Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 459 – Liahona tháng 2, 2025 – “Ta Sẽ Chữa Lành cho Họ” – Dieter F. Uchtdorf

April 21, 2025

Bài của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô



Tôi vẫn còn nhớ rất rõ một số chuyến bay dài mà tôi đã thực hiện trong suốt sự nghiệp làm phi công trưởng của mình.



Trong một chuyến bay như vậy, tôi cất cánh ở Đức vào lúc 11 giờ trưa và hạ cánh xuống California vào lúc 1 giờ chiều cùng ngày. So sánh giờ cất cánh ở nơi đi và giờ hạ cánh ở nơi đến, dường như một chuyến bay ngang qua Đại Tây Dương và lục địa Bắc Mỹ chỉ mất hai tiếng đồng hồ. Chiếc Boeing 747 bay rất nhanh, nhưng không nhanh đến thế! Thực ra, chúng tôi mất khoảng 11 tiếng đồng hồ để bay hết quãng đường 5.600 dặm (9.000 km), tùy theo sức gió.



Vì chúng tôi đang bay về hướng tây, nên mặt trời không bao giờ lặn trong suốt chuyến bay của chúng tôi. Chúng tôi tận hưởng ánh nắng ban ngày suốt chặng đường từ Đức đến California.



Tuy nhiên, việc quay trở lại Đức là một câu chuyện hoàn toàn khác. Khi bay về hướng đông, ngay cả khi chúng tôi cất cánh vào đầu giờ chiều, thì mặt trời lặn nhanh hơn bình thường, và trước khi chúng tôi kịp nhận ra thì màn đêm đã buông xuống.



Trong suốt những chuyến bay dài này, tâm hồn tôi thường tràn ngập nỗi kinh ngạc khi suy ngẫm về vẻ đẹp của trái đất này và tính trật tự trong những sự sáng tạo của Thượng Đế. Ngay cả khi bay vào ban đêm, trong bóng tối dày đặc, tôi biết chắc chắn rằng mặt trời sẽ lại mọc, ánh sáng rực rỡ đó sẽ trở lại, mang theo hơi ấm và sức sống cho một ngày mới trước khi cuộc hành trình của chúng tôi kết thúc. Hoàn cảnh chuyến bay của tôi có thể khiến cho mặt trời dường như lặn chậm hơn hoặc nhanh hơn, nhưng tôi biết rằng mặt trời vẫn không thay đổi, luôn cố định, và đáng tin cậy trên bầu trời.



Tôi cũng cảm nhận như thế về Thượng Đế. Vì tôi có một niềm tin chắc chắn và sâu sắc về sự thông sáng và mục đích của Thượng Đế đối với mọi tạo vật của Ngài, nên tôi có thể cảm nhận được niềm hy vọng hân hoan và sự bình an lâu dài khi tôi nghĩ về cuộc sống trần thế của chúng ta. Chúng ta là con cái của Thượng Đế. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài biết hoàn cảnh của chúng ta. Ngài sẵn sàng giúp đỡ. Các lẽ thật này không thay đổi, ngay cả khi những điều khác quanh ta dường như bất định và không thể lường trước được.



Chúng ta đều trải qua những khoảnh khắc tăm tối, đau buồn, và vô định mà đe dọa sự bình an của mình. Tôi biết ơn biết bao về nguồn lẽ thật và sự sáng đáng tin cậy và chân chính (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:6–11). Chúa Giê Su Ky Tô là sự sáng và sự sống của thế gian. Nhờ có Ngài và sự hy sinh chuộc tội của Ngài, mà chúng ta có hy vọng cho tương lai, có được ánh sáng thiêng liêng để soi sáng những ngày đen tối trong cuộc hành trình của chúng ta, và lời hứa về chiến thắng sau cùng để vượt qua tội lỗi và cái chết.



“Ngài Yêu Thương Thế Gian”

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng hoàn hảo duy nhất từng sống trên thế gian. Vì đã sống cuộc đời hoàn hảo, nên Ngài không mắc nợ công lý. Bởi vì Ngài yêu thương chúng ta, Ngài đã hy sinh mạng sống của Ngài cho mỗi cá nhân chúng ta và cho tất cả con cái của Thượng Đế để mở ra cánh cửa dẫn đến sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu.



Mặc cho những gì mà Sa Tan muốn chúng ta tin, nhưng không ai trong chúng ta nằm ngoài khả năng giải cứu của Đấng Cứu Rỗi. Không ai trong chúng ta bị tước đi điều kiện để được ban cho đặc ân của sự tha thứ. Không ai trong chúng ta không được “bảo bọc vĩnh viễn trong vòng tay thương yêu của Ngài” (2 Nê Phi 1:15).



Ân tứ lớn lao nhất này đến từ quyền năng làm cho có khả năng và quyền năng cứu chuộc của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Bởi vì Đấng Cứu Rỗi đã chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên Đồi Sọ, nên Ngài biết cách cứu chúng ta và giúp đỡ chúng ta vượt qua bất kỳ và tất cả những yếu đuối của chúng ta (xin xem An Ma 7:12).



“Ngài không làm việc gì trừ phi có lợi ích cho thế gian; vì Ngài rất yêu mến thế gian, đến đỗi Ngài phải bỏ mạng sống của mình để lôi kéo tất cả loài người đến với Ngài” (2 Nê Phi 26:24).



Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của chúng ta!



Ngài tìm đến.



Ngài chữa lành.



Ngài giải cứu.



Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Khi Đấng Cứu Rỗi [đã ban sự hy sinh chuộc tội của Ngài] cho toàn thể nhân loại, Ngài đã mở ra một con đường mà những ai đi theo Ngài đều có thể tiếp cận với quyền năng chữa lành, củng cố và cứu chuộc của Ngài.”



Cũng giống như mặt trời, quyền năng ấy luôn ở đó. Quyền năng ấy chẳng bao giờ dao động. Sự lựa chọn để noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi cũng giống như bước ra khỏi bóng tối và đi vào ánh sáng mặt trời, nơi mà chúng ta có thể nhận được các phước lành của ánh sáng, sự ấm áp và tình yêu thương của Thượng Đế. Tôi biết rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhìn lại và tràn đầy lòng biết ơn vì chúng ta đã đưa ra quyết định quan trọng vĩnh cửu để tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô và tình yêu thương thiêng liêng của Ngài để nâng đỡ và củng cố chúng ta.



“Hãy trở lại cùng Ta”

Sách Mặc Môn kể về một dân tộc đã sống ba ngày trong bóng tối âm u sau khi Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh. Bóng tối âm u thực sự quanh họ có thể tượng trưng cho bóng tối thuộc linh mà tất cả chúng ta đều trải qua vì tội lỗi. Rồi dân chúng nghe thấy tiếng nói của Đấng Ky Tô mời họ ra khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng của Ngài:



“Giờ đây các ngươi không muốn trở về cùng ta, và hối cải tội lỗi và được cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi chăng?” (3 Nê Phi 9:13).



“Hiến dâng cho ta một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh” (3 Nê Phi 9:20).



“Hối cải và trở về cùng ta một cách hết lòng” (3 Nê Phi 10:6).



Đấng Cứu Rỗi cũng đưa ra những lời mời tương tự đó cho chúng ta ngày nay khi chúng ta thấy mình lạc lối trong bóng tối. Cũng giống như mỗi lúc bình minh đánh dấu sự khởi đầu của một ngày mới, thì với mỗi lần hối cải, chúng ta nhận được một khởi đầu mới, một khởi đầu mới tươi sáng.



Điều đó không có nghĩa là nó dễ dàng. Sự hối cải có nghĩa là thay đổi, và sự thay đổi không xảy ra trong một sớm một chiều. Mặc dù hân hoan, nhưng sự hối cải cũng bao gồm “sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời” (2 Cô Rinh Tô 7:10). Sự hối cải đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận và thú nhận những điều sai trái của mình, cầu xin sự tha thứ từ Thượng Đế và từ những người chúng ta có thể đã làm tổn thương. Trên hết, nó đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm “Thánh Linh của Chúa Vạn Năng,” để chúng ta có thể trải qua “một sự thay đổi lớn lao trong … lòng chúng [ta], khiến chúng [ta] không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện” (Mô Si A 5:2).



Sự thay đổi đó là một cuộc hành trình dài, nhưng ngay khi các anh chị em thực hiện bước đầu tiên, thì “ngày cứu rỗi của các người” bắt đầu, và “tức thời kế hoạch cứu chuộc vĩ đại sẽ được mang lại cho các người” (An Ma 34:31).



Qua sự hối cải chân thành của chúng ta, Thượng Đế hứa sẽ tha thứ và không còn nhớ đến tội lỗi của chúng ta nữa. Khi gặp khó khăn trong việc quên đi tội lỗi của mình, chúng ta hãy cố gắng tin cậy vào lời hứa của Chúa để tha thứ và học cách tha thứ cho người khác và cho bản thân mình.



Chủ Tịch Boyd K. Packer (1924–2015) đã dạy: “Linh hồn của chúng ta bị tổn thương khi chúng ta mắc lỗi lầm và phạm tội. “Nhưng không giống như trường hợp thể xác của chúng ta, khi tiến trình hối cải đã trọn vẹn thì không còn để lại vết sẹo nào nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”



“Hãy Đem Họ Lại Đây”

Đấng Cứu Rỗi là Đấng Chữa Lành Bậc Thầy. Một trong những minh chứng tuyệt vời nhất về quyền năng chữa lành của Ngài được tìm thấy trong Sách Mặc Môn, trong câu chuyện về giáo vụ trần thế của Ngài ở Châu Mỹ thời xưa:



“Trong các ngươi có ai đau ốm không?” Ngài hỏi. “Hãy đem họ lại đây. Trong các ngươi có ai què, đui, câm, điếc, cụt tay chân, bị phong hủi, hay bại xuội, hoặc bị đau đớn vì nguyên do nào khác không? Hãy đem họ lại đây, ta sẽ chữa lành cho họ, vì ta hết sức thương hại các ngươi, lòng ta tràn đầy niềm thương xót. …



“Và chuyện rằng, sau khi Ngài phán như vậy, thì tất cả đám đông đồng loạt tiến lên với những người bệnh, người bị đau đớn, người què, đui, câm, cùng tất cả những người bị đau đớn về mọi thể cách khác; rồi Ngài đã chữa lành cho tất cả mọi người được đem lại trước mặt Ngài” (3 Nê Phi 17:7, 9).



Mỗi lần Đấng Cứu Rỗi chữa lành cho bất cứ ai “bị đau đớn về mọi thể cách khác” cả trước lẫn sau khi Ngài Phục Sinh, thì đó là một minh chứng về quyền năng tối thượng của Ngài để chữa lành tâm hồn chúng ta. Mỗi sự chữa lành kỳ diệu là một bước đệm và là lời hứa về sự chữa lành lâu dài về thể chất và cảm xúc mà sẽ đến với mỗi người chúng ta trong Sự Phục Sinh, đó “là hành động chữa lành cao cả nhất của Chúa.”



Đúng là những lời cầu xin để được chữa lành của chúng ta trong cuộc sống này không phải lúc nào cũng được đáp ứng theo cách chúng ta hy vọng, nhưng những lời cầu xin ấy chẳng bao giờ bị phớt lờ. Thời điểm để chữa lành sẽ đến, giống như bóng tối của màn đêm luôn nhường chỗ—vào đúng thời điểm—cho ánh bình minh rực rỡ.



Như Chủ Tịch Nelson đã làm chứng: “Đức tin của chúng ta không bao giờ bị làm ngơ. Tôi biết rằng quan điểm của Cha Thiên Thượng đầy thông sáng thì [bao quát] hơn quan điểm của chúng ta. Trong khi chúng ta biết các vấn đề hữu diệt và nỗi đau đớn của mình, thì Ngài biết về sự tiến triển và tiềm năng bất diệt của chúng ta. Nếu chúng ta cầu nguyện để biết được ý muốn của Ngài và tuân phục theo ý muốn đó, với lòng kiên nhẫn và can đảm, thì sự chữa lành của thiên thượng có thể xảy ra theo đường lối và kỳ định của Ngài.”



Gần đây vợ tôi, Harriet, và tôi đã đưa vào lời cầu nguyện của mình một niềm hy vọng đặc biệt và khẩn nài thay cho một số người mà chúng tôi yêu thương. Chúng tôi cầu nguyện rằng đội ngũ y tá bác sĩ của họ sẽ được ban cho khả năng đặc biệt để chữa lành căn bệnh của họ. Chúng tôi cảm thấy ấn tượng để nói thêm rằng ngay cả khi việc chữa lành hoặc hồi phục ngay lập tức có thể không xảy ra, thì quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi vẫn có thể mang đến cho họ sự an ủi và bình an. Ảnh hưởng chữa lành của quyền năng cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi có thể có tác động lớn đến sức khỏe cảm xúc, thuộc linh, và thậm chí cả thể chất của chúng ta hơn là bất cứ phương pháp chữa trị nào trên trần thế mà chúng ta có thể nhận được. Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Chữa Lành trong cuộc sống này và trong thời vĩnh cửu.



Thưa các anh chị em, các bạn thân mến, tôi làm chứng rằng lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi đủ để chữa lành vết thương, tẩy sạch tội lỗi cho các anh chị em, củng cố các anh chị em trước những thử thách sẽ đến, và ban phước cho các anh chị em với niềm hy vọng, sự thông sáng, và sự bình an của Ngài. Quyền năng của Ngài luôn luôn ở đó—bất biến và chắc chắn—ngay cả khi chúng ta cảm thấy xa cách với tình yêu thương, ánh sáng, và sự ấm áp của Ngài trong một khoảng thời gian.



Tôi cầu xin rằng chúng ta không bao giờ đánh mất cảm giác thán phục và lòng biết ơn sâu sắc về tất cả những gì Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho chúng ta. Xin hãy biết rằng anh chị em được yêu thương một cách trọn vẹn, và hãy ghi nhớ những gì mà anh chị em đã được hứa cho thời vĩnh cửu.



“Cầu xin Thượng Đế khiến cho gánh nặng của các người sẽ được nhẹ đi, qua sự vui mừng về Vị Nam Tử của Ngài,” Chúa Giê Su Ky Tô (An Ma 33:23).


The post Podcast số 459 – Liahona tháng 2, 2025 – “Ta Sẽ Chữa Lành cho Họ” – Dieter F. Uchtdorf appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.