Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 379 – Liahona tháng 7, 2024 – Công Việc Vĩ Đại của Chúa và Cơ Hội Vĩ Đại của Chúng Ta – Quentin L. Cook

July 15, 2024

Bài của Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô



Mỗi vị tiên tri trong gian kỳ vĩ đại cuối cùng này đã dạy rằng các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có trách nhiệm chia sẻ phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong cuộc đời của mình, tôi chợt nghĩ đến một vài tấm gương:



Chủ Tịch David O. McKay (1873–1970), vị tiên tri tại thế trong thời niên thiếu của tôi, đã tuyên bố rằng: “Mỗi tín hữu là một người truyền giáo.”



Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) đã giảng dạy: “Thời khắc để mang phúc âm đến nhiều nơi và cho nhiều người hơn nữa chính là ngay lúc này,” và “chúng ta cần phải năng nổ hơn” trong việc chia sẻ phúc âm với người khác.



Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) đã nói: “Công việc của chúng ta thật vĩ đại, trách nhiệm của chúng ta trong việc giúp tìm kiếm những người để giảng dạy thật lớn lao. Chúa đã đặt lên vai chúng ta một nhiệm vụ phải giảng dạy phúc âm cho mỗi sinh linh. Điều này sẽ đòi hỏi những nỗ lực lớn nhất [của chúng ta].”



Và Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Công việc truyền giáo là một phần thiết yếu của sự quy tụ vĩ đại của Y Sơ Ra Ên. Sự quy tụ đó là điều quan trọng nhất đang diễn ra trên thế gian ngày nay. Không có điều gì khác so sánh được với tính chất trọng đại của sự quy tụ. Không có điều gì khác so sánh được với tầm quan trọng của sự quy tụ. Những người truyền giáo của Chúa—các môn đồ của Ngài—đang dấn thân vào thử thách lớn nhất, chính nghĩa lớn nhất, công việc vĩ đại nhất trên trái đất ngày nay.”



Tôi bắt đầu tự nhận ra điều này với tư cách là một người truyền giáo trẻ tuổi trong Phái Bộ Truyền Giáo Anh. Và hiện tại tôi chắc chắn về điều đó hơn bao giờ hết. Với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi làm chứng rằng các cơ hội hiện hữu ở khắp mọi nơi để chúng ta có thể giúp người khác đến cùng Đấng Ky Tô qua việc cho thấy tình yêu thương, chia sẻ niềm tin, và mời họ cùng tham gia với chúng ta để cảm nhận được niềm vui mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể mang lại.



Công Việc Tiến Bước

Tôi có đặc ân được chỉ định phục vụ trong Sở Truyền Giáo của Giáo Hội khi ấn bản đầu tiên của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta được giới thiệu vào năm 2004, và một lần nữa khi ấn bản thứ hai được phát hành vào năm 2023. Tôi tin rằng sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta đã ban phước cho công việc truyền giáo một cách sâu sắc.



Phiên bản mới của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta chứa đựng mọi điều chúng ta đã học được kể từ năm 2004, sự hướng dẫn đầy soi dẫn từ mỗi thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và những thay đổi được thực hiện nhằm hỗ trợ cho công việc chia sẻ phúc âm trong thời đại kỹ thuật số. Một số thay đổi đã dẫn đến thành công đáng kể.



Chúng tôi nhận thấy rằng việc chia sẻ phúc âm theo những cách thức đơn giản, thông thường, và tự nhiên thông qua các nguyên tắc “yêu thương, chia sẻ, mời gọi” sẽ ban phước lớn lao cho vương quốc. Chúa Giê Su Ky Tô đã chia sẻ phúc âm theo cách thức như vậy khi Ngài sống trên thế gian. Ngài đã chia sẻ cuộc đời và tình yêu thương của Ngài và mời gọi tất cả mọi người đến cùng Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 11:28). Việc yêu thương, chia sẻ, và mời gọi như cách Ngài đã làm là một phước lành và trách nhiệm đặc biệt đối với mỗi tín hữu của Giáo Hội.



Bắt Đầu với Tình Yêu Thương

Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá, Chúa Giê Su Ky Tô đã gánh lấy tội lỗi của thế gian và chịu đựng tất cả mọi nỗi buồn phiền và “mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ” (An Ma 7:11). Điều này “đã khiến [Ngài], … Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông” (Giáo Lý và Giao Ước 19:18). Qua Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho tất cả mọi người đều có thể nhận được sự cứu rỗi và sự tôn cao.



Việc hướng đến Đấng Cứu Rỗi và suy ngẫm về tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta sẽ khiến cho tấm lòng chúng ta ngập tràn tình yêu mến dành cho Ngài. Sau đó, Ngài hướng lòng chúng ta đến những người khác và truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương họ (xin xem Giăng 13:34–35) và chia sẻ phúc âm của Ngài với họ (xin xem Ma Thi Ơ 28:19Mác 16:15). Nếu những người xung quanh chúng ta có thể cảm thấy rằng chúng ta thực sự yêu thương và quan tâm đến họ, thì có lẽ họ sẽ mở lòng đón nhận các sứ điệp của chúng ta, cũng giống như Vua La Mô Ni đã mở lòng mình để tiếp nhận phúc âm nhờ vào tình yêu thương và sự phục vụ của Am Môn (xin xem An Ma 17–19).



Khi chúng ta chia sẻ phúc âm, hãy bắt đầu với tình yêu thương. Khi chúng ta tìm đến những người khác trong tình yêu thương—và nhớ rằng họ là anh chị em của chúng ta và là con cái yêu dấu của Cha Thiên Thượng—thì các cơ hội sẽ mở ra cho chúng ta để chia sẻ điều chúng ta biết là chân chính.



Biết Thiết Tha Nhiệt Thành và Chia Sẻ

Không một ai tận tụy chia sẻ phúc âm hơn Chủ Tịch M. Russell Ballard (1928–2023). Trong bài phát biểu cuối cùng tại đại hội trung ương, ông đã làm chứng rằng: “Tôi nghĩ rằng đó là một trong những điều vinh quang và tuyệt vời nhất mà bất cứ ai trên thế gian này có thể biết được—[rằng] Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã tỏ mình trong ngày sau này và rằng Joseph [Smith] đã được lập lên để phục hồi phúc âm trọn vẹn vĩnh cửu của Chúa Giê Su Ky Tô.”



Trong suốt cuộc đời của ông, và trên khắp thế giới, Chủ Tịch Ballard đã thiết tha nhiệt thành trong việc chia sẻ sứ điệp quý báu này với mọi người. Ông khuyến khích chúng ta hãy làm điều tương tự. Ông đã dạy rằng chúng ta có thể chia sẻ phúc âm “bằng cách làm những người láng giềng tốt và bằng cách quan tâm và tỏ rõ tình yêu thương.” Khi làm như vậy, chúng ta có thể “được phúc âm rực chiếu trong cuộc sống của mình, và … rọi chiếu cho [những người khác] thấy các phước lành mà phúc âm đã mang đến.” Chúng ta cũng “chia sẻ chứng ngôn về điều [chúng ta] biết và tin tưởng cùng cảm nghĩ của [chúng ta].” Chủ Tịch Ballard đã dạy: “Một chứng ngôn … có thể được quyền năng của Đức Thánh Linh mang vào tấm lòng của những người đã sẵn sàng tiếp nhận nó.”



Việc chia sẻ phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là ước muốn lớn nhất trong lòng Chủ Tịch Ballard. Chúng ta có thể thiết tha nhiệt thành—giống như ông ấy—trong việc chia sẻ phúc âm bằng cả lời nói lẫn việc làm. Chúng ta không bao giờ biết ai trong số chúng ta có thể đang tìm kiếm ánh sáng của phúc âm nhưng không biết tìm thấy ánh sáng đó ở đâu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 123:12).



Đưa Ra Những Lời Mời Chân Thành

Khi giúp những người khác đến cùng Đấng Ky Tô, chúng ta có thể mời họ cảm nhận niềm vui mà Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài mang lại. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách mời họ đến một sinh hoạt, đọc Sách Mặc Môn, hoặc gặp với những người truyền giáo. Chúng ta cũng có thể đưa ra một lời mời chân thành để mời họ tham dự lễ Tiệc Thánh cùng với chúng ta.



Chúng ta tham dự lễ Tiệc Thánh mỗi tuần để “thờ phượng Thượng Đế và dự phần Tiệc Thánh để tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.” Đây là cơ hội để mọi người cảm nhận được Thánh Linh, đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn, và củng cố đức tin của họ nơi Ngài.



Khi chúng ta tìm cách yêu thương, chia sẻ và mời gọi, việc hoạch định và những nỗ lực của chúng ta nên bao gồm việc giúp đỡ mọi người tham dự lễ Tiệc Thánh. Nếu họ chấp nhận lời mời của chúng ta và tham dự lễ Tiệc Thánh, thì có nhiều khả năng họ sẽ tiếp bước trên con đường dẫn đến phép báp têm và sự cải đạo. Tôi hết lòng tin rằng sự thành công lớn sẽ đến khi chúng ta mời gọi những người khác tham dự lễ Tiệc Thánh và giúp họ nhận ra các phước lành mà họ có thể nhận được từ việc đó.


The post Podcast số 379 – Liahona tháng 7, 2024 – Công Việc Vĩ Đại của Chúa và Cơ Hội Vĩ Đại của Chúng Ta – Quentin L. Cook appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.