Phúc Âm Trọn Vẹn

Phúc Âm Trọn Vẹn


Podcast số 300 – Liahona tháng 3, 2008 – Đức Tin Nơi Chúa Giê Su Ky Tô – Russell M. Nelson

October 12, 2023

Bài của Chủ Tịch Russell M. Nelson của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô



Con đường dài của tôi để trở thành một bác sĩ y khoa chỉ mới bắt đầu. Sau đó là những năm làm việc trong bệnh viện, nghiên cứu, huấn luyện chuyên môn và những kỳ thi chứng nhận. Rồi tiếp theo là nhiều năm giảng dạy, phục vụ, và những thử thách của lĩnh vực mới mẻ đang phát triển về phẫu thuật tim mở ngỏ, tất cả những điều này mang đến cho tôi một lòng kính trọng sâu xa về cấu trúc và chức năng của cơ thể con người. Tôi tin rằng sự sáng tạo đó là thiêng liêng.



Cơ Thể Con Người Phi Thường

Hãy nghĩ đến nguồn gốc của cơ thể con người. Nó bắt đầu với sự kết hợp của hai tế bào sinh sản—một là từ người mẹ và một là từ người cha. Hai tế bào này cùng chứa đựng tất cả những chi tiết di truyền của một cơ thể mới, được giữ trong một nơi rất nhỏ đến nỗi mắt thường không thể nhìn thấy được. Hai mươi ba nhiễm sắc thể của mỗi người cha và người mẹ kết hợp lại thành một tế bào mới. Những nhiễm sắc thể này chứa đựng hằng ngàn gien định rõ đặc điểm của cơ thể bào thai. Khoảng 22 ngày sau khi những tế bào này kết hợp với nhau, một trái tim nhỏ bé bắt đầu đập. Khi được 26 ngày, máu bắt đầu lưu thông. Các tế bào sinh sôi nẩy nở và phân chia ra. Một số tế bào trở thành mắt để thấy; một số khác trở thành tai để nghe hoặc các ngón tay để sờ những đồ vật kỳ diệu chung quanh chúng ta.



Mỗi bộ phận là một sự sáng tạo kỳ diệu. Mắt có thủy tinh thể tự điều chỉnh tiêu điểm. Dây thần kinh và cơ cho phép hai đôi mắt tạo ra một hình ảnh có ba chiều. Tai đổi sóng âm thành tiếng có thể nghe rõ trong óc.



Tim có bốn van mỏng để điều khiển lưu lượng của máu. Các van này đóng và mở hơn 100.000 lần một ngày—36 triệu lần một năm. Trừ phi bị bệnh, chúng có khả năng chịu đựng tình trạng căng thẳng này hầu như bất tận. Không có một thứ gì do con người làm ra mà có thể co giãn thường xuyên và lâu dài như vậy mà không bị hư hỏng. Mỗi ngày, trái tim của người lớn bơm đủ chất lỏng để làm đầy một cái thùng có sức chứa 7.570 lít. Ở phía trên của trái tim là một nguồn điện phát năng lượng xuống những đường dây đặc biệt, khiến cho vô số bắp cơ hoạt động cùng với nhau.



Hãy nghĩ đến những hệ thống phòng bị để hỗ trợ cho cơ thể. Mỗi cặp bộ phận có sẵn một hệ thống phòng bị để hỗ trợ khẩn cấp từ cặp bộ phận khác. Các bộ phận đơn, như não, tim, và gan được hai đường máu tiếp tế nuôi dưỡng. Điều này bảo vệ bộ phận nếu lưu lượng máu có bị ngăn chặn qua một trong hai đường đó.



Hãy nghĩ về khả năng tự bảo vệ của cơ thể. Để tự bảo vệ khỏi bị tổn hại, cơ thể thấy đau. Để phản ứng với sự nhiễm trùng, cơ thể tạo ra những chất kháng thể. Các chất này không những giúp cơ thể chống lại vấn đề trước mắt mà còn tiếp tục chống lại bất cứ sự nhiễm trùng nào trong tương lai.



Hãy nghĩ về cách mà cơ thể tự chữa. Những cái xương bị gãy được liền lại và trở nên mạnh mẽ trở lại. Da bị rách tự làm lành lại. Một chỗ thủng trong khi máu lưu thông có thể tự hàn lại. Cơ thể tự tái tạo những tế bào cũ của mình.



Cơ thể điều hòa những bộ phận thiết yếu của nó. Mức độ của các bộ phận và các phần tử thiết yếu của cơ thể được điều chỉnh liên tục. Và mặc dù có những thay đổi lên xuống bất thường trong nhiệt độ của môi trường, nhiệt độ của cơ thể được điều chỉnh kỹ lưỡng trong giới hạn chặt chẽ.



Qua những năm kinh nghiệm, tôi đã biết được rằng sự chữa lành chỉ xảy ra khi tất cả các luật pháp liên quan đến phước lành đó được tuân theo.1 Cấu trúc và chức năng của cơ thể đều được luật pháp chi phối. Một câu thánh thư đã nói như vậy: “Mọi vương quốc đều được ban cho một luật pháp; và mỗi luật pháp cũng đều có những giới hạn và những điều kiện.”2



Các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực đã quan sát những sự biểu hiện tương tự về luật pháp và trật tự, dù là việc đoán trước những đợt sóng, những tuần trăng, hoặc vị trí của các vì sao trên trời. Luật pháp và trật tự như vậy củng cố tất cả mọi sự sáng tạo. Các luật pháp đó có thể khám phá và định rõ được. Những kết quả của chúng có thể đo lường được. Trật tự như vậy làm chứng về một Đấng Sáng Tạo Tối Cao.3



Mặt khác, vấn đề đức tin, không thể đo lường được. Nhưng sự tương quan của đức tin nơi Thượng Đế với luật pháp và trật tự của vũ trụ đã được mặc khải trong thánh thư:



“[Thượng Đế] đã ban luật pháp cho tất cả mọi vật, nhờ đó mà chúng di động được trong thời gian và thời kỳ của chúng;



“Và tiến trình của chúng được cố định, ngay cả tiến trình của các tầng trời và trái đất, mà nó bao gồm trái đất và tất cả các hành tinh… .



“Này, tất cả những thứ ngày đều là các vương quốc, và bất cứ kẻ nào đã trông thấy bất cứ một vương quốc hay một phần nhỏ nhất nào của những vương quốc này thì đã trông thấy Thượng Đế vận hành trong vẻ uy nghi và quyền năng của Ngài.”4



Tính Chất Thiêng Liêng của Sự Sáng Tạo

Thánh thư nói rằng trời, đất và vạn vật trên trái đất đều được Chúa sáng tạo.5 Thánh thư cũng giúp chúng ta biết thêm về sự chung phần cộng tác của Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, trong Sự Sáng Tạo. Những lời đầu tiên trong Kinh Thánh là: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất,”6 và, “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.”7 Sách Áp Ra Ham dạy rằng “các Thượng Đế đi xuống làm nên loài người theo hình ảnh của các Ngài, các Ngài tạo dựng loài người, người nam cùng người nữ, theo hình ảnh của họ.”8



Thánh thư chép lại những ý nghĩ của Cha Thiên Thượng đối với Vị Nam Tử yêu dấu của Ngài và đối với mỗi con người: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”9



Sách Giăng bắt đầu với câu này:



“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.



“Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời.



“Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.”10



Câu thánh thư này chỉ rõ rằng Ngôi Lời11 của Thượng Đế là Chúa Giê Su Ky Tô—Đấng đại diện riêng của Thượng Đế trong việc điều khiển vũ trụ này và Đấng Sáng Tạo tất cả cuộc sống.



Sự kiện này được xác nhận cho Môi Se bởi Cha Thiên Thượng là Đấng đã phán:



“Và bằng lời nói của quyền năng ta, ta đã sáng tạo ra chúng, đó là Con Độc Sinh của ta, là Đấng đầy ân điển và lẽ thật.



“Và ta đã sáng tạo ra vô số thế giới; và ta cũng sáng tạo ra chúng vì mục đích riêng của ta; và ta sáng tạo ra chúng qua Vị Nam Tử, tức là Con Độc Sinh của ta.”12



Nhiều thánh thư khác cũng xác nhận rằng, dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Cha, Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Sáng Tạo.13 Một chứng ngôn đầy sức thuyết phục nhất của Ngài là: “Này, ta là Giê Su Ky Tô, Con của Thượng Đế. Ta đã tạo dựng trời đất cùng tất cả vạn vật trong đó. Ta ở cùng Đức Chúa Cha từ lúc ban đầu.”14



Động Lực của Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Một người muốn chấp nhận khái niệm đó thì cần có đức tin năng động. Đức tin là nền tảng của chứng ngôn cá nhân. Các nguyên tắc đầu tiên của phúc âm bắt đầu với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.15 Phao Lô đã nói rằng “đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.”16 Ông nài xin “rằng Đấng Ky Tô nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, mà hiểu thấu … và được biết sự yêu thương của Đấng Ky Tô.”17 Phao Lô khẩn nài chúng ta “thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời.”18



Chúng ta học được từ Sách Mặc Môn rằng “chúng ta được làm cho sống lại trong Đấng Ky Tô nhờ đức tin của chúng ta … Và [chúng ta] nói về Đấng Ky Tô, [chúng ta] hoan hỷ về Đấng Ky Tô, [chúng ta] thuyết giảng về Đấng Ky Tô, [chúng ta] tiên tri về Đấng Ky Tô, và [chúng ta] viết theo những điều tiên tri của [chúng ta], để cho con cháu của chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn của tội lỗi của chúng.”19



Các phước lành phát sinh từ đức tin nơi Ngài cũng được mặc khải trong Sách Mặc Môn. Chúng ta đọc từ sách đó: “Các người phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sáng lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.”20 Đó là “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.”21



Đức tin năng động nơi Chúa dẫn đến sự cải đạo trọn vẹn và một sự cam kết hoàn toàn đối với công việc thánh của Ngài. Chúng ta trở thành con cái của giao ước; chúng ta trở thành con cái của Ngài. Thánh thư xác nhận như vậy: “Và giờ đây, nhờ giao ước mà các người đã lập, các người sẽ được gọi là con cái của Đấng Ky Tô, các con trai và con gái của Ngài; vì này, hôm nay, Ngài đã sinh ra các người theo thể thuộc linh; vì các người có nói rằng, lòng các người đã thấy thay đổi nhờ có đức tin nơi danh Ngài; vậy nên, các người được Ngài sinh ra và đã trở thành các con trai và con gái của Ngài.”22



Đức tin năng động nơi Chúa mang đến sự cải đạo, một sự thay đổi lớn lao trong lòng,23 một sự thay đổi trong lối suy nghĩ, từ những đường lối của thế gian thành những đường lối của Thượng Đế. Nó khiến cho một người phải hối cải “một cách hết lòng.”24 An Ma nói thêm: “Hãy thuyết giảng cho họ biết hối cải và có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô; hãy dạy họ biết hạ mình, nhu mì và khiêm tốn trong lòng; hãy dạy họ biết chống lại mọi cám dỗ của quỷ dữ, với đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô.”25



Sách Mặc Môn hiện hữu, một phần, nhằm thuyết phục dân Do Thái và dân Ngoại rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế vĩnh cửu.26 Những người đọc Sách Mặc Môn và cầu vấn trong đức tin xem sách ấy có phải là chân chính không, thì nhận được một chứng ngôn về sự chân chính của sách. Họ cũng “biết được rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, rằng Joseph Smith là vị mặc khải và tiên tri của Ngài trong những ngày sau cùng này.”27



Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô: Thiết Yếu đối với Sự Cứu Rỗi và Sự Tôn Cao

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô không những mang đến các phước lành trong cuộc sống này, mà còn thiết yếu đối với sự cứu rỗi vĩnh cửu và sự tôn cao của chúng ta. Thánh thư nói rằng: “Tất cả mọi người đều cần phải hối cải, và tin nơi danh Chúa Giê Su Ky Tô, và thờ phượng Đức Chúa Cha trong danh Ngài, và kiên trì trong đức tin nơi danh Ngài cho đến cùng, bằng không thì họ không được cứu rỗi trong vương quốc của Thượng Đế.”28 Chúa cũng bắt các bậc cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con cái của họ có “đức tin nơi Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống.”29



Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế Hằng Sống. Ngài là Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta,30 Đấng Biện Hộ với Đức Chúa Cha,31 Đấng Giải Thoát,32 và Đức Giê Hô Va của thời Cựu Ước.33 Ngài là Đấng Em Ma Nu Ên đã được hứa,34 Đấng Mê Si đã được xức dầu,35 và Đấng Gương Mẫu toàn hảo của chúng ta.36 Một ngày nào đó, Ngài sẽ trở lại trị vì và thống trị với tư cách là Vua của các vua và Chúa muôn quân.37 Cuối cùng, mỗi người chúng ta sẽ đứng trước Ngài vào ngày phán xét.38 Tôi cầu nguyện cho mỗi người chúng ta rằng đức tin cá nhân của chúng ta nơi Ngài sẽ được chấp nhận.




The post Podcast số 300 – Liahona tháng 3, 2008 – Đức Tin Nơi Chúa Giê Su Ky Tô – Russell M. Nelson appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.