Phúc Âm Trọn Vẹn

Podcast số 436 – Liahona tháng 1, 2025 – Các Phước Lành của Sự Phục Hồi – Taniela B. Wakolo
Bài của Anh Cả Taniela B. Wakolo thuộc Nhóm Túc Số Thẩy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Vào mùa xuân năm 1820, một thiếu niên 14 tuổi cần có câu trả lời đã bước vào một rừng cây. Ông muốn biết nên gia nhập giáo hội nào trong số nhiều giáo hội xung quanh mình. Sau khi học được trong thánh thư rằng “ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời” (Gia Cơ 1:5), người thiếu niên ấy đã đi vào khu rừng và dâng hết lòng mình lên Thượng Đế. Trong lúc ông cầu nguyện, các tầng trời mở ra.
Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng Joseph Smith và đáp ứng lời cầu nguyện của ông (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:16–20). Sự kiện thiêng liêng này đã mở đầu Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn vĩnh cửu của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự hiểu biết này đã ban phước dồi dào cho cuộc sống của tôi, nhưng phải mất một thời gian tôi mới có được một chứng ngôn của riêng mình.
Chúa Giê Su Ky Tô Phục Hồi Giáo Hội của Ngài
Cách đây nhiều năm, tôi cảm thấy mình rất giống thiếu niên Joseph. Tôi thấy hoang mang trước “trận khẩu chiến và xung đột về quan điểm” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:10) đến từ nhiều giáo hội khác nhau ở Fiji. Lần đầu tiên gặp những người truyền giáo, tôi đã có rất nhiều câu hỏi. Một số người đã trêu chọc rằng tôi chậm hiểu vì tôi đã mất tám năm để tìm hiểu về Giáo Hội. Sự cải đạo của tôi bắt đầu bằng việc hiểu tên của Giáo Hội.
Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã thiết lập Giáo Hội của Ngài. Theo thời gian, giáo lý và thẩm quyền chức tư tế của Giáo Hội Ngài bị mất. Trong thời kỳ chúng ta, qua Tiên Tri Joseph Smith, Chúa Giê Su Ky Tô đã phục hồi cùng một giáo hội mà Ngài đã thiết lập khi Ngài sống trên thế gian (xin xem Những Tín Điều 1:6). Ngài cũng đã phán qua sự mặc khải: “Vì Giáo Hội của ta sẽ được gọi như vậy trong những ngày sau cùng, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô” (Giáo Lý và Giao Ước 115:4).
Giáo Hội mang tên của Chúa Giê Su Ky Tô bởi vì đó là Giáo Hội của Ngài! Sau tám năm, lẽ thật này luôn vang vọng trong tâm trí và tấm lòng tôi. Tôi chịu phép báp têm vào năm 27 tuổi và sớm được kêu gọi làm cố vấn trong chủ tịch đoàn Hội Thiếu Niên tiểu giáo khu và là giảng viên lớp giáo lý sáng sớm. Theo thời gian, chứng ngôn của tôi tiếp tục phát triển.
Sự Phục Hồi Vẫn Tiếp Diễn
Cuộc sống của tôi đã thay đổi khi tôi giảng dạy lớp giáo lý, tham dự lễ Tiệc Thánh, và lắng nghe đại hội trung ương. Tôi cũng cảm nhận được ảnh hưởng êm dịu, an ủi và đầy soi dẫn của Thánh Linh khi đọc Sách Mặc Môn—một bằng chứng hữu hình và biểu lộ rõ ràng về Sự Phục Hồi và sự kêu gọi mang tính tiên tri của Joseph Smith.
Khi Chúa kêu gọi Joseph “và từ trên trời phán bảo hắn và ban cho hắn các giáo lệnh” (Giáo Lý và Giao Ước 1:17), Ngài đã cho thấy rằng Ngài “quả thật soi dẫn loài người và kêu gọi họ làm công việc thánh thiện của Ngài trong thời đại và thế hệ này, giống như trong các thế hệ thời xưa” và rằng “Ngài là Thượng Đế hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Giáo Lý và Giao Ước 20:11–12).
Sự Phục Hồi mà bắt đầu với Joseph vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta được kêu gọi để nói trong danh của Đấng Cứu Rỗi “để cho đức tin … có thể được tăng trưởng trên thế gian,” “giao ước vĩnh viễn của [Ngài] có thể được thiết lập,” và “phúc âm trọn vẹn của [Ngài] có thể được những kẻ yếu kém và những kẻ tầm thường rao truyền đến các nơi tận cùng của thế giới” (Giáo Lý và Giao Ước 1:21–23). Chúng ta được ban phước để có thể giúp xây dựng Giáo Hội và chuẩn bị thế gian cho ngày Chúa Giê Su Ky Tô tái lâm.
Một năm sau lễ báp têm của tôi và vợ tôi là Anita, hai vợ chồng tôi đi đến Đền Thờ Nuku’alofa Tonga để được làm lễ gắn bó cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu. Chứng ngôn của tôi về Sự Phục Hồi khiến cho việc đi đền thờ trở nên đầy ý nghĩa. Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô thật sự có ý nghĩa quan trọng bậc nhất! Lòng tôi tràn ngập sự biết ơn về các phước lành mà phúc âm phục hồi đã mang đến cho tôi và gia đình tôi.
Những phước lành quý báu này đã đến với thế gian qua: “Joseph Smith, Vị Tiên Tri và Tiên Kiến của Chúa, [người] đã làm nhiều cho sự cứu rỗi loài người trên thế gian hơn bất cứ một người nào khác đã từng sống trên thế gian ngoại trừ Chúa Giê Su” (Giáo Lý và Giao Ước 135:3). Chúng ta phải luôn biết ơn—và đừng bao giờ quên—điều chúng ta đã được ban cho qua vị tiên tri của gian kỳ sau cùng này.
Qua Joseph, chúng ta hiểu được mối quan hệ giao ước của mình với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có chức tư tế và các giáo lễ cùng các giao ước đã được phục hồi. Trong kinh nghiệm của Joseph trong Khu Rừng Thiêng Liêng, chúng ta biết rằng ngay cả trước khi Đức Chúa Cha giới thiệu Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài đã gọi tên Joseph (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:17). Ngài cũng biết tên của chúng ta. Và giống như Ngài đã mở các tầng trời và đáp ứng lời cầu nguyện đơn giản, chân thành của một cậu bé 14 tuổi, Ngài cũng sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta theo ý muốn, cách thức và kỳ định của Ngài, bất kể tuổi tác của chúng ta. Các lẽ thật này khắc sâu vào tâm hồn tôi. Tôi làm chứng rằng những điều này là có thật.
Tôi hy vọng rằng tôi là một người đang làm điều tốt trên thế gian. Nếu là thế, thì Joseph Smith đã làm rất nhiều để đóng góp cho điều đó. Cuộc sống của tôi sẽ không được như ngày hôm nay, tôi sẽ không phải là người chồng và người cha như hiện tại, và tôi sẽ không hạnh phúc như bây giờ nếu không có phúc âm phục hồi mà Tiên Tri Joseph đã hy sinh cuộc đời của ông để mang đến cho thế gian. Phúc âm mang đến cho tôi sự tươi sáng và hy vọng. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn Tiên Tri Joseph về điều này.
Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu
Tôi cũng đều mang theo một quyển Sách Mặc Môn bất cứ nơi nào tôi đến, hy vọng rằng tôi có thể tặng sách này cho một người nào đó và giới thiệu cho họ về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi đã phân phát hàng trăm cuốn trên khắp thế giới. Tôi thích chia sẻ sứ điệp về Sự Phục Hồi—bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
Điều này đặc biệt đúng khi tôi cùng với Anita giảng dạy và làm chứng cùng các con của mình trong chính ngôi nhà của chúng tôi. Con gái của chúng tôi hiện đang phục vụ truyền giáo ở New York City, Hoa Kỳ. Chúng tôi đã nói với nó: “Hãy đi và làm chứng về Đấng Cứu Rỗi ở phía bên kia bán cầu”. Cha Mẹ cũng sẽ làm điều tương tự ở bên này bán cầu trong khu vực của cha mẹ.” Chúng tôi thích cập nhật cho nhau về công việc phục vụ của chúng tôi. Và giờ đây, chúng tôi có cô cháu gái bốn tuổi. Niềm hy vọng và ước muốn của lòng tôi là nó sẽ thường xuyên nghe và luôn nhớ đến ông nội của nó đã làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài.
Tất cả chúng ta đều có thể làm chứng về các phước lành của phúc âm phục hồi—bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu—khi chúng ta sống theo một lối sống gương mẫu của một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có thể chia sẻ Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Và chúng ta có thể làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã phục hồi phúc âm trọn vẹn của Ngài và lãnh đạo Giáo Hội ngày nay. Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy rằng “sự mặc khải tiếp tục trút xuống từ Chúa trong tiến trình phục hồi lâu dài.” Tôi làm chứng rằng sự phục hồi vẫn tiếp diễn nhờ có sự truyền giao không gián đoạn các chìa khóa chức tư tế mà do các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải nắm giữ, là những người soi dẫn, hướng dẫn và giúp chúng ta gắn kết mình với Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.
Đây là lời chứng và chứng ngôn của tôi. Tôi sẽ sẵn lòng luôn chia sẻ lời chứng và chứng ngôn này cũng như không bao giờ nghi ngờ về điều đó.
The post Podcast số 436 – Liahona tháng 1, 2025 – Các Phước Lành của Sự Phục Hồi – Taniela B. Wakolo appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.