Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 135 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Thời Gian Chuẩn Bị – Ian S. Ardern
Thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Chúng ta cần phải dành hết thời giờ của mình cho những điều quan trọng nhất.
Chương tám của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta tập trung sự chú ý của chúng ta vào việc sử dụng thời giờ một cách khôn ngoan. Trong chương này, Anh Cả M. Russell Ballard nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta cần phải đặt ra các mục tiêu và học cách thông thạo những kỹ thuật để đạt được các mục tiêu này (xin xem Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn cho Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo [2004], 146). Việc thông thạo các kỹ thuật cần thiết để đạt được các mục tiêu của chúng ta gồm có việc trở nên lão luyện để quản lý thời giờ của mình.
Tôi biết ơn tấm gương của Chủ Tịch Thomas S. Monson. Với tất cả những gì ông làm với tư cách là vị tiên tri của Thượng Đế, ông đã chắc chắn rằng mình vẫn còn đủ thời giờ để đi thăm người đau ốm (xin xem Lu Ca 17:12–14), nâng đỡ người nản lòng, và làm tôi tớ cho tất cả mọi người, như Đấng Cứu Rỗi đã làm. Tôi cũng biết ơn tấm gương của nhiều người khác đã ban phát thời giờ để phục vụ đồng bào của họ. Tôi làm chứng rằng việc ban phát thời giờ của chúng ta để phục vụ những người khác sẽ làm hài lòng Thượng Đế và việc làm này sẽ mang chúng ta đến gần Ngài hơn. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta sẽ giữ đúng lời của Ngài để “kẻ nào trung thành và khôn ngoan trong thời tại thế thì được xem là xứng đáng thừa hưởng những gian nhà mà Cha ta đã sửa soạn cho kẻ ấy” (GLGƯ 72:4).
Thời giờ không bao giờ dùng để bán; cho dù các anh chị em có cố gắng đến mấy đi nữa, thì thời giờ vẫn là một mặt hàng không thể mua được ở bất cứ cửa tiệm nào bằng bất cứ giá nào. Tuy nhiên, nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, thì giá trị của thời giờ là vô hạn. Vào bất cứ ngày nào, chúng ta đều được cho cùng một số giờ số phút để sử dụng mà không phải trả tiền, và chẳng bao lâu chúng ta biết được rằng, như bài thánh ca quen thuộc đã dạy rất rõ: “Thời giờ trôi qua rất nhanh và một khi đã trôi qua rồi thì sẽ không bao giờ trở lại nữa” (“Improve the Shining Moments,” Hymns, số 226). Chúng ta cần phải sử dụng khôn ngoan bất cứ số thời giờ nào mình có được. Chủ Tịch Brigham Young nói: “Chúng ta đều mắc nợ Thượng Đế về khả năng sử dụng thời giờ sao cho có lợi ích, và Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta một bản kê khai chính xác về việc sử dụng số thời giờ đó.” (Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [1997], 286).
Với những đòi hỏi đối với bản thân, chúng ta cần phải học cách đặt ưu tiên để lựa chọn những điều phù hợp với các mục tiêu của mình hoặc là dành thời giờ cho quá nhiều sinh hoạt lãng phí thời gian. Chúng ta đã được Đức Thầy giảng dạy kỹ về những điều ưu tiên khi Ngài phán trong Bài Giảng trên Núi: “Vậy nên, chớ có tìm kiếm những điều của thế gian mà trước hết, hãy tìm kiếm để xây đắp vương quốc của Thượng Đế, và thiết lập sự ngay chính của Ngài” (Ma Thi Ơ 6:33, cước chú a; từ Bản Dịch của Joseph Smith, Ma Thi Ơ 6:38). (Xin xem thêm Dallin H. Oaks, “Sự Chú Tâm và Những Điều Ưu Tiên,” Liahona, tháng Bảy năm 2001, 99–102.)
An Ma đã nói về những điều ưu tiên khi ông dạy rằng “cuộc đời này trở thành một trạng thái thử thách; một thời gian chuẩn bị để gặp Thượng Đế” (An Ma 12:24). Cách hữu hiệu nhất để sử dụng thời gian quý báu nhằm chuẩn bị gặp Thượng Đế có thể đòi hỏi một sự hướng dẫn nào đó, nhưng chắc chắn là chúng ta sẽ đặt ưu tiên cao nhất cho Chúa và gia đình mình. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf nhắc chúng ta nhớ rằng “trong mối quan hệ gia đình, tình yêu thương thật sự được biểu lộ trong thời gian dành cho nhau” (“Về Những Điều Quan Trọng Hơn Hết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 22). Tôi làm chứng rằng khi chúng ta thành tâm và chân thành tìm kiếm giúp đỡ, thì Cha Thiên Thượng sẽ giúp chúng ta xem trọng điều gì đáng để dành thời gian ra hơn là cho một điều nào khác.
Việc sử dụng thời giờ một cách dại dột liên quan đến tính lười biếng. Khi tuân theo lệnh truyền phải thôi biếng nhác (GLGƯ 88:124), chúng ta cần phải chắc chắn rằng việc bận rộn của mình phải dành cho điều hữu ích. Ví dụ, thật là tuyệt vời khi ta có thể truyền tải thông tin cho nhau ngay lập tức mà chỉ cần sử dụng mấy ngón tay, nhưng chúng ta cũng phải chắc chắn rằng mình không quá đam mê phương tiện truyền thông nhanh nhậy này. Tôi cảm thấy rằng một số người đã bị sa vào kiểu nghiện ngập mới mẻ tốn nhiều thời giờ—một kiểu nghiện ngập bắt chúng ta phải liên tục xem và gửi đi những lời nhắn với bạn bè và người quen biết, do đó đã gây ra cảm tưởng sai lầm là mình đang bận rộn với điều hữu ích.
Có rất nhiều điều lợi ích khi chúng ta tiếp cận với các phương tiện truyền thông và thông tin. Tôi đã thấy rằng việc truy cập những bài nghiên cứu, bài nói chuyện trong đại hội, các hồ sơ sưu tầm tổ tiên, và nhận được e-mail, những điều nhắc nhở trên Facebook, cập nhật trên Tweets, và lời nhắn trên điện thoại đều rất hữu ích. Cho dù những điều này có tốt đến mấy đi nữa, chúng ta cũng không thể để cho chúng thay thế những điều quan trọng nhất. Thật đáng buồn nếu điện thoại và máy vi tính với tất cả sự tinh vi của chúng lại thay thế sự đơn giản của lời cầu nguyện chân thành lên Cha Thiên Thượng nhân từ. Chúng ta hãy luôn luôn nhanh chóng quỳ xuống cầu nguyện như chúng ta gõ lời nhắn trên điện thoại.
Những trò chơi điện tử và việc kết bạn, quen biết trực tuyến không thể thay thế lâu dài cho bạn bè thực sự là những người có thể cho chúng ta một cái ôm khuyến khích, có thể cầu nguyện và tìm kiếm điều gì mang lại lợi ích tốt nhất cho chúng ta. Tôi biết ơn biết bao khi thấy các thành viên trong nhóm túc số, lớp học, và Hội Phụ Nữ đoàn kết để hỗ trợ lẫn nhau. Trong những dịp như vậy, tôi đã hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu nói sau đây của Sứ Đồ Phao Lô: “Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ” (Ê Phê Sô 2:19).
Tôi biết chúng ta có được hạnh phúc nhiều nhất khi tập trung sự chú ý của mình vào Chúa (xin xem An Ma 37:37) cũng như những điều mang lại phần thưởng lâu dài hơn là việc dại dột dành ra vô số giờ để sử dụng phương tiện liên lạc trực tuyến và chơi các trò chơi điện tử. Tôi khuyến khích mỗi người chúng ta nên loại bỏ những điều đang đánh cắp thời giờ quý báu của mình và quyết tâm phải làm chủ chúng thay vì để cho chúng làm chủ chúng ta qua tính chất gây nghiện của chúng.
Để được bình an như Đấng Cứu Rỗi đã đề cập đến (xin xem Giăng 14:27), chúng ta cần phải dành hết thời giờ của mình cho những điều quan trọng nhất, và những sự việc quan trọng nhất của Thượng Đế. Khi giao tiếp với Thượng Đế bằng lời cầu nguyện chân thành, đọc và học thánh thư mỗi ngày, suy ngẫm về điều mình đã đọc và cảm thấy, rồi áp dụng và sống theo các bài học đã học được, thì chúng ta đến gần Ngài hơn. Lời hứa của Thượng Đế là nếu chúng ta chuyên tâm tìm kiếm từ những quyển sách hay nhất thì “[Ngài] sẽ ban cho [chúng ta] sự hiểu biết bằng Đức Thánh Linh của Ngài” (GLGƯ 121:26; xin xem thêm GLGƯ 109:14–15).
Sa Tan sẽ cám dỗ để chúng ta lạm dụng thời gian của mình bằng những điều xao lãng trá hình. Mặc dù sẽ có những cám dỗ, nhưng Anh Cả Quentin L. Cook đã dạy rằng “Các Thánh Hữu nào đáp ứng theo sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi thì sẽ không bị dẫn đi lạc lối bởi những mưu cầu đầy xao lãng và phá hoại” (“Are You a Saint?” Liahona, tháng Mười Một năm 2003, 96). Hiram Page, một trong Tám Nhân Chứng của Sách Mặc Môn đã dạy chúng ta một bài học quý báu về những điều xao lãng. Ông có được một viên đá nào đó và khi nhìn vào viên đá đó ông đã ghi chép điều ông cho là những điều mặc khải cho Giáo Hội (xin xem GLGƯ 28). Sau khi ông bị khiển trách, có người thuật lại rằng viên đá đó bị lấy đi và đập nát ra như bột để nó sẽ không bao giờ còn là một điều xao lãng nữa. 1 Tôi xin mời chúng ta hãy nhận ra những điều xao lãng làm tốn thời giờ trong cuộc sống của mình, mà theo nghĩa bóng có thể phải bị đập nát ra thành tro. Chúng ta sẽ cần phải có óc xét đoán khôn ngoan để chắc chắn rằng cách mình sử dụng thời giờ phải được cân bằng một cách chính xác dành cho Chúa, gia đình, việc làm, và những sinh hoạt giải trí lành mạnh. Như nhiều người đã khám phá ra, cuộc sống sẽ được hạnh phúc hơn khi chúng ta sử dụng thời giờ của mình để tìm kiếm những điều “đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen” (Những Tín Điều 1:13).
Thời gian trôi qua rất nhanh. Trong khi thời gian của cuộc sống trần thế của chúng ta trôi qua, ngày hôm nay sẽ là một ngày tốt để xem lại điều chúng ta đang làm để chuẩn bị gặp Thượng Đế. Tôi làm chứng rằng có những phần thưởng lớn lao cho những người dành ra thời giờ trong cuộc sống trần thế để chuẩn bị cho cuộc sống bất diệt và vĩnh cửu. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
The post Podcast số 135 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Thời Gian Chuẩn Bị – Ian S. Ardern appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.