Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 403 – Liahona tháng 7, 2024 – Những Cuộc Trò Chuyện trong Gia Đình về Tự Tử – Becca Aylworth Wright
Bài của chị Becca Aylworth Wright làm việc tại các tạp chí Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Cuộc sống gia đình giống như chèo thuyền qua dòng nước chảy xiết vậy. Khi các gia đình đã khoác áo phao và đội mũ bảo hiểm lên, thì cha mẹ giống như những người dẫn đường trên sông đã từng trải qua dòng chảy này trước đó. Trẻ em cần được chúng ta cảnh báo về dòng chảy mạnh hoặc tảng đá phía trước. Nếu xa hơn về phía cuối dòng sông chẳng may có một thác nước nguy hiểm, liệu chúng ta có cảnh báo con cái mình về điều đó không? Chúng ta sẽ chỉ dẫn cho chúng cách chèo thuyền và hướng lèo lái để thay đổi lộ trình, hay sẽ đợi cho đến lúc chúng bấu víu lơ lửng từ vách đá thì mới cảnh báo?
Là bậc cha mẹ, chúng ta có thể cảm thấy không thoải mái khi thảo luận về một chủ đề khó nói như tự tử, nhưng chúng ta có thể giúp bảo vệ và chuẩn bị cho con cái mình trước khi chúng nảy ra những suy nghĩ nguy hiểm.
Cha mẹ có thể giúp con cái học cách trở nên kiên cường về mặt cảm xúc và biết nơi nào chúng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt cảm xúc khi cần. Reyna I. Aburto, cựu Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã dạy rằng “việc này có thể là biết rõ thông tin về những căn bệnh về cảm xúc, tìm những nguồn tài liệu mà có thể giúp giải quyết những khó khăn này, và cuối cùng mang bản thân mình và những người khác đến cùng Đấng Ky Tô, là Đức Thầy Chữa Lành.”
Một Vấn Đề Quan Trọng để Thảo Luận
Một số trường hợp tự tử xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nào. Đối với một số trường hợp, chỉ có những dấu hiệu mờ nhạt, hoặc đôi khi những dấu hiệu đó lại rất rõ ràng. Chúng ta không thể biết chắc chắn con cái chúng ta đang nghĩ gì, vì vậy chúng ta cần phải chuẩn bị cho chúng từ khi còn nhỏ—trong trường hợp những ý nghĩ về việc tự tử nảy sinh trong tâm trí chúng.
Chị Aburto đã khẳng định: “Việc nói về những vấn đề này với con cái, gia đình, và bạn bè của chúng ta trong gia đình, tiểu giáo khu, cũng như cộng đồng là điều rất quan trọng.”
Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Mỗi người chúng ta đều có người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết, hoặc người quen đã từng nảy sinh ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử, hoặc đã tự tử. … Nhiều tiểu giáo khu và giáo khu [và gia đình] sẽ cân nhắc thảo luận về việc ngăn ngừa tự tử sau khi một ai đó đã tự kết thúc mạng sống của mình. Câu hỏi của tôi là—tại sao lại phải đợi đến lúc có người tự tử mới nói? Tại sao chúng ta không thảo luận về điều đó ngay bây giờ? Vì một người nào đó trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu đang nung nấu ý nghĩ tự tử.”
Một vài năm trước, tôi đã ngồi xuống và trò chuyện với con cái của mình sau một thảm kịch xảy ra tại địa phương. Tôi được thúc giục phải chia sẻ với con cái mình rằng thông qua Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ luôn có một con đường phía trước. Việc tự tử không bao giờ là giải pháp cho những điều chúng có thể làm hoặc không thể làm. Ở độ tuổi non trẻ của chúng, tôi không có lý do để nghĩ rằng chúng đang gặp nguy hiểm, nhưng tôi hiểu rằng có nhiều điều tôi có thể làm để chuẩn bị con cái mình đối mặt với những suy nghĩ nguy hiểm, có thể dẫn đến tự tử.
Nói về Tự Tử giúp Ngăn Ngừa Tự Tử
Tài liệu hướng dẫn dành cho chương trình ngăn ngừa tự tử của Giáo Hội cho biết: “Nói về việc tự tử sẽ không khiến ai đó gia tăng khả năng kết liễu mạng sống của họ. Trên thực tế, trò chuyện cởi mở về việc tự tử là một cách hiệu quả để giúp ngăn ngừa hành vi đó xảy ra.”
Tiến Sĩ John Ackerman, quản lý lâm sàng phòng ngừa tự tử tại bệnh viện Nationwide Children’s Hospital, cho biết: “Việc tạo ra một không gian an toàn để nói về hành vi tự tử có thể cứu mạng sống của một đứa trẻ.” Trên thực tế, ông nói thêm: “nếu một đứa trẻ đang vật lộn với những ý nghĩ tự tử, thì việc biết rằng một người lớn quan tâm sẵn sàng trò chuyện cởi mở thường mang lại cảm giác nhẹ nhõm.”
Chị Aburto dạy rằng: “Nói về việc tự tử một cách phù hợp thực sự sẽ sự giúp ngăn ngừa tự tử chứ không hề khuyến khích.” Cha của chị qua đời vì tự tử. Trong nhiều năm, chị đã né tránh việc trò chuyện về cái chết của cha mình với gia đình. Tuy nhiên, sau đó, chị đã nhận ra giá trị của việc nói chuyện một cách trung thực và rõ ràng về vấn đề này. “Bây giờ tôi nói về cái chết của cha tôi một cách cởi mở với con cái mình và chứng kiến sự chữa lành mà Đấng Cứu Rỗi có thể ban cho ở cả hai bên bức màn che.”
Những cuộc trò chuyện cởi mở về việc tự tử có thể giúp trẻ em can đảm tìm đến cha mẹ của chúng và những người lớn đáng tin cậy khác thay vì cố gắng tự mình đối mặt với những suy nghĩ tự tử, nếu có.
Trẻ em chỉ mới sáu hoặc bảy tuổi đã báo cáo về việc nảy sinh suy nghĩ tự tử. “Trước đây … các chuyên gia tâm lý, chuyên viên nghiên cứu và phụ huynh thậm chí không tin rằng trẻ em dưới 10 hoặc 11 tuổi cũng có thể nảy sinh suy nghĩ về tự tử,” Tiến Sĩ Ackerman cho biết. “Chúng ta biết điều đó thực sự không đúng.” Ông chỉ ra rằng ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể liên kết ý nghĩ tự tử với những cảm giác như chịu đựng gánh nặng, chịu đau đớn tinh thần hoặc tuyệt vọng.
Chị Aburto khẳng định: “Việc biết cách nhận ra những dấu hiệu và triệu chứng ở bản thân mình và những người khác có thể sẽ hữu ích. Chúng ta cũng có thể học cách để phát hiện ra những lối suy nghĩ không chính xác hoặc không lành mạnh và cách để thay thế chúng với những lối suy nghĩ chính xác và lành mạnh hơn.”
Tự Tử Xảy Ra Thường Xuyên Hơn Chúng Ta Nghĩ
Trên thế giới, gần như mỗi 40 giây lại có một vụ tự tử xảy ra và đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên thế giới trong độ tuổi từ 15–24. Trong một nghiên cứu gần đây được tiến hành giữa hàng ngàn thanh thiếu niên tại tiểu bang Utah, Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu từ trường Brigham Young University đã khám phá ra rằng khoảng 12 phần trăm giới trẻ Thánh Hữu Ngày Sau đã nghiêm túc tính đến việc tự tử, và 4 phần trăm đã thử thực hiện.
Ví dụ, trong một nhóm gồm 25 thanh thiếu niên, theo quan điểm thống kê, thì có thể có 3 người đã nghiêm túc tính đến việc tự tử và một người đã thử tự tử.
Nếu chúng ta có thể giúp con cái mình tìm thấy sự hỗ trợ mà chúng cần trước khi chúng đạt đến điểm khủng hoảng cực độ—là lúc mà suy nghĩ biến thành kế hoạch—thì chúng ta có thể giúp chúng chuyển hướng trước khi quá muộn.
Bắt Đầu từ Đâu
Khi còn rất nhỏ, trẻ em có thể bắt đầu thấu hiểu cảm xúc, nhưng chúng ta có thể cung cấp cho chúng vốn từ để mô tả chính xác cảm xúc của chúng. Bước đầu tiên có thể là giúp một đứa trẻ xây dựng vốn từ vựng cảm xúc của mình. Chúng ta có thể dạy cho trẻ biết sự khác biệt giữa cảm giác giận dữ, buồn bã, thất vọng, v.v. Nếu trẻ có thể giải thích cảm xúc của mình, thì lúc đó chúng ta có thể cùng giải quyết vấn đề với trẻ. Chúng ta có thể thảo luận với trẻ em từ sáu tuổi trở lên về những cảm xúc mãnh liệt tiêu cực mà chúng có một cách thích hợp, đồng thời giúp chúng nhận biết cũng như giải quyết những cảm xúc này.
Những cuộc trò chuyện từ sớm này cũng sẽ giúp các bậc cha mẹ làm quen với phạm vi cảm xúc điển hình của con cái mình. Hầu hết trẻ em đều trải qua những thăng trầm trong sự an lạc về mặt cảm xúc của chúng. Điều này hoàn toàn bình thường. Việc trò chuyện từ sớm và thường xuyên với trẻ nhỏ có thể cung cấp cho cha mẹ một chiếc “nhiệt kế cảm xúc” để phân biệt giữa những thăng trầm thông thường của tuổi thơ và những ý nghĩ nguy hiểm.
Các cuộc trò chuyện mang tính phòng ngừa về tự tử cũng giống như các buổi huấn luyện mang tính phòng ngừa khác mà cha mẹ cung cấp. Chúng ta có thể chuẩn bị cho trẻ em và thanh thiếu niên để đối mặt với khả năng rằng chúng sẽ phải trải qua ý nghĩ tự tử giống như cách chúng ta chuẩn bị chúng để học cách lái xe cũng như cách xử lý khi xảy ra tai nạn. “Chúng ta muốn chuẩn bị cho con cái của mình hiểu những gì có thể xảy ra về mặt cảm xúc và những điều chúng có thể thấy nơi bạn bè của mình,” Tiến Sĩ Ackerman cho biết.
Duy Trì Cuộc Trò Chuyện
Khi trẻ em lớn lên, các cuộc trò chuyện giữa chúng ta và chúng cũng sẽ trở nên chín chắn hơn. Chúng ta có thể đặt những câu hỏi mở và sau đó cho phép trẻ em trả lời một cách thẳng thắn và cởi mở. Hãy khuyến khích trẻ em trung thực với những cảm xúc khó khăn của chúng. Nghiên cứu này chỉ ra rằng việc đương đầu giải quyết những cảm xúc khó khăn này có thể làm giảm cường độ và thời lượng của chúng.
Thông qua việc trò chuyện cởi mở về bệnh trầm cảm, tự tử, hoặc cảm giác chán nản, trẻ em học được rằng chúng có thể chia sẻ những suy nghĩ chân thành của mình và rằng chúng được an toàn về mặt cảm xúc khi ở cùng chúng ta. Một cố vấn sức khỏe tâm thần cho biết: “Trẻ em cũng nhận được thông điệp rõ ràng rằng anh chị em quan tâm sâu sắc đến chúng, và niềm hạnh phúc cũng như sự an lạc của chúng rất quan trọng đối với anh chị em”.
Tình yêu thương và sự hỗ trợ của chúng ta dành cho con cái mình có thể mô phỏng theo tình yêu thương mà Cha Thiên Thượng dành cho mỗi người chúng ta. Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) đã dạy: “Cha Thiên Thượng yêu thương các anh chị em—mỗi anh chị em.” “Tình yêu thương đó không bao giờ thay đổi. … Tình yêu thương đó có sẵn cho anh chị em khi anh chị em buồn hay vui, nản lòng hay tràn đầy hy vọng. Tình yêu thương của Thượng Đế có sẵn cho anh chị em cho dù anh chị em có cảm thấy là mình xứng đáng với tình yêu thương đó hay không. Tình yêu thương của Thượng Đế đơn giản là luôn luôn có sẵn.”
Ngay sau khi tôi thảo luận về tự tử với con cái của mình, đứa con trai chín tuổi của tôi đã hỏi xem liệu nó có thể nói chuyện riêng với tôi không. Nó kể về những lần nó đã tưởng tượng bản thân thực hiện việc tự tử, thậm chí còn mô tả cụ thể phương cách thực hiện. Dù có mơ tôi cũng không dám nghĩ rằng con trai mình lại có những suy nghĩ như vậy. Tôi ôm chặt đứa con trai của mình, cảm ơn nó vì đã can đảm giãi bày cho tôi biết, và nói với nó rằng bất kể nó đã làm gì hoặc đã từng nghĩ gì đi nữa, thì nó vẫn được quý trọng và là một phần không thể thiếu trong gia đình chúng tôi. Và tôi đã cam kết bản thân để trông chừng con trai mình nhằm phát hiện thêm bất cứ dấu hiệu nào khác về ý định tự tử hoặc bệnh về tâm thần.
Tự Tử Không Phải Là Giải Pháp
Một số thanh thiếu niên có thể lo lắng rằng tự tử là cách duy nhất để thoát khỏi nỗi tuyệt vọng của họ. Chủ Tịch Jeffrey R. Holland, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, khẳng định: “Cho dù các anh chị em nghĩ mình đã phạm phải nhiều lỗi lầm rồi … , hay cho dù các anh chị em cảm thấy mình đang cách xa gia đình và Thượng Đế đến dường nào, thì tôi cũng làm chứng rằng các anh chị em không hành trình một mình vượt quá tầm với của tình yêu thiêng liêng. Anh chị em không thể nào chìm sâu hơn ánh sáng vô tận của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô mà ánh sáng đó không chiếu tới được.”
Ngoài việc nói chuyện với trẻ em nhỏ tuổi, chúng ta có thể nói chuyện với thanh thiếu niên theo khuôn mẫu do Chủ Tịch Holland đưa ra: “Đối với bất kỳ giới trẻ nào của chúng ta đang gặp khó khăn, bất kể mối quan tâm hay khó khăn của anh chị em là gì, tìm đến cái chết bằng cách tự sát thì rõ ràng không phải là câu trả lời. Hành động ấy sẽ không làm giảm đi cơn đau mà [các em] đang cảm thấy, hay cơn đau mà [các em] nghĩ mình đang gây ra. Trong một thế giới đang khẩn thiết cần có tất cả mọi ánh sáng, xin hãy đừng giảm thiểu ánh sáng vĩnh cửu mà Thượng Đế đã đặt trong tâm hồn của [các em] trước cả khi có thế giới này. … Xin hãy đừng phá hủy sự sống mà Đấng Ky Tô đã phải dâng hiến sự sống của Ngài để gìn giữ. [Các em] có thể chịu đựng được những khó khăn của cuộc sống trần thế này, bởi vì chúng ta sẽ giúp [các em] chịu đựng chúng. [Các em] mạnh mẽ hơn mình nghĩ. Sự giúp đỡ là luôn sẵn có, từ những người khác và đặc biệt là từ Thượng Đế. [Các em] được yêu thương, trân trọng và được cần đến. Chúng tôi cần [các em]!”
Anh chị em và người phối ngẫu của mình có thể thảo luận về thời điểm nào là thích hợp để bắt đầu nói chuyện về vấn đề này—từ rất sớm trước khi khủng hoảng xảy ra. Anh chị em có thể thành tâm tìm kiếm Thánh Linh để được hướng dẫn cả về lúc nào nên bắt đầu và lời lẽ nên sử dụng trong những cuộc trò chuyện với con cái mình.
Chúng ta không bao giờ chịu trách nhiệm về quyết định của người khác để kết thúc mạng sống, nhưng có nhiều điều chúng ta có thể làm để giúp ngăn chặn điều đó. Như Chủ Tịch Holland đã dạy:
“Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế đã đến để ban sự sống cho chúng ta bằng cách chiến thắng sự chết.
“Chúng ta phải cam kết trọn vẹn bản thân mình với ân tứ đó của sự sống và tìm đến giúp đỡ những người có nguy cơ từ bỏ ân tứ thiêng liêng này.”
The post Podcast số 403 – Liahona tháng 7, 2024 – Những Cuộc Trò Chuyện trong Gia Đình về Tự Tử – Becca Aylworth Wright appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.