Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 394 – Liahona tháng 9, 2024 – Trang Phục của Chức Tư Tế Thánh – Jeffrey R. Holland

September 05, 2024

Bài của Chủ Tịch Jeffrey R. Holland, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô



Dù cho họ đã được chuẩn bị như thế nào đi nữa cùng những lời trấn an mà họ đã cố gắng ghi nhớ, thì việc phải rời khỏi Vườn địa đàng Ê Đen và bước vào một thế giới sa ngã chắc hẳn là một cú sốc lớn đối với A Đam và Ê Va.



Với nhận thức rõ ràng, họ nhận ra ý nghĩa của việc đánh đổi cuộc sống yên bình, vô tư của mình để lấy một thế giới của sự tương phản và lao nhọc đến đổ mồ hôi, đầy chông gai và đau khổ—rồi sau cùng là cái chết. Ban đầu, có thể họ không biết được tất cả những điều này có nghĩa gì, nhưng họ sớm biết rằng mỗi ngày đều có thể mang lại những nỗi đau mới. Quả thật, điều đau đớn nhất trong tất cả mọi điều là nhận ra rằng họ sẽ phải đối mặt với tất cả những nỗi đau của cuộc sống trần thế khi bị chia cách khỏi Cha Thiên Thượng—“bị loại ra khỏi sự hiện diện của Ngài,” như Môi Se đã ghi lại sau này.



Bởi do sự chia cách và cô đơn này trong một thế giới lạnh lẽo, âm u, chắc hẳn A Đam và Ê Va đã được an ủi biết bao khi nhớ lại một điều: rằng những lời hứa đã được lập—một điều gì đó thiêng liêng và vĩnh cửu được gọi là các giao ước. Họ đã hứa rằng họ sẽ vâng lời Đức Chúa Cha suốt cuộc đời của họ, và Ngài đã hứa sẽ ban cho một Đấng Cứu Rỗi, là Đấng sẽ xoa dịu nỗi đau đớn và buồn phiền của họ, chuộc tội lỗi của họ, và mang họ trở lại nơi hiện diện của Ngài một cách an toàn.



Nhưng làm thế nào những con người trần thế này có thể nhớ được điều họ đã hứa? Làm thế nào để họ có thể nhận thức được tình huống nguy nan của mình—luôn nhận thức được, cả ngày lẫn đêm chứ?!



Một Vật Nhắc Nhở về Các Giao Ước của Họ

Để nhắc nhở như thế, Ngài đã ban cho họ “da thú kết thành áo dài.” Đây quả thật là một món quà tuyệt vời và thật đúng lúc biết bao. Sau khi ăn trái cấm, A Đam và Ê Va gần như ngay lập tức nhận ra rằng họ đang lõa lồ. Đầu tiên, họ cố gắng che thân thể lõa lồ của mình bằng lá vả. Sau đó, vì sợ rằng mình không thỏa đáng, nên họ đã cố gắng ẩn mình khỏi Chúa. (Nỗ lực dại dột như vậy là bằng chứng cho thấy cuộc sống trần thế đã có hiệu lực!) Từ lúc đó cho đến nay, Đức Chúa Cha nhân từ đã mời gọi con cái của Ngài hãy rời khỏi nơi ẩn mình để đến cùng Ngài. Và cũng như những cái áo khoác bằng da thú lúc bấy giờ và nhiều loại quần áo khác kể từ lúc đó, với lòng thương xót của Ngài, Ngài đã không bỏ mặc cho chúng ta lõa lồ mà đã mặc cho những ai biết vâng lời một chiếc “áo choàng công bình” một vật nhắc nhở về những lời hứa và giao ước của chúng ta. Những bộ quần “áo cứu rỗi” này tượng trưng cho món quà tột bậc, là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.



Trang Phục Đền Thờ Là một Biểu Tượng về Đấng Cứu Rỗi

Dĩ nhiên, tất cả những suy nghĩ này về A Đam và Ê Va cũng như về các giao ước và quần áo không chỉ là một sự rèn luyện tinh thần. Không khó để hình dung ra A Đam và Ê Va đã cảm thấy như thế nào, bởi vì chúng ta cũng phải đối mặt với những rắc rối trong thế giới sa ngã này. Chúng ta cũng đã bị chia cách khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế, và càng xa cách Ngài hơn mỗi lần chúng ta phạm giới. Giống như A Đam và Ê Va, chúng ta đã được ban cho cùng một Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô ở Na Xa Rét, An Pha và Ô Mê Ga, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. Giống như A Đam và Ê Va, chúng ta đã lập giao ước với Thượng Đế. Và, như một phần của lễ thiên ân trong đền thờ, chúng ta đã được ban cho một vật nhắc nhở thiêng liêng về các giao ước đó—một biểu tượng về chính Đấng Cứu Rỗi. Trong gian kỳ của chúng ta, vật đó được gọi là trang phục của chức tư tế thánh.



Chúng ta mặc trang phục này bên dưới lớp quần áo bên ngoài của mình. Cho dù tôi đang mang bất cứ trọng trách nào, bất cứ trách nhiệm nào khác mà tôi đảm đương trong cuộc sống, bất kể bổn phận mà cuộc sống hằng ngày đòi hỏi là gì đi nữa, thì ẩn trong tất cả những điều đó là các giao ước của tôi—mãi mãi và đời đời. Ẩn trong tất cả những điều đó là những lời hứa thiêng liêng mà tôi khẩn thiết bám chặt. Trang phục đền thờ không được phô bày hay khoe ra trước thế gian, và các giao ước của tôi cũng thế. Mà tôi luôn giữ cả hai điều đó ở cạnh mình—càng gần càng tốt. Chúng mang tính cá nhân sâu sắc và cực kỳ thiêng liêng.



Để ghi nhớ các giao ước đó, những lời hứa hai chiều đó, chúng ta mặc trang phục đền thờ trong suốt cuộc đời mình. Việc thực hành này phản ánh ước muốn của chúng ta để Đấng Cứu Rỗi luôn có ảnh hưởng trong cuộc sống của mình. Các biểu tượng yêu thích khác đều có định kỳ. Chúng ta chịu phép báp têm một lần trong đời. Chúng ta dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần một lần. Chúng ta tham dự đền thờ khi hoàn cảnh cho phép. Nhưng trang phục của chức tư tế thánh thì khác: đây là biểu tượng mà chúng ta tôn trọng mỗi ngày và mỗi đêm.



Và đó là bản chất của các giao ước—không được gạt qua một bên vì sự thuận tiện hay bất cẩn và không được sửa đổi để phù hợp với kiểu dáng cũng như thời trang của xã hội. Trong cuộc sống của một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, đường lối của thế gian phải được sửa đổi để phù hợp với các giao ước của chúng ta, chứ không phải ngược lại.



Như Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy, khi mặc trang phục đền thờ vào, là chúng ta đang khoác lên mình một biểu tượng thiêng liêng về Chúa Giê Su Ky Tô. Trong trường hợp đó, tại sao chúng ta lại tìm cớ để loại bỏ biểu tượng đó? Tại sao chúng ta tự tước đi lời hứa về quyền năng, sự bảo vệ, và lòng thương xót mà trang phục đền thờ tượng trưng? Trái lại, bất cứ khi nào chúng ta phải tạm thời cởi bỏ trang phục đền thờ, thì chúng ta nên thiết tha mặc lại, càng sớm càng tốt, vì chúng ta nhớ cả những lời hứa lẫn những hiểm họa, là lý do cần có các giao ước của mình. Trên hết, chúng ta nhớ đến thập tự giá và ngôi mộ trống của Đấng Ky Tô.



Một số người có thể nói: “Tôi có những cách khác để tưởng nhớ đến Chúa Giê Su.” Và tôi sẽ đáp rằng: điều đó thật tuyệt vời. Càng nhiều cách càng tốt. Chúng ta hãy nghĩ ra càng nhiều cách càng tốt để giữ cam kết của mình để “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.” Nhưng khi làm như vậy, sẽ là thiếu chân thành nếu cố tình quên đi vật nhắc nhở mà chính Chúa đã ban cho những người được làm lễ thiên ân, là trang phục của chức tư tế thánh.



Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài là tất cả đối với tôi. Tất cả những hy vọng và khát vọng vĩnh cửu của tôi, tất cả những gì tôi yêu quý, đều nương cậy vào Ngài. Ngài là “tảng đá cứu rỗi của [tôi],” là cách để tôi tiếp cận với Cha Thiên Thượng, là con đường duy nhất để tôi trở lại với điều tôi đã từng có và giờ đây muốn có lại, cùng với rất nhiều điều khác nữa. Ân tứ của Ngài ban cho chúng ta là ân tứ quảng đại nhất mà tôi từng nhận được, ân tứ rộng rãi nhất từng được ban cho—được mua bằng nỗi đau vô hạn, được ban cho vô số người, được ban cho bằng tình yêu thương vô hạn. Những bụi gai và cỏ dại, nỗi đau đớn và thống khổ, buồn phiền và tội lỗi của thế giới sa ngã này đều “bị nuốt mất trong Đấng Ky Tô.”



Vì vậy, tôi đã mặc trang phục của chức tư tế thánh—mỗi ngày, cả ngày lẫn đêm khi thích hợp, kể từ khi tôi được làm lễ thiên ân cách đây 64 năm, lúc 19 tuổi—vì tôi yêu mến Ngài và vì tôi cần những lời hứa mà trang phục đó tượng trưng.



Các Câu Hỏi về Việc Mặc Trang Phục Đền Thờ?

Một số anh chị em có thể đang đọc bài viết này với hy vọng tôi sẽ trả lời một câu hỏi cụ thể về trang phục đền thờ. Anh chị em có thể hy vọng một “Đức Chúa Trời có phán”—hoặc thậm chí là “Các tôi tớ của Ngài có phán”—về một vấn đề gần gũi với tấm lòng của anh chị em. Câu hỏi của anh chị em có thể xuất phát từ hoàn cảnh cá nhân liên quan đến công việc làm, việc tập thể dục, giữ vệ sinh, khí hậu, tính trang nhã, các thiết bị vệ sinh, hoặc thậm chí là tình trạng y tế đối với việc mặc trang phục đền thờ.



Một số câu trả lời cho những loại câu hỏi này có thể được tìm thấy tại temples.ChurchofJesusChrist.org và trong phần 38.5 của Sách Hướng Dẫn Tổng Quát. Những người thân trong gia đình và các vị lãnh đạo đáng tin cậy có thể được tham vấn về một vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, trong các giáo lễ mở đầu đều có đưa ra sự hướng dẫn rất rõ ràng, cũng như mãi mãi và vĩnh viễn có Cha Thiên Thượng là Đấng biết anh chị em, yêu thương anh chị em và hiểu hết hoàn cảnh của anh chị em. Ngài sẽ vui mừng khi anh chị em đích thân hỏi Ngài những câu hỏi này.



Xin chớ hiểu lầm. Khi anh chị em tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng, Thánh Linh sẽ không soi dẫn anh chị em bất tuân theo lời chỉ dẫn nhận được trong đền thờ và lời khuyên dạy của vị tiên tri đã được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn chia sẻ trong lời phát biểu gần đây của họ. Đức Chúa Cha nhân từ sẽ không giúp anh chị em biện hộ việc làm ít hơn khả năng mà mình có thể để phù hợp với các tiêu chuẩn của Ngài về sự tận tâm và trang nhã kín đáo mà sẽ ban phước cho anh chị em bây giờ và mãi mãi. Nhưng liệu Ngài có hiểu những câu hỏi của anh chị em không, và liệu Ngài sẽ giúp anh chị em nhận được các phước lành của việc trân trọng trang phục đền thờ và tuân giữ các giao ước của anh chị em không? Có chứ! Anh chị em có nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và y tế có thẩm quyền khi cần không? Dĩ nhiên rồi! Anh chị em có nên bỏ qua lẽ thường hoặc nhìn xa quá điểm nhắm không? Tôi cầu nguyện rằng các anh chị em sẽ không làm như thế.



Tôi không thể trả lời mọi câu hỏi của anh chị em. Tôi thậm chí không thể trả lời mọi câu hỏi của chính tôi. Nhưng với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi có thể hứa với anh chị em về sự giúp đỡ của một Thượng Đế nhân từ, là Đấng tìm kiếm mọi thành công và phước lành của anh chị em, theo những cách mà giờ đây anh chị em không thể hiểu hoặc thấy trước được, khi anh chị em tuân giữ các giao ước mình đã lập với Ngài.


The post Podcast số 394 – Liahona tháng 9, 2024 – Trang Phục của Chức Tư Tế Thánh – Jeffrey R. Holland appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.