Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 298 – Liahona tháng 3, 2008 – Chúng Tôi Tin
Đây là những câu trả lời ngắn cho một số câu hỏi mà các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô thường được hỏi.
Các Thánh Hữu Ngày Sau tin điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô? Ngài có thật sự phục sinh từ cõi chết không? Ngài sẽ tái lâm trên thế gian trong vinh quang không? Ân điển của Ngài có cần thiết cho một người được cứu rỗi không?
Đây là một vài câu hỏi mà người ta thường đặt ra khi họ thấy Giáo Hội hoặc các tín hữu của Giáo Hội lần đầu. Khi trả lời những câu hỏi này, các tín hữu cần phải chuẩn bị trước và chủ yếu là phải nghe theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Nhưng những câu trả lời ngắn tiếp theo có thể cung ứng chất liệu để cân nhắc khi chúng ta cố gắng trình bày những câu hỏi rõ ràng.
Bạn có tin vào Chúa Giê Su Ky Tô lịch sử là Đấng đã sống và giảng dạy ở Đất Thánh, như đã được chép trong Kinh Thánh không?
Có. Chúng tôi tin rằng Chúa Giê Su do Ma Ri sinh ra, đã thuyết giảng ở Đất Thánh trong suốt thời gian giáo vụ khoảng ba năm, đã chết trên cây thập tự, và được phục sinh từ cõi chết, y như các vị tiên tri đã báo trước nhiều thế kỷ trước khi Ngài giáng thế (chẳng hạn, xin xem, Sáng Thế Ký 49:10; Thi Thiên 2:6–7; 22:16õ18; 118:22; Ê Sai 7:14; Mi Chê 5:2). Chúng tôi tin rằng Ngài chịu đau đớn và chuộc tội lỗi của tất cả nhân loại, làm cho sự hối cải và sự tha thứ có thể thực hiện được (xin xem Ê Sai 53:4–6). Chúng tôi tin rằng Ngài đã khắc phục cái chết và rằng qua quyền năng của Ngài, mọi người có thể được phục sinh với thể xác (xin xem Rô Ma 6:5; 8:11). Chúng tôi tin rằng qua sự tuân theo các nguyên tắc phúc âm của Ngài, mỗi người con trai và con gái của Thượng Đế đến thế gian đều có thể đạt được sự cứu rỗi và trở về sống với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài trong vương quốc của hai Ngài trên thiên thượng (xin xem 1 Phi E Rơ 3:18; Những Tín Điều 1:3).
Bạn có tin rằng Chúa đã thật sự phục sinh từ cõi chết không?
Có. Như Các Sứ Đồ của Ngài đã làm chứng trong Kinh Thánh, Chúa Giê Su Ky Tô được hằng trăm nhân chứng nhìn thấy trong thể xác phục sinh của Ngài (xin xem Lu Ca 24:39; Giăng 20:20; 1 Cô Rinh Tô 15:3–8). Là một Đấng phục sinh, Ngài đã phục sự hằng ngàn “chiên khác” (Giăng 10:16) của Ngài ở Mỹ Châu, cho họ thấy những vết thương ở tay chân và hông Ngài và giảng dạy họ trong nhiều ngày (xin xem 3 Nê Phi 11–28).
Cha Ngài và Ngài đã hiện đến vào năm 1820 cùng Joseph Smith Jr. Chúa đã chỉ thị cho vị tiên tri trẻ tuổi này phải phục hồi Giáo Hội và phúc âm của Ngài vì Giáo Hội và phúc âm này đã bị thay đổi để chứa đựng triết lý của loài người sau cái chết của Các Vị Sứ Đồ thời xưa. Joseph Smith và một trong những người cộng sự của ông đã đưa ra lời chứng này về Chúa Giê Su Ky Tô vào năm 1832: “Ngài hằng sống! Vì chúng tôi đã thấy Ngài ở bên tay phải của Thượng Đế. Chúng tôi đã nghe được tiếng nói làm chứng rằng Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha” (GLGƯ 76:22–23).
Bạn có tin rằng Ngài sẽ tái lâm trên thế gian trong vinh quang không?
Có. Như thánh thư làm chứng: “Giê Su này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài trên trời vậy” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:11). “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống, đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất” (Gióp 19:25). “Ngài từ các đám mây trên trời xuống trị vì dân Ngài trên thế gian này” (GLGƯ 76:63).
Hơn nữa, chúng tôi tin rằng nhờ vào Sự Phục Sinh của Ngài, mà chúng ta cũng sẽ nhận được thể xác lần nữa: “Sau khi da tôi, tức xác thịt này, đã bị tan nát, bây giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời” (Gióp 19:26). “Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người đều sẽ sống lại” (1 Cô Rinh Tô 15:22). “Cái chết của Đấng Ky Tô sẽ cởi bỏ những dây trói buộc của cái chết thể chất này, để mọi người có thể sống lại từ cái chết thể chất này. Linh hồn và thể xác sẽ được kết hợp lại trong hình thể toàn hảo của nó” (An Ma 11:42–43).
Bạn có tin rằng ân điển của Ngài là cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta chăng?
Tất nhiên rồi. Nếu không có ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô, thì không một ai có thể được cứu hoặc nhận được các phước lành vĩnh cửu (xin xem Rô Ma 3:23–24). Nhờ vào ân điển của Ngài, tất cả đều sẽ được phục sinh và tất cả những người tin và noi theo Ngài đều có thể có được cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Giăng 3:15). Ngoài ra, nhờ vào ân điển của Ngài, mối quan hệ thiêng liêng của chúng ta đối với những người phối ngẫu và gia đình có thể tiếp tục suốt thời vĩnh cửu (xin xem Ma Thi Ơ 16:19; 1 Cô Rinh Tô 11:11; GLGƯ 132:19). Các phước lành vĩnh cửu này là các ân tứ của Ngài ban cho chúng ta; không có một điều gì chúng ta có thể tự mình làm mà xứng đáng để nhận được các phước lành này.
Tuy nhiên, thánh thư nói rõ rằng chúng ta nhận được các phước lành trọn vẹn của ân điển của Ngài qua đức tin và sự tuân theo các lời giảng dạy của Ngài. Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng chúng ta không thể tự cứu lấy mình; mà chúng ta cần ân điển của Chúa: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu; điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sợ ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê Phê Sô 2:8–10).
Gia Cơ giải thích: “Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sinh ra việc làm, thì tự mình nó chết… . Nhân đó anh em biết người ta cậy việc làm được xưng công bình, chớ chẳng những là cậy đức tin mà thôi” (Gia Cơ 2:17, 24). Vì thế, Đấng Cứu Rỗi đã có thể bảo người thanh niên giàu có mà đã biết vâng lời và mong muốn cuộc sống vĩnh cửu rằng vẫn còn phải làm thêm nữa (xin xem Ma Thi Ơ 19:16–22; Lu Ca 18:18–23). Các Thánh Hữu Ngày Sau tin rằng ân điển của Đấng Ky Tô nới rộng một cách dồi dào đến những người tin nơi Đấng Ky Tô và làm những công việc mà Ngài đã dạy: “Chúng tôi biết rằng nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Mặc dù các công việc thiện của chúng ta không thể tẩy sạch tội lỗi của chúng ta, nhưng chúng cũng cho thấy sự chân thật của đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự trung tín của chúng ta với con đường Ngài đã đi.
Bạn có tin rằng bằng cách nào đó Joseph Smith cũng quan trọng như Chúa Giê Su Ky Tô trong việc giúp cứu rỗi con người không?
Không. Joseph Smith là một vị tiên tri rất quan trọng đối với lịch sử của nhân loại. Công việc mà ông làm dưới sự hướng dẫn thiêng liêng mang đến cho thế gian các phước lành và sự hiểu biết mà đã được ban cho các vị tiên tri của Thượng Đế và các tín đồ của họ trong thời Cựu Ước và Tân Ước nhưng đã bị thất lạc. Joseph Smith, giống như các vị tiên tri thời xưa đó, là một tôi tớ của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng đã dạy rằng sự cứu rỗi và tất cả các phước lành vĩnh cửu chỉ có thể đến qua Đấng Cứu Rỗi mà thôi: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Sứ Đồ và Các Vị Tiên Tri, về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác mà liên quan đến tôn giáo thì chỉ là phụ thuộc vào chứng ngôn ấy mà thôi.”1 Vào một dịp khác, Vị Tiên Tri đã dạy: “Khi chúng ta suy ngẫm về sự thiêng liêng và sự toàn hảo của Đức Thầy cao trọng của chúng ta là Đấng đã mở con đường mà nhờ đó chúng ta có thể đến cùng Ngài, chính là sự hy sinh mạng sống của Ngài, thì lòng chúng ta xúc động tột cùng vì sự hạ cố của Ngài.”2
The post Podcast số 298 – Liahona tháng 3, 2008 – Chúng Tôi Tin appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.