Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 302 – Liahona tháng 3, 2008 – Chúng Tôi Làm Chứng về Chúa Giê Su Ky Tô – Gordon B. Hinckley (1910 – 2008)
Bài của Cựu Chủ Tịch Gordon B. Hinckley của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Cách đây hơn 2.000 năm, Đấng Cứu Chuộc của nhân loại sinh ra ở Bết Lê Hem của Giu Đê. Lúc còn sơ sinh, Ngài đã được mang đến đền thờ ở Giê Ru Sa Lem. Nơi đó Ma Ri và Giô Sép đã nghe được những lời tiên tri kỳ diệu của Si Mê Ôn và An Ne về hài nhi mà đã được tiền định là sẽ trở thành Đấng Cứu Thế.
Ngài đã sống hầu hết thời niên thiếu ở Na Xa Rét của Ga Li Lê, và khi 12 tuổi, Ngài được mang đến đền thờ một lần nữa. Ma Ri và Giô Sép thấy Ngài đang trò chuyện với những thầy thông thái, “vừa nghe vừa hỏi” (Bản Dịch Joseph Smith, Lu Ca 2:46).
Chúa Giê Su lớn lên và “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu Ca 2:52). Ngài được Giăng làm phép báp têm trong dòng sông Giô Đanh “cho trọn mọi việc công bình” (Ma Thi Ơ 3:15). Ngài nhịn ăn trong 40 ngày đêm và chịu đựng những cám dỗ của Sa Tan trước khi Ngài bắt đầu giáo vụ công khai của Ngài. Rồi Ngài đi giảng dạy, chữa bệnh và ban phước.
Đức Giê Hô Va Cao Trọng
Chúa Giê Su quả thật là Đức Giê Hô Va cao trọng của thời Cựu Ước, là Đấng đã rời cung điện hoàng gia của Đức Chúa Cha trên thiên thượng và hạ cố xuống thế gian làm một hài nhi trong hoàn cảnh hèn mọn nhất. Sự giáng sinh của Ngài đã được báo trước từ nhiều thế kỷ trước bởi Ê Sai, là người đã tiên tri rằng: “Có một con trẻ sinh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng, là Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời quyền năng, là Cha đời đời, là Chúa bình an” (Ê Sai 9:5).
Chính là Chúa Giê Su Ky Tô này là Đấng mà chúng ta trang trọng làm chứng, như Giăng Vị Mặc Khải đã nói: “Đấng làm chứng thành tín, sinh đầu nhứt từ trong kẻ chết và làm chúa của các vua trong thế gian.” Ngài “yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng” (Khải Huyền 1:5–6).
Đấng Cứu Thế
Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế Toàn Năng. Ngài là người toàn hảo độc nhất sống trên thế gian. Ngài chữa lành người bệnh và khiến cho người què đi được, người mù thấy được, người điếc nghe được. Ngài đã làm cho người chết sống lại. Tuy thế, Ngài đã chịu chết trong một hành động chuộc tội, tầm quan trọng của hành động này vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.
Lu Ca chép rằng nỗi đau đớn này lớn đến nỗi “mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu Ca 22:44), bằng chứng về nỗi đau đớn thuộc linh của Ngài cũng được xác nhận trong Sách Mặc Môn lẫn Giáo Lý và Giao Ước (xin xem Mô Si A 3:7; GLGƯ 19:18). Nỗi đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự ở Đồi Sọ, chỉ cách Vuờn Ghết Sê Ma Nê vài trăm thước, về phần thể xác lẫn thuộc linh, gồm có “những cám dỗ, … nỗi đau đớn, … sự đói khát, sự mệt nhọc, ngay cả hơn những gì loài người có thể chịu đựng được, trừ cái chết” (Mô Si A 3:7), Vua Bên Gia Min nói.
Tiếp theo nỗi thống khổ ở Vườn Ghết Sê Ma Nê là sự bắt giữ, xử án, kết tội Ngài, rồi nỗi đau đớn không thể tả xiết của cái chết Ngài trên cây thập tự, và sau đó là sự chôn cất Ngài trong huyệt một của Joseph và sự bước ra đầy đắc thắng trong Sự Phục Sinh. Ngài, hài nhi hèn mọn của thành Bết Lê Hem là Đấng đã bước đi trên những con đường bụi bậm của Đất Thánh cách đây hai ngàn năm, đã trở thành Chúa Vạn Năng, Vua của các vua, Đấng ban sự cứu rỗi cho tất cả mọi người. Không một ai có thể thấu hiểu vẻ rực rỡ của cuộc sống Ngài, vẻ uy nghi của cái chết của Ngài, tính chất bao quát của ân tứ của Ngài dành cho nhân loại. Chúng tôi dứt khoát tuyên bố với người cai đội mà đã nói vào lúc Ngài chết: “Người này quả thật là Con Đức Chúa Trời” (Mác 15:39).
Chúa Hằng Sống của Chúng Ta
Đó là lời chứng về thánh thư của Cựu Thế Giới, Kinh Thánh. Và có một tiếng nói khác nữa, đó là tiếng nói của thánh thư của Tân Thế Giới, Sách Mặc Môn. Trong thánh thư đó, Đức Chúa Cha đã giới thiệu Con Trai phục sinh của Ngài, bằng cách phán rằng: “Này, đây là Con Trai Yêu Dấu của ta, người mà ta rất hài lòng, và nơi ngươi ta đã làm sáng danh ta” (3 Nê Phi 11:7). Lời giới thiệu thiêng liêng này khởi đầu câu chuyện về giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi ở giữa các “chiên khác” (Giăng 10:16) của Ngài sau khi Ngài thăng lên trời từ Giê Ru Sa Lem. Sứ điệp trong suốt Sách Mặc Môn về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô và về các phước lành vĩnh cửu có thể đến với tất cả các con trai và các con gái của Thượng Đế qua tình yêu thương cứu chuộc của Ngài. Một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã nói:
“Vì chúng tôi cố gắng cần mẫn viết ra để thuyết phục con cháu chúng ta, và luôn cả các anh em chúng ta nữa, để họ biết tin vào Đấng Ky Tô, và để hòa hiệp với Thượng Đế; vì chúng tôi biết rằng nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm… .
“Và chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:23, 26).
Thêm vào tất cả những điều này là lời tuyên bố của các vị tiên tri thời hiện đại: “Sau bao nhiêu chứng ngôn mà đã được nói về Ngài, thì đây là chứng ngôn, gần đây nhất trong tất cả các chứng ngôn, mà chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống!” (GLGƯ 76:22). Trong sách Giáo Lý và Giao Ước, Ngài đã làm chứng rõ ràng về vai trò thiêng liêng của Ngài: “Ta là An Pha và Ô Mê Ga, là Đấng Ky Tô, là Chúa; phải, chính ta là ban đầu và cuối cùng, là Đấng Cứu Chuộc thế gian” (GLGƯ 19:1).
Chúng ta thấy ở Ngài không những là Đức Thầy và Đấng Chăn Lành của chúng ta mà còn là Đấng Gương Mẫu vĩ đại của chúng ta, là Đấng đã phán bảo với chúng ta: “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, … hãy đến mà theo ta” (Ma Thi Ơ 19:21).
Nền Tảng
Ngài là nền tảng chính yếu của Giáo Hội mang danh Ngài, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Không có một danh nào khác được ban cho loài người mà qua đó chúng ta có thể được cứu (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12). Ngài là Tác Giả của sự cứu rỗi của chúng ta, Đấng ban cho cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Hê Bơ Rơ 5:9). Không có và chưa từng có và sẽ không có điều gì ngang bằng với Ngài. Xin cảm tạ Thượng Đế về sự ban cho Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, là Đấng đã phó mạng mình để chúng ta có thể sống và là nền tảng chính yếu, vững vàng của đức tin chúng ta và Giáo Hội của Ngài.
Trọng Tâm của Đức Tin Chúng Ta
Chúng ta không biết tất cả những điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta. Chúng ta sống trong một thế giới luôn thay đổi. Một số người sẽ đạt được những thành tích vẻ vang. Một số người khác sẽ gặp thất vọng. Một số người khác sẽ có nhiều niềm hân hoan và sung sướng, sức khỏe dồi dào, và cuộc sống tiện nghi xa hoa. Đối với những người khác thì có lẽ là sự đau ốm và một mức độ đau khổ. Chúng ta không biết. Nhưng có một điều chúng ta biết chắc. Giống như ngôi sao Bắc Đẩu trên các tầng trời, bất luận tương lai như thế nào, chắc chắn là có Đấng Cứu Thế, Vị Nam Tử của Thượng Đế, là nguồn nương tựa của cuộc sống bất diệt của chúng ta. Ngài là đá cứu rỗi, sức mạnh, sự an ủi, trọng tâm chính của đức tin chúng ta.
Trong những lúc thăng trầm, chúng ta tìm đến Ngài, và Ngài hiện diện nơi đó để bảo đảm và mỉm cười với chúng ta.
Ngài là trung tâm điểm của sự thờ phượng của chúng ta. Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, Con Đầu Lòng của Đức Chúa Cha, Con Độc Sinh trong xác thịtt. Ngài “đã từ kẻ chết sống lại, trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (1 Cô Rinh Tô 15:20). Ngài là Chúa sẽ tái lâm “xuống trị vì dân Ngài trên thế gian này” (GLGƯ 76:63; xin xem thêm Mi Chê 4:7; Khải Huyền 11:15).
Không có một ai cao trọng như vậy đã từng sống trên thế gian. Không một ai đã có một sự hy sinh hoặc ban cho một phước lành mà có thể sánh được. Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Thế. Tôi tin nơi Ngài. Tôi tuyên bố về thiên tính của Ngài mà không có sự mập mờ hay dung hòa. Tôi yêu thương Ngài. Tôi nói đến danh của Chúa Giê Su Ky Tô trong sự kính cẩn và thần phục. Ngài là Vua, Chúa, Đức Thầy của chúng ta, Đấng Ky Tô hằng sống, là Đấng đứng bên tay phải của Đức Chúa Cha. Ngài hằng sống! Ngài hằng sống, rực rỡ hào quang và kỳ diệu, Vị Nam Tử hằng sống của Thượng Đế hằng sống.
The post Podcast số 302 – Liahona tháng 3, 2008 – Chúng Tôi Làm Chứng về Chúa Giê Su Ky Tô – Gordon B. Hinckley (1910 – 2008) appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.