Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 54 – Đại Hội Trung Ương tháng 4, 2011 – Tiềm Năng của Các Anh Em, Đặc Ân của Các Anh Em – Dieter F. Uchtdorf
Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn (Tháng 4 Năm 2011)
Khi các anh em đọc thánh thư và hết lòng lắng nghe những lời nói của các tiên tri, thì Chúa sẽ phán bảo với các anh em cách làm tròn các bổn phận chức tư tế của mình.
Một người nọ suốt đời mong muốn được thực hiện một chuyến đi du thuyền đến Địa Trung Hải. Anh ta mơ ước được đi trên đường phố Rome, Athens, và Istanbul. Anh ta đã dành dụm tất cả tiền bạc cho đến khi có đủ cho chuyến đi của mình. Vì không có nhiều tiền nên anh ta mang theo một cái va li chất đầy các lon đậu, hộp bánh quy và các gói bột pha nước chanh, và anh ta sống như thế mỗi ngày.
Anh ta rất muốn tham dự vào nhiều sinh hoạt trên tàu—tập trong phòng thể dục, đánh gôn, và bơi lội. Anh ta ghen tị với những người được xem phim, xem biểu diễn, và những cuộc trình diễn văn hóa.Ôi chao, anh ta ao ước biết bao được nếm thức ăn tuyệt vời ở trêntàu dù chỉ một lần—mỗi bữa ăn ở đâynhư là một yến tiệc! Nhưng anh ta chỉ muốn trả rất ít tiền nên không tham dự tất cả các sinh hoạt đó. Anh ta có thể được tham quan những thành phố mà mình ao ước nhưng hầu như trong chuyến đi, anh ta chỉ ở trong phòng và nhấm nháp những thức ăn nghèo nàn của mình.
Vào ngày cuối cùng của chuyến đi du thuyền, một nhân viên trên tàu hỏi anh ta sẽ tham dự buổi liên hoan chia tay nào. Lúc đó, anh ta mới biết rằng không những buổi liên hoan chia tay mà hầu hết mọi thứ trên chuyến du thuyền—từ thức ăn, đến các môn giải trí và tất cả các sinh hoạt—đều đã gồm vào trong giá vé. Trễ quá rồi, anh ta thấy rằng mình đã không sống theo các đặc ân của mình.
Câu hỏi đặt ra từ câu chuyện này là chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế có sống đúng theo các đặc ân của mình khi quyền năng thiêng liêng, các ân tứ và phước lành là cơ hội và quyền của chúng ta với tư cách là những người mang chức tư tế của Thượng Đế không?
Vinh Quang và Sự Vĩ Đại của Chức Tư Tế
Chúng ta đều biết rằng chức tư tế còn có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ một cái tên hay danh xưng. Tiên Tri Joseph đã dạy rằng “Chức Tư Tế là một nguyên tắc vĩnh viễn và hiện hữu với Thượng Đế từ vĩnh cửu này đến vĩnh cửu khác, không có ngày bắt đầu hay năm kết thúc.”1 Chức tư tế nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết về Thượng Đế.”2 Vậy nên, qua chức tư tế mà “quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.”3
Các phước lành của chức tư tế vượt quá khả năng lĩnh hội của chúng ta. Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trung tín có thể “trở thành… dân chọn lọc của Thượng Đế.”4Họ được “thánh hóa bởi Thánh Linh để thể xác của họ được đổi mới”5 và có thể cuối cùng tiếp nhận “tất cả những gì [Đức Chúa] Cha có.”6 Điều này có thể khó thấu hiểu nhưng thật là tuyệt mỹ, và tôi làm chứng rằng điều này có thật.
Việc Cha Thiên Thượng giao phó quyền năng và trách nhiệm này cho con người là bằng chứng về tình yêu thương bao la của Ngài dành cho chúng ta và sự báo hiệu về tiềm năng của chúng ta là các con trai của Thượng Đế trong cuộc sống mai sau.
Tuy nhiên, hành động của chúng ta thường đưa ra giả thuyết rằng chúng ta sống không đúng theo tiềm năng này. Khi được hỏi về chức tư tế, nhiều người chúng ta có thể đọc thuộc lòng một định nghĩa đúng, nhưng trong cuộc sống hằng ngày của mình thì có thể có ít bằng chứng rằng sự hiểu biết của chúng ta vượt quá mức độ của một bản văn thuộc lòng.
Thưa các anh em, chúng ta đang đứng trước một sự lựa chọn. Chúng ta có thể hài lòng với một kinh nghiệm thu nhỏ với tư cách là những người mang chức tư tế và bằng lòng với những kinh nghiệm không đúng theo đặc ân của mình. Hoặc chúng ta có thể dự phần vào một cơ hội thuộc linh dồi dào, và các phước lành phổ biến của chức tưtế.
Chúng ta có thể làm gì để sống đúng theo tiềm năng của mình?
Những lời viết trong thánh thư và nói ra trong đại hội trung ương “nên được chúng ta áp dụng,”7 chứ không phải là chỉ để đọc hoặc nghe mà thôi. 8 Chúng ta rất thường tham dự các buổi họp và gật đầu; chúng ta còn có thể mỉm cười ra vẻ hiểu và đồng ý. Chúng ta viết xuống một số điều nào đó để làm, và có thể tự nói: “Đó là điều tôi sẽ làm.” Nhưng giữa việc nghe, rồi ghi vào bộ nhớ của cái điện thoại vi tính của mình để nhắc nhở phải làm, và việc làmnhững điều đó, tùy thuộc vào quyết tâm làm ngay lập tức hay trì hoãn để làm sau này. Thưa các anh em, hãy chắc chắn quyết định làm những điều đó ngay bây giờ.
Khi các anh em đọc thánh thư và hết lòng lắng nghe những lời nói của các tiên tri, thì Chúa sẽ phán bảo với các anh em cách làm tròn các bổn phận chức tư tế của mình. Đừng để một ngày qua đi mà không làm một điều gì theo những thúc giục của Thánh Linh.
Trước Hết: Hãy Đọc Quyển Sổ Tay của Người Sở Hữu
Nếu có một máy vi tính hiện đại và đắt tiền nhất trên thế giới, các anh em sẽ chỉ sử dụng nó để trang trí cho bàn làm việc của mình không? Cái máy vi tính đó có thể trông rất ấn tượng. Nó có thể có một tiềm năng lớn lao. Nhưng tiềm năng đó chỉ hữu hiệu khi nào các anh em nghiên cứu quyển sổ tay của người sở hữu, học cách sử dụng nhu liệu, và bật máy lên để các anh em có thể đạt được tiềm năng trọn vẹn đó.
Thánh chức tư tế của Thượng Đế cũng có một quyển sổ tay của người sở hữu. Chúng ta hãy cam kết đọc thánh thư và các quyển sổ tay hướng dẫn với nhiều mục đích và tập trung hơn. Chúng ta hãy bắt đầu đọc lại các tiết 20, 84, 107, và 121 của sách Giáo Lý và Giao Ước. Chúng ta càng nghiên cứu mục đích, tiềm năng và sự sử dụng thực tiễn của chức tư tế thì sẽ càng kinh ngạc trước quyền năng của chức tư tế này, cũng như Thánh Linh sẽ dạy cho chúng ta cách tiếp cận và sử dụng quyền năng đó để ban phước cho gia đình, cộng đồng của mình và Giáo Hội.
Là một dân tộc, chúng ta đặt ưu tiên cao đúng vào việc học hỏi thế tục và sự phát triển nghề nghiệp mình muốn, và chúng ta cần phải học tập xuất sắc và thông thạo nghề nghiệp. Tôi xin khen ngợi các anh em đang siêng năng cố gắng đạt được một học vấn và trở nên thành thạo trong lãnh vực của mình. Tôi mời các anh em cũng trở nên thành thạo trong các giáo lý của phúc âm—nhất là giáo lý của chức tư tế.
Chúng ta sống trong một thời kỳ mà thánh thư cũng như những lời của các vị sứ đồ và tiên tri hiện đại rất dễ nhận được hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử của thế gian. Tuy nhiên, đó là đặc ân, bổn phận và trách nhiệm của chúng ta để tìm tới và hiểu thấu những lời giảng dạy của họ. Các nguyên tắc và giáo lý của chức tư tế là cao siêu và siêu phàm. Chúng ta càng nghiên cứu giáo lý, tiềm năng và áp dụng mục đích thực tiễn của chức tư tế thì tâm hồn chúng ta sẽ càng được mở rộng, sự hiểu biết của chúng ta được gia tăng và chúng ta sẽ thấy điều Chúa dành sẵn cho mình.
Thứ Nhì: Tìm Kiếm Những Điều Mặc Khải của Thánh Linh
Một chứng ngôn chắc chắn về Chúa Giê Su Ky Tô và về phúc âm phục hồi của Ngài cần nhiều hơn là sự hiểu biết—chứng ngôn đòi hỏi sự mặc khải cá nhân, được xác nhận qua việc áp dụng các nguyên tắc phúc âm một cách chân thật và tận tâm. Tiên TriJoseph Smith giải thích rằng chức tư tế là “hệ thống mà qua đó Đấng Toàn Năng bắt đầu mặc khải vinh quang của Ngài vào lúc bắt đầu tạo dựng thế gian này, và qua đó Ngài đã tiếp tục đích thân mặc khải cho con cái loài người cho đến thời nay.”9
Nếu không cố gắng sử dụng hệ thống mặc khải này, thì chúng ta đang sống không đúng theo các đặc ân của chức tư tế của mình. Ví dụ, có những người tin nhưng không biết rằng họ tin. Họ đã nhận được nhiều sự đáp ứng khác nhau bởi tiếng nói êm nhẹ trong một thời kỳ kéo dài, nhưng vì sự soi dẫn này dường như quá nhỏ và không quan trọng, nên họ không nhận ra điều đó thật sự là gì. Do đó, họ để cho nỗi nghi ngờ ngăn cản họ làm tròn tiềm năng của mình với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế.
Sự mặc khải và chứng ngôn không phải luôn luôn đến với một sức mạnh áp đảo. Đối với nhiều người, một chứng ngôn đến từ từ—mỗi lần một chút. Đôi khi, chứng ngôn đến dần dần nên rất khó để nhớ lại chính xác giây phút chúng ta thật sự biết phúc âm là chân chính. Chúa ban cho chúng ta “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít.”10
Trong một số cách, chứng ngôn của chúng ta giống như một hòn tuyết càng lúc càng trở nên lớn hơn mỗi khi lăn đi. Chúng ta bắt đầu với một số ít ánh sáng—ngay cả chỉ một ước muốn để tin. Dần dần,“ánh sáng gắn bó với ánh sáng,”11 và “kẻ nào nhận được ánh sáng, và bền lòng nơi Thượng Đế, thì sẽ nhận được thêm ánh sáng; và ánh sáng đó càng lúc càng sáng tỏ cho đến ngày hoàn toàn,”12 khi “[chúng ta] nhận được sự trọn vẹn của Ngài vào đúng lúc.”13
Hãy nghĩ thật là một điều vinh quang biết bao để vượt qua những giới hạn của mình trên thế gian, để mắt hiểu biết của mình được mở ra và nhận được ánh sáng cùng sự hiểu biết từ các nguồn gốc thiên thượng! Đó là đặc ân và cơ hội của chúng ta để tìm kiếm sự mặc khải cá nhân cũng như học cách tự mình biết được lẽ thật qua sự làm chứng chắc chắn của Đức Thánh Linh.
Chúng ta hãy sốt sắng tìm kiếm ánh sáng của sự soi dẫn cá nhân. Chúng ta hãy khẩn nài Chúa ban cho tâm trí mình sự khởi đầu của đức tin mà sẽ làm cho chúng ta có thể nhận được và nhận ra sự phục sự thiêng liêng của Đức Thánh linh dành cho hoàn cảnh sống riêng biệt, cho những thử thách và các bổn phận chức tư tế của chúng ta.
Thứ Ba: Tìm Ra Niềm Vui trong Sự Phục Vụ của Chức Tư Tế
Trong lúc làm phi công của một hãng hàng không, tôi đã có cơ hội là phi công trưởng kiểm tra khả năng và huấn luyện các phi công khác. Một phần của công việc này là huấn luyện và thử tài các phi công dày dạn kinh nghiệm để chắc chắn rằng họ có kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để lái các chiếc máy bay phản lực khổng lồ tuyệt diệu đó một cách an toàn và hữu hiệu.
Tôi thấy có những phi công, mặc dù sau nhiều năm lái máy bay chuyên nghiệp, vẫn luôn rộn ràng trong lòng khi bay vào bầu quyển khí và “rời bỏ những ranh giới hạn chế của Trái Đất để hân hoan bay bổng ngang các tầng trời trên đôi cánh bạc.”14 Họ yêu thích tiếng động của luồng không khí, tiếng gầm rú của các động cơ mạnh, cảm giác được “hòa nhịp với gió, bầu trời tối và các vì sao trước mặt.”15 Lòng nhiệt tình của họ tỏa lan nhanh chóng.
Cũng có một số ít người dường như dửng dưng về mặt tình cảm. Họ điều khiển các hệ thống và các chiếc máy bay phản lực, nhưng vào một lúc nào đó, họ đã đánh mất niềm vui lái máy bay “đến một nơi mà không có một con chim chiền chiện hay một con chim đại bàng nào bay đến cả”15 Họ đã mất đi cảm giác kinh ngạc trước cảnh bình minh rực rỡ, trước vẻ đẹp của các tạo vật của Thượng Đế khi họ bay ngang qua các đại dương và lục địa. Nếu họ đáp ứng được những điều đòi hỏi chính thức thì tôi chứng thực cho họ, nhưng đồng thời, tôi cảm thấy tiếc thay cho họ.
Các anh em có thể muốn tự hỏi nếu mình chỉ dửng dưng về mặt tình cảm với tư cách là người mang chức tư tế—làm điều được trông mong để làm, nhưng không kinh nghiệm được niềm vui đáng lẽ thuộc về mình. Việc nắm giữ chức tư tế mang đến cho chúng ta các cơ hội dồi dào để cảm thấy niềm vui mà Am Môn đã nói: “Chúng ta không có lý do mạnh mẽ để hoan hỷ hay sao?… Chúng ta là những công cụ trong tay [của Chúa] để thi hành công việc vĩ đại và kỳ diệu này. Vậy thì chúng ta hãy hãnh diện … trong Chúa; phải, chúng ta hãy hoan hỷ lên đi.”17
Thưa các anh em, tôn giáo của chúng ta là một tôn giáo đầy hoan hỷ! Chúng ta được phước nhất khi mang chức tư tế của Thượng Đế! Chúng ta đọc trong sách Thi Thiên: “Phước cho dân nào biết tiếng vui mừng! Hỡi Đức Giê Hô Va, họ bước đi trong ánh sáng của mặt Chúa.”18 Chúng ta có thể trải qua niềm vui lớn lao hơn nếu chúng ta chỉ tìm kiếm điều đó.
Chúng ta thường không kinh nghiệm được niềm hạnh phúc có được từ sự phục vụ thực tiễn của chức tư tế hằng ngày. Đôi khi, công việc chỉ định có thể cảm thấy giống như gánh nặng. Thưa các anh em, đừng để chúng ta trải qua cuộc sống đắm mình trong cảnh mệt mỏi, lo lắng và than vãn. Chúng ta sống không đúng theo các đặc ân của mình khi cho phép những trở ngại của thế gian ngăn giữ chúng ta xa khỏi niềm vui dồi dào có được từ sự phục vụ trung tín và tận tâm của chức tư tế, nhất là trong nhà của mình. Chúng ta sống không đúng theo các đặc ân của mình khi chúng ta không dự phần vào yến tiệc của niềm hạnh phúc, sự bình an, và niềm vui mà Thượng Đế đã rộng rãi ban cho các tôi tớ tư tế trung tín.
Các em thiếu niên, nếu các em cảm thấy việc đến nhà thờ sớm để giúp chuẩn bị Tiệc Thánh như là một nỗi gian khổ hơn là một phước lành, thì tôi xin mời các em hãy nghĩ về giáo lễ thiêng liêng này có thể có ý nghĩa như thế nào đối với một tín hữu trong tiểu giáo khu là người có lẽ đã có một tuần lễ đầy khó khăn. Thưa các anh em, nếu các nỗ lực giảng dạy tại gia của các anh em dường như không được hữu hiệu, thì tôi xin mời các anh em hãy nhìn với con mắt đức tin xem một cuộc viếng thăm từ một tôi tớ của Chúa sẽ làm gì cho một gia đình mà có nhiều vấn đề không thấy hết được. Khi các anh em hiểu về tiềm năng thiêng liêng của sự phục vụ chức tư tế của mình, thì Thánh Linh của Thượng Đế sẽ tràn đầy tâm trí của các anh em và sẽ chiếu sáng trong mắt và trên gương mặt của các anh em.
Là những người mang chức tư tế, chúng ta đừng bao giờ trở nên chai đá trước điều kỳ diệu mà Chúa đã giao cho mình.
Kết Luận
Các anh em thân mến, cầu xin cho chúng ta siêng năng tìm cách học hỏi giáo lý của thánh chức tư tế, cầu xin cho chúng ta củng cố chứng ngôn của mình từng hàng chữ một bằng cách tiếp nhận những điều mặc khải của Thánh Linh, và cầu xin cho chúng ta tìm được niềm vui đích thực trong sự phục vụ hằng ngày của chức tư tế. Khi làm những điều này, chúng ta sẽ bắt đầu sống đúng theo tiềm năng và đặc ân của mình với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế, và chúng ta sẽ có thể “làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho [chúng ta].”19 Tôi làm chứng điều này với tư cách là một sứ đồ của Chúa và để lại cho các anh em phước lành của tôi trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
The post Podcast số 54 – Đại Hội Trung Ương tháng 4, 2011 – Tiềm Năng của Các Anh Em, Đặc Ân của Các Anh Em – Dieter F. Uchtdorf appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.