỉ trông cậy vào công nghiệp của Đấng Ky Tô, là Đấng tạo nên và hoàn tất đức tin của [chúng ta].”15
Anh Cả David A. Bednar đã dạy chúng ta: “Khi các anh chị em tìm kiếm và áp dụng tinh thần mặc khải một cách thích hợp, thì tôi hứa rằng các anh chị em sẽ ‘bước đi trong sự sáng của Chúa’ (Ê Sai 2:5; 2 Nê Phi 12:5). Đôi khi tinh thần mặc khải sẽ hoạt động ngay lập tức và thật mạnh mẽ, những lần khác thì tinh tế và dần dần hơn, và thường tinh vi đến nỗi các anh chị em không thể ý thức để nhận ra được. Nhưng dù phước lành này được tiếp nhận theo mẫu mực nào đi nữa, thì ánh sáng tỏa ra từ mẫu mực này sẽ chiếu rọi và mở rộng tâm hồn của các anh chị em, soi sáng sự hiểu biết của các anh chị em (xin xem An Ma 5:7; An Ma 32:28), và hướng dẫn cùng bảo vệ các anh chị em và gia đình mình.”16
Chúa muốn ban phước cho chúng ta với sự hướng dẫn, khôn ngoan, và chỉ dẫn trong cuộc sống của chúng ta. Ngài muốn trút Thánh Linh của Ngài lên chúng ta. Một lần nữa, để có được sự mặc khải cá nhân thì chúng ta cần phải mong muốn nhận được sự mặc khải, chúng ta đừng nên chai đá trong lòng, và rồi cần phải cầu vấn với đức tin, thật sự tin tưởng rằng mình sẽ được đáp ứng, và rồi chuyên tâm tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Rồi khi chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của mình, Ngài sẽ ban phước cho chúng ta với Thánh Linh của Ngài. Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
The post Podcast số 139 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Sự Mặc Khải và Chứng Ngôn Cá Nhân – Barbara Thompson appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.