Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 80 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh 2020 – Các Ân Tứ Thiêng Liêng – Russell M. Nelson
Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Anh chị em thân mến, đây thật là một buổi tối tuyệt vời. Tinh thần của chúng ta đã được nâng cao bởi phần âm nhạc và các sứ điệp xuất sắc.
Tôi xin lấy cơ hội này cảm ơn anh chị em đã đáp ứng lời mời gần đây của tôi để làm tràn ngập các phương tiện truyền thông xã hội với những lời bày tỏ về lòng biết ơn đối với nhiều phước lành của chúng ta. Hàng triệu người đã đáp ứng. Và tôi đặc biệt biết ơn anh chị em đang tiếp tục hằng ngày cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng của chúng ta, để cảm ơn Ngài về sự hướng dẫn, bảo vệ, soi dẫn của Ngài, và hơn hết, về sự ban cho Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.
Lễ Giáng Sinh gợi lên những kỷ niệm tuyệt vời. Chỉ mới cách đây một năm, Wendy và tôi đã có cơ hội kỷ niệm mùa lễ này với một bé gái đáng yêu, Claire Crosby, đã hát một bài hát mừng Giáng Sinh thân thương. Tôi xin chia sẻ một phần bản thu thanh của chúng tôi được thực hiện cho sáng kiến “Thắp Sáng Thế Gian”.1
Như Anh Cả Holland đã nhắc nhở chúng ta, quả thật, đêm thiêng liêng đó cách đây hơn hai ngàn năm là một đêm thánh bởi sự giáng sinh của Đấng đã được tiền sắc phong để mang lại hòa bình cho thế gian và soi dẫn thiện tâm giữa loài người.2 Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh để ban phước cho tất cả nhân loại, trong quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Ngay cả khi hát bài “Đêm Thanh Bình”, chúng ta cũng biết rằng cuộc đời của Hài Đồng ở Bết Lê Hem không bắt đầu ở đó, cũng không kết thúc ở trên đồi Sọ. Trong vương quốc tiền dương thế, Chúa Giê Su đã được Cha Ngài xức dầu để trở thành Đấng Mê Si, Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại. Ngài đã được tiền sắc phong để chuộc tội lỗi cho chúng ta. “Ngài bị thương tích vì những sự phạm giới của chúng ta và bị bầm dập vì những điều bất chính của chúng ta”.3 Ngài đến để biến sự bất diệt thành hiện thực và cuộc sống vĩnh cửu thành một triển vọng cho tất cả những ai từng sống.4
Điều đó có nghĩa là mỗi người chúng ta sẽ được phục sinh—kể cả những người thân yêu của anh chị em đã qua đời trong năm đầy biến động này, và là những người hiện đang sống ở phía bên kia của bức màn che. Nó có nghĩa là mỗi chúng ta có thể tiếp tục tiến triển. Nó có nghĩa là chúng ta có thể hy vọng về những điều tốt đẹp hơn sẽ đến.
Anh chị em có bao giờ tự hỏi tại sao Chúa lại chọn giáng sinh ở nơi mà Ngài sinh ra? Ngài đã có thể giáng sinh ở bất cứ đâu trên thế gian. Tuy nhiên, Ngài đã chọn chính vùng đất mà Ngài đã làm nên thánh.
Chúa Giê Su giáng sinh ở Bết Lê Hem. Từ bet lehem, bằng tiếng Hê Bơ Rơ, có nghĩa là “nhà bánh mì.” Thật thích hợp biết bao khi Ngài, là “bánh sự sống,”5 đến từ “nhà bánh mì.”
Sự giáng sinh của Ngài đã xảy ra trong những hoàn cảnh khiêm tốn ở giữa các gia súc. Tại đó, “Chiên Con của Thượng Đế”6 đã giáng sinh trong mùa lễ Vượt Qua ở giữa các gia súc đang được chuẩn bị cho của lễ hy sinh Quá Hải. Và đến một ngày, Ngài sẽ bị “như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt.”7 Ngài vừa là Chiên Con lẫn Người Chăn Chiên.
Khi Ngài là Đấng được gọi là “người chăn chiên hiền lành” giáng sinh,8 thì những người chăn chiên là những người đầu tiên nhận được sự loan báo về sự giáng sinh thiêng liêng của Ngài.9
Khi Ngài là Đấng được gọi là “sao mai sáng chói” giáng sinh,10 thì một ngôi sao mới đã hiện ra trên các tầng trời.11
Vào lúc giáng sinh của Đấng mà tự gọi Ngài là “sự sáng của thế gian,”12 bóng tối đã bị xua tan trên toàn thế giới như là một dấu hiệu về sự giáng sinh thiêng liêng của Ngài.13
Chúa Giê Su đã chịu phép báp têm trong một vùng nước ngọt thấp nhất trên trái đất, tượng trưng cho những vực sâu mà Ngài sẽ đi xuống để cứu chúng ta và từ đó Ngài sẽ thăng lên cao trên mọi vật—một lần nữa, để cứu chúng ta.14 Từ tấm gương của Ngài, Ngài đã dạy rằng chúng ta cũng có thể vượt lên từ những vực sâu của những thử thách cá nhân của mình—nỗi buồn, sự yếu đuối và những lo âu của chúng ta—để đạt đến đỉnh cao của tiềm năng vinh quang và số mệnh thiêng liêng của chính chúng ta. Tất cả điều này có thể thực hiện được nhờ lòng thương xót và ân điển của Ngài.
Giữa vùng hoang dã khô cằn và bụi bặm của một sa mạc, Đấng Cứu Rỗi đã dạy những bài học mà chỉ những người đã hiểu được nó như thế nào mới có thể biết trọn vẹn cảm giác khô nẻ vì khát.
Chúa Giê Su đã giảng dạy cho người đàn bà tại giếng nước:
“Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi;
“Nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.”15
Câu thánh thư này nhắc tôi nhớ về một kinh nghiệm đầy thương cảm mà tôi đã có với Anh Cả Mark E. Petersen.16 Lúc đó, anh ấy là một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và trước khi được kêu gọi vào nhóm túc số đó thì tôi đã có đặc ân đi cùng anh ấy đến Đất Thánh, chuyến đi này cho thấy đây là chuyến đi cuối cùng của anh ấy trên trần thế.
Anh Cả Petersen đang mắc bệnh ung thư rất nặng. Suốt một đêm dài đau đớn của anh, tôi đã cố gắng hết sức để an ủi anh. Tôi đã thấy anh ấy chỉ có thể ăn uống rất ít. Ngày hôm sau, anh ấy đã được sắp xếp để đưa ra một bài nói chuyện quan trọng.
Buổi sáng hôm ấy đến. Anh Cả Petersen dũng cảm đi đến bờ biển phía bắc của Biển Ga Li Lê, nơi có một giáo đoàn đông người đang chờ đợi anh. Anh ấy đã chọn giảng dạy từ Bài Giảng của Đấng Cứu Rỗi trên Núi. Khi Anh Cả Petersen đọc thuộc lòng đoạn thánh thư: “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình,”17 thì nước mắt anh trào ra. Anh ấy đặt tờ giấy ghi chú của mình sang một bên, nhìn lên và hỏi: “Anh chị em có thực sự biết cảm giác đói và khát là như thế nào không?” Tôi biết anh ấy đã thực sự biết. Sau đó, anh ấy dạy: “Khi có thể thực sự đói khát sự ngay chính thì ta có thể trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn.” Anh Cả Petersen là một tấm gương sống về điều đó. Không lâu sau đó, anh ấy từ giã cõi đời này.18
Bất cứ khi nào suy ngẫm về sự đói khát ngay chính, tôi đều nghĩ đến việc Vị Sứ Đồ đáng kính này đã dành một trong những bài giảng cuối cùng của mình để giảng dạy ý nghĩa thực sự của việc tìm kiếm sự ngay chính để trở nên giống như Ngài hơn.
Năm nay, Chị Nelson và tôi đã bắt đầu thực hiện sớm những công việc lặt vặt đầy yêu thương dành cho gia đình chúng tôi trong dịp Giáng Sinh. Vào đầu tháng Mười Một, Wendy loan báo rằng chúng tôi đã sẵn sàng cho lễ Giáng Sinh. Tôi đáp ngay: “Ồ, tốt quá! Bây giờ chúng ta có thể tập trung vào Đấng Cứu Rỗi.”
Trong năm nay là cái năm mà chưa từng có trước đây, khi hầu như mọi người trên thế giới đều phải hứng chịu những ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu thì không có gì quan trọng mà chúng ta có thể làm trong lễ Giáng Sinh này hơn là tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và vào sự ban cho về điều mà cuộc sống của Ngài thực sự có ý nghĩa đối với mỗi người chúng ta.
Cha Thiên Thượng nhân từ “yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”19
Sau đó, Con Trai của Thượng Đế đã hứa với chúng ta rằng “ai sống và tin ta thì không hề chết.” 20 Thật là những ân tứ không tả xiết, không gì sánh được từ Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử!
Tôi cảm tạ Thượng Đế về sự ban cho Con Trai Yêu Dấu của Ngài. Và tôi cảm ơn Chúa Giê Su Ky Tô vì sự hy sinh và sứ mệnh độc nhất vô nhị của Ngài. Vào lần giáng lâm đầu tiên, Chúa Giê Su đã đến gần như trong bí mật. Nhưng khi Ngài tái lâm, vinh quang của Chúa “sẽ hiện ra, và mọi xác thịt đều sẽ xem thấy.”21 Rồi Ngài sẽ trị vì với tư cách “là Vua của các vua và Chúa của các chúa.”22
Giờ đây, với tư cách là một tôi tớ được phép của Đấng Cứu Rỗi, tôi muốn cầu khẩn một phước lành cho mỗi anh chị em, là các anh chị em yêu quý của tôi. Cầu xin cho anh chị em và gia đình anh chị em được ban phước với sự bình an, với khả năng gia tăng để nghe tiếng nói của Chúa, và nhận được sự mặc khải với khả năng gia tăng để cảm nhận được Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài yêu thương, quan tâm đến anh chị em biết bao và sẵn sàng hướng dẫn tất cả những ai tìm kiếm hai Ngài. Tôi xin lặp lại lời của Mô Rô Ni và “khuyên nhủ các người hãy tìm kiếm Chúa Giê Su này, tức là Đấng mà các tiên tri và các sứ đồ đã từng viết đến, để cho ân điển của Thượng Đế Đức Chúa Cha, và Chúa Giê Su Ky Tô, và Đức Thánh Linh, … sẽ có trong anh chị em và tồn tại trong anh chị em mãi mãi.”23 Tôi cầu nguyện về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
The post Podcast số 80 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh 2020 – Các Ân Tứ Thiêng Liêng – Russell M. Nelson appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.