Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 419 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh năm 2014 – Đấng Có Lòng Quảng Đại – Dieter F. Uchtdorf
Bài của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Đây không phải là một đặc ân tuyệt vời để vui hưởng một buổi tối vui vẻ với sự hiện diện của vị tiên tri yêu quý của chúng ta là Chủ Tịch Thomas S. Monson sao?
Mùa Giáng Sinh là thời gian đặc biệt nhất của năm—khi chúng ta nhìn người khác với quan điểm mới, khi chúng ta nhạy cảm nhiều hơn một chút với vẻ đẹp xung quanh mình và đối xử với người khác với lòng tử tế và trắc ẩn nhiều hơn một chút.
Là người lớn, nếu may mắn, thỉnh thoảng chúng ta có thể được nhắc nhở, ngay cả trong một giây lát, cảm giác được là một đứa trẻ một lần nữa sẽ như thế nào.
Việc nghĩ rằng một người nào đó chúng ta yêu thương đang làm một điều gì đó đặc biệt cho chúng ta—và niềm phấn khởi về điều đặc biệt chúng ta đang dự định làm cho họ—làm ấm lòng chúng ta và làm lòng chúng ta tràn ngập yêu thương và nỗi mong đợi. Thêm vào đó là ánh đèn le lói, những đồ trang trí đầy thú vị, quang cảnh tuyệt vời của máng cỏ thiêng liêng, và thảo nào Giáng Sinh thật sự là một thời gian ưa thích trong năm.
Và sau đó, dĩ nhiên, còn có âm nhạc. Không có điều gì nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng và tinh thần dịu dàng của mùa lễ này như một bài hát mừng Giáng Sinh. Cho dù là những giai điệu vui vẻ, thâm trầm, hay bồi hồi thì cũng có một điều gì đó về Giáng Sinh mà nảy sinh ra âm nhạc tuyệt diệu. Những bản nhạc hòa âm Giáng Sinh tuyệt vời này làm nâng cao tinh thần và nhắc nhở chúng ta về lý do dẫn đến niềm vui của chúng ta.
Hôm nay chúng ta may mắn vô cùng có được cơ hội để nghe những bản nhạc tuyệt vời do dàn nhạc giao hưởng Orchestra at Temple Square và Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle trình diễn.
Âm nhạc do nhóm người này trình bày quả thật là cao siêu làm cho tôi muốn tưởng tượng rằng các thiên thần trên trời thỉnh thoảng đến lắng nghe và thậm chí còn hát theo nữa.
Carol of the Bells [Tiếng Chuông Mừng Giáng Sinh]
Ca đoàn mới vừa hát một trong những giai điệu Giáng Sinh tuyệt vời nhất từng được sáng tác, bài “Carol of the Bells” [Tiếng Chuông Mừng Giáng Sinh] đầy hấp dẫn lần đầu tiên được trình bày tại Hoa Kỳ vào năm 1921.
Ban đầu, đó không phải là một bài hát mừng Giáng Sinh. Bài hát này được dựa trên một bài hát truyền thống dân gian Ukraine tên là “Shchedryk”, thường được dịch là “Đấng Có Lòng Quảng Đại.”
Các gia đình Ukraine thường hát bài hát này vào đầu năm mới. Lời bài hát gốc nói về một con chim nhạn bay vào nhà của một gia đình và báo trước sự may mắn kỳ diệu đang chờ họ trong năm sắp tới.1
Tôi thích cảm nghĩ về câu chuyện đó.
Tôi yêu thích sứ điệp về niềm hy vọng và sự lạc quan của nó.
Đó không phải là sứ điệp của Giáng Sinh sao? Cho dù thế giới có thể dường như khá tối tăm—khi mọi việc không đúng như ta mong muốn, khi tâm hồn chúng ta tràn đầy nỗi thất vọng và lo âu, ở giữa nỗi buồn phiền và sầu khổ—thì chúng ta cũng có thể hát về “niềm vui được ban cho thế gian” và “ân trạch cho loài người”2 vì Đấng Ky Tô đã đến “để soi những kẻ ngồi chỗ tối tăm.”3
Thời Gian để Có Lòng Quảng Đại
Vậy thì, thật là thích hợp để một trong những bài hát mừng Giáng Sinh ưa thích của chúng ta ban đầu có tựa đề là “Đấng Có Lòng Quảng Đại.” Xét cho cùng, mùa Giáng Sinh là thời gian để có lòng quảng đại.
Khi được tinh thần đó soi dẫn, đôi lúc chúng ta dành ra nhiều giờ để tìm kiếm món quà hoàn hảo cho bạn bè và gia đình của mình. Chúng ta tìm cách để được hữu ích và vui vẻ hơn. Chúng ta được thúc giục dành ra thêm một chút thời gian hơn với những người chúng ta yêu thương. Chúng ta trở nên ý thức hơn về những người đang đau khổ, và chúng ta thường bỏ ra nhiều nỗ lực hơn để phụ giúp họ. Tất cả điều này đều là sự bắt chước không hoàn hảo nhưng chân thành của chúng tôi về lòng quảng đại của Đấng Cứu Rỗi, là Đấng mà chúng ta tìm cách tôn vinh sự giáng sinh của Ngài.
Nhưng chúng ta đều biết rằng tinh thần cao quý của Giáng Sinh có thể quá thường xuyên trở nên lu mờ và thậm chí còn bị đánh mất vì những áp lực mua sắm, trả nợ và lịch trình đầy bận rộn.
Tôi không muốn khuyến khích mọi người phải từ bỏ sinh hoạt thường liên quan đến Giáng Sinh, nhưng tôi xin nói rằng một số ký ức khó quên nhất của tôi về Giáng Sinh là trao đổi quà tặng, bị lạc trong đám đông nhộn nhịp, và các buổi họp mặt vui vẻ lớn nhỏ mang mọi người lại với nhau vào thời điểm này của năm.
Tôi không nói rằng chúng ta không nên tận hưởng những sinh hoạt này, nhưng tôi muốn đưa ra một đề nghị đơn giản.
Tôi mời mỗi người chúng ta hãy tìm kiếm, một lúc nào đó vào mùa Giáng Sinh này, một khoảnh khắc yên tĩnh cho tâm hồn để nhận ra và dâng lòng biết ơn chân thành lên “Đấng Có Lòng Quảng Đại.”
Chúng ta hãy suy nghĩ về Cha Trên Trời yêu quý đầy lòng trắc ẩn với lòng thương xót vô hạn.
Khi chúng ta mua sắm quà tặng—khi tặng và nhận quà—cầu xin cho chúng ta cũng dành thời gian để lặng lẽ suy ngẫm về những sự ban cho dồi dào Thượng Đế dành cho chúng ta, con cái của Ngài.
Ân Tứ về Lòng Biết Ơn
Tôi cho rằng bản tính của con người là xem thường mọi thứ—ngay cả những thứ vô giá. Đây là một trong những bài học chúng ta học được từ câu chuyện về mười người mắc bệnh phung trong thời Chúa Giê Su. Vì mắc phải một căn bệnh khủng khiếp và đầy sức hủy hoại làm cho họ phải bị tách rời khỏi bạn bè, gia đình và chính cuộc đời của họ, những người bị bệnh phung này nài xin được chữa lành và đã được Vị Nam Tử của Thượng Đế chữa lành.
Như các anh chị em đã biết, sau khi phép lạ vinh quang này, chín người mắc bệnh phung đã bỏ đi vui mừng vì may mắn của họ.
Chỉ có một người trở lại.
Chỉ có một trong số mười người dành thời gian để bày tỏ lòng biết ơn. Chỉ có một trong số mười người “thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa Trời; lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Giê Su, mà tạ ơn Ngài.”4
Việc biểu lộ khiêm tốn như vậy về lòng biết ơn thuần túy có thể dường như rất hiếm trong thời nay như trong câu chuyện này. Và khi xảy ra thì nó làm cho lòng chúng ta cảm động và soi dẫn chúng ta đếm các phước lành của mình.
Một ví dụ mà tôi đã nghe nói gần đây là về một người sống ở châu Phi. Vì bị khuyết tật, nên người này chưa bao giờ có thể đi được. Người này buộc phải dành phần lớn thời gian của mình ở nhà của cha mẹ mình. Người này không thể làm việc, không thể đi chơi với bạn bè, không thể làm ngay cả những việc đơn giản mà chúng ta coi là đương nhiên.
Rồi anh ta nghe được một tin đáng chú ý! Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang một lô xe lăn đến một buổi nhóm họp không xa nhà của anh ta lắm!
Anh ta nhờ một người bạn đưa mình đến buổi nhóm họp, và ở đó anh ta đã chứng kiến hàng chục người nam, nữ, và trẻ em được đỡ vào những chiếc xe lăn mới, sáng bóng.
Ôi anh ta muốn ngồi vào một trong những chiếc xe lăn đó biết bao! Nó sẽ thay đổi cuộc sống của anh ta biết bao nếu anh ta có thể tự mình di chuyển!
Anh ta đứng xếp hàng cho đến khi cuối cùng, đến lượt của anh ta.
Hai người đàn ông đỡ anh ta lên một chiếc xe lăn và, lần đầu tiên trong đời… anh ta đã di chuyển được!
Lúc đầu, anh ta di chuyển một cách do dự. Nhưng khi đã cảm thấy thoải mái trong lúc sử dụng chiếc xe lăn, thì anh ta bắt đầu lăn xe nhanh hơn.
Anh ta lăn xe quay ngang, vòng quanh, rất nhanh, và theo kiểu bánh trước nhấc khỏi mặt đất. Anh ta vô cùng phấn khởi vẫy cả hai tay trong khi ngang qua mặt người bạn của mình.
Anh ta lăn xe nhanh như bay!
Vẻ mặt của anh ta đầy phấn khởi và hạnh phúc.
Tuy nhiên, một lúc sau, anh ta từ từ lăn chiếc xe lăn trở lại chỗ cũ và với vẻ mặt buồn bã anh ta chuẩn bị để được đỡ ra khỏi chiếc xe lăn đó.
Bạn anh hỏi: ″Anh làm gì vậy?″
Anh ta mỉm cười và nhún vai nói: ″Bây giờ là đến lượt người khác.″
Người truyền giáo cho chương trình nhân đạo của Giáo Hội quỳ xuống bên cạnh anh ta và nói: ″Chiếc xe lăn này là của anh đấy.″
Anh ta không thể tin được. Anh ta đã nghĩ rằng buổi nhóm họp này chỉ là để biểu diễn việc lăn chiếc xe lăn thì như thế nào mà thôi.
Anh ta hỏi: ″Chiếc xe lăn này thực sự là của tôi à?″
“Vâng.”
“Nhưng tôi không có tiền.”
“Xe lăn đó là của anh. Đó là món quà từ những người yêu thương anh.”
Cuối cùng khi nhận biết rằng đó là sự thật thì người đàn ông khiêm nhường này nhìn người bạn của mình.
Anh ta nhìn người truyền giáo.
Anh ta đã cố gắng cầm nước mắt, nhưng vô ích. Và trong khi khóc, anh ta đã cười với niềm vui trọn vẹn về điều anh ta cảm thấy.
Người bạn của anh ta và người truyền giáo đều cùng khóc với anh ta.
Anh ta thì thào nói: “Cám ơn ông.”
Anh ta ôm cả hai người, ngồi vào chiếc xe lăn của mình, và sau đó với một tiếng reo đầy phấn khởi, anh ta lăn xe đi một lần nữa với một nụ cười thật tươi.
Anh ta reo lên khi lăn xe nhanh tới lui dọc theo vỉa hè: “Tôi có thể lăn xe nhanh đây này!”
Người đàn ông này hiểu rõ lòng biết ơn.
Ân Điển của Thượng Đế
Có bao giờ chúng ta cảm nhận được lòng biết ơn thuần khiết, vô bờ bến như vậy không? Trong mùa Giáng Sinh này, và trong suốt cả năm, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ nhớ tới Đấng Có Lòng Quảng Đại—Thượng Đế, Đức Chúa Cha, Đấng Chăn và Đấng Mưu Luận yêu quý của chúng ta.
Vì Ngài là Đấng Ban Cho!
Ngài là Đấng Có Lòng Quảng Đại!
Khi chúng ta, con cái của Ngài, cầu xin bánh, thì Ngài không cho chúng ta đá.5 Thay vì thế, Ngài ban cho chúng ta các ân tứ cao quý và quý giá đến mức vượt quá khả năng của chúng ta để thấu hiểu trọn vẹn và thậm chí tưởng tượng ra nữa. Ngài ban cho chúng ta:
- Sự bình an.
- Niềm vui.
- Sự dư dật.
- Sự bảo vệ.
- Lương thực.
- Ân huệ.
- Hy vọng.
- Sự tin tưởng.
- Tình yêu thương.
- Sự cứu rỗi.
- Cuộc sống vĩnh cửu.
Mùa lễ Giáng Sinh này, chúng ta kỷ niệm sự ban cho vĩ đại nhất trong tất cả các sự ban cho mà làm cho tất cả những ân tứ khác có thể thực hiện được—đó là sự giáng sinh của hài đồng ở Bết Lê Hem. Nhờ vào Ngài, “mà mồ mả không còn sự đắc thắng được nữa, và nọc của sự chết đã bị nuốt mất trong Đấng Ky Tô. Ngài là sự sáng và sự sống của thế gian; phải, một sự sáng bất tận, không bao giờ có thể bị lu mờ được.”6
Tôi vui mừng cất tiếng ngợi khen Thượng Đế về lòng quảng đại của Ngài.
Ngài cứu chúng ta khỏi nỗi cô đơn, trống vắng và cảm giác bất xứng.
Ngài làm cho chúng ta có thể thấy và hiểu được lẽ thật. Ngài biến bóng tối thành ánh sáng, sự than khóc thành niềm vui và nỗi cô đơn thành tình yêu thương.
Ngài giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ và tính ích kỷ trước đây và ban cho chúng ta một ý thức về mục đích và một tương lai tràn ngập phước lành.
Đây là Đấng mà chúng ta tôn thờ.
Đây là Thượng Đế của chúng ta.
Đây là Đấng Có Lòng Quảng Đại.
Đây là Đấng yêu thương con cái của Ngài trọn vẹn đến nỗi đã ban cho Con Trai Độc Sinh của Ngài để những người tin sẽ không bị hư mất mà có được cuộc sống trường cửu.7
Nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô, nên chúng ta không bao giờ cần cảm thấy như người xa lạ. Chúng ta sẽ cùng với người công chính đón mừng Ngài khi Ngài trở lại! Và nhờ vào cuộc sống hoàn hảo và sự hy sinh vĩnh cửu của Ngài, một ngày nào đó, chúng ta sẽ đứng cùng với các thiên sứ trên trời và cùng với họ tiếp nhận một ân tứ vĩnh cửu. 8
Vào mùa Giáng Sinh này, cầu xin cho chúng ta có thể nhớ tới Cha Thiên Thượng đầy lòng quảng đại và dâng lời cám ơn sâu đậm và chân thành lên Thượng Đế Toàn Năng, là Đấng đã ban cho con cái của Ngài vô số phước lành. Đây là lời cầu nguyện khiêm nhường và thành thật của tôi và phước lành chân thành của tôi vào thời gian Giáng Sinh này và mãi mãi, trong tôn danh của Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
The post Podcast số 419 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh năm 2014 – Đấng Có Lòng Quảng Đại – Dieter F. Uchtdorf appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.