Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 373 – Liahona tháng 3, 2024 – Gieo Lại Hạt Giống Đức Tin – Betsy VanDenBerghe
Bài của chị Betsy VanDenBerghe, một tín hữu đang sống tại Utah, Hoa Kỳ
Trong một thế giới thường chú tâm đến những câu chuyện bị mất đức tin, đôi khi chúng ta không để ý đến những cuộc hành trình thầm lặng hơn để trở về với đức tin. Nhưng các câu chuyện về việc tái cải đạo minh họa cách mà các anh chị em trong phúc âm khắc phục những nỗi nghi ngờ của họ ngay cả sau khi rời bỏ Giáo Hội. Các câu chuyện của họ minh họa điều An Ma giảng dạy về việc gieo hạt giống. An Ma mô tả một tiến trình đức tin mà không những giúp củng cố những người đang cố gắng phát triển đức tin của họ mà còn giúp những người đang gặp khó khăn với những thắc mắc và mối bận tâm.
- Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng “đức tin không phải là sự hiểu biết hoàn toàn về những sự việc” (An Ma 32:21).
- Rồi chúng ta “vận dụng một chút ít đức tin” hoặc thậm chí chỉ một “ước muốn để tin” (câu 27).
- Chúng ta gieo hạt giống—lời của Thượng Đế—vào lòng mình (xin xem câu 28).
- Sau đó, chúng ta nuôi dưỡng gốc rễ thuộc linh với lòng kiên nhẫn và chấp nhận sự giúp đỡ từ bạn bè trong phúc âm để phát triển một cái cây trong Đấng Ky Tô, “lớn mạnh cho đến cuộc sống vĩnh viễn” (câu 41).
“Đức tin không phải là sự hiểu biết hoàn toàn về những sự việc; vậy nên, nếu các người có đức tin, các người hy vọng những gì không trông thấy được mà có thật (An Ma 32:21).
Alba Lucia Fonseca, một tín hữu Giáo Hội từ Hoa Kỳ, đã xem các tài liệu trực tuyến mà khiến chị lo ngại về niềm tin tôn giáo của mình, và rồi chị nhanh chóng mất đức tin. Lúc đầu, chị ấy đã gạt bỏ hạt giống đức tin bằng những nỗi nghi ngờ của mình, nhưng rồi chị bắt đầu nói chuyện với một tín hữu đầy quan tâm và am hiểu và nhận ra rằng chị vẫn còn thắc mắc mặc dù đã mất đức tin.
Chị giải thích: “Sự hiểu biết của tôi về các khái niệm phúc âm và lịch sử Giáo Hội gần như không toàn diện như tôi nghĩ”. “Điều đó đã làm tôi khiêm nhường và giúp tôi nhận ra rằng tôi vẫn còn nhiều điều để học hỏi và rằng đức tin không có nghĩa là tất cả các thắc mắc đều được giải đáp.” Alba nhận ra rằng có “những điều đáng giá khác trong cuộc sống—chẳng hạn như gia đình, học vấn, nghề nghiệp—bao gồm cả rủi ro, hy sinh, sự bấp bênh, và nỗ lực suốt đời. Tôi quay trở lại với Giáo Hội và có thể khẳng định rằng việc nỗ lực duy trì đức tin cũng rất đáng bõ công.”
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Chúa không đòi hỏi đức tin hoàn hảo để chúng ta có thể tiếp cận với quyền năng hoàn hảo của Ngài.” Tuy nhiên, ông cũng nêu ra rằng đức tin của chúng ta đòi hỏi nỗ lực liên tục để tiếp tục phát triển.1 Chủ Tịch Nelson giải thích: Mặc dù nền móng ban đầu của Đền Thờ Salt Lake đã vững chãi trong hơn một thế kỷ, nhưng bây giờ nó cần phải được đại trùng tu. Đôi khi, chúng ta cũng phải củng cố nền tảng thuộc linh của mình “để chống chọi với những nguy cơ và áp lực sắp tới.”2 Đôi khi chúng ta đọc phải tài liệu gây hoang mang như Alba đã làm, ước muốn để biết chắc chắn có thể khiến chúng ta mất đi niềm tin giản dị của mình, và bỏ qua nỗ lực cần thiết để củng cố nền tảng thuộc linh của chúng ta.
Những người lắng nghe các câu chuyện về việc trở lại với đức tin đã thấy hữu ích khi xem đức tin như là một cuộc hành trình suốt đời, bao gồm nhiều bước.3 Chúng ta có thể bắt đầu với một niềm tin giản dị khi còn nhỏ, nhưng vào một thời điểm nào đó, đức tin non nớt ấy đối mặt với những thắc mắc và lo âu. Mặc dù đức tin chưa được thử thách của chúng ta đã từng là một nền tảng thuộc linh hữu hiệu, nhưng giờ đây chúng ta cần phải phát triển từ đức tin giản dị sang đức tin chín chắn để có thể chống chọi với những thử thách trong tương lai.4 Việc từ bỏ đức tin có thể dường như dễ dàng hơn, gần như là một sự nhẹ nhõm, nhưng những phần thưởng dồi dào lại đồng hành với những người tìm đến Thượng Đế và tiếp tục nuôi dưỡng hạt giống đức tin của họ.
Những thử thách về đức tin bắt đầu đến với Samuel Hoglund ở Thụy Điển khi những người thân đặt câu hỏi. Anh ấy giải thích rằng anh ấy đã trải qua một giai đoạn khi “vừa giải đáp được một câu hỏi thì câu hỏi khác lại đến”. “Đức tin của tôi dao động liên tục, cho đến khi tôi nhận ra rằng cả tiến trình này lẫn việc tôi muốn biết chắc chắn đều không bền vững.” Thay vì cố gắng giải đáp mọi thắc mắc tương đối nhỏ, Samuel đã quyết định tìm hiểu các vấn đề quan trọng—thiết yếu cho một nền tảng vững chắc trong Chúa Giê Su Ky Tô. Đi kèm với việc cầu nguyện và học tập thánh thư, việc tìm kiếm của Samuel, giống như Alba, đã dạy cho anh ấy biết rằng anh ấy vẫn còn phải học hỏi và mang đến cho anh những niềm tin chín chắn hơn. Anh ấy nói: “Kinh nghiệm này đã củng cố đức tin của tôi rất nhiều, và cũng đã dạy tôi rằng nếu chúng ta thực sự tìm kiếm thì sẽ gặp.”
“Nếu các người muốn thức tỉnh và phát huy khả năng của mình, ngay cả trong việc trắc nghiệm những lời nói của tôi đây, và vận dụng một chút ít đức tin, phải, ngay cả nếu các người không thể làm gì khác hơn là muốn tin, thì xin hãy để cho sự mong muốn này tác động trong các người” (An Ma 32:27).
Chủ Tịch Nelson thừa nhận: “Việc thực hành đức tin có thể dường như quá sức chịu đựng”. “Đôi khi chúng ta có thể tự hỏi liệu mình có thể tập trung được đủ đức tin để nhận được những phước lành mà chúng ta rất cần hay không.”5 Nhưng ngay cả những bước nhỏ của đức tin, bắt đầu với “một chút ít đức tin”, cũng có thể “tác động trong các ngươi” và bắt đầu tái sinh phần thuộc linh.
Sau khi bị dao động về mặt thuộc linh trong những năm học đại học của mình, Amanda Freebairn ở Hoa Kỳ đã thử cố gắng cầu nguyện, việc này dẫn chị đến việc tuân theo sự thúc giục để đến thăm khuôn viên đền thờ ở địa phương. Chị nói: “Việc cảm nhận Thánh Linh ở đó đã làm cho đức tin của tôi được nhen nhóm lại”. Việc trở lại nhà thờ và chấp nhận một sự kêu gọi để giảng dạy trong Hội Thiếu Nhi đã gia tăng đức tin của chị, và chị tiếp tục thực hiện các bước hướng đến việc hoàn toàn chấp nhận phúc âm. Trên hành trình đó, Amanda nhận thấy: “Tôi đã tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi mà tôi rất cần.”
Vào một thời điểm, Dan Ellsworth, cũng đến từ Hoa Kỳ, đã không chắc rằng anh ấy có còn chút ít đức tin nào để thực hành không. Ban đầu, việc tiếp cận với các phương pháp học thuật và mang tính lịch sử đối với Kinh Cựu Ước đã làm suy yếu đức tin của anh nơi Kinh Thánh và ảnh hưởng đến niềm tin của anh nơi tất các sách thánh thư. Nhưng Dan tiếp tục đi nhà thờ và quyết định thử nghiệm trong sáu tháng với một kế hoạch cầu nguyện, nhịn ăn, và phục vụ trong Giáo Hội. Đôi khi, anh nhờ mấy đứa con gái của mình cũng cầu nguyện cho đức tin của cha chúng.
Sau một thời gian, Dan bắt đầu có những trải nghiệm thuộc linh và tìm ra câu trả lời cho một số câu hỏi khiến anh bận tâm nhất. Một ngày nọ, trong khi ở thư viện, anh ấy cảm thấy được thúc giục để đi xuống một dãy sách và chọn ra một quyển sách. Trong sách đó, anh ấy tìm được những điều phản biện sâu sắc đối với quyển sách mà thoạt đầu đã làm lung lay niềm tin của anh ấy nơi Kinh Thánh. Mặc dù trải nghiệm này đã không giải quyết được mọi thắc mắc, nhưng nó đã dạy cho Dan một số bài học quan trọng: “Trước hết, tôi cần phải khiêm nhường nhận ra rằng tự mình tôi có thể biết được bao nhiêu. Và thứ hai, có những cách khác để tìm kiếm lẽ thật, đi kèm với lý lẽ: các ấn tượng thuộc linh, kết quả tích cực từ trái của Thánh Linh, và những ý tưởng thúc đẩy sự đột phá về mặt tinh thần, tất cả những điều này đều dẫn đến niềm tin mạnh mẽ hơn là tôi có trước đây.”
Đối với Zac Marshall từ Nước Anh, bước đơn giản để xem một video mang tính giáo dục về Sách Mặc Môn đã giúp anh ấy nghĩ đến khả năng là sách này có thể hợp lý. Anh ấy giải thích: “Tôi đã đọc sách đó trước đây trong khi học thánh thư chung gia đình và riêng cá nhân nhưng không có chủ ý thật sự”. “Nhưng tôi đã không tích cực trong Giáo Hội khi còn là một thiếu niên, vậy nên bằng chứng tôi thấy trong video đã khiến cho tôi lần đầu tiên đọc Sách Mặc Môn một cách có chủ ý.” Sau khi trắc nghiệm lời của Thượng Đế, Zac bắt đầu thay thế nỗi nghi ngờ bằng niềm tin. Bây giờ anh ấy nói: “Giáo Hội mà tôi đã từng xem là nhiều hạn chế giờ đây mang lại sự giải thoát, giống như Chúa Giê Su đã phán: ‘Lẽ thật sẽ buông tha các ngươi’ [Giăng 8:32].”
“Nhưng nếu các người sao lãng và không chăm lo nuôi dưỡng cây, này, nó sẽ chẳng mọc được rễ” (An Ma 32:38).
Trong khi thực hiện những bước nhỏ để nuôi dưỡng đức tin, chúng ta cũng cần nhận thức được những lối suy nghĩ làm cản trở đức tin. Khi nghiên cứu các câu chuyện về việc trở lại với đức tin của các tín hữu Giáo Hội ở nhiều quốc gia khác nhau, Eric và Sarah d’Evegnée, các giáo sư tại trường Brigham Young University–Idaho, lưu ý rằng “cách chúng ta suy nghĩ cũng quan trọng như điều chúng ta nghĩ.” Ví dụ, việc hy vọng rằng lòng tận tụy tôn giáo sẽ giúp chúng ta tránh sự buồn phiền và những thử thách đau lòng của cuộc sống là không đúng và nó tạo ra những giả thuyết không thực tế. Chúa Giê Su Ky Tô hứa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta nhưng cũng đã cảnh báo rằng “các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian” (Giăng 16:33). Tuy nhiên, theo Sarah, những thử thách của cuộc sống có thể “dẫn chúng ta đến việc thấy phúc âm một cách tiêu cực. Đôi khi chúng ta vứt bỏ lý tưởng khi đối phó với bất cứ điều gì kém lý tưởng hơn.”
Tác giả và nhà sử học độc lập Don Bradley ở Hoa Kỳ đã đối mặt với những thắc mắc về lịch sử Giáo Hội trong một thời gian mà anh giải thích rằng: “Tôi không vui và có một cái nhìn đầy hoài nghi. Sự hoài nghi về bất cứ ai cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ, và tôi đã mất đi đức tin và mối quan hệ của mình với Thượng Đế.” Nhiều năm sau, Don bắt đầu hướng tới niềm hy vọng và lòng biết ơn trong cuộc sống cá nhân của anh ấy.
Anh ấy cũng bắt đầu xem xét các nghiên cứu về những lợi ích về sức khỏe tâm thần và thể chất của tôn giáo có tổ chức. Don nhớ lại: “Tôi không thể phủ nhận các nghiên cứu đó”. “Dần dần, tôi nhận ra rằng mình đã thay thế thái độ hoài nghi bằng tư duy phản biện, và bằng thái độ lạc quan hơn với cuộc sống, tôi đã tìm lại được đức tin của mình nơi Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô.” Don đọc lại thông tin lịch sử mà từng làm đức tin của anh bị thử thách, nhưng giờ đây cũng chính tài liệu này lại khiến anh tin chắc rằng Joseph Smith là một vị tiên tri của Thượng Đế.
“Nếu các người biết nuôi dưỡng lời của Thượng Đế, thì phải, hãy nuôi dưỡng cây từ khi nó bắt đầu mọc lên, … các người sẽ gặt hái được phần thưởng của đức tin, sự chuyên tâm, sự kiên nhẫn và sự nhịn nhục” (An Ma 32:41, 43).
Ngay cả với sự sẵn lòng để trắc nghiệm lời của Thượng Đế và có một tư duy đầy lạc quan, thì việc trở về với đức tin và tham dự nhà thờ cũng có thể là một quá trình khó khăn, gần như quá sức. Nỗ lực này không những đòi hỏi lòng kiên nhẫn, can đảm, và khiêm nhường mà còn đòi hỏi tình yêu thương của bạn bè và người thân. Việc chấp nhận sự giúp đỡ của những người bạn chân thành nuôi dưỡng hạt giống và cho phép nó bén rễ thay vì héo úa.
Khi Leo Winegar ở Hoa Kỳ lần đầu tiên gặp phải những câu hỏi về lịch sử Giáo Hội, anh ấy đã biết được tầm quan trọng của những người bạn đầy lòng trắc ẩn. Anh ấy giải thích: “Chứng ngôn của tôi bị suy yếu”, khi anh ấy trải qua một thời kỳ “cô đơn và nỗi tuyệt vọng tăm tối khi gặp khó khăn trong việc cầu nguyện.” Một ngày nọ, Leo cảm thấy có ấn tượng để liên lạc với một giáo sư về lịch sử Giáo Hội. Vị giáo sư ấy không những khuyến khích Leo xem xét lại những nỗi nghi ngờ của anh ấy mà còn trở thành một người bạn thân. Chứng ngôn của Leo dần dần trở lại với sự giúp đỡ từ người giáo sư của Leo và qua nhiều năm tháng lạc quan học hỏi. Theo thời gian, anh ấy đã tìm được giải đáp cho nhiều câu hỏi. Anh ấy giải thích: “Tôi vĩnh viễn biết ơn Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của tôi đã hướng dẫn tôi trở lại, và cả những người bạn đại diện cho Ngài.”
Chủ Tịch Nelson khuyên bảo: “Nếu bạn bè và gia đình … có xa rời Giáo Hội, thì hãy tiếp tục yêu thương họ”. “Các [anh chị em] không nên phê phán sự lựa chọn của người khác cũng như các [anh chị em] không đáng bị chỉ trích vì luôn tiếp tục trung tín.”6
Nỗi sợ bị chỉ trích như vậy đã làm cho Letitia Rule, một tín hữu ở Anh, xa rời phúc âm trong 20 năm. Chị ấy thường muốn trở lại, nhưng chị ấy “sợ rằng khi vừa bước vào cửa, cảm thấy bị phán xét và cảm thấy như tôi đã không sống ngay chính.” Chỉ có một sự chẩn đoán bệnh đe dọa tính mạng mới cho chị ấy can đảm để thực hiện bước đi khó khăn đó. Các tín hữu đã tiếp đón chị ấy một cách nồng nhiệt và yêu thương, giúp chị ấy muốn tham gia vào phúc âm một lần nữa.
“Gieo trồng lời này vào tim mình, và khi nào nó bắt đầu nẩy nở thì các người hãy nuôi dưỡng nó với đức tin của mình. Và này, nó sẽ trở thành một cây lớn mạnh trong các người cho tới cuộc sống vĩnh viễn” (An Ma 33:23).
Khi An Ma kết thúc bài giảng của mình, ông đã nói rõ rằng mặc dù các nỗ lực nuôi dưỡng hạt giống là rất quan trọng, nhưng chính chúng không phải là hạt giống. Thay vì thế, chúng ta gieo hạt giống thực sự khi chúng ta “bắt đầu tin nơi Vị Nam Tử của Thượng Đế, rằng Ngài sẽ đến để cứu chuộc dân Ngài, và Ngài sẽ chịu thống khổ và chết để chuộc tội cho họ” (An Ma 33:22).
Michael Auras ở Đức đã học được các bài học quan trọng về các ưu tiên trong phúc âm sau khi anh ấy lạc lối khi còn trẻ. Anh ấy giải thích: “Có rất nhiều điều và mối quan hệ tốt lành tồn tại trong phúc âm, nhưng chỉ có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mới gìn giữ chứng ngôn của chúng ta”. “Cha tôi và tôi đều suy yếu đức tin trong một thời gian vì có nhiều câu hỏi khác nhau, nhưng đã quay trở lại khi chúng tôi đặt nền tảng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô hơn hết thảy mọi điều khác.”
Chủ Tịch Nelson đảm bảo rằng: “Đấng Cứu Rỗi không bao giờ ở gần anh chị em hơn khi anh chị em đang đương đầu hoặc khắc phục thử thách bằng đức tin.”7 Chính Chúa Giê Su đã hứa: “Ta ở cùng các ngươi luôn luôn cho đến ngày tận thế” (Ma Thi Ơ 28:20). Ngài sẽ đồng hành với chúng ta, yêu thương chúng ta “với sự yêu thương đời đời” (Giê Rê Mi 31:3), và ban cho chúng ta sự sống dồi dào hơn (xin xem Giăng 10:10). Những người sẵn lòng trồng hạt giống này sẽ thấy rằng ngay cả đức tin nhỏ bé của họ, qua Đấng Cứu Rỗi, cũng có thể trở thành “một cây lớn mạnh trong các người cho đến cuộc sống vĩnh viễn” (An Ma 33:23).
The post Podcast số 373 – Liahona tháng 3, 2024 – Gieo Lại Hạt Giống Đức Tin – Betsy VanDenBerghe appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.