Phúc Âm Trọn Vẹn
Podcast số 320 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh năm 2022 – Một Tin Lành Sẽ Làm Một SựVui Mừng Lớn – Dallin H. Oaks
Bài của Chủ Tịch Dallin H. Oaks, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Chúc Mừng Giáng Sinh! Xin cảm ơn tất cả những người đã đóng góp các sứ điệp, âm nhạc, và sự phục vụ mà đã mang đến “một sự vui mừng lớn” vào mùa Giáng Sinh này.
Hàng triệu người đang kỷ niệm sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô trong mùa Giáng Sinh này. Cả thế giới nên làm như vậy. Ngài chính là Đấng vĩ đại nhất đã từng sống.
I.
Ngay cả theo cách diễn giải của thế gian, cuộc sống trần thế của Chúa Giê Su ở Na Xa Rét đã có ảnh hưởng lớn lao đến thế giới và lịch sử của nó hơn cuộc sống của bất kỳ ai khác. Ngài đã là chủ đề chính cho các vị tiên tri và các nhà thơ trong hàng ngàn năm. Các tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc vĩ đại nhất của thế giới phương Tây đã được dành ra để kỷ niệm sự giáng sinh, cuộc đời, và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô. Các triết gia và thần học gia đã dành cả đời họ để nghiên cứu những lời phán dạy của Ngài. Những lời phán dạy ấy đã truyền cảm hứng cho vô số công việc từ thiện, những biểu hiện cho tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô.
Không ai có nhiều công trình nhằm kỷ niệm cuộc đời và những lời giảng dạy của họ hơn Chúa Giê Su Ky Tô. Tất nhiên, điều này bao gồm các thánh đường vĩ đại nằm rải rác ở khắp Châu Âu và Châu Mỹ, nhiều công trình trong số đó đòi hỏi hơn một thế kỷ để xây dựng. Gần đây hơn, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có 171 đền thờ đã được làm lễ cung hiến và đang hoạt động, và 129 đền thờ khác đang được trùng tu, xây dựng, thiết kế, hoặc vừa được Chủ Tịch Russell M. Nelson loan báo gần đây trong đại hội trung ương tháng Mười. Những ngôi nhà của Chúa này đang hiện diện trên mỗi lục địa và trong 74 quốc gia trên thế giới. Đó là nơi để chúng ta cung hiến cuộc đời của mình cho việc noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.
Hàng triệu người đã hy sinh mạng sống của họ—và, quan trọng hơn, hàng triệu người đã sống theo gương Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên, Giê Hô Va, Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã không nói quá khi ông tuyên bố rằng: “Tấm gương độc nhất vô nhị của Ngài [là] quyền năng lớn lao nhất để mang đến sự tốt đẹp và bình an cho toàn thể thế gian.”1
II.
Chúng ta có thể nhận thấy mục đích và biểu tượng quan trọng trong lời loan báo thiêng liêng về sự giáng trần của Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế. Chúng ta học được từ những câu chuyện trong Kinh Tân Ước rằng sự giáng sinh của hài nhi Ky Tô ở phía đông bán cầu đã được loan báo cho ba nhóm người khác nhau, mỗi nhóm đều có những đặc điểm rất khác nhau. Những người nhận được sự loan báo từ thiên thượng về việc Chúa giáng sinh là những người rất khiêm nhường, rất thánh thiện, và rất khôn ngoan.
Lời loan báo đầu tiên được gửi đến những người chăn cừu trên các ngọn đồi ở Bết Lê Hem. Một thiên sứ và một ca đoàn từ thiên thượng đã tuyên bố “một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân … một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa.”2 Những người chăn cừu này có thể đã được chọn để nhận được tin mừng này bởi vì họ rất nhu mì và khiêm tốn. Do đó, họ đặc biệt nghe theo sứ điệp này từ thiên thượng, và đã xác thực bằng cách đến thăm hài nhi. Sau đó, theo như thánh thư ghi lại, họ “bèn thuật lại những lời thiên sứ nói về con trẻ đó.”3 Công việc chăn cừu của họ và những con cừu mà họ chăm sóc đều là các ví dụ mà Đấng Cứu Rỗi đã đưa ra trong lời giảng dạy của Ngài. Ngoài ra, khi Chúa Giê Su đến thăm Giăng Báp Tít vào lúc khởi đầu giáo vụ của Ngài, vị tiên tri đó đã tuyên bố: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.”4
Lời loan báo thứ nhì về sự giáng trần của Đấng Mê Si được đưa ra trong đền thờ ở Giê Ru Sa Lem cho hai người mà cuộc sống thánh thiện đã giúp họ hội đủ điều kiện để nhận được sự làm chứng từ Đức Thánh Linh. Khi Ma Ri và Giô Sép mang hài nhi Giê Su đến đền thờ để dâng của lễ được quy định cho đứa con đầu lòng, cả Si Mê Ôn lẫn An Ne đều làm chứng rằng Ngài chính là Đấng Mê Si. Thánh thư có chép rằng Si Mê Ôn đã ẵm lấy hài nhi và ngợi khen Thượng Đế vì đã cho phép ông nhìn thấy “sự cứu vớt của Ngài,” một nguồn sáng để “soi khắp thiên hạ, và làm vinh hiển cho dân Y Sơ Ra Ên là dân Ngài.” Và An Ne, “một bà tiên tri,” “cũng thình lình đến đó, ngợi khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông đợi sự giải cứu của thành Giê Ru Sa Lem.”5
Một nhóm người thứ ba đã biết được về sự giáng sinh phi thường này. Kinh Thánh, như đã được Joseph Smith cải thiện đôi chút, có chép rằng “có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê Ru Sa Lem, mà hỏi rằng, Đấng Mê Si của dân Giu Đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài.”6
Từ câu hỏi mà họ nêu ra, chúng ta không nghi ngờ gì rằng họ đã được Chúa dẫn dắt để thực hiện các mục đích thiêng liêng của Ngài. Kinh Thánh có dạy rằng: “Nếu không nhờ có Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời.”7 Các thầy thông thái này đến từ một vùng đất và nền văn hóa khác, vì vậy việc làm chứng cho họ chính là lời nhắc nhở rằng Đấng Mê Si được sinh ra cho tất cả mọi người. Ngoài ra, có thể còn có một mục đích khác. Giá trị của vàng và những món quà từ các nhà thông thái này có thể đã giúp Ma Ri và Giô Sép hành trình nhanh chóng đến Ai Cập và ở lại đó nhằm bảo vệ hài nhi Ky Tô khi mạng sống của Ngài đã bị đe dọa bởi mệnh lệnh độc ác từ Vua Hê Rốt.8
Có thú vị không khi sự kiện giáng sinh kỳ diệu của Đấng Ky Tô và tầm quan trọng của sự kiện đó chỉ được loan báo cho những người vô cùng khiêm nhường, vô cùng thánh thiện, và vô cùng khôn ngoan? Như Anh Cả James E. Talmage đã giảng dạy trong tài liệu Jesus the Christ [Chúa Giê Su Ky Tô], “Thật vậy, Thượng Đế đã gửi những nhân chứng của Ngài đến với mọi tầng lớp và hoàn cảnh của loài người—chứng ngôn của các thiên sứ đến với những kẻ nghèo hèn; chứng ngôn của các nhà thông thái đến với vị vua trịch thượng và những thầy tế lễ kiêu ngạo ở xứ Giu Đê.”9
Việc nhớ đến Si Mê Ôn và An Ne có thể truyền cảm hứng cho chúng ta để trở nên giống như họ và để cùng làm chứng về sự giáng sinh thiêng liêng và mục đích của nó trong mùa Giáng Sinh này.
III.
Đối với chúng ta, việc kỷ niệm sự giáng sinh của Đấng Ky Tô không có gì mới lạ. Sứ điệp đó rất quen thuộc và vượt thời gian. Nó đã được dạy cho A Đam. Nó đã được thuyết giảng cho con cái Y Sơ Ra Ên. Nó đã được tiết lộ cho hậu duệ của Tổ Phụ Lê Hi. Nhiều lần, các vị tiên tri đã tuyên bố các lẽ thật chính yếu trong những lời giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Nhiều lần, họ đã tuyên bố sứ mệnh của Ngài và giảng dạy về lệnh truyền của Ngài rằng con cái của Thượng Đế phải thương yêu và phục vụ Thượng Đế và phục vụ lẫn nhau. Được lặp đi lặp lại qua nhiều thời đại, các lời tuyên bố này là sứ điệp quan trọng nhất trong suốt thời vĩnh cửu. Đối với những môn đồ của Đấng Ky Tô, những lời tuyên bố này không được phép sửa đổi. Chúng cần được tái lập trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Lễ Giáng Sinh khơi dậy trong chúng ta ước muốn được làm nhiều hơn để thể hiện tình thương yêu đến với tất cả mọi người. Lời tuyên ngôn từ thiên thượng về “bình an dưới đất, ân trạch cho loài người”10 không chỉ giới hạn cho những người mà chúng ta đã thương yêu rồi. Nó còn yêu cầu chúng ta hướng thiện chí đến những người bạn bình thường, những người xa lạ, thậm chí cả kẻ thù. Lễ Giáng Sinh cũng là dịp để tha thứ, là thời điểm để chữa lành các vết thương cũ và phục hồi lại những mối quan hệ đã rạn nứt.
Lễ Giáng Sinh là lúc để loại bỏ sự kiêu ngạo và khiêu khích, để kiềm chế sự chỉ trích, thực hành tính kiên nhẫn, và để giảm bớt sự khác biệt giữa mọi người. Chúng ta có động lực để kết tình thân hữu với tất cả mọi người, cả những người tín hữu lẫn người ngoại đạo, để tuân theo lệnh truyền mà Thượng Đế đã phán bảo tiên tri Môi Se ban cho các con cái của Y Sơ Ra Ên:
“Khi kẻ khách nào kiều ngụ trong xứ các ngươi, thì chớ hà hiếp người.
“Kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi sẽ kể như kẻ đã sanh đẻ giữa các ngươi, hãy thương yêu người như mình.”11
Lễ Giáng Sinh là lúc để nhớ rằng tất cả chúng ta đều là con cái của Cha Thiên Thượng, là Đấng đã ban cho Con Trai Độc Sinh của Ngài ngõ hầu tất cả có thể được cứu chuộc khỏi cái chết, và là Đấng đã ban các phước lành cứu rỗi và tôn cao cho toàn thể nhân loại với các điều kiện giống nhau.
Là các môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta phải là những người thân thiện và ân cần nhất trong tất cả mọi người ở bất cứ nơi đâu. Chúng ta nên dạy con cái của mình phải đối xử tử tế và quan tâm đến tất cả mọi người. Tất nhiên, chúng ta phải tránh các mối quan hệ và sinh hoạt nào làm ảnh hưởng đến phẩm hạnh hoặc làm suy giảm đức tin và việc thờ phượng của chúng ta. Nhưng điều đó không nên ngăn cản chúng ta nỗ lực hợp tác với những người khác đến từ mọi tín ngưỡng—cả người tin lẫn kẻ không tin.
Cách đây vài thập niên, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã phát biểu như sau:
“Các mục đồng thời xưa đã tìm kiếm hài nhi Giê Su. Nhưng chúng ta tìm kiếm Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Người Anh Cả của chúng ta, Đấng Biện Hộ cho chúng ta trước Đức Chúa Cha, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Cội Rễ của sự cứu rỗi của chúng ta, Ngài là Đấng từ lúc khởi đầu đã ở cùng Đức Chúa Cha; Ngài là Đấng đã tự nhận lấy các tội lỗi của thế gian và đã rất sẵn lòng chết để chúng ta có thể được sống mãi mãi. Đó chính là Chúa Giê Su mà chúng ta tìm kiếm.”12
Các Thánh Hữu Ngày Sau đặc biệt hội đủ điều kiện để kỷ niệm sứ điệp cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô trong suốt cả năm. Chúng ta có ân tứ Đức Thánh Linh, là Đấng mang sứ mệnh để làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.13 Chúng ta là con cái của Cha Thiên Thượng, là Đấng đã phán: “Đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”14 Và các tiên tri của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, chính là Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên, đã rao giảng phúc âm của Ngài:
“Ngài đã đến với thế gian, Ngài là Giê Su, để bị đóng đinh trên thập tự giá vì thế gian, và để mang tội lỗi của thế gian, và để thánh hóa thế gian, và tẩy sạch nó khỏi mọi sự bất chính;
“Rằng nhờ Ngài mà tất cả đều có thể được cứu rỗi, những người mà Đức Chúa Cha đã đặt vào quyền năng của Ngài và đã do Ngài tạo ra;
“Ngài vinh danh Đức Chúa Cha, và cứu rỗi tất cả những công trình do tay Ngài tạo ra.”15
Do đó, trong Giáo Hội phục hồi của Ngài, chúng ta tuyên bố “rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”16 Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
The post Podcast số 320 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh năm 2022 – Một Tin Lành Sẽ Làm Một SựVui Mừng Lớn – Dallin H. Oaks appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.