Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 380 – Liahona tháng 7, 2024 – Một Sự Chuẩn Bị Tuyệt Vời cho Cuộc Sống – Eduardo Gavarret
Bài của Anh Cả Eduardo Gavarret, thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn bị thu hút bởi lòng nhiệt thành của những người truyền giáo. Trong một buổi lễ Tiệc Thánh tại chi nhánh nhỏ của tôi ở Minas, Uruguay, một người truyền giáo đã chia sẻ chứng ngôn của mình và bày tỏ cảm nghĩ về công việc truyền giáo. Những lời của anh cả ấy lưu lại trong tâm trí tôi.
Tôi tự nhủ: “Một ngày nào đó, mình sẽ đi truyền giáo.”
Một thời gian sau, với chức phẩm thầy tư tế, tôi đã có cơ hội giúp đỡ người truyền giáo trong các bài học. Thật là một kinh nghiệm khó quên khi được làm một người truyền giáo khi mới 16 tuổi!
Khi tôi tròn 18 tuổi, một vài người trẻ tuổi từ chi nhánh của tôi trở về từ công việc truyền giáo của họ, bao gồm người chị gái Ana của tôi, trở về từ công việc truyền giáo tại Argentina. Những kinh nghiệm và chứng ngôn của họ cũng khiến tôi thổn thức.
Khi ngày sinh nhật thứ 19 của tôi đã cận kề, tôi muốn mang tên mình đi rao truyền phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và lao nhọc trong vườn nho của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 75:2). Tôi đã chuẩn bị và nộp hồ sơ truyền giáo của mình. Khi nhận được thư kêu gọi, tôi mở lá thư có chữ ký của Chủ tịch Spencer W. Kimball và được cho biết rằng tôi sẽ phục vụ tại Phái Bộ Truyền Giáo Uruguay/Paraguay. Tôi sẽ phục vụ tại quê hương của chính mình! Tôi rất vui vì có cơ hội được rao truyền “tin lành vui mừng lớn lao, tức là phúc âm vĩnh viễn” (Giáo Lý và Giao Ước 79:1).
Tôi đặt chân đến văn phòng truyền giáo sau hai giờ di chuyển bằng xe buýt đến Montevideo, Uruguay. Vị chủ tịch phái bộ truyền giáo đã sắc phong tôi với tư cách là người truyền giáo của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và chỉ định cho tôi một người bạn đồng hành. Đến chiều hôm đó, chúng tôi bắt đầu đi gõ cửa.
Khi mới bắt đầu, có những lúc tôi cảm thấy công việc truyền giáo không hứng thú như tôi đã tưởng tượng. May thay, tôi có một người bạn đồng hành vâng lời và siêng năng, anh ấy đã giúp tôi khám phá ra niềm vui của việc quên đi bản thân mình trong công việc phục vụ Chúa. Tấm gương của anh ấy đã ban phước cho tôi trong suốt thời gian phục vụ truyền giáo của mình.
Nhưng tôi đã bắt đầu chuẩn bị để trở thành một người đại diện cho Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô từ rất lâu trước đó.
Mọi Việc Bắt Đầu với một Chiếc Kẹp Cà Vạt
Vào tháng Một năm 1962, khi tôi sáu tuổi, những người truyền giáo đến cửa hàng đồ trang sức của cha tôi để tìm mua một chiếc kẹp cà vạt thay thế cho chiếc mà một trong số họ đã đánh mất. Khi đang ở trong cửa hàng, họ nghe thấy một ai đó đang chơi đàn ghi ta. Họ hỏi cha tôi về điều đó và ông đã mời họ vào gặp gỡ người bạn của mình.
Trong cuộc trò chuyện, cha tôi và người bạn của ông hỏi những người truyền giáo xem liệu họ có chơi đàn ghi ta không. Một người truyền giáo nói rằng anh ấy biết chơi một chút. Người bạn của cha tôi đưa cây đàn ghi ta cho người truyền giáo đó và mời anh ấy chơi. Anh ấy bắt đầu chơi một số bài hát trong khi người bạn đồng hành của anh ấy hát.
Việc chỉ đơn giản là tìm kiếm một chiếc kẹp cà vạt của những người truyền giáo đã giúp gia đình tôi được giới thiệu đến phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng tôi trở thành bạn tốt với những người truyền giáo và bắt đầu lắng nghe các bài học. Hạt giống phúc âm đã được gieo trồng và đã bắt đầu phát triển, đầu tiên là mẹ tôi, Elsa, rồi đến các chị gái của tôi, Ana và Stella, và sau đó là tôi.
Kể từ ngày đó, niềm yêu thích công việc truyền giáo đã lớn dần trong gia đình tôi. Tôi đã phục vụ truyền giáo, các con trai của tôi đã phục vụ truyền giáo, và giờ đây các cháu của chúng tôi đang bắt đầu chuẩn bị cho công việc truyền giáo, tạo ra một thế hệ người truyền giáo thứ ba.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng để làm một người truyền giáo. Một thiếu niên hoặc thiếu nữ cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đủ sẵn sàng để đi truyền giáo. Đây là cơ hội để các bậc cha mẹ, gia đình, và các vị lãnh đạo Giáo Hội có thể trở thành những tấm gương sáng và cùng nhau nỗ lực để chuẩn bị cho giới trẻ khi còn nhỏ.
Một cách để giúp giới trẻ chuẩn bị là chia sẻ các kỹ năng thực tiễn với các em ấy. Các kỹ năng như tiết kiệm tiền, giặt và ủi quần áo, may vá, đánh giày, nấu ăn, nói chuyện với người khác, và phục vụ người khác sẽ giúp đỡ giới trẻ rất nhiều trong công việc truyền giáo của các em ấy. Việc tham gia vào lớp giáo lý và viện giáo lý cũng giúp cho sự chuẩn bị đó và bổ sung cho điều mà các em ấy học được tại nhà cũng như trong nhóm túc số và các lớp học khác.
Chúng ta vẫn nên tiếp tục hỗ trợ ngay cả khi các em ấy đang phục vụ truyền giáo. Thật tuyệt vời khi được nghe về những kinh nghiệm trân quý mà những người truyền giáo của chúng ta hầu như có được hằng ngày. Chúng ta cũng có thể trở thành một phần của những kinh nghiệm đó qua việc tìm đến những người mà họ giảng dạy. Ví dụ, mẹ của một trong những người truyền giáo đã giảng dạy gia đình chúng tôi đã liên lạc với mẹ tôi qua thư trong nhiều năm, điều đó giúp mẹ tôi đứng vững trên con đường giao ước.
Khi giúp đỡ những người truyền giáo tương lai chuẩn bị, chúng ta nên nhớ rằng công việc truyền giáo không đơn thuần chỉ là một truyền thống trong Giáo Hội—đó là một lời mời gọi và lệnh truyền từ Chúa (xin xem Ma Thi Ơ 28:19). Thuở ban đầu, A Đam và Ê Va đã được giảng dạy phúc âm. Sau đó, họ giảng dạy phúc âm cho con cái của họ (xin xem Môi Se 5:6–12). “Và như vậy là Phúc Âm đã bắt đầu được thuyết giảng từ lúc khởi đầu, và được các thiên sứ thánh phái đi khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế” (Môi Se 5:58).
Công việc thuyết giảng này hiện vẫn tiếp tục với một đội quân hùng mạnh gồm hơn 71.000 người truyền giáo. Nhưng chúng ta cần thêm nhiều người hơn nữa, phía tiền tuyến—một đạo quân của những người truyền giáo và các tín hữu.
Điều Chúng Ta Có Thể Học Được khi Phục Vụ Truyền Giáo
Trong thời gian phục vụ truyền giáo, tôi đã dần quen với công việc truyền giáo và bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn về sứ điệp của chúng tôi. Trong thâm tâm, tôi luôn cảm nhận được phúc âm là chân chính, nhưng tôi vẫn có một ước muốn mạnh mẽ để biết được rằng phúc âm là chân chính. Tôi đã cầu nguyện, nhịn ăn, học thánh thư, làm việc, và rồi chờ đợi một câu trả lời.
Trong một bài học vào một ngày nọ, tôi đã chia sẻ về lời tường thuật của Joseph Smith về Khải Tượng Thứ Nhất:
“Tôi thấy một luồng ánh sáng ngay trên đầu tôi, sáng hơn cả ánh sáng mặt trời, ánh sáng ấy từ từ hạ xuống cho đến khi phủ lên tôi. …
“Khi ánh sáng chan hòa trên người tôi, tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith— Lịch Sử 1:16–17).
Trong giây phút đó, tôi có thể cảm thấy Đức Thánh Linh xác nhận với tôi rằng điều tôi đang giảng dạy là chân chính. Tiên Tri Joseph Smith quả thật đã trông thấy Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế và cùng với Kinh Thánh làm chứng về Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Điều này mang lại cho tâm hồn tôi sự bình an biết bao. Thậm chí nhiều thập niên sau, nó vẫn sưởi ấm trái tim tôi.
Công việc truyền giáo của tôi giống như việc đạt được một tấm bằng thạc sỹ thuộc linh vậy. Những điều các thiếu niên và thiếu nữ học được trong công việc truyền giáo sẽ ban phước lành vĩnh cửu cho cuộc sống của họ. Trong số rất nhiều điều, họ sẽ học được:
- Cách học tập, cầu nguyện, giảng dạy và áp dụng các nguyên tắc phúc âm hằng ngày.
- Cách sống với một người bạn đồng hành 24 giờ một ngày.
- Cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
- Cách hoạch định.
- Cách cải thiện kỹ năng lãnh đạo.
- Cách thấu hiểu đúng về người khác.
- Cách tìm kiếm, lắng nghe, và được Đức Thánh Linh soi dẫn.
Các thiếu niên và thiếu nữ đi phục vụ truyền giáo sẽ được củng cố và chuẩn bị để đối mặt với những thử thách trong cuộc sống khi các em ấy tiếp tục áp dụng những điều mình đã học được trong công việc truyền giáo.
Chính Là Hôm Nay Đây
Vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã dạy:
“Chưa từng có thời điểm nào trong lịch sử thế giới mà sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi của chúng ta lại thiết yếu và xác đáng hơn đối với mỗi con người. Hãy tưởng tượng những xung đột tàn khốc trên khắp thế giới—và những xung đột trong cuộc sống cá nhân của chúng ta—sẽ được giải quyết nhanh chóng như thế nào nếu chúng ta đều chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và lưu tâm đến những lời dạy của Ngài.”
Hôm nay chính là lúc chúng ta thể hiện cá tính và lòng can đảm để chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Hôm nay chính là lúc những chiến binh trẻ tuổi của chúng ta chuẩn bị để gia nhập đạo quân của Chúa trong một công việc truyền giáo giảng dạy hoặc phục vụ. Thế gian cần các em! Ngoài kia đang có những đầu gối suy nhược cần làm vững mạnh, những bàn tay rũ rượi cần nâng đỡ, và lẽ thật cần thuyết giảng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 81:5).
Cầu mong cho lời mời gọi sau đây của Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta hành động và giương cao lá cờ lẽ thật với quyền năng:
“Này, ta nói cho các ngươi hay rằng theo ý muốn của ta thì các ngươi phải ra đi …
“Hãy cất cao tiếng nói của mình lên như bằng tiếng vang của kèn đồng, mà rao truyền lẽ thật theo như các điều mặc khải và những giáo lệnh mà ta đã ban cho các ngươi.
Và như vậy, nếu các ngươi trung thành thì các ngươi sẽ … được đội mão triều thiên bằng vinh hiển, vinh quang, và sự bất diệt, cùng cuộc sống vĩnh cửu” (Giáo Lý và Giao Ước 75:3–5).
The post Podcast số 380 – Liahona tháng 7, 2024 – Một Sự Chuẩn Bị Tuyệt Vời cho Cuộc Sống – Eduardo Gavarret appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.