Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 369 – Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ tháng 3, 2024 – Tại Sao Tôi Cần Chúa Giê Su Ky Tô – Tracy Y. Browning

June 10, 2024

Bài của Tracy Y. Browning, Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô



“Tại sao tôi cần Chúa Giê Su Ky Tô?” Đó là một câu hỏi quan trọng để tự hỏi chính mình—chứ không phải “tất cả” tập thể hoặc “chúng ta” trong gia đình các em. Nhưng, thật hả, “tôi” à. Câu trả lời của tôi cho câu hỏi đó là gì?



Câu trả lời tôi tìm thấy cho bản thân mình đến từ những hành động bởi đức tin của cá nhân; cố gắng hằng ngày để sống theo các giao ước của mình, kể cả giao ước báp têm; và học cách lắng nghe tiếng nói của Chúa qua Thánh Linh của Ngài. Và quan trọng nhất, điều đó tập trung vào mối quan hệ của tôi với Đấng Cứu Rỗi.



Một Mối Quan Hệ với Đấng Cứu Rỗi

Tôi có thể tự tin liệt kê những lý do khiến tôi cần cha mẹ hoặc những người bạn thân nhất của mình. Tôi đã nuôi dưỡng những mối quan hệ đó một cách thường xuyên. Giá trị của họ trong cuộc sống của tôi hiển hiện rõ ràng và vững vàng như thời gian và nỗ lực mà tôi đặt vào việc gần gũi với họ qua những điều đơn giản như những cuộc chuyện trò thường xuyên, tìm hiểu họ, và để cho sự khôn ngoan ngay chính của họ ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi.



Mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô có thể tuân theo một khuôn mẫu tương tự. Việc cầu nguyện hằng ngày lên Cha Thiên Thượng trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô là cần thiết. Việc tìm hiểu Đấng Cứu Rỗi bằng cách tra cứu thánh thư, đọc những lời của các vị tiên tri và sứ đồ, và lắng nghe Thánh Linh. Tôi làm sâu sắc thêm mối quan hệ đó khi tôi cho phép tất cả những gì tôi đang học ảnh hưởng đến cuộc sống và tính cách của tôi.



Ngoài ra, hãy xem xét kế hoạch cứu rỗi. Danh hiệu đó, “kế hoạch cứu rỗi,” ngụ ý rằng các em và tôi—tất cả mọi người—cần được cứu rỗi và rằng sự cứu rỗi là một phần của kế hoạch cho cuộc sống này. Chúng ta cần sự giúp đỡ và không thể tự cứu lấy mình.



Nhưng Thượng Đế đã gửi chúng ta đến thế gian với một lời hứa vĩnh cửu rằng Ngài sẽ ban cho một Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng sẽ vượt qua những trở ngại ngăn cách chúng ta khỏi sự hiện diện của Thượng Đế.1 Và khi chúng ta lập giao ước với Thượng Đế, Ngài hứa sẽ làm mọi điều Ngài có thể làm, mà không lấy đi khả năng lựa chọn của chúng ta, để giúp chúng ta giữ những lời hứa thiêng liêng của mình với Ngài.2



Tôi Cần Phải Biết Rằng Ngài Đã Hiểu

Tôi chịu phép báp têm khi tôi 16 tuổi và sống ở New York City. Thoạt đầu, tôi cảm thấy như mình đang dành rất nhiều thời gian để điều hướng giữa đức tin mới tìm thấy của mình, với mối quan hệ giao ước với Thượng Đế, và mối quan hệ của tôi với bạn bè.



Tôi đã lo lắng về việc không có bạn bè ở trường mà tôi có thể kết nối với họ. Nhưng bạn bè của tôi thường làm những việc mà tôi bắt đầu nhận ra là gây hại đến phần thuộc linh của tôi và không phù hợp với việc tôi mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô muốn tôi đưa ra những lựa chọn tốt hơn.



Điều tôi đã không biết là liệu Đấng Cứu Rỗi có hiểu được cảm giác mâu thuẫn của tôi như thế nào không. Mỗi ngày càng khó khăn hơn khi tôi được mời gọi làm những điều mà tôi biết là không tốt. Đôi khi tôi biện minh cho những điều đó là vô hại, nhưng tôi biết là tôi đang làm những điều tôi không nên làm.



Tôi cần phải biết rằng Đấng Cứu Rỗi hiểu là tôi cảm thấy cô đơn và tội lỗi như thế nào khi tôi thậm chí còn cân nhắc việc hạ thấp các tiêu chuẩn phúc âm để tôi có thể cảm thấy được thuộc vào bạn bè của mình. Tôi cảm thấy như mình đang chới với. Tôi cần được cứu. Tôi cần Chúa Giê Su Ky Tô.



Tôi cảm thấy như mình đang chới với. Tôi cần được cứu. Tôi cần Chúa Giê Su Ky Tô.



Khi Mối Quan Hệ của Tôi với Ngài Sâu Đậm Hơn

Mối quan hệ của tôi với Chúa Giê Su Ky Tô sâu đậm hơn khi tôi tự mình biết được lý do tại sao tôi cần Ngài. Đó là lúc tôi bắt đầu chuyển từ việc chỉ biết rằng tôi nên sống theo phúc âm sang việc hiểu lý do tại sao tôi muốn sống theo phúc âm và cầu xin sự giúp đỡ để làm điều đó. Tôi chỉ quỳ xuống và dâng hết lòng mình lên Thượng Đế, với hy vọng rằng Ngài quan tâm đến tôi và vấn đề của tôi, rằng kế hoạch cứu rỗi được thiết kế để giúp đỡ tôi, rằng ngay cả hạnh phúc của tôi cũng là một phần của kế hoạch.



Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy, “Một khi anh chị em và tôi lập giao ước với Thượng Đế, mối quan hệ của chúng ta với Ngài trở nên gần gũi hơn nhiều so với trước khi giao ước. … Nhờ giao ước của chúng ta với Thượng Đế, Ngài sẽ không bao giờ mệt mỏi trong những nỗ lực của Ngài để giúp chúng ta, và chúng ta sẽ không bao giờ làm cạn kiệt sự kiên nhẫn nhân từ của Ngài đối với chúng ta.”3



Tôi đã nói chuyện với Cha Thiên Thượng về việc tôi cảm thấy tội lỗi như thế nào, tôi đã không biết phải làm gì để tuân giữ được cả các tiêu chuẩn đạo đức và bạn bè của mình. Tôi thưa với Ngài rằng tôi đang cảm thấy đau khổ và đang rất cần sự giúp đỡ của Ngài.



Tôi bắt đầu cảm nghiệm được sự bình an trong lúc mình quỳ gối. Cảm giác bình an này đã giúp tôi hiểu rằng Đấng Cứu Rỗi thực sự đã biết cảm giác của tôi và rằng Ngài thực sự quan tâm—rất nhiều là đằng khác.



Khi lớn lên và có nhiều quan điểm hơn, tôi nhận ra rằng mỗi lần tôi đến với Thượng Đế để cầu xin sự giúp đỡ hoặc tha thứ, thì dường như theo một cách ẩn dụ tôi được chuyển đến Vườn Ghết Sê Ma Nê, nơi mà Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đang run rẩy trong sự đau đớn và bắt đầu chịu đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần vì những sai lầm và tội lỗi mà đã ngăn cách chúng ta khỏi Thượng Đế.4 Đó là một lời nhắc nhở rằng Ngài hiểu điều tôi đang trải qua—hiểu hơn bất cứ ai khác có thể hiểu được.



Không Đơn Độc

Khi tôi đứng dậy, Thánh Linh đã giúp tôi phân biệt một số điều và soi dẫn tôi làm những điều khác. Trước tiên, tôi nhớ ra rằng một trong những người bạn của tôi là tín đồ Hồi Giáo và không bao giờ được yêu cầu phải thỏa hiệp các tiêu chuẩn đạo đức của cô ấy vì chúng tôi tôn trọng đức tin của cô ấy và hiểu rằng có một số điều cô ấy sẽ không làm. Tôi cảm thấy được soi dẫn để chia sẻ đức tin mới của mình với bạn bè tôi để họ cũng có thể hiểu thêm về tôi và tại sao các tiêu chuẩn mới của tôi lại quan trọng đối với tôi.



Tôi bắt đầu từ việc nhỏ. Tôi đã kể cho một người bạn rằng tôi đã gặp khó khăn như thế nào. Cô ấy rất tử tế và tôn trọng. Cô ấy đã giúp đỡ khi tôi nói chuyện với những người bạn khác của mình. Không phải ai cũng hiểu, nhưng theo thời gian, tôi thấy họ lập ra những kế hoạch mà tôi có thể tham gia mà không vi phạm lời hứa của mình với Thượng Đế.



Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều có thể sử dụng nhiều sức mạnh hơn để chống lại ảnh hưởng thường xuyên của thế giới. Việc tuân giữ các giao ước giúp ích cho điều đó, và Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của các giao ước của chúng ta.5 Đây là điều mà tôi tự mình biết được—tại sao tôi cần Chúa Giê Su Ky Tô.



Việc trở về nhà với Thượng Đế không phải là điều mà tôi có thể tự mình làm được. Và sẽ có rất nhiều bước đi nhỏ mỗi ngày và kinh nghiệm hằng ngày mà tôi—và tất cả chúng ta—sẽ thực hiện trong chuyến hành trình trở về nhà này. Nhưng chúng ta được phước biết bao với tư cách là những người lập giao ước và tuân giữ giao ước rằng Thượng Đế “sẽ không bao giờ mệt mỏi trong những nỗ lực của Ngài để giúp chúng ta” cho đến khi chúng ta về được nhà.


The post Podcast số 369 – Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ tháng 3, 2024 – Tại Sao Tôi Cần Chúa Giê Su Ky Tô – Tracy Y. Browning appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.


loaded