Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 328 – Liahona tháng 10, 2014 – Bắp Cải Được Chạm Khắc từ Miếng Ngọc Bích – Ellen C. Jensen
Bài của chị Ellen C. Jensen, một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tại Utah, Hoa Kỳ
Trong khi tôi phục vụ truyền giáo ở Đài Loan, người bạn đồng hành của tôi và tôi đã dành ra một ít thời gian trong một ngày chuẩn bị ở Viện Bảo Tàng Cung Điện Quốc Gia tại Đài Bắc. Điều hấp dẫn chủ yếu là một tác phẩm nghệ thuật tên là Bắp Cải Được Chạm Khắc từ Miếng Ngọc Bích. Vì vậy, có rất nhiều người đã say mê ngắm nhìn tác phẩm đó, nhưng tôi thì chỉ thấy đó là một cái bắp cải được chạm khắc từ ngọc bích. Chắc chắn là nó rất đẹp nhưng chắc hẳn có một điều gì đó mà tôi không thấy được.
Khi chúng tôi đi tham quan xong viện bảo tàng, tôi hỏi người bạn đồng hành của tôi: “Chị nghĩ gì về tác phẩm Bắp Cải Được Chạm Khắc từ Miếng Ngọc Bích?”
“Tôi thích tác phẩm nghệ thuật đó!”
Tôi hỏi: “Tại sao?” “Nó chỉ là một cái bắp cải thôi.”
“Chị có nói đùa không đấy? Chị ấy kêu lên: Bắp Cải Được Chạm Khắc từ Miếng Ngọc Bích là một phép ẩn dụ cho cuộc sống của tôi đấy!”
“Cái bắp cải à?”
“Vâng! Chị không biết câu chuyện này sao?”
“Hiển nhiên là không rồi.”
Chị ấy kể cho tôi nghe câu chuyện đó. Và chị ấy đã nói đúng. Tác phẩm đó đã trở thành một ẩn dụ cho công việc truyền giáo và cuộc sống của tôi.
Để việc chạm khắc từ miếng ngọc bích có giá trị lớn, thì miếng ngọc bích phải có cùng một màu. Những miếng chạm khắc từ ngọc bích hoàn hảo được bán với giá cao vì gần như không thể tìm thấy được miếng ngọc bích nào hoàn hảo. Bắp Cải Được Chạm Khắc từ Miếng Ngọc Bích có màu xanh lá cây ở một đầu và màu trắng ở đầu kia, và nó có những vết nứt và gợn vân. Không có một người thợ điêu khắc lành nghề nào muốn lãng phí thời giờ cho một miếng ngọc bích như vậy, cho đến khi có một người xuất hiện, người Trung Quốc gọi người này là nhà điêu khắc bậc thầy.
Nếu miếng ngọc bích này có thể nói được thì tôi có thể tưởng tượng ra cuộc trò chuyện giữa miếng ngọc bích với nhà điêu khắc mới này. Tôi tưởng tượng rằng nhà điêu khắc nhặt miếng ngọc bích lên.
Miếng ngọc bích sẽ hỏi: “Ông muốn gì?”
Nhà điêu khắc sẽ nói: “Ta đang tìm kiếm ngọc để chạm khắc.”
“Thì hãy tìm một miếng khác đi. Tôi không có giá trị. Tôi có hai màu sắc khác biệt quyện chặt với nhau đến nỗi ông sẽ không bao giờ tách rời chúng ra được. Tôi có các vết nứt và những gợn vân. Tôi sẽ không bao giờ có giá trị gì cả. Đừng lãng phí thời giờ của ông.”
“Miếng ngọc bích ngớ ngẩn ơi. Hãy tin tưởng ta. Ta là một nhà điêu khắc bậc thầy. Ta sẽ biến ngươi thành một kiệt tác.”
Điều làm cho Bắp Cải Được Chạm Khắc từ Miếng Ngọc Bích tuyệt vời như vậy là nhờ nhà điêu khắc bậc thầy vô danh này đã sử dụng yếu điểm của ngọc bích—hai màu, các vết nứt, và những gợn vân—để làm cho bắp cải càng giống thật hơn. Phần màu trắng mờ đục đã trở thành thân của bắp cải, và các vết nứt và những gợn vân làm cho lá bắp cải trông như thật. Nếu không có “những yếu điểm” của miếng ngọc bích này, thì nó có thể không giống như thật được.
Vì vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật này, nên nó đã trở thành một món quà tặng cho một trong những người trong hoàng gia ở Trung Quốc và được trang trí cho các phòng họp của cung điện châu Á tuyệt đẹp cho đến khi cuối cùng nó được để vào viện bảo tàng tại Đài Loan.
Điều này nhắc nhở tôi về Ê The 12:27: “Và nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ. … Và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ. Nếu con người đến với tôi, tôi sẽ cho họ thấy sự yếu kém của họ.”
Sau khi tôi đã thấy Bắp Cải Được Chạm Khắc từ Miếng Ngọc Bích, thì câu thánh thư này bắt đầu có ý nghĩa mới đối với tôi. Chúng ta đều giống như miếng ngọc bích này, ngoại trừ việc chúng ta vẫn đang ở trong tiến trình được chạm khắc. Chúng ta phải tin tưởng vào nhà điêu khắc bậc thầy, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng sẽ lấy đi những yếu điểm của chúng ta và biến chúng thành sức mạnh. Theo cách nhìn không hoàn hảo của chúng ta, đôi khi tập trung vào sự không hoàn hảo của mình và sau đó thất vọng vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ xứng đáng. Nhưng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, nhìn thấy con người mà chúng ta có thể trở thành. Khi chúng ta cho phép Sự Chuộc Tội của Ngài để tác động trong cuộc sống của mình, thì Ngài sẽ uốn nắn chúng ta thành những kiệt tác, mà một ngày nào đó sẽ sống với Vua của các vua.
“Trong thế giới của chúng ta, thường thì đạo đức dường như ít quan trọng hơn vẻ đẹp hoặc nhan sắc. Nhưng cách đây rất lâu, lời khuyên dạy của Chúa cho tiên tri Sa Mu Ên vang dội: “Đức Giê Hô Va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê Hô Va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa Mu Ên 16:7).
Đó là một thử thách để tự nhìn thấy mình như Chúa nhìn thấy chúng ta. Ngài nhìn thấy chúng ta là con cái của Thượng Đế với tiềm năng lớn lao và giá trị tuyệt vời. Nhưng đôi khi chúng ta tập trung vào những yếu điểm của mình. Cha Thiên Thượng đã không tạo ra chúng ta để bận tâm về những thiếu sót của mình mà là để trở thành những kiệt tác tuyệt mỹ. Qua phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta có thể khắc phục những yếu điểm của mình.
The post Podcast số 328 – Liahona tháng 10, 2014 – Bắp Cải Được Chạm Khắc từ Miếng Ngọc Bích – Ellen C. Jensen appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.