Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 418 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh năm 2014 – Chúng Ta Hãy Đến Tôn Thờ Ngài – và Kế Hoạch Cứu Rỗi – Linda K. Burton
Bài của chị Linda K. Burton, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô vào năm 2014
Giống như nhiều anh chị em, người chồng dễ mến của tôi là Craig, và tôi vô cùng yêu thích nhạc Giáng Sinh thiêng liêng. Nếu chúng tôi phải lập một danh sách các bài hát yêu thích của mình thì bài “Oh, Come, All Ye Faithful” phải đứng ở vị trí gần đầu Lời ca đầy “hân hoan″ và ″đắc thắng” ra hiệu cho chúng ta ″đến,″ để ″nhìn,″ và ″tôn thờ″ Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô—″Vua của các thiên thần.”1 Tôi cảm thấy chắc chắn rằng, như các linh hồn trên tiền dương thế đang học hỏi về kế hoạch cứu rỗi, chúng ta không những nhìn, tôn thờ mà còn reo mừng nữa khi Ngài tự nguyện và khiêm nhường hy sinh làm Đấng Cứu Rỗi của thế gian.2 Ngài ngoan ngoãn thốt ra sáu từ quan trọng nhất: “Tôi đây, xin phái tôi đi.”3
Cùng với Sứ Đồ Phi E Rơ, Chủ Tịch Monson đã thường khuyên dạy chúng ta “hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong [chúng ta].”4 Trong khi chia sẻ hai kỷ niệm cá nhân về lễ Giáng Sinh, tôi hy vọng rằng các anh chị em có thể thấy được lý do tại sao tôi có được hy vọng nơi Đấng Cứu rỗi, nơi “Đức Chúa Trời [Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, là Đấng] yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài,”5 và nơi kế hoạch hạnh phúc hoàn hảo và vinh quang của Đức Chúa Cha.
Kỷ Niệm Giáng Sinh Thứ Nhất
Khi tôi 14 tuổi, gia đình chúng tôi sống ở New Zealand. Cha tôi mới khoảng 30 tuổi khi ông được kêu gọi phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo ở đó.
Mùa Giáng Sinh đến, và tôi cùng năm anh chị em tôi vẫn còn đang cố gắng để thích nghi với ngôi nhà mới của chúng tôi ở nơi xa xứ. Đó là một thử thách đối với tôi-một thiếu nữ chưa trưởng thành—khi phải xa nhà, bạn bè, và gia đình. Tôi cảm thấy ủ rũ, nhớ quan cảnh, âm thanh, và những cách ăn mừng Giáng Sinh quen thuộc—âm nhạc, ánh đèn, cây thông Giáng Sinh, tuyết, và nhất là gia đình. Tôi nhớ các anh chị em họ, cô chú bác là những người tôi biết sẽ sớm tụ họp lại ở nhà Ông Nội Kjar ở Salt Lake City trong bữa tiệc Giáng Sinh hàng năm của gia đình Kjar.
Đó là vào đêm Giáng Sinh năm 1966, tôi đã miễn cưỡng cùng với gia đình tôi và những người truyền giáo tham dự một buổi họp tối gia đình tại trụ sở truyền giáo, và tin rằng buổi họp mặt này giỏi lắm cũng sẽ chỉ là một phần thay thế tồi tệ cho bữa tiệc của gia đình Kjar mà tôi vô cùng nhớ. Tôi không thể hoàn toàn nhớ nổi điện thoại đã reo vào lúc nào, nhưng cú điện thoại đó ngay lập tức thay đổi tâm hồn non nớt của tôi, khiến lòng tôi tràn ngập thông cảm với người cha yêu quý của tôi và hối hận vì đã quá ích kỷ trước đó.
Cú điện thoại này của chú Joe của tôi báo cho chúng tôi biết rằng Ông Nội Kjar yêu quý, đầy lòng vị tha, siêng năng làm việc, luôn tuân giữ giao ước của chúng tôi vừa bị đột quỵ nặng và đang nằm bất tỉnh trong bệnh viện. Những kỷ niệm thoáng qua trong tâm trí của tôi về vị gia trưởng thích chụp ảnh, thích âm nhạc, vui vẻ này mà tất cả chúng tôi đã yêu quý biết bao! Rõ ràng là cha tôi đã lo lắng rất nhiều khi ông rời chiếc máy điện thoại, nhưng ông bình tĩnh trở lại, vươn vai lên cao và chia sẻ chứng ngôn nhiệt thành về kế hoạch của Đức Chúa Cha và đức tin của ông về vai trò thiết yếu của Đấng Cứu Rỗi trong kế hoạch đó. Chứng ngôn của ông đã làm cảm động tấm lòng đau buồn của tôi.
Buồn thay, Ông Nội đã không hồi phục. Ông qua đời ngay vào ngày hôm sau. Đó là ngày Giáng Sinh ở New Zealand nhưng lại là đêm Giáng Sinh ở Salt Lake City, ngày ưa thích nhất trong năm của Ông Nội. Sự qua đời của ông là kinh nghiệm đầu tiên của tôi khi mất một người rất gần gũi và thân thiết với tôi. Mặc dù tôi thương tiếc về sự qua đời của ông, nhưng tôi đã được phước và được an ủi trong sự hiểu biết của mình về kế hoạch hạnh phúc vinh quang. Tôi cảm thấy an tâm là tôi sẽ gặp lại Ông nội một lần nữa nếu tôi sống theo cách mà ông đã sống. Tôi không nghĩ rằng tôi thấu hiểu được vào thời điểm đó trong cuộc đời của mình về phần thiết yếu mà Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Ngài đã thực hiện để làm cho tôi có thể đoàn tụ với người thân của mình vào một ngày nào đó. Nhưng tôi biết đủ để vui mừng trước kế hoạch này. Tôi biết đủ để thờ lạy Ngài là Đấng mà chúng ta kỷ niệm sự giáng sinh của Ngài.
Kể từ ngày lễ Giáng Sinh đó cách đây rất lâu, tôi đã học được thêm về Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Chủ Tịch Harold B. Lee đã dạy: ″Vị Nam Tử của Thượng Đế … đã có quyền năng để tạo lập và điều khiển các thế giới. Ngài đến đây với tư cách là Con Trai Độc Sinh để hoàn thành một sứ mệnh, để làm Chiên Con bị giết trước lúc sáng thế, để mang lại sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Bằng cách phó mạng sống của Ngài, Ngài đã mở cánh cổng dẫn đến sự phục sinh và giảng dạy về con đường mà nhờ đó chúng ta có thể đạt được cuộc sống vĩnh cửu. … Ấy chính là Chúa Giê Su Ky Tô trong tất cả sự vĩ đại của Ngài.”6
Kỷ Niệm Giáng Sinh Thứ Nhì
Một kỷ niệm buồn thảm khác về mùa Giáng Sinh xảy ra vào năm 1984, khiến cho lòng biết ơn của tôi đối với Đấng Cứu rỗi và kế hoạch cứu rỗi đầy vinh quang một lần nữa gia tăng đánh kể. Lúc đó tôi 32 tuổi, đã lập gia đình với người chồng yêu dấu, trung thành, và là mẹ của bốn đứa con nhỏ yêu quý tuổi từ ba đến mười tuổi. Sáu tuần trước lễ Giáng Sinh, chúng tôi được bác sĩ báo cho một tin mà đã làm đảo ngược thế giới của chúng tôi khi vị bác sĩ cho biết là tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Craig và tôi nhìn nhau kinh ngạc, cả hai chúng tôi cố gắng cầm nước mắt, tự hỏi tương lai của chúng tôi sẽ ra sao. Tuy nhiên, cảm nghĩ kế tiếp là ″sự bình an [tuyệt vời] … vượt quá mọi sự hiểu biết”7 nhờ vào đức tin của chúng tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi kế hoạch của Đức Chúa Cha.
Mặc dù vào lúc đó Craig đang phục vụ với tư cách là giám trợ của tiểu giáo khu chúng tôi, nhưng chúng tôi đã quyết định chỉ chia sẻ tin đó với gia đình của mình để giữ cho mọi việc vẫn được càng bình thường càng tốt cho con cái chúng tôi. Trong suốt sáu tuần trước lễ Giáng Sinh đó, hầu như ngày nào, dù trời có nhiều tuyết và băng đến đâu, tôi cũng lái xe đến bệnh viện để được trị liệu theo phương pháp dành cho bệnh nhân ngoại trú—trong khi các bà mẹ và chị em đầy lòng vị tha của chúng tôi thay phiên nhau đến nhà giúp đỡ. Đó là một thời gian khó khăn, nhưng tôi nghĩ lại thời gian Giáng Sinh đó mà không có đủ lời lẽ nào thích hợp để mô tả lòng biết ơn sâu thẳm của tôi đối với sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và kế hoạch thương xót của Đấng Sáng Tạo vĩ đại.″8
Vì có lẽ nhận biết rằng cuộc sống thật là mỏng manh biết bao nên kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng trở nên riêng tư đối với cá nhân tôi hơn bao giờ hết. Lễ Giáng Sinh năm đó thật là khác biệt. Mặc dù tôi rất thích mọi điều về lễ Giáng Sinh, nhưng những điều dường như chỉ quan trọng đối với tôi là cuộc hôn nhân vĩnh cửu, gia đình, và đức tin cùng chứng ngôn của tôi về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô, và kế hoạch cứu rỗi.
Một ngày nọ, trong khi tôi đang nằm nghỉ ở nhà, tự hỏi về tương lai của bốn đứa con nhỏ của chúng tôi, thì tôi lật qua các trang của tạp chí Friend và một bản nhạc đập vào mắt tôi. Tôi ngồi xuống bên cây đàn piano và đã khóc khi hát và cảm thấy sứ điệp của bài hát đang thấm sâu vào tâm hồn nhạy cảm của tôi. Tôi biết rằng mình cần phải dạy bài hát này không những cho một trăm em trong Hội Thiếu Nhi trong tiểu giáo khu của chúng tôi, là nơi tôi đang phục vụ là người điều khiển nhạc, mà quan trọng hơn hết còn cho bốn đứa con yêu quý đang sống trong nhà nữa.
Bằng cách nào Đức Chúa Cha có thể nói cho thế gian biết về tình yêu thương và lòng nhân từ?
Ngài đã gửi đến Vị Nam Tử, một hài đồng với sự bình an và thánh thiện.
Bằng cách nào Đức Chúa Cha có thể cho thế gian thấy con đường mà chúng ta nên đi theo?
Ngài đã sai Vị Nam Tử của Ngài bước đi với những người trên thế gian để chúng ta có thể biết được con đường đó.
Bằng cách nào Đức Chúa Cha có thể nói với thế gian về sự hy sinh, về cái chết?
Ngài đã sai Vị Nam Tử của Ngài đến để chịu chết cho chúng ta và phục sinh.
Đức Chúa Cha phán bảo chúng ta phải làm gì? Thánh thư viết gì?
Chúng ta phải có đức tin, có hy vọng, sống giống như Vị Nam Tử của Ngài, giúp đỡ người khác trong cuộc sống của họ.
Ngài phán bảo điều gì? Sống giống như Vị Nam Tử của Ngài.9
Bài hát đầy soi dẫn này mang đến cho tôi một sự hiểu biết thoáng qua về cách tôi có thể cho Cha Thiên Thượng thấy lòng biết ơn của tôi đối với Vị Nam Tử và kế hoạch của Ngài. Tôi cảm thấy rằng cho dù tôi có thể không có được đặc ân để nhìn thấy con cái của chúng tôi trưởng thành, nếu chúng có thể tiến đến việc biết, hiểu và sống theo giáo lý đơn giản nhưng quan trọng chứa đựng trong bài hát thiêng liêng này, thì chúng cũng có thể trở thành các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.
Có một bầu không khí đặc biệt quanh quẩn trong nhà chúng tôi vào năm đó, ban phước cho chúng tôi với sự bình an và tình yêu thương dành cho nhau mà tôi sẽ không bao giờ quên được. Tôi cảm thấy như đối với tôi, con cái chúng tôi đã được ban cho một sự hiểu biết về những sự việc thiêng liêng vào lễ Giáng Sinh đó. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ kể từ lúc đó mà chúng đóng diễn cảnh Chúa giáng sinh với lòng tôn kính, kính sợ và tình yêu thương vượt quá lứa tuổi non nớt của chúng như thế. Trong khi được thử thách và tăng trưởng trong hoàn cảnh của mình, chúng tôi dường như cảm nhận được ấn tượng thuộc linh rõ rệt hơn khi suy ngẫm và tạ ơn về sự ban cho Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và kế hoạch cứu rỗi đầy vinh quang của Cha Thiên Thượng.
Tôi thường tự hỏi làm sao người ta có thể sống mà không có hy vọng đến từ một sự hiểu biết về kế hoạch cứu rỗi và vai trò chính yếu của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi trong kế hoạch đó. Với lòng biết ơn, tôi thêm chứng ngôn của mình vào chứng ngôn của vị tiên tri yêu quý của chúng ta là Chủ Tịch Thomas S. Monson, là người đã làm chứng một cách hùng hồn: ″Về Ngài là Đấng giải cứu mỗi chúng ta khỏi cái chết vô tận, Ngài là người thầy của lẽ thật—nhưng Ngài còn hơn là một người thầy nữa. Ngài là Đấng gương mẫu về cuộc sống toàn hảo—nhưng Ngài còn hơn là một đấng gương mẫu nữa. Ngài là Thầy Thuốc Đại Tài—nhưng Ngài còn hơn là một người thầy thuốc nữa. Ngài là Đấng Cứu Rỗi thật sự của thế gian, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Hoàng Tử Bình An, Đấng Chí Thánh của Y Sơ Ra Ên, chính là Chúa phục sinh, là Đấng đã phán: ′Ta là đầu tiên và cuối cùng; ta là Đấng đã sống, ta là Đấng đã bị giết chết; ta là Đấng biện hộ cho các ngươi với Đức Chúa Cha’ [GLGƯ 110:4].”10
Khi chúng ta suy ngẫm về sự hy sinh vô hạn của Ngài dành cho chúng ta, thì chắc chắn là trong số những lời nói buồn nhất mà Đấng Cứu rỗi đã thốt ra là lời này: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”11 Khi đang gặp khó khăn, chúng ta có thể chọn rời xa Ngài và một mình vật lộn với nỗi hoạn nạn của mình, hoặc chúng ta chọn tìm đến Ngài và kế hoạch của Đức Chúa Cha, để thấy rằng chúng ta sẽ “khỏi phải chịu một nỗi đau khổ nào, vì sự đau khổ đã bị nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô.”12 Tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ chấp nhận lời mời gọi của bài thánh ca Giáng Sinh thiêng liêng để ″đến để chúng ta tôn thờ Ngài” và Cha Thiên Thượng về kế hoạch huy hoàng và hoàn hảo của Ngài! Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
The post Podcast số 418 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh năm 2014 – Chúng Ta Hãy Đến Tôn Thờ Ngài – và Kế Hoạch Cứu Rỗi – Linda K. Burton appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.