Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 349 – Liahona tháng 1, 2024 – Đọc Chậm Rãi: Nhìn Thấy Đấng Cứu Rỗi trong Thánh Thư – Ted Barnes
Bài của Anh Ted Barnes làm việc trong chương trình Sự Phát Triển Chương Trình Giảng Dạy của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Michelangelo mất hơn một năm để tạo ra tác phẩm La Pietà, một bức tượng tuyệt đẹp mô tả việc Ma Ri đang ôm xác Chúa Giê Su sau khi Chúa Bị Đóng Đinh. Leonardo da Vinci còn mất nhiều thời gian hơn nữa, khoảng ba năm, để vẽ nên bức họa nổi tiếng của ông về Bữa Ăn Tối Cuối Cùng.
Các anh chị em có thể đoán xem một vị khách đến thăm một viện bảo tàng nghệ thuật phải—trung bình—mất bao lâu để xem mỗi tác phẩm nghệ thuật?
Câu trả lời là 17 giây, theo một nghiên cứu.1
Hãy tưởng tượng: 17 giây để nhìn vào một tác phẩm nghệ thuật mà người nghệ sĩ có thể đã dành ra nhiều năm để sáng tác.
Cũng dễ hiểu thôi. Có hàng trăm bức họa và tác phẩm điêu khắc trong một viện bảo tàng, và chúng ta là những người bận rộn. Vì vậy, chúng ta nhanh chóng lướt qua để được xem càng nhiều càng tốt. Thật trớ trêu thay, vì sợ bỏ lỡ một thứ gì đó, mà cuối cùng chúng ta đã bỏ lỡ chính mục đích của nghệ thuật—những cảm xúc và ý nghĩ mà các nghệ sĩ muốn chúng ta cảm nhận. Chúng ta lướt qua mỗi tác phẩm trong viện bảo tàng, nhưng chúng ta thực sự không nhìn thấy tác phẩm nào. Rồi chúng ta rời khỏi viện bảo tàng cảm thấy mệt mỏi và thiếu cảm hứng. Chúng ta thậm chí có thể tự hỏi người ta nhìn thấy điều gì trong nghệ thuật—có lẽ bị thuyết phục rằng nghệ thuật là dành cho những người có học thức cao, chứ không phải cho tất cả mọi người.
Nhìn Chậm Rãi
Để giải quyết vấn đề này, các viện bảo tàng nghệ thuật trên khắp thế giới đang khuyến khích khách tham quan thực hành một điều mà họ gọi là “nhìn chậm rãi.”2 Họ mời mọi người chọn một tác phẩm nghệ thuật trong viện bảo tàng, cảm thấy thoải mái và xem xét kỹ tác phẩm đó trong một lúc—từ 5 đến 10 phút. Hãy nhìn nhận tác phẩm đó từ những góc độ khác nhau. Bước lại gần để nhận thấy các chi tiết. Bước ra xa để nhìn thấy toàn bộ tác phẩm. Đôi khi, khách tham quan còn được mời không đọc tấm bảng diễn giải của viện bảo tàng nhằm phân tích tác phẩm nghệ thuật đó—ít nhất là cho đến khi họ đã có cơ hội đưa ra ý kiến và những khám phá riêng của mình.
Việc nhìn chậm rãi đã biến đổi kinh nghiệm tham quan viện bảo tàng nghệ thuật đối với nhiều người. Một số người chưa bao giờ tự coi mình là những người yêu nghệ thuật đã trở nên say mê nghệ thuật. Họ có thêm tự tin rằng họ có thể khám phá ra ý nghĩa trong bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào, và họ tìm thấy niềm vui trong sự khám phá của mình. Họ biết rằng họ không cần bằng đại học về lịch sử nghệ thuật để cảm nhận nghệ thuật; họ chỉ cần chậm lại và cho tác phẩm nghệ thuật một cơ hội để làm điều mà nó được sáng tạo ra để làm.
Các nguyên tắc tương tự cũng có thể áp dụng cho việc đọc thánh thư—ví dụ, cho việc học Sách Mặc Môn qua tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta trong năm nay không?
Chúng ta biết rằng Sách Mặc Môn, một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô, được viết ra với ý định củng cố đức tin của chúng ta nơi Đấng Cứu Rỗi (xin xem 1 Nê Phi 6:4). Chúng ta biết rằng sách này được viết bởi các vị tiên tri đầy soi dẫn của Thượng Đế, đặc biệt cho thời kỳ của chúng ta (ví dụ, xin xem Mặc Môn 8:35). Chúng ta biết rằng để viết ra Sách Mặc Môn, các vị tiên tri thời xưa đã đưa ra nhiều hy sinh cá nhân lớn lao. Chỉ riêng quá trình khắc chữ lên trên các bảng khắc bằng kim loại đã rất công phu và vất vả (xin xem Gia Cốp 4:1). Và nhiều người trong số họ đã liều mạng bảo tồn biên sử này để chúng ta có được nó ngày nay (xin xem Mặc Môn 6:6; Mô Rô Ni 1).
Tuy nhiên, đôi khi quá bận rộn, chúng ta vội vã đọc lướt qua Sách Mặc Môn. Có lẽ chúng ta đọc lướt qua một vài câu trong lúc ăn sáng hoặc trên đường đi làm việc. Chúng ta có thể nhìn lướt qua mỗi từ trong một chương, nhưng chúng không có ý nghĩa nhiều đối với chúng ta. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng đôi khi, chúng ta đóng sách hoặc ứng dụng lại mà vẫn không cảm thấy gì khác hơn lúc mình bắt đầu.
Đọc Chậm Rãi
Nếu một tác phẩm nghệ thuật đáng được đánh giá cao khi người ta nhìn nó một cách chậm rãi, thì có lẽ Sách Mặc Môn cũng đáng để được “đọc chậm rãi.” Điều đó không nhất thiết có nghĩa là việc học thánh thư của chúng ta phải mất nhiều thời gian hơn, chỉ để chúng ta có thêm lợi ích khi thay đổi nhịp độ. Thay vì vội vã kết thúc một chương, có lẽ việc học tập ngày hôm nay chỉ tập trung vào ba hoặc bốn câu thánh thư. Nhưng chúng ta thực sự đắm mình trong những câu đó. Chúng ta để ý đến các chi tiết, từ, và cụm từ. Chúng ta suy ngẫm lý do tại sao mỗi chi tiết có thể là quan trọng—nó có dạy cho tôi một điều gì đó về Đấng Cứu Rỗi không? Nó có làm gia tăng tình yêu thương của tôi dành cho Ngài và đức tin của tôi nơi Ngài không? Có điều gì Ngài muốn tôi biết không?
Việc đọc chậm rãi cho phép chúng ta nhận thấy những điều trong Sách Mặc Môn mà chúng ta sẽ không nhận thấy bằng cách khác. Quan trọng hơn hết, việc đó có thể giúp chúng ta nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi thường xuyên hơn trong sách này mà đã được viết ra để làm chứng về Ngài. Việc đọc chậm rãi là một cách để mở mang tầm mắt, tâm trí, và tấm lòng của chúng ta đến chứng ngôn mạnh mẽ của Sách Mặc Môn về Chúa Giê Su Ky Tô. Một tác phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng có thể làm thay đổi cuộc sống khi chúng ta dành thời gian để thực sự nhìn nhận nó. Trong một cách sâu xa hơn, việc nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi trong thánh thư có thể ảnh hưởng sâu sắc đến ý nghĩ và cảm nghĩ của chúng ta—và kết quả là ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.
Ví dụ, giả sử anh chị em đang đọc chương 1 của sách 1 Nê Phi. Anh chị em chú ý đến câu 6, nên anh chị em chậm lại và dừng ở đó một lúc. Anh chị em có thể chú tâm đến “cột lửa” mà Lê Hi thấy “xuất hiện trên phiến đá.” Đó là trạng thái bất thường đối với một ngọn lửa. Điều này có thể có nghĩa gì? Anh chị em có thể liên tưởng đến các cột lửa khác được đề cập trong thánh thư (các cước chú có thể giúp ích ở đây). Anh chị em có thể suy ngẫm lý do tại sao sự hiện diện của Chúa thường được so sánh với ngọn lửa. Việc này nói lên điều gì về Ngài? Ngài có bao giờ giống như một cột lửa trong cuộc sống của anh chị em không?
Có rất nhiều điều để suy nghĩ. Và anh chị em còn chưa hoàn tất câu thánh thư đó nữa.
Dĩ nhiên, việc đọc Sách Mặc Môn một cách nhanh chóng cũng có giá trị. Việc đó có thể giúp chúng ta biết toàn bộ cốt truyện và nhận ra các đề tài bao quát được lặp đi lặp lại. Nhưng có nhiều điều để học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô trong các chi tiết của Sách Mặc Môn, và đôi khi cách tốt nhất để thấy được những chi tiết đó là hãy đọc chậm lại và nhìn kỹ.
Nê Phi nói về những lời ông viết trong Sách Mặc Môn: “Những lời này … là những lời của Đấng Ky Tô, và Ngài đã ban những lời này cho tôi; và … Đấng Ky Tô sẽ chỉ cho các người thấy, với quyền năng và vinh quang lớn lao, rằng đây chính là những lời của Ngài” (2 Nê Phi 33:10–11). Anh chị em không cần phải là một độc giả xuất sắc mới có thể tìm thấy những lời của Đấng Cứu Rỗi trong Sách Mặc Môn. Anh chị em chỉ cần đọc chậm lại và cho Sách Mặc Môn một cơ hội để làm điều sách được viết ra để làm—xây đắp đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
The post Podcast số 349 – Liahona tháng 1, 2024 – Đọc Chậm Rãi: Nhìn Thấy Đấng Cứu Rỗi trong Thánh Thư – Ted Barnes appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.